Bởi có phú quý nên giờ cần sinh lễ nghĩa

CHIÊU VĂN 10/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Ngay khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong vừa tạm lắng, ngày 27-11 vừa rồi, triển lãm nghệ thuật “Câu chuyện của Jao Tsung-I (Nhiêu Tông Di)” khai mạc, trưng bày cho công chúng xem di sản của “một trong hai nhà Hán học vĩ đại nhất thế kỷ 20”, giữa một bối cảnh đầy biến động và nhiều ngụ ý.

Tranh và thư pháp của Nhiêu Tông Di về văn hóa Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh: asiatimes.com
Tranh và thư pháp của Nhiêu Tông Di về văn hóa Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh: asiatimes.com

Hai trăm bức thư pháp, tranh và chữ viết từ bộ sưu tập của Nhiêu Tông Di (1917 - 2018) sẽ được trưng bày cho công chúng xem lần đầu tiên từ ngày 27-11 tới tháng 2-2020, cũng là kỷ niệm hai năm ngày mất của ông, tại Bảo tàng Di sản Hong Kong (Hương Cảng văn hóa Bác vật quán).

Kinh Bát nhã và Hong Kong ngày nay

Bản thân bộ sưu tập của giáo sư Nhiêu là cả một kỳ quan, với rất nhiều hiện vật nghệ thuật và tư liệu quý giá, cùng vô số câu chuyện hấp dẫn đằng sau.

Một phần triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm học thuật và nghệ thuật tuyển lựa của ông, lấy cảm hứng từ văn hóa Đôn Hoàng, vùng đất đóng vai trò then chốt, cửa ngõ vào Trung Hoa của con đường tơ lụa cổ đại. Một bản sao của Con đường trí tuệ (Tâm kinh giản lâm) trên đảo Lantau (Đại Tự Sơn) bao gồm 38 tấm bia khắc Bát nhã tâm kinh, cũng được trưng bày ở triển lãm.

38 bia đá khắc Kinh Bát nhã với thư pháp của giáo sư Nhiêu ở Đại Tự Sơn, Hong Kong. -Ảnh: menafn.cn
38 bia đá khắc Kinh Bát nhã với thư pháp của giáo sư Nhiêu ở Đại Tự Sơn, Hong Kong. -Ảnh: menafn.cn

Năm 2002, Nhiêu Tông Di đã tặng phần viết tay thư pháp cuốn kinh Phật nổi tiếng này cho chính quyền đặc khu Hong Kong, với tâm nguyện nó được chuyển thành bia khắc để ngoài trời, và khu vực sườn núi Đại Tự Sơn đã được chọn đặt 38 tấm bia. Dự án hoàn tất tháng 5-2005. Ý tưởng cho dự án bắt đầu từ năm 1980, khi Nhiêu thăm Trung Quốc đại lục và nhìn thấy những tảng đá khắc Kinh Kim cương trên núi Thái Sơn, Sơn Đông.

Tác phẩm này của Nhiêu lão càng ý nghĩa trong một bối cảnh Hong Kong đang hỗn loạn: Kinh Bát nhã là văn bản được trân quý với cả tam giáo Nho, Phật, Lão ở Trung Quốc, được viết giản dị và súc tích, nhưng đi kèm là những thông điệp hết sức sâu sắc. 38 bia đá ở Đại Tự Sơn được sắp xếp theo hình vô cực (∞) ở điểm cao nhất chếch về bên trái ngọn núi, thể hiện khái niệm “tính không”, hay “vô thường”, then chốt trong Kinh Bát nhã.

Sinh ở Triều An, Quảng Đông, năm 1917, Nhiêu tới Hong Kong năm 1946 để tham gia một dự án học thuật. Ông bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Hong Kong vào năm 1951, rồi dần xây dựng sự nghiệp và uy tín với hàng loạt đề tài khoa học nhân văn: lịch sử cổ đại, lịch sử khu vực, giáp cốt văn tự, chữ trên thẻ tre và lụa, nghiên cứu thư mục, Sở từ, nghiên cứu Đôn Hoàng, lịch sử tôn giáo, khảo cổ học và văn học Trung Quốc.

Là một họa sĩ, thi sĩ, nhà Hán học và thư pháp gia, Nhiêu đã viết hơn 80 cuốn sách và 900 bài báo cùng tiểu luận, dạy học ở nhiều trường uy tín, gồm Đại học Hong Kong, Đại học Yale, Đại học Singapore và Ecole Practiques des Hautes Etudes ở Pháp. Tác phẩm của ông được trưng bày ở các nhà bảo tàng, hãng đấu giá, và phòng tranh trên toàn cầu, từ Sotheby’s tới Bảo tàng Cố cung Đài Loan.

Bộ tranh - thư pháp của Nhiêu Tông Di về các vật dụng thường ngày. Ảnh: pinterest
Bộ tranh - thư pháp của Nhiêu Tông Di về các vật dụng thường ngày. Ảnh: pinterest

“Lý do Nhiêu trở thành một huyền thoại là vì ông làm việc chăm chỉ hơn hầu hết mọi người và dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu học thuật, thay vì công tác quản lý, quan hệ đối ngoại, hay gây quỹ” - Lee Chack-fan (Lý Trác Phương), giám đốc Trường Jao Tsung-I, Đại học Hong Kong, nói. 

Xuất thân cũng quan trọng: Nhiêu sinh ra trong một gia đình khá giả là chủ nhà băng và có thể đắm chìm trong thư viện cá nhân do ông thành lập khi ông còn nhỏ. Nhiêu lão sau này đã dành cả cuộc đời và thường xuyên làm việc 18 tiếng mỗi ngày để hồi sinh văn hóa Trung Quốc. Những thành tựu lớn khiến ông được coi là một trong hai nhà Hán học vĩ đại nhất của Trung Quốc, cùng Ji Xianlin (Quý Diên Lâm, 1911 - 2009) của đại lục.

Ông từng được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi là “niềm kiêu hãnh của Hong Kong” khi hai người gặp nhau ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, năm 2015. “Không thể bắt chước những gì tôi đã làm vì tôi xây dựng tri thức của mình từ số không. Một con đường tri thức như thế là rất đáng cân nhắc” - Nhiêu lão nói, không hề tự đại, trong một cuộc phỏng vấn.

Khi ông qua đời hai năm trước, báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP), trong bài điếu văn, nhắc lại phương châm sống của Nhiêu, hẳn sẽ vang vọng ở Hong Kong ngày nay: tìm kiếm sự thật, tìm kiếm tiêu chuẩn và tìm kiếm công lý. “Thật đáng buồn, những nguyên tắc đó không gây được ấn tượng trong những tâm hồn Trung Hoa hôm nay”, SCMP viết. “Họ quan tâm nhiều hơn tới danh tiếng và thành công tức thì, thay vì tri thức toàn diện và cam kết lâu dài”. Chính Nhiêu nói rất ít người trẻ sẵn sàng theo đuổi tri thức như ông làm, và kiểu tiếp cận “đào tạo chuyên gia” với nghiên cứu khoa học đã tạo ra quá nhiều “chuyên gia” giả hiệu và rỗng tuếch.

Nhiêu Tông Di bên các tác phẩm của ông. Ảnh: SCMP
Nhiêu Tông Di bên các tác phẩm của ông. Ảnh: SCMP

Phục hưng văn hóa Hán

Ảnh hưởng của Nhiêu mở rộng ra cả địa hạt chính trị: nhiều lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc đã tới thăm ông, và ông bình luận trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 rằng việc phục hưng đất nước Trung Quốc không chỉ là sự theo đuổi thành công khoa học và vật chất. “Giữa những méo mó của hệ giá trị và hành vi ngày nay, sự phục hưng của các giá trị và nền đạo đức truyền thống là cực kỳ quan trọng” - Nhiêu nói.

Đằng sau những tuyên ngôn đó còn có một vấn đề khác: mọi siêu cường đang nổi lên đều cần một hệ giá trị mới, và những nhà tư tưởng, học giả lớn cho riêng nó. Trong một bài viết năm 2012 tựa đề “Nhiêu Tông Di có lý: Sự phục hưng văn hóa Hán quả thật đã diễn ra từ lâu”, SCMP nói những nghiên cứu của Nhiêu “làm phát lộ sự tương đồng thú vị về nền tảng lịch sử và nguyên nhân cội rễ giữa mối quan tâm đang hồi sinh về văn minh Trung Hoa và văn hóa Phục hưng mà một số người tin rằng bắt đầu ở Florence, Ý, vào thế kỷ 13”.

Bức Hoa sen đỏ của Nhiêu Tông Di. Ảnh: wordpress.com
Bức Hoa sen đỏ của Nhiêu Tông Di. Ảnh: wordpress.com

Đế quốc Byzantine (Đông La Mã) trong nhiều thế kỷ được cho là nơi bảo tồn văn minh La Mã cổ đại. Việc nghiên cứu các tác phẩm Hi-La kinh điển trong triết học, văn chương, và nghệ thuật là một phần thiết yếu của vinh quang Byzantine. Trước mối đe dọa của đế quốc Ottoman thế kỷ 13, nhiều tác phẩm lớn của Byzantine được chuyển tới các công quốc trước kia là đế quốc Tây La Mã, bao gồm Florence, nay thuộc Ý.

Điều này dẫn tới mối quan tâm mới trong nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, cộng thêm nguồn tài chính của gia đình quý tộc Medici, Florence đã mở màn cho thời kỳ Phục hưng chói lòa, đặt nền móng để châu Âu thống trị cả thế giới.

Trong quan điểm của giáo sư Nhiêu, hiện đang có sự quan tâm trở lại tương tự với các tác phẩm kinh điển và lịch sử cổ đại Trung Quốc, sau khi kinh tế nước này đã tăng trưởng vượt bậc nhiều thập kỷ.

Nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học chưa bao giờ sôi động như lúc này ở Trung Quốc đại lục. Bước vào một nhà sách ở Trung Quốc, ta cũng sẽ dễ dàng ngập trong các sách và nghiên cứu kinh điển Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo. Truyền hình mỗi tối đều có các giáo sư giảng giải về những đề tài lịch sử khác nhau, và phim ảnh thì khỏi nói.

Bìa một tuyển tập thơ của Nhiêu Tông Di đã được dịch sang tiếng Anh. Ảnh: amazon.com
Bìa một tuyển tập thơ của Nhiêu Tông Di đã được dịch sang tiếng Anh. Ảnh: amazon.com

Về cơ bản, cả đất nước Trung Hoa đang tìm kiếm trí khôn, tri kiến, và giá trị của quá khứ để thích nghi với áp lực kinh khủng của đời sống hiện đại. Nhà nước cũng không ngoài cuộc: Chính quyền các tỉnh đổ rất nhiều tiền cho nhà hát và bảo tàng. Nhiều bảo tàng cấp tỉnh, như ở Sơn Tây, Hà Nam, và Hồ Bắc, sở hữu bộ sưu tập tầm cỡ quốc gia, còn bảo tàng ở Quảng Châu thậm chí có tầm thế giới.

Sự giàu có từ ngân khố đó được giáo sư Nhiêu so sánh với những nỗ lực của nhà Medici thời Trung cổ. Từ ngàn xưa, phú quý sinh lễ nghĩa, và Trung Quốc giờ có vẻ đã đủ phú quý để bắt đầu một thời phục hưng văn hóa của riêng họ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận