Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

SÁNG ÁNH 10/05/2019 18:05 GMT+7

TTCT - 900 triệu cử tri trong vòng 38 ngày (đến 23-5) đang chọn 545 đại biểu quốc hội tại Ấn Độ. Theo chế độ dân chủ đại nghị kiểu Anh quốc, hạ viện sẽ bầu thủ tướng là người đứng đầu hành pháp.

Cử tri Ấn Độ xếp hàng chờ bỏ phiếu. Ảnh: Sky News
Cử tri Ấn Độ xếp hàng chờ bỏ phiếu. Ảnh: Sky News

Với 7 chính đảng toàn quốc, 51 đảng cấp bang và 1.785 đảng không đủ điều kiện được “công nhận chính thức” - tức chưa từng giành được một số phiếu tối thiểu theo quy định nhưng vẫn có quyền tranh cử, đây là cuộc bầu cử vĩ đại nhất toàn cầu.

Lên rừng xuống biển

12 triệu nhân viên bầu cử lên rừng xuống biển, với phòng phiếu cao nhất ở độ cao 4.327 mét (khu vực Ladakh, bang Jammu và Kashmir) chỉ có 12 cử tri, hay phòng phiếu tại quần đảo Andaman và Nicobar, chỉ có 9 cử tri.

Hai phòng phiếu ít cử tri nhất là tại bang Gujarat, chỉ có 1 cử tri đăng ký, cũng như phòng phiếu tại bang Arunal Pradesh, nhân viên bầu cử lặn lội đến và đợi cử tri duy nhất này thực hiện quyền công dân. Không biết tại các phòng phiếu tí hon này có ai quan sát, nhưng Ủy ban bầu cử cho biết cả nước có 142.000 quan sát viên bầu cử và 140.000 người quay phim, chụp ảnh để ngăn ngừa việc gian lận.

Tất nhiên, về nguyên tắc là thế, còn thực tế, đòi hỏi tổ chức một cuộc bầu cử cho 900 triệu cử tri, kéo dài thành 7 giai đoạn, ở cả một tiểu lục địa, phải chỉn chu ngăn nắp, không chút tiêu cực, là điều bất khả.

Ở cấp huyện chẳng hạn, chuyện mua bán phiếu, dụ dỗ hay hăm dọa là thường tình. Cũng còn nhiều khúc mắc khác trước, trong, và sau bầu cử. Năm 2019 này, nổi cộm là 4 triệu cử tri vùng Assam không được bỏ phiếu vì không chứng minh được là họ đã sống ở Ấn từ trước năm 1971.

Vùng này có nhiều di dân gốc Bangladesh, lẫn lộn với người đồng tộc Bengali tại Ấn và dùng giấy tờ giả mạo quốc tịch Ấn. Đa số người tộc Bengali là Hồi giáo, đang gặp phải mâu thuẫn lớn với đa số Ấn Độ giáo. Năm 2014, Đảng Dân tộc Ấn Độ giáo (BJP) thiên hữu một mình chiếm 282/545 ghế tại hạ viện (Lok Sabha) và cầm quyền mà không cần liên minh với đảng nào khác.

Đây là chuyện hi hữu ở một thể chế đại nghị khổng lồ như Ấn Độ. Với số đảng nhiều như đã kể, 31% số phiếu của BJP năm 2014 là một kỳ tích thật sự, tỉ lệ phiếu đã đưa ông Narendra Modi lên nắm quyền với sự ủy nhiệm vững chắc.

Đối lập với BJP là Đảng Quốc đại, từng cầm quyền từ ngày độc lập. Lãnh đạo Đảng Quốc đại hiện là ông Rahul Gandhi, nếu làm thủ tướng thì cũng đã có tiền lệ trong gia đình. Ông cố nội (Nehru), bà nội (Indira) và cha ông (Rajiv) đều từng làm thủ tướng. Mẹ ông, người gốc Ý, khi ông còn trẻ phải làm tạm chức chủ tịch đảng để giữ chỗ cho con.

Họ nhà Gandhi cai trị Ấn Độ truyền kiếp từ ngày độc lập nhưng đến đời thứ tư thì gặp phải một người thừa kế bị coi là hơi kém, là ông Rahul. Nhưng vì là con trai nên ông phải nối nghiệp (có lẽ bất đắc dĩ), trong khi cô em gái Priyanka lanh lợi hơn nhiều.

Ấn Độ là một nước mà tổng sản lượng bình quân đầu người theo ngang giá sức mua (IMF 2018) hơn Việt Nam chút xíu, nhưng với số dân khổng lồ, là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Từ ngày đổi mới (1991), kinh tế Ấn Độ tăng trưởng đều đặn trên 6% mỗi năm, mấy năm gần đây nhất còn cao hơn Trung Quốc. Tổng sản lượng Ấn Độ vừa vượt Pháp, và theo dự tính sẽ vượt Anh, Đức, Nhật Bản trong những năm tới, để 2030 trở thành cường quốc kinh tế thứ 3, sau khi Trung Quốc vượt Hoa Kỳ.

Mươi năm tới, theo PriceWaterhouseCooper, GDP Ấn Độ (19.500 tỉ USD) sẽ gấp khoảng 6 lần Anh quốc, suýt soát Hoa Kỳ (23.500 tỉ USD) nhưng vẫn còn xa vời giấc mộng đuổi kịp Trung Quốc (38.000 tỉ USD). Dĩ nhiên, đây là dự tính tương lai nếu không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, như chiến tranh nguyên tử với người anh em Pakistan.

Chuyện siêu cường này đối với Ấn Độ không phải là mới, năm 1700 (Angus Maddison), tiểu lục địa Ấn Độ (bao gồm cả Pakistan và Bangladesh ngày nay) là cường quốc kinh tế số một thế giới (90,7 tỉ USD), xếp trên Trung Quốc (82,8 tỉ) và hơn tất cả Tây Âu cộng lại (8,4 tỉ).

Donald Trump của Ấn Độ

Thủ tướng Modi xuất thân từ chức thủ hiến bang Gujarat (60 triệu dân) với thành tích “tự do hóa” và phát triển kinh tế tại bang này. Năm 2014, hứa hẹn của ông là biến cả nước theo gương Gujarat, nhưng việc triển khai không được như ý và như sự trông đợi của cử tri.

Tuy Ấn Độ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhưng không đủ để thỏa mãn nhu cầu của quần chúng. Quốc nạn tham nhũng không giải quyết được, và về mặt đó, hai đảng lớn nhất quyết liệt tố cáo lẫn nhau. Đảng Quốc đại dính chuyện tham ô điện thoại di động (xìcăngđan “2G”, 40 tỉ USD), còn BJP cầm quyền là bê bối mua bán vũ khí với nước ngoài.

Cuối năm 2016, ông Modi ra chiến dịch đổi tiền giấy, tuyên bố là giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee (tương đương 7,5 và 15 USD) mất hiệu lực ngay lập tức, vào đúng nửa đêm trong ngày. Lý do là đánh tham nhũng, buôn lậu và trốn thuế, nhưng ta có thể tưởng tượng việc này gây xáo trộn ra sao.

Các tờ bạc giấy này có thể đổi tiền mới trong hạn 50 ngày, mỗi người được đổi 60 USD, rồi mức này được tăng lên thành 68 USD trong vài ngày, rồi lại hạ xuống còn có 30 USD. Du khách được quyền đổi 75 USD, nhưng 400.000 xe tải không có tiền mặt để đổ xăng ngưng chạy làm tắc nghẽn và chậm trễ mọi việc. Giá vàng tăng vụt và các đền chùa vì được miễn mức đổi giấy bạc, tự nhiên thấy thùng công đức tăng vọt, toàn giấy lớn bị cấm. Thủ tướng Modi bị thiệt hại lớn trong lòng dư luận.

Nhưng ông Modi có chiêu khác. Như tại Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga..., hay là tại Mỹ, ông tài tình lướt trên đợt sóng dân túy. Dân túy là “hồn nước”, và nhiều nơi cái hồn này là tôn giáo, Kitô chính thống ở Nga, Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Kitô truyền đạo (Evangelical) ở Hoa Kỳ.

Ông Modi dựa vào Ấn giáo, vào quá khứ huy hoàng của bán lục địa trong lịch sử, vào tinh thần dân tộc chủ nghĩa. “MIGA” hay “Make India Great Again” (Làm Ấn Độ vĩ đại trở lại) có thể là châm ngôn tranh cử của Modi như MAGA - “Make America Great Again” của Donald Trump. “India First” (Ấn Độ trên hết) là một châm ngôn tương tự nữa. Từ dân tộc chuyển sang thiên hữu là khoảng cách không xa: BJP bị cáo buộc bài xích các thiểu số tôn giáo và giai cấp dưới đáy của Ấn giáo, điển hình là chiến dịch “Bảo vệ bò”.

Dưới thời kỳ Modi, các vụ “Bảo vệ bò” tăng vụt, có cả vệ binh gậy gộc đi lùng đánh giết thành phần được cho là xâm phạm loài vật thiêng của Ấn giáo này. Những người bị nhắm tới chỉ có thể là thành phần tôn giáo khác, hay giai cấp tận cùng “không ai dám đụng tới” vì khinh rẻ (Dalit) của Ấn giáo. Phong trào này được ủng hộ rộng hơn là phong trào... đổi tiền, và dễ gây kích động, tương tự phong trào bài di dân (Kitô công giáo) hay bài Hồi giáo ở Mỹ.

Giới Ấn giáo dân tộc chủ nghĩa không chỉ bảo vệ bò mà còn “bảo vệ” cả phụ nữ Ấn giáo: vạch mặt các trai Hồi giáo quyến rũ các thiếu nữ Ấn giáo để họ theo chồng bỏ đạo và nguồn gốc ông cha (Love Jihad, thánh chiến con tim)! Mạng xã hội, vốn rất phổ thông tại Ấn, đã là khí cụ thổi phồng những tin nhảm, tin giả, và tin vô căn cứ này để kích động thù hận.

Điểm tương đồng giữa hai ông Trump và Modi không dừng ở đó. Nếu quỹ tranh cử của ông Trump năm 2016 là trên 600 triệu USD thì quỹ tranh cử 2014 của ông Modi là 700 triệu USD! Nhại câu phát biểu nổi tiếng của Kennedy thì có thể nói “Đừng hỏi Modi đã làm gì cho giới doanh gia và tài phiệt, nhưng hãy hỏi giới này đã làm gì cho Modi”.

Vế đầu ta không biết rõ lắm, nhưng vế sau là 700 triệu USD của các doanh nghiệp và tập đoàn đưa ông lên chức thủ tướng. Đây là một con số rất lớn với một nước như Ấn Độ, mà GDP hiện chỉ bằng 1/7 Hoa Kỳ.

Tuyên truyền tranh cử của ông Modi không ngớt nhắc nhở với cử tri việc ông Trump ủng hộ đương kim thủ tướng Ấn Độ, bày hình ảnh của hai người sát cánh. Ngụ ý còn là ông Trump ngưỡng mộ Thủ tướng Modi, chính là người đã đưa tay chỉ cho tổng thống Mỹ con đường tương lai, ví như đại kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại mới!

Thật ra, ông Modi không phải là người đầu tiên ăn theo chiến lược bầu cử kiểu Trump, thậm chí là khai thác hình ảnh chính ông Trump. Cuộc bầu cử vừa qua tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng xây dựng hình ảnh ông và Tổng thống Trump tay trong tay, nhìn chung về một chân trời!

Các thăm dò đều cho thấy liên minh của BJP nắm phần thắng năm nay! Đảng Quốc đại được sự ủng hộ của cánh tả tại quốc hội (liên minh UPA), nhưng có vẻ khó mà lật ngược tình thế, chí ít là trong cuộc bầu cử này. Kỳ bầu cử sau, họ vẫn có hi vọng trở lại, nếu ông Modi lại có thêm vài ba bận đổi tiền nữa.■

Chính sách với nước láng giềng Pakistan luôn có vai trò lớn trong bầu cử ở Ấn Độ. Sau khi thực dân Anh rút lui ở tiểu lục địa, Pakistan tách khỏi Ấn Độ trên căn bản tôn giáo và hai nước không ngớt xung đột vì vấn đề khu vực Kashmir - khu vực đa số Hồi giáo nhưng lại thuộc liên bang Ấn Độ.

Số người Hồi giáo tại Ấn Độ (200 triệu) tương đương với số người Hồi giáo ở Pakistan hay tại Indonesia, và có thể kể Ấn là 1 trong 3 nước nhiều người Hồi giáo nhất thế giới. Bất chấp điều đó, ở Ấn Độ, họ vẫn là thiểu số chiếm 15% dân số, so với 80% theo Ấn giáo. Và khác với Pakistan (96% theo Hồi) hay Indonesia (87%), hơn 200 triệu người Hồi giáo tại Ấn là một vấn đề nhức nhối như thấy trong cuộc bầu cử 2019 này, với 4 triệu người tại Assam bị tước quyền công dân tập thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận