Truyện ngắn của nhà văn Kurt Vonnegut: Vật kỷ niệm

TTCT - Vật kỷ niệm là một truyện quan trọng trong quá trình phát triển của Kurt Vonnegut, với chủ đề chiến tranh dựa trên chính trải nghiệm bị bắt làm tù binh chiến tranh của ông trong Thế chiến II và kỹ thuật xen trộn giữa nhân vật lịch sử và nhân vật hư cấu

Minh họa: Yến Yến
Minh họa: Yến Yến

Joe Bane là một gã cầm đồ, mập, lười, hói, với những đường nét trông như bị kéo lệch sang trái bởi cả một đời nhìn thế giới qua kính thợ kim hoàn. Gã là một kẻ cô đơn, bất tài và sẽ không muốn sống nếu không còn được chơi cái trò mà hắn chơi rất giỏi mỗi ngày, trừ chủ nhật - cái trò mua rẻ bán đắt. Gã ám ảnh với nó, cái cơ hội duy nhất mà cuộc đời cho hắn được hơn những người khác. Chơi là chính, tiền kiếm được chỉ là phụ, một cách ghi lại thành tích.

Sáng thứ hai gã mở cửa hàng, một cái trần mây đen đã đáp dưới vành thung lũng, nhốt thành phố trong một cái bọc không khí tối tăm, chết chóc và ẩm ướt. Sấm mùa thu gầm gừ dọc theo những sườn đồi mờ sương. Gã vừa treo áo khoác, mũ và ô, cởi ủng cao su, bật đèn, và đặt tấm thân đồ sộ lên cái ghế đẩu sau quầy thì một người đàn ông trẻ, gầy gò, mặc bộ quần yếm, rụt rè và da sậm như một người Anh Điêng, rõ là nghèo và choáng ngợp trước thành phố này, bước vào và hỏi bán một cái đồng hồ quả quýt tinh xảo với giá năm trăm đồng.

“Không, thưa anh - chàng nông dân trẻ lịch sự nói - Tôi không muốn cắm lấy tiền. Nếu được giá thì tôi muốn bán luôn”. Anh có vẻ miễn cưỡng khi đưa nó cho Bane, nhẹ nhàng đỡ lấy nó trong đôi bàn tay thô ráp trước khi đặt nó xuống một mảnh nhung đen. “Tôi đã mong có thể giữ nó để sau này truyền lại cho cậu cả, nhưng chúng tôi đang cần nhiều tiền quá”.

“Năm trăm là nhiều lắm đấy” - Bane nói, cứ như một kẻ đã trở thành nạn nhân quá thường xuyên vì lòng tốt của mình. Gã xem xét những viên ngọc nạm mà không hề phản bội nỗi kinh ngạc dậy lên bên trong gã. Gã xoay đi xoay lại cái đồng hồ, ánh đèn trần lóe lên trong bốn viên kim cương đánh dấu ba, sáu, chín, mười hai giờ và viên hồng ngọc nạm núm lên dây. Riêng chỗ đó, Bane nghĩ, đã đáng giá ít nhất bốn lần số tiền anh nông dân đang hỏi.

“Chẳng mấy ai mua cái đồng hồ kiểu này - Bane nói - Nếu bỏ ra năm trăm đồng cho nó thì chắc phải vài năm tôi mới tìm được đúng chủ”. Gã nhìn gương mặt cháy nắng của anh nông dân, và nghĩ gã đọc thấy ở đó là gã có thể lừa được cái đồng hồ với giá rẻ hơn nhiều.

“Cả quận cũng không còn cái nào như thế nữa đâu” - anh nông dân nói, trong một cố gắng chào hàng vụng về.

“Thì đấy - Bane nói - Ai lại muốn mua một cái đồng hồ như thế?”. Bane tất nhiên là muốn có nó, và đã coi nó là của mình. Gã bấm một cái núm ở mặt bên vỏ máy và lắng nghe tiếng chạy của cỗ máy nhỏ xíu điểm giờ gần nhất với những tiếng chuông ngọt ngào, trong trẻo.

“Anh muốn mua không hay là thôi?”.

“Nào, nào - Bane nói - Làm ăn đâu phải chuyện cứ đâm đầu vào là được. Tôi phải tìm hiểu thêm trước khi mua đã chứ”. Gã mở nắp lưng và thấy bên trong một dòng chữ khắc bằng tiếng nước ngoài. “Cái này nghĩa là gì? Cậu có biết không?”.

“Có cho một cô giáo ở nhà xem - chàng trai trẻ nói - Chỉ biết là trông rất giống tiếng Đức”.

Bane đặt một mảnh giấy ăn lên dòng chữ khắc, chà bút chì lên đó cho đến khi có một bản sao có thể đọc được. Gã đưa mảnh giấy và một đồng xu cho một cậu bé đánh giày lảng vảng gần cửa và sai cậu xuống cuối dãy nhà, nhờ một chủ nhà hàng người Đức dịch hộ.

Những giọt mưa đầu tiên đang bắn những vệt nước sạch lên tấm kính đầy bồ hóng. Bane hờ hững nói với anh nông dân: “Tụi cớm nó kiểm tra đồ bán ở đây gắt lắm”.

Anh nông dân đỏ mặt. “Cái đồng hồ là của tôi. Lấy được trong cuộc chiến” - anh nói.

“Uh huh. Thế cậu có nộp thuế cho nó không?”.

“Thuế á?”.

“Chứ còn gì. Cậu không được mang đồ trang sức vào đất nước này mà không nộp thuế. Đấy là buôn lậu”.

“Thì cứ nhét vào túi quân dụng rồi mang về thôi, ai chả thế” - anh nông dân nói. Anh tỏ ra lo lắng đúng như Bane mong đợi.

“Hàng lậu - Bane nói - Cũng giống đồ ăn cắp thôi”. Gã đưa tay lên trấn an: “Không phải là không mua được, tôi chỉ muốn cho cậu thấy cái này không dễ xử lý đâu. Nếu cậu bằng lòng để nó lấy một trăm chẳng hạn, thì có thể tôi còn giúp được. Lính tráng các cậu giúp được gì tôi đều cố gắng giúp”.

“Một trăm đồng! Thế thôi hả?”.

“Chỉ được có thế thôi, trả từng đấy là tôi đã lỗ lắm rồi - Bane nói - Mà đếch gì - chả tự dưng có một trăm đồng còn gì? Mất gì chứ - cuỗm của một tên tù binh hay nhặt ở xó xỉnh nào?”.

“Không, thưa anh - anh nông dân nói - Vất vả hơn thế nhiều”.

Bane, vốn rất thính với những chuyện như thế, nhận thấy anh nông dân, khi bắt đầu kể lại chuyện anh ta lấy được cái đồng hồ như nào, đã lấy lại được sự tự tin bướng bỉnh mà anh đã đánh mất khi rời nông trại của mình để lên thành phố bán cái đồng hồ.

“Tôi với cậu bạn thân, Buzzer - anh nông dân nói - bị bắt làm tù binh ở một vùng đồi nào đấy ở Đức - có người nói là Sudetenland. Một buổi sáng Buzzer đánh thức tôi dậy và bảo chiến tranh đã kết thúc rồi, lính canh đi hết rồi, cổng cửa các thứ mở toang hoang”.

Ban đầu Joe Bane hơi mất kiên nhẫn khi phải nghe chuyện. Nhưng đó là một câu chuyện được kể lại một cách rành mạch và đầy tự hào, và từ lâu đã hâm mộ những cuộc phiêu lưu vì chính gã chẳng có lấy một cuộc phiêu lưu nào, Bane bắt đầu thấy, một cách đầy ghen tị, hai người lính đi qua những cánh cổng mở của nhà tù, xuống một con đường quê giữa những ngọn đồi vào một sáng đẹp trời năm 1945, ngày mà cuộc Thế chiến thứ II kết thúc ở châu Âu.

Người nông dân trẻ, tên Eddie, và bạn cậu, Buzzer, bước vào hòa bình và tự do trong bộ dạng gầy gò, rách rưới và đói bụng, nhưng không có ác ý với bất kỳ ai. Họ đi lính vì niềm tự hào, không phải cay đắng. Giờ cuộc chiến đã kết thúc, việc đã thành, họ chỉ muốn về nhà. Họ cách nhau một tuổi, nhưng giống nhau như hai cây dương trong một hàng cây chắn gió.

Ý định của họ là đến khu dân cư gần trại làm một chuyến ngắm cảnh ngắn, rồi quay lại và cùng những tù binh khác đợi quân giải phóng chính thức đến. Nhưng kế hoạch đổ bể khi một cặp tù binh người Canada mời họ uống mừng chiến thắng bằng một chai brandy tìm được trong một con xe hỏng của Đức.

Với cái bụng hóp nóng rực và ngứa ran, đầu óc nhẹ bẫng và tràn đầy niềm tin và tình yêu dành cho toàn nhân loại, Eddie và Buzzer thấy mình bị cuốn vào một đoàn người tị nạn Đức rền rĩ, xô đẩy nhau đông nghẹt trên con đường cái qua những ngọn đồi, những người tị nạn chạy trốn khỏi những cỗ xe tăng Nga đang gầm lên đơn điệu và đắc thắng dưới thung lũng đằng sau họ. Đoàn xe tăng đến chiếm nốt mảnh đất không được bảo vệ cuối cùng của người Đức.

“Chúng mình chạy cái gì nhỉ? - Buzzer nói - Chiến tranh kết thúc rồi mà”.

“Ai chẳng chạy - Eddie nói - nên tớ nghĩ tốt nhất là cứ chạy thôi”.

“Tớ còn chả biết mình đang ở đâu” - Buzzer nói.

“Tụi Canada nói đây là Sudetenland”.

“Là đâu cơ?”.

“Là đây chứ đâu - Eddie nói - Tụi bảnh ế, Canada ế”.

“Tớ sẽ kể cho cả thế giới! Giàng ơi - Buzzer nói - Hôm nay tớ yêu tất cả. Huuuuuây! Tớ sẽ lấy một chai brandy ấy, cắm một cái núm vú lên đấy, rồi đi ngủ với nó cả tuần”.

Eddie huých vào khuỷu tay một gã cao lớn, trông có vẻ lo lắng, tóc đen cắt ngắn, mặc quần áo dân thường hơi quá chật so với hắn: “Chúng ta chạy đi đâu, thưa anh? Chiến tranh kết thúc rồi mà?”.

Hắn ta trừng mắt, lầm bầm cái gì đó, rồi thô lỗ lách lên.

“Hắn có hiểu tiếng Anh đâu” - Eddie nói.

“Sao cơ, Giàng ơi - Buzzer nói - Thế sao cậu không nói với họ bằng tiếng bản địa đi? Đừng có giấu tài nữa. Xem cậu bắn tí tiếng Hà Lan với gã đàn ông này xem nào?”.

Họ đã đi đến chỗ một chiếc xe mui trần nhỏ màu đen chết bên lề đường. Một thanh niên vạm vỡ, mặt chữ điền, đang mày mò với cái động cơ. Trên ghế trước bọc da của chiếc xe có một gã lớn tuổi hơn, mặt đầy bụi và râu để mọc nhiều ngày đen sì, vành mũ kéo xuống che mặt.

Eddie và Buzzer dừng lại. “Được thôi - Eddie nói - Nghe nhé: Wie geht’s?”. Cậu nói với tay tóc vàng, bằng những từ tiếng Đức duy nhất mà cậu biết.

“Gut, gut” - tay người Đức trẻ hơn lầm bầm. Rồi nhận ra sự phi lý của câu trả lời tự động trước lời chào hỏi kia, hắn nói với vẻ cay đắng khủng khiếp: “Ja! Geht’s gut!”.

“Hắn nói mọi thứ đều tốt” - Eddie nói.

“Ồ, cậu nói sõi quá, sõi thật đấy” - Buzzer nói.

“Phải đó, tớ đã đi nhiều nơi rồi” - Eddie đáp.

Gã lớn tuổi hơn bỗng sống dậy và hét vào mặt tay tóc vàng đang sửa động cơ, rít lên chói tai và đầy hăm dọa.

Tay tóc vàng có vẻ sợ hãi. Hắn tiếp tục sửa động cơ với vẻ tuyệt vọng gấp bội.

Mắt gã lớn tuổi hơn, lúc trước còn lờ đờ, giờ mở trừng trừng, sáng quắc. Một số người tị nạn đi qua quay sang nhìn chằm chằm.

Gã chằm chằm nhìn lại, thách thức hết gương mặt này đến gương mặt khác, hít đầy hơi định hò hét gì đó. Rồi gã đổi ý, thay vào đó gã thở dài, tinh thần suy sụp. Gã lấy tay ôm mặt.

“Hắn ta nói gì?” - Buzzer hỏi.

“Hắn không nói tiếng địa phương của tớ” - Eddie nói.

“Nói tiếng Đức của dân hạ lưu hả?” - Buzzer nói. “Thôi, chừng nào còn chưa tìm được người có thể nói xem đang có chuyện gì thì tớ sẽ không bước thêm bước nào nữa đâu. Cậu ơi, mình là người Mỹ mà. Phe mình thắng mà, chả thế à? Mình mắc mớ gì với tụi Đức này?”.

“Mày - tụi Mỹ tụi mày - tay tóc vàng nói, quá ngạc nhiên là bằng tiếng Anh - Giờ tụi mày sẽ phải đánh nhau với tụi mày”.

“Có người nói tiếng Anh nè!” - Buzzer nói.

“Nói tốt nữa là đằng khác” - Eddie nói.

“Không tệ, không tệ tí nào - Buzzer nói - Tụi tao phải đánh nhau với ai cơ?”.

“Tụi Nga” - tay Đức trẻ nói, có vẻ thích thú với ý tưởng này.

“Tụi nó sẽ giết tụi mày, nếu tụi nó bắt được tụi mày. Tụi nó đang giết mọi thứ trên đường”.

“Giàng ơi - Buzzer ngạc nhiên - Tụi tao ở phe tụi nó mà”.

“Được bao lâu cơ? Chạy đi, chạy đi tụi mày”. Tay tóc vàng chửi thề rồi vung cái mỏ lết vào cái động cơ. Hắn quay sang gã Đức già và nói, sợ gã ta phát khiếp.

Gã già tuôn một tràng tục tĩu bằng tiếng Đức rồi nhanh chóng phát mệt, xuống xe, đóng cửa cái rầm. Cả hai lo lắng nhìn về phía đoàn xe tăng sắp đến, rồi bắt đầu cuốc bộ xuống đường.

“Tụi mày đi về đâu?” - Eddie hỏi.

“Praha - tụi Mỹ ở Praha”.

Eddie và Buzzer tụt lại đằng sau. “Địa với chả lý, nhức hết cả đầu Eddie nhỉ?” - Buzzer nói. Cậu ta vấp, rồi Eddie tóm được. “Ối giồi ôi Eddie ơi, chai rượu cũ tóm được tớ rồi”.

“Ờ - Eddie nói, đầu óc thêm lùng bùng - Kệ mẹ Praha. Không có xe thì không đi nữa, thế thôi”.

“Ờ đấy. Mình đi tìm chỗ nào râm mà nghỉ, đợi tụi Nga đến. Cho tụi nó xem thẻ bài là được - Buzzer nói - Tớ cá nhìn thấy thẻ bài, tụi nó sẽ cho chúng ta một bó hoa to”. Cậu ta luồn ngón tay vào trong cổ áo và kéo ra cái thẻ bài đeo trên dây chuyền.

“Ồ, phải - tay tóc vàng người Đức nói, chăm chú nghe nãy giờ - Tụi nó sẽ cho tụi mày một bó hoa to”.

Đoàn người đi ngày càng chậm, ngày càng chật. Giờ nó thành một đoàn người rầm rĩ mắc kẹt.

“Chắc có ả nào đằng trước đang tìm cách đọc bản đồ” - Buzzer nói.

Từ đằng kia con đường có một cuộc trao đổi tiếng hét nghe như một tiếng sóng vỗ xa. Sau vài khoảnh khắc bồn chồn, bất an, nguồn cơn của rắc rối đã rõ: Đoàn người này đã gặp một đoàn người khác, chạy trốn trong nỗi kinh hoàng từ phía ngược lại. Người Nga đã bao vây khu vực. Giờ thì hai đoàn người hợp lại thành một cái xoáy nước vô mục đích giữa một ngôi làng nhỏ, tràn vào các con đường bên cạnh và túa lên những sườn dốc ở cả hai phía.

“Đằng nào thì cũng chả quen ai ở Praha” - Buzzer nói, rồi cậu ta bước lang thang ra khỏi con đường và ngồi bệt xuống cạnh cổng của một trang trại có tường vây quanh.

Eddie làm theo. “Giời ạ - cậu nói - Có khi ở luôn đây rồi mở một cửa hàng súng, Buzzer ạ”. Cậu quờ tay vơ những khẩu súng trường và súng lục vứt lung tung trên cỏ. “Đạn điếc các thứ”.

“Quả là đắc địa để mở cửa hàng súng, châu Âu - Buzzer nói - Họ phát rồ vì súng quanh đây”.

Bất chấp cơn hoảng loạn ngày một lớn của đám người túa lua xung quanh họ, Buzzer vẫn chìm vào giấc ngủ do rượu mạnh gây ra. Eddie thì díu hết cả mắt lại.

“À ha!”, từ ngoài đường vọng vào một giọng nói, “Những người bạn Mỹ của chúng ta đây rồi”.

Eddie nhìn lên thấy hai gã Đức lúc trước, cái tay giọng khàn khàn và gã lớn tuổi cáu kỉnh, đang cười toe toét với mình.

“Xin chào” - Eddie nói. Cơn lâng lâng của rượu đã nhạt, giờ đến đoạn buồn nôn.

Tay Đức trẻ đẩy cánh cổng dẫn vào trang trại. “Vào đây, được không? - hắn ta bảo Eddie - Chúng tôi có điều này quan trọng muốn nói với cậu”.

“Nói đây luôn” - Eddie nói.

Tay tóc vàng cúi xuống: “Chúng tôi đến đầu hàng trước các cậu”.

“Đến gì cơ?”.

“Chúng tôi đầu hàng - tay tóc vàng nói - Chúng tôi là tù binh của các cậu - tù binh của quân đội Hoa Kỳ”.

Eddie cười.

“Thật đấy!”.

“Buzzer! - Eddie lấy giày huých cậu bạn - Này Buzzer, dậy mà nghe cái này”.

“Hmmmm?”.

“Tụi mình vừa bắt được mấy người”.

Buzzer nheo mắt nhìn hai người kia. “Cậu say hơn cả tớ rồi, Giàng ơi, Eddie ơi, đi mà bắt người”. Cuối cùng cậu ta nói: “Cậu hâm à - chiến tranh kết thúc rồi”. Cậu xua tay một cách rộng lượng: “Thả họ đi”.

“Hãy đưa chúng tôi qua đám người Nga đến Praha với tư cách là tù binh của Hoa Kỳ, rồi các cậu sẽ là anh hùng” - tay tóc vàng nói. Hắn ta hạ giọng: “Đây là một viên tướng nổi tiếng của Đức. Nghĩ mà xem, hai người các cậu đưa ông ta về làm tù binh của mình!”.

“Thật là tướng à? - Buzzer nói - Chào Hitler, chào”.

Gã Đức già giơ thẳng tay lên chào.

“Vẫn còn tí khí phách đấy” - Buzzer nói.

“Như tôi nghe được ấy - Eddie nói - Tôi với cả Buzzer đưa được mình qua đám người Nga thôi đã là anh hùng rồi, chưa nói đến một viên tướng người Đức”.

Tiếng một đoàn xe tăng của Hồng quân lớn dần.

“Thôi được, thôi được - tay tóc vàng nói - Thế thì hãy bán cho chúng tôi bộ quân phục của các cậu. Các cậu vẫn còn thẻ bài, lại có thể mặc quần áo của chúng tôi”.

“Thà nghèo còn hơn chết - Eddie nói - Đúng không nhỉ Buzzer?”.

“Hượm đã Eddie - Buzzer nói - một phút thôi. Các ông trả cho chúng tôi gì?”.

“Vào trang trại đi. Chúng tôi không cho các cậu xem ở đây được” - tay tóc vàng nói.

“Nghe nói trong khu còn có cả mấy tên Nazi cơ - Buzzer nói - Thôi nào, cho chúng tôi xem ở đây luôn”.

“Giờ thì ai hâm nào?” - Eddie nói.

“Chỉ là muốn có gì để lại cho con cháu thôi” - Buzzer nói.

Tay tóc vàng lần vào túi. Hắn rút ra một cuộn to bự tiền Đức.

“Vàng mã! - Buzzer nói - Còn gì nữa?”.

Ấy là lúc gã người Đức cho họ xem cái đồng hồ quả quýt của gã, bốn viên kim cương, một viên hồng ngọc, và vàng. Và ở đó, giữa một đám đủ các thể loại người tị nạn, tay tóc vàng bảo Buzzer và Eddie là họ có thể giữ chiếc đồng hồ nếu họ chịu đi ra sau tường và đổi bộ quân phục Hoa Kỳ rách rưới của họ lấy quần áo của dân thường Đức. Họ nghĩ tụi Mỹ thật là ngu!

Mọi chuyện thật buồn cười và điên rồ! Eddie và Buzzer say ngất say ngư! Quả là một câu chuyện để kể khi họ về đến nhà! Họ không muốn có cái đồng hồ. Họ muốn sống sót mà về. Ở đó, giữa một đám đủ các thể loại người tị nạn, tay tóc vàng còn cho họ xem một khẩu súng lục nhỏ, như thể họ cũng có thể giữ lấy nó luôn, cùng với cái đồng hồ.

Nhưng bây giờ không ai có thể nói thêm chuyện gì tức cười mà còn nghe được nữa. Mặt đất rung chuyển, không khí bị xé toạc khi những chiếc xe bọc thép của đoàn quân chiến thắng Liên Xô gầm rú xuất hiện trên đường. Ai có thể thì đã thoát khỏi đường đi của đoàn xe rồi. Một số người thì không may mắn đến thế. Họ bị mắc kẹt lại. Họ bị nghiền nát.

Eddie và Buzzer cùng gã người Đức và tay tóc vàng đang đứng sau bức tường mà tay tóc vàng nói họ sẽ đổi bộ quân phục Hoa Kỳ lấy cái đồng hồ và quần áo dân thường. Trong cơn hỗn loạn, khoảng thời gian mà ai cũng có thể làm bất cứ chuyện gì và chẳng ai quan tâm người khác làm gì, tay tóc vàng bắn vào đầu Buzzer. Hắn chĩa khẩu súng vào Eddie. Hắn bắn. Hắn trượt.

Hiển nhiên chuyện đó đã được tính toán từ đầu, giết Eddie và Buzzer. Nhưng gã Đức già, không biết nói tiếng Anh, làm gì có cơ may nào mà qua mặt được đám người Nga rằng mình là người Mỹ? Không. Tay tóc vàng sẽ làm điều đó. Và cả hai sắp bị bắt giữ. Gã già chỉ còn nước tự sát.

Eddie chạy sang phía bên kia bức tường, lấy nó ngăn giữa mình và tay tóc vàng. Nhưng tay tóc vàng không còn quan tâm đến Eddie nữa. Mọi thứ mà hắn cần đều đã nằm trên xác Buzzer. Khi Eddie nhòm qua tường xem Buzzer có còn sống không, tay tóc vàng đang lột đồ khỏi cái xác. Gã già đang cầm khẩu súng. Gã đút cái nòng vào miệng và tự bắn tung óc.

Tay tóc vàng bước đi với quần áo và thẻ bài của Buzzer. Buzzer đã chết, còn độc chiếc quần lót quân nhân, không còn thẻ bài nữa. Trên nền đất giữa gã người Đức và Buzzer, Eddie thấy cái đồng hồ. Nó vẫn chạy. Nó chỉ đúng giờ. Eddie nhặt nó lên và bỏ vào túi.

***

Cơn mưa bên ngoài tiệm cầm đồ của Joe Bane đã tạnh. “Lúc trở về nhà - Eddie nói - tôi viết thư cho bà con của Buzzer. Tôi bảo họ là cậu ấy bị giết trong một cuộc chiến với người Đức, ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc. Tôi cũng trình bày với quân đội thế. Tôi không biết nơi cậu ấy chết, nên không có cách nào tìm được thi thể cho cậu ấy một đám tang tươm tất. Tôi phải bỏ cậu ấy lại ở đó. Bất cứ ai chôn cậu, trừ khi họ nhận ra cái quần lót của quân nhân Mỹ, đều không thể nào biết cậu ấy là người Mỹ. Cậu có thể là một người Đức. Cậu có thể là gì cũng được”.

Eddie giật lại cái đồng hồ từ dưới mũi gã cầm đồ. “Cảm ơn anh đã cho tôi biết nó đáng giá bao nhiêu - anh nói - Càng có thêm lý do để giữ lấy nó làm vật kỷ niệm”.

“Năm trăm” - Bane nói, nhưng Eddie đã bước ra cửa.

Mười phút sau, cậu bé đánh giày quay lại với bản dịch dòng chữ khắc sau cái đồng hồ. Nó viết:

“Cho tướng Heinz Guderian, tổng tham mưu trưởng quân đội, người còn chưa thể nghỉ chừng nào kẻ địch cuối cùng còn chưa bị đánh đuổi khỏi mảnh đất thiêng của Đệ Tam đế chế. ADOLF HITLER”.■

Nguyễn Huy Hoàng (dịch)

Xuất bản lần đầu trên tạp chí Argosy năm 1952, Vật kỷ niệm là một truyện quan trọng trong quá trình phát triển của Kurt Vonnegut, với chủ đề chiến tranh dựa trên chính trải nghiệm bị bắt làm tù binh chiến tranh của ông trong Thế chiến II và kỹ thuật xen trộn giữa nhân vật lịch sử và nhân vật hư cấu mà ông nhiều lần quay lại sau này, tiêu biểu như trong cuốn tiểu thuyết Mother Night (1962). Truyện sau này được gom vào tập Bagombo Snuff Box (1999).

Nhà văn Mỹ gốc Đức Kurt Vonnegut

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận