'Chúng tôi vô cùng quan ngại về tương lai của mình' 

HẠNH NGUYÊN 02/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Trong tuần trước, hàng triệu học sinh trên thế giới đang tham gia hơn 2.500 sự kiện vì khí hậu trên 163 nước ở khắp các châu lục, kêu gọi chính phủ các nước hành động khẩn cấp để đẩy lui khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Những thanh niên học sinh Đức trong một đợt tuần hành vì môi trường. Ảnh: Spiegel
Những thanh niên học sinh Đức trong một đợt tuần hành vì môi trường. Ảnh: Spiegel

Đây không phải là lần đầu diễn ra hoạt động này, nhưng rất có thể với lần này, sự kiên trì bền bỉ của các nhà hoạt động trẻ tuổi của một phong trào xuất phát từ dưới lên sẽ khiến lời nói của họ được lắng nghe.

“Chúng ta sẽ khiến họ nghe thấy tiếng mình”

Ở rất nhiều quốc gia, ngày càng nhiều người lên tiếng ủng hộ các thanh niên, học sinh bãi khóa, xuống đường tuần hành tham gia ngày Thứ sáu vì tương lai (#FridaysForFuture). Họ có ba yêu cầu chính: chuyển sang dùng năng lượng sạch, chấm dứt phá rừng, bảo vệ đại dương và áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Khủng hoảng khí hậu sẽ không chờ đợi. Chúng tôi cũng thế” - Tuyên bố trên trang globalclimatestrike.net, nơi cung cấp thông tin toàn cảnh về các đợt tuần hành, nhấn mạnh.

Những người trẻ tuổi đã đánh thức cả thế giới với Fridays For Future, khi sự cấp thiết của khủng hoảng khí hậu đòi hỏi một hướng tiếp cận mới. Thực tế, không ai thoát khỏi cơn khủng hoảng của biến đổi khí hậu dù ở tầng lớp và thế hệ nào.

Và những người trẻ tuổi chính là thế hệ đang và sẽ chịu hậu quả của những hành vi vô trách nhiệm với môi trường hiện nay rõ ràng nhất.

30 năm kể từ khi thế giới biết đến thảm họa về biến đổi khí hậu có thể dẫn tới sự diệt vong của loài người, vô số nghiên cứu, phát biểu và các quyết tâm chính trị đã được đưa ra. Nhưng thực tế, quyền lợi của các quốc gia, các doanh nghiệp khổng lồ, những con số về tăng trưởng kinh tế vẫn khiến các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách nhắm mắt đánh đổi tương lai của những thế hệ tiếp theo.

Đại dương đang dâng lên và chúng tôi cũng thế” - tấm biển của Martha Lickman, 13 tuổi, tại London, viết. “Mùa đông KHÔNG đến”, “Tương lai của ai? Tương lai của chúng ta!” - những sinh viên từ Trường trung học Montgomery Blair ở Silver Spring hô to trên đường tuần hành tới tòa nhà Chính phủ Mỹ.

Tại Washington, Allyson Brown, 35 tuổi, và con gái 5 tuổi cùng tham gia tuần hành. “Đây chính là trường học ngày hôm nay” - chị nói. “Chúng tôi cũng làm phần việc nhỏ bé của mình, ăn ít thịt, dùng ít đồ nhựa - Lickman, 13 tuổi nói - Nhưng việc lớn thì chính phủ vẫn phải làm trách nhiệm của họ”. 

“Tôi hi vọng các chính trị gia nghe thấy chúng tôi. Dường như họ đang không làm gì cả” - Albe Gils, 18 tuổi, nghỉ học để tham gia đám đông tuần hành trước tòa thị chính ở Copenhagen (Đan Mạch), cho biết.

Trẻ em, thanh thiếu niên thường cảm thấy bất lực trước những hành động mà người lớn làm với họ. Một thế giới hiện hữu do người lớn sắp đặt và dẫn dắt, khi người lớn ở những vai trò quyết định.

Trẻ em chỉ được tham gia khi đã đủ tuổi bỏ phiếu bầu cử, thụ động chịu hậu quả những sai lầm của người lớn, và chỉ có thể tham gia “sửa chữa” những sai lầm của những thế hệ trước sau khi các em thực sự có mặt trong lực lượng lao động của xã hội.

Nhưng giờ đây, với #FridaysforFuture, thông điệp đã rõ ràng “Đủ rồi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng sự bất công này nữa”. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những cử tri trẻ tuổi ở các nền dân chủ đang trở nên phẫn nộ với các tiến trình chính trị mà họ cho rằng đã không thể giải quyết được những quan ngại của thế hệ trẻ, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Tôi có cảm giác rằng các chính trị gia chỉ tập trung vào việc kiếm phiếu bầu cho lần bầu cử tiếp theo” - sinh viên 25 tuổi Jakob Lochner, người tham gia biểu tình ở Berlin (Đức), cho biết.

Một báo cáo của UNICEF năm 2019 (A Climate for Change: 2019 Young Ambassador Report) cho biết tại Úc, hàng trăm ngàn người tuần hành ở Melbourne, Sydney và các thành phố khác khi tình trạng môi trường toàn cầu khiến họ “mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định”.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét hiện tượng này ở châu Âu và đưa ra kết luận tương tự. Gần 1/2 người được hỏi ở châu Âu cho biết họ không tin vào chính trị gia chút nào.

Các cuộc tuần hành diễn ra ngày càng nhiều, được lan tỏa bằng mạng xã hội. Trong đầu tháng 9 này, các cuộc tuần hành trùng với đợt họp Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York, bắt đầu ngày 20-9.

Hàng triệu người, từ Manhattan tới Mumbai, đã xuống đường vào thứ sáu tuần qua, hát, hô vang khẩu hiệu, giơ cao biểu ngữ tự làm cùng những lời lẽ cứng rắn với các lãnh đạo thế giới: Hãy có nhiều hành động thiết thực hơn để chống lại biến đổi khí hậu, hãy làm nhanh hơn để dừng việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm khí thải CO2.

Họ đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải coi vấn đề môi trường và khí hậu là nghiêm trọng, không phải chuyện đầu môi chót lưỡi.

Cho dù số người tham gia các cuộc tuần hành là rất lớn, chưa rõ liệu có ảnh hưởng gì tới các thế lực toàn cầu có tác động tới các thỏa thuận và các cách mà thế giới vận hành dựa vào nhiên liệu hóa thạch và ngày càng tác động xấu tới môi trường hiện nay hay không.

Tổng thư ký LHQ António Guterres đến nay vẫn kiên trì kêu gọi các quốc gia thực thi các hành động, như đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050, cắt giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, và dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

Cuộc tuần hành này diễn ra sau hơn sáu tháng kể từ cuộc tuần hành quy mô lớn lần đầu diễn ra tại Đức với hàng trăm ngàn người tham gia với nỗ lực tương tự. Lần này, chỉ riêng tại Đức đã có 1,4 triệu người tham gia hơn 500 sự kiện liên quan, trong đó có đợt tuần hành lớn ở cổng thành Brandenburg (Berlin).

Đó là thời điểm mà chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel chịu áp lực trước những đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ hơn của người dân, yêu cầu chính phủ phải có những hành động thích đáng và thực tế với vấn đề biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Merkel đã phải công bố một gói chương trình nhằm đưa Đức trở lại hành trình đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Berlin hứa tới năm 2030, Đức sẽ cắt khí thải 55% so với năm 1990. Gói hành động có cả khoản đầu tư 60 tỉ đô vào các lĩnh vực như tàu, xe điện, trợ cấp cho các tòa nhà sử dụng năng lượng xanh.

Tại Matxcơva (Nga), Arshak Makichyan - nghệ sĩ violin 24 tuổi - đã tổ chức tuần hành một mình, sau khi chính phủ bác đơn tuần hành tập thể của anh. Nga là nước chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu và là nước thải ra khí thải nhà kính lớn thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Những người đi trước

Nhưng lần lại lịch sử, bãi khóa vì biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ tháng 11-2015, khi một nhóm sinh viên độc lập mời các sinh viên trên khắp thế giới cùng nghỉ học vào ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ ở Paris.

Các thành viên của cộng đồng bản địa Sarayaku đi trên xuồng để biểu tình chống các hoạt động làm gia tăng ô nhiễm trái đất.. Bộ lạc này đang chống lại các công ty dầu mỏ muốn khai thác đất đai của tổ tiên họ và đã đi xuồng từ rừng nhiệt đới Ecuador đến COP21 để đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe và nâng cao nhận thức về nguy cơ đối với cách sống của họ, nơi con người, động vật và thực vật sống hòa thuận. Ảnh: Thomas Samson / AFP

Vào ngày 30-11-2015, ngày đầu tiên của hội nghị, bãi khóa đã diễn ra ở hơn 100 nước với sự tham gia của hơn 50.000 người. Phong trào tập trung vào ba yêu cầu chính: 100% năng lượng sạch; dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch và giúp đỡ dân tị nạn khí hậu.

Làn sóng thứ nhất của #FridaysforFuture diễn ra khắp thế giới từ tháng 11-2018. Ở Úc, hàng ngàn sinh viên đã xuống đường dù Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi “học ở trường nhiều hơn và bớt các hành động xã hội đi”.

Cuộc tuần hành tiếp tục diễn ra ở ít nhất 270 thành phố vào tháng 12 ở Úc, Áo, Bỉ, Canada, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Colombia, New Zealand và Uganda. Các cuộc biểu tình lớn diễn ra ngày 17 và 18-1, ít nhất 45.000 sinh viên xuống đường tại Thụy Sĩ và Đức.

Ở một số nước như Anh và Đức, học sinh đòi phải sửa luật để hạ tuổi bỏ phiếu xuống còn 16 tuổi, để cử tri trẻ có thể tác động lên các cuộc bầu cử theo mong muốn của họ. Ở Đức, các nhóm được tổ chức trên nền tảng WhatsApp, truyền thông điệp dùng tờ rơi và mạng xã hội. Vào tháng 2-2019, đã có 155 nhóm tham gia.

Các cuộc biểu tình cũng đã kết thúc sinh mạng chính trị của một số chính trị gia không theo kịp thời cuộc. Bộ trưởng Môi trường Bỉ Flander Joke Schauvliege đã phải từ chức vào ngày 5-2-2019, sau khi nói một cách sai lệch rằng cơ quan an ninh nội địa có bằng chứng là các cuộc bãi khóa ở Bỉ là được sắp xếp.

Tại Anh ngày 13-2, đáp ứng lời kêu gọi của phong trào chính trị xã hội Extinction Rebellion, 224 giáo viên đã ký vào thư ngỏ đồng ý ủng hộ học sinh tham gia bãi khóa vì khí hậu. Ngày 15-2, hơn 60 cuộc đã diễn ra ở khắp nước Anh, với sự tham gia của khoảng 15.000 người.

Các nhà khoa học cũng tham gia, như Stefan Rahmstorf - Viện nghiên cứu tác động của khí hậu Potsdam, đã phát biểu tại một cuộc tuần hành ở Potsdam (Đức). Tháng 2-2019, chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker đã tuyên bố, bên cạnh nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg, là sẽ dự kiến chi hàng tỉ euro nhằm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, tương đương 1/4 ngân sách của EU.

Tháng 3-2019, 700 nhà nghiên cứu Đức đã ký tuyên bố ủng hộ bãi khóa tại Đức và đã có 26.800 nhà khoa học từ Đức, Áo và Thụy Sĩ cùng ký sau đó.

Tháng 5-2019, trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Sibiu (Romania), đại diện của phong trào từ khắp châu Âu đã gặp gỡ một số lãnh đạo các quốc gia châu Âu, trao thư ngỏ có chữ ký của 16.000 người bãi khóa ở châu Âu và những người ủng hộ họ.

Ngày 1-3, 150 học sinh, trong đó có Greta Thunberg, đã công bố một thư ngỏ trên báo The Guardian. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi, những người trẻ tuổi, vô cùng quan ngại về tương lai của mình… Chúng tôi chính là một tương lai không có tiếng nói của loài người. Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự bất công này nữa. Chúng ta sẽ phải coi khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng thực sự...”. Ước tính có hơn 1 triệu người tham gia 2.200 sự kiện khắp toàn cầu.

Làn sóng thứ hai bắt đầu tại New Zealand và Úc vào ngày 24-5. Hàng trăm ngàn học sinh trên khắp thế giới, tại 1.600 thành phố, ít nhất 125 quốc gia đã tham gia. Greta Thunberg, một trong những nhà tổ chức, đã muốn gây tác động tới cuộc bầu cử quốc hội của châu Âu. Biến đổi khí hậu được xem là vấn đề quan trọng nhất với cử tri Đức.

Hội nghị quốc tế tại Lausanne diễn ra từ ngày 5 đến 9-8 với sự tham gia của 450 thanh niên từ phong trào bãi khóa tham gia hội nghị “Smile for Future” (Nụ cười cho tương lai), kết thúc bằng việc ra Tuyên bố khí hậu Lausanne về giá trị, mục tiêu và các phương thức đo lường mà phong trào đưa ra.

Cuộc bãi khóa xuyên thế hệ vào tháng 9 hiện nay diễn ra song song với hội nghị của LHQ tại New York và phong trào Earth Strike trong suốt tuần lễ từ ngày 20 đến 27-9, với sự tham gia tổ chức tích cực của 350.org - tổ chức môi trường quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các trường công của New York City đã tuyên bố sẽ cho phép học sinh tham gia nếu cha mẹ đồng ý. Một số doanh nghiệp Úc đã thành lập Liên minh Not Business As Usual alliance và khích lệ nhân viên tham gia. Trong các cuộc tuần hành ngày 20-9, các nhà tổ chức cho biết hơn 4 triệu người đã tham gia trên khắp thế giới.

Các công ty công nghệ như Amazon, Facebook, Microsoft, Google đều đồng ý cho nhân viên tham gia, trong khi Kickstarter, Tumblr và Wordpress cùng khoảng 6.000 website tham gia cuộc bãi công kỹ thuật số, điều hướng người xem về các thông tin về phong trào và chia sẻ những hình ảnh màu xanh sáng tỏ ý đoàn kết với phong trào. ■

Thông điệp của tôi là "Chúng tôi sẽ theo dõi quý vị"

“Nếu các lãnh đạo thế giới không làm được những việc cần phải làm, thế hệ của chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ” - bài phát biểu của Greta Thunberg tại LHQ ngày 23-9 có những lời lẽ rất thẳng thắn.

“Mọi việc dường như đang quá sai. Tôi không nên đứng ở đây. Tôi đáng lý phải ở trường học ở bờ bên kia đại dương. Nhưng tất cả quý vị lại đến đây gặp tôi để hi vọng? Sao quý vị dám như vậy! Quý vị đã cướp mất giấc mơ, tuổi thơ của tôi bằng những lời lẽ rỗng tuếch! Kể cả như vậy thì tôi vẫn còn may mắn. Bao người đang chịu đựng sự khốn cùng. Đang chết.

Toàn bộ hệ sinh thái đang bị hủy diệt. Chúng ta đang ở ngưỡng của sự diệt vong hàng loạt. Chúng ta đang ở giữa tình trạng khủng hoảng về khí hậu và họ chỉ nói về tiền, và những chuyện thần tiên về tăng trưởng kinh tế mãi mãi. Làm sao quý vị dám như vậy!

Trong hơn 30 năm qua, khoa học đã chứng minh quá rõ ràng. Làm sao quý vị lại tiếp tục quay mặt đi? Và đến đây để nói rằng quý vị đã làm đủ rồi, khi mà chính trị và các giải pháp cần thiết đều không thấy đâu?

“Quý vị nói quý vị “nghe” thấy chúng tôi và hiểu được sự cấp bách. Nhưng dù có buồn bã và tức giận, tôi không muốn tin vào điều đó. Vì nếu quý vị thực sự hiểu tình hình và vẫn không hành động gì thì quý vị hẳn là ác quỷ. Và tôi từ chối tin vào điều đó”

Thực tế, ý tưởng phổ biến là nếu cắt khí thải nhà kính xuống ½ trong 10 năm, chúng ta có 50% cơ hội để nhiệt độ trái đất tăng chưa tới 1,5 độ C, và rủi ro xảy ra của một chuỗi phản ứng không thể đảo ngược sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.

Có thể 50% chấp nhận được với quý vị. Nhưng những con số này không gồm những điểm bùng phát, những lỗ hổng, sự ấm lên toàn cầu chưa tính tới các yếu tố nhiễm không khí hay các khía cạnh của công bằng và hợp lý.

Trái đất cũng dựa vào tôi và thế hệ con cháu tôi, hít hàng trăm tỉ tấn CO2 mà quý vị thải ra... Vì vậy, rủi ro 50% đơn giản là không thể chấp nhận được với chúng tôi - những người sẽ phải sống với hậu quả.

Để có 67% cơ hội trái đất chỉ tăng nhiệt thêm 1,5 độ C - khả năng tốt nhất mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra - thế giới đã phải dừng phát thải 420 gigaton khí CO2 từ ngày 1-1-2018.

Ngày nay, con số này đã giảm xuống ít hơn 350 gitaton. Làm sao quý vị có thể giả vờ rằng chuyện này có thể giải quyết với những doanh nghiệp như hiện tại và một vài giải pháp kỹ thuật? Với mức độ khí thải như hiện nay, ngân sách CO2 còn lại sẽ bị tiêu hết trong vòng tám năm rưỡi nữa...

Sẽ không có một giải pháp hay kế hoạch nào có thể giải quyết được những con số này hiện nay. Vì những con số này quá gây bức bối khó chịu với quý vị. Và quý vị vẫn chưa đủ trưởng thành để nói thực sự về nó.

Quý vị đang không làm được những gì chúng tôi kỳ vọng. Nhưng những người trẻ tuổi đang bắt đầu hiểu được sự phản bội của quý vị. Những cặp mắt của các thế hệ tương lai đang dõi theo quý vị. Chúng tôi sẽ không để quý vị thoát khỏi đâu. Chính tại nơi này là cột mốc. Thế giới đang tỉnh giấc. Và thay đổi đang đến, dù quý vị có thích điều đó hay không.

“Tôi chưa nhìn thấy cái gì giống như kế hoạch,” David Wallace-Wells, nhà báo của tờ New York Magazine nhớ lại lời tỉ phú Bill Gates đã nói khi được hỏi liệu ông có thấy con đường nào dẫn tới tương lai trái đất chỉ tăng thêm chưa tới 2 độ C không.

“Sẽ rất tuyệt nếu chúng ta dừng lại ở 2 độ C” - Gates nói - “Chỉ trừ phi có cái gì là tiến bộ khoa học cực lớn, tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra”. Mục tiêu mà LHQ công bố 1,5 độ C? “Chúng ta không bao giờ đạt được điều đó. Chấm hết” - ông nói.

Tỉ phú Bill Gates trong những năm gần đây đã tập trung vào hỗ trợ các nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Còn Greta, người bắt đầu nghe tới cụm từ “biến đổi khí hậu” và “nóng lên toàn cầu” khi 8 tuổi, đã phát ốm khi hiểu ra sự thật về nguy cơ biến mất của nền văn minh nhân loại mà người lớn quanh mình không làm gì để ngăn chặn, đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng của một cá nhân ở tuổi thiếu niên, khi đánh thức lương tâm và kêu gọi những người cùng độ tuổi với mình trên khắp thế giới xuống đường bằng lời hiệu triệu: “Hoặc là nền văn minh của chúng ta tồn tại, hoặc là không. Chúng ta phải thay đổi”.

(Toàn văn phát biểu của Greta có thể nghe trên website của Liên Hiệp Quốc news.un.org)

Tác nhân Greta Thunberg

Trong số các cuộc tuần hành, lớn nhất và nổi bật nhất là do Greta Thunberg dẫn đầu ở New York vào ngày 20-9. Phong trào tuần hành được tổ chức từ dưới lên #FridaysForFuture này do Greta gợi cảm hứng và dẫn dắt.

Bãi khóa vì khí hậu, còn được biết đến là Fridays for Future (FFF), Youth for Climate và Youth Strike 4 Climate, là phong trào quốc tế của học sinh nghỉ học, tham gia tuần hành, xuất phát từ những hình ảnh đầu tiên của Greta vào tháng 8-2018 bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển, với tấm biển ghi “Skolstrejk för klimatet” (“Bãi khóa vì khí hậu”).

Khi Greta biểu tình, em học lớp 9, và quyết định sẽ không đi học cho tới khi các yêu cầu của em được lắng nghe, trước thềm cuộc bầu cử của Thụy Điển diễn ra ngày 9-9 sau những đợt nắng nóng và cháy rừng tại đây.

Greta nói mình được gợi cảm hứng từ những nhà hoạt động tuổi thiếu niên tại Trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida (Mỹ), những người đã tổ chức Martch for Our Lives (Tuần hành vì cuộc sống của mình).

Yêu cầu mà Greta đưa ra là Chính phủ Thụy Điển phải giảm khí thải CO2 theo như Thỏa thuận Paris. Vào ngày 7-9, Greta tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình vào mỗi thứ sáu cho tới khi Thụy Điển làm được điều đó, em bắt đầu có biểu ngữ FridaysForFuture, và thu hút sự chú ý của thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận