Từ chỉ vài người nghe đến một ngành công nghiệp toàn cầu

HIẾU THẢO 28/05/2020 03:05 GMT+7

TTCT - Việc con người tiếp nhận thông tin qua âm thanh đã khởi đầu từ cách cộng đồng nghe chung qua hệ thống phát thanh công cộng, rồi cả gia đình cùng nghe từ chiếc radio đặt giữa nhà, cho đến trải nghiệm cá nhân hơn với tai nghe và các thiết bị mang theo người. Giai đoạn tiếp nối của quá trình “tiến hóa” này chính là podcast.

Năm 2005, từ điển Oxford thêm podcast vào kho từ vựng của mình với định nghĩa “một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ Internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo bên mình”.

Nếu tính từ mốc đó thì nay podcast đã bước vào tuổi 15 và trở thành một ngành công nghiệp sôi động trị giá tỉ đô. Những tập tin âm thanh thu sẵn được tải lên mạng cho mọi người tải về nghe tưởng chừng như chìm lẫn giữa nguồn tài nguyên vô tận trên Internet, giờ lại được đón nhận như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Ảnh: clipart.email
Ảnh: Clipart.email

LỊCH SỬ THÚ VỊ

Podcast đã đi từ “không thể nghe nổi” đến “không thể bỏ lỡ” như thế nào? BBC đã trả lời câu hỏi đó trong một bài viết hồi tháng 9-2019, mở đầu bằng việc nhắc lại nguồn gốc thú vị của từ podcast.

Đó là một buổi tối cách đây 15 năm, khi nhà báo Ben Hammersley vừa nộp bài viết về phát thanh trực tuyến và chuẩn bị ra về thì nhận một cuộc gọi từ ban biên tập. “Chúng tôi cần thêm một câu nữa để dàn cho đầy trang” - một biên tập viên người Anh nói với Ben.

Ben đã viết thêm “một câu khá khoa trương”: “Và chúng ta nên gọi hiện tượng mới này là gì đây - audioblog hay podcast?”. Đó là giây phút chào đời của thuật ngữ công nghệ nổi tiếng. Vài tháng sau, ban biên soạn từ điển Oxford gọi cho Ben và hỏi có phải anh đã “bịa” ra từ podcast không vì họ không thể tìm thấy bất kỳ trích dẫn nào có liên quan.

Ben xác nhận quả đúng là như vậy. Podcast có thể không được sinh ra vào tối hôm đó, nhưng hiện tượng công nghệ mới cuối cùng đã có một cái tên chính thức. Một thập kỷ rưỡi sau bài báo của Ben Hammersley, những bản ghi âm MP3 “gần như chẳng có gì đáng nghe” đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu.

Podcast hiện được sản xuất bởi các hãng phát thanh truyền hình thương mại, cá nhân và công ty không liên quan gì đến lĩnh vực truyền thanh. Trong thực tế, bất cứ ai có điều gì muốn nói và một ít tiền để mua thiết bị đều có thể tham gia làm podcast. Các tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được sản xuất với kinh phí siêu rẻ và vô cùng dễ phát tán lên mạng Internet.

Ảnh: NYT
Ảnh: NYT

VÌ SAO PHỔ BIẾN?

Ben Hammersley cho rằng có hai nhân tố chính đã thay đổi thị trường trong những năm vừa qua: công nghệ kỹ thuật và văn hóa.

Bước đột phá đầu tiên chính là vào năm 2012 khi Apple sản xuất ứng dụng Apple Podcasts, thực tế đã chứng minh đây là một hệ thống thư viện dễ dùng và phổ biến với người nghe.

Theo sau đó là sự cải tiến mạnh mẽ trong việc sản xuất thiết bị ghi âm và công cụ biên tập giá rẻ. Cuối cùng là sự phát triển rộng rãi của 4G và WiFi cho phép người nghe khám phá, tải xuống hoặc truyền phát bất cứ khi nào họ muốn.

Bước ngoặt văn hóa đến vào năm 2014 với chương trình podcast mang tên Serial, một tác phẩm báo chí điều tra do nhà báo Sarah Koenig dẫn. Mỗi mùa của chương trình sẽ tập trung điều tra một vụ án có thật trong nhiều tập. Đến nay, mùa đầu tiên và thứ hai của chương trình đã có hơn 340 triệu lượt tải xuống.

Các nền tảng podcast quen thuộc nhất hiện nay ngoài Apple còn có những tên tuổi lớn như Google Podcasts hay BBC Sounds, một vài nhân tố trẻ trung và được phần đông giới trẻ ưa chuộng hơn có Spotify, Stitcher và SoundCloud. Mỗi nền tảng là một thư viện các show (chương trình), mỗi show có nhiều episode (tập), được cập nhật đều đặn để người dùng nghe online hoặc tải về nghe dần.

Ngay cả YouTube, trang chia sẻ video lớn nhất thế giới, cũng có cung cấp podcast. Người dùng dưới 35 tuổi thường có xu hướng sử dụng YouTube để nghe podcast trong khi đang làm việc gì đó, như đang chơi game chẳng hạn.

THỜI KỲ BÙNG NỔ

Theo báo The Guardian ngày 4-5, năm 2020 được cho là giai đoạn bùng nổ của podcast. Hiện tại có hơn 900.000 podcast chỉ riêng trên Apple Podcasts để thính giả lựa chọn.

Tại Mỹ, 22% dân số nghe ít nhất một podcast mỗi tuần và 51% nghe ít nhất một podcast trong đời. Trong khi đó ở Anh, 12,5% dân số nghe podcast hằng tuần, tăng 58% trong hai năm qua. Những người hâm mộ podcast ở Anh đang nghe trung bình 7 podcast mỗi tuần.

Cũng theo The Guardian, podcast đang vào thời hoàng kim khi các đại gia công nghệ, giải trí lẫn những thương hiệu lớn, các siêu sao, người nổi tiếng đang dần lấn sân vào lĩnh vực này nhiều hơn bao giờ hết. Những vụ mua lại nổi bật trên thị trường cho thấy việc kinh doanh podcast sắp đến giai đoạn sôi động nhất.

Năm 2019, Spotify đã đầu tư một khoản kếch xù hơn 396 triệu đôla Mỹ để mua lại Gimlet Media and Parcast (chuyên sản xuất podcast) cùng Anchor (cung cấp công cụ cho người làm podcast).

Hãng phim Universal của Mỹ đã ký hợp đồng với Wonderery để sản xuất podcast Dirty John chuyên đề tội phạm thực tế. Sony có một thỏa thuận tương tự với Somethin’ Else để sản xuất show “David Tennant làm podcast với...”, mà khách mời là người nổi tiếng trong các lĩnh vực truyền hình, phim ảnh, hài kịch.

Các kênh của người nổi tiếng đa dạng trong khắp mọi lĩnh vực, từ ca sĩ Jessie Ware, người dẫn chương trình truyền hình Fearne Cotton, diễn viên hài Sue Perkins, vận động viên đua xe đạp Bradley Wiggins. Ngay cả gia đình cựu tổng thống Mỹ Obama cũng đã đăng ký để sản xuất podcast độc quyền cho Spotify.

TƯƠNG LAI SẼ THẾ NÀO?

Podcast sống được vì chúng ta đang hấp thu ngày càng nhiều nội dung tin tức, giải trí bằng thính giác hơn so với trước đây, đơn giản vì trong khi nghe chúng ta vẫn rảnh tay làm nhiều việc khác cùng lúc.

Loa thông minh giúp việc nghe podcast tiện hơn. Ảnh: kvpr.org
Loa thông minh giúp việc nghe podcast tiện hơn. Ảnh: kvpr.org

Và công nghệ, công cụ hỗ trợ chuyện này thì sẵn có: từ hệ thống audio trên xe hơi đến sự phổ biến và đa dạng của loa bluetooth, loa thông minh như Alexa hay Google Home. 

Ngoài ra, sự phổ biến của smartphone và tai nghe ngày càng đỡ vướng víu vì không dây giúp podcast trở thành lựa chọn của nhiều người, nhất là cư dân đô thị cần giết thời gian trên đường đi đến sở làm bằng phương tiện công cộng, trong lúc đang tập gym hay dẫn thú cưng đi dạo.

Theo Hãng kiểm toán và tư vấn Deloitte, doanh thu từ podcast toàn cầu dự báo đạt trên 1 tỉ USD trong năm nay. Các tên tuổi lớn về podcast như Apple, Google và Spotify trong một năm trở lại đây đều có các chiến lược tăng cường tập trung vào lĩnh vực này.

Từ tháng 8 năm ngoái, Google bắt đầu hiển thị các tập podcast có liên quan với từ khóa trong kết quả tìm kiếm. Thay đổi của Google rất có ý nghĩa cho cả người nghe lẫn người phát hành podcast, bởi các nền tảng nghe podcast hiện tại không thể hỗ trợ tìm kiếm tốt như Google. Hành động hỗ trợ podcast cũng cho thấy gã khổng lồ Internet coi trọng vai trò của hình thức giải trí qua âm thanh này.

Vào cuối tháng 4, Spotify cũng công bố các số liệu đầy khả quan về podcast trên nền tảng của mình. Công ty cho biết họ đã phát triển danh mục podcast của mình tăng từ 700.000 lên hơn 1 triệu chương trình chỉ trong tháng 3-2020.

Theo Spotify, người nghe podcast hiện đang “tích cực hơn” và “nghe nhiều âm nhạc hơn”, đây có thể là lý do giúp lượng thuê bao và người nghe chung tăng trong quý 1. Ngoài ra, mức tiêu thụ podcast đã tăng lên ba chữ số vào quý 1-2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói như Deloitte, “im lặng có thể là vàng, nhưng chắc chắn nó không phải là điều thú vị nhất để… nghe trên đường đi làm, trong khi làm việc nhà hoặc tập thể dục”. Nội dung âm thanh sẽ “sống mãi” và podcast vẫn luôn có chỗ trong tai người dùng.■

Những đặc điểm về thói quen của người nghe podcast có chút thay đổi trong đại dịch COVID-19 với các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, theo tác giả James Cook của tờ The Telegraph.

James cho biết số người nghe podcast trong giai đoạn dịch bệnh toàn cầu đang diễn ra sụt giảm mạnh khoảng 30%, vì các hoạt động nói trên bị thay bằng việc “ở yên trong nhà”.

Tuy nhiên, điều thú vị là số người sáng tạo nội dung muốn bắt đầu mở kênh podcast mới lại tăng đột biến, do lẽ ai cũng dư dả thời gian. Geraint John, người sáng lập Công ty podcast Move Digital, cho biết nhu cầu của khách hàng đang vượt quá sự mong đợi và khả năng cung ứng của hãng.

Đa số podcast được phát miễn phí, bù đắp bằng quảng cáo hoặc “thông điệp nhà tài trợ” chèn trong chương trình, hoặc nằm trong gói thuê bao của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify.

Trong khi nhiều người lạc quan trước sự tăng trưởng khổng lồ của doanh thu quảng cáo, những người khác lo lắng rằng lợi nhuận có thể giết chết chất riêng vốn có của hình thức phát thanh podcast. Họ đặc biệt lo ngại rằng podcast có thể đi theo lối mòn của video trực tuyến với các quảng cáo chung chung, gây phiền nhiễu cho người nghe.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận