Singapore: Bầu cử và COVID-19

DANH ĐỨC 03/07/2020 23:07 GMT+7

TTCT - Quyết định giải tán nghị viện của Tổng thống Singapore theo cố vấn của Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 23-6, rồi bầu lại vào ngày 10-7 có phải chỉ là “bình mới rượu cũ” khi Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền từ khi lập quốc coi như sẽ lại thắng cuộc?

Ông Lý Hiển Dương: Singapore không cần thêm một người họ Lý. Ảnh: Nikkei Asian Review
Ông Lý Hiển Dương: Singapore không cần thêm một người họ Lý. Ảnh: Nikkei Asian Review

Có rất nhiều lý do khiến ông Lý, nay đã 68 tuổi, đi đến quyết định “xóa bài làm lại”. Lý do có thể thấy trong bài diễn văn dài 1.295 từ của ông, mà đại dịch COVID-19 đã chiếm đến gần 800 từ: tình hình dịch bệnh đã và đang hoành hành kéo theo tác động kinh tế xã hội nay vẫn còn phải dốc sức ra đối phó.

Tai trời ách nước

Diễn văn đó cũng là dịp để ông Lý tường trình với quốc dân về dịch họa COVID-19. Ông cho biết sau một số ca nhiễm đầu tiên từ người nước ngoài nhập cảnh, dịch đã bùng phát trong tháng 3 chủ yếu tại khu trọ của người lao động nhập cư, đã phải mất hai tháng để cách ly cũng như cải thiện các khu trọ này, và “sẽ còn mất vài tháng nữa để giải quyết vấn đề”.

Câu chuyện khu trọ của người lao động nhập cư là dịch chủ yếu ở Singapore, mà hôm 23-6 ông Lý thừa nhận sẽ không sớm giải quyết được, đã và vẫn đang là câu chuyện “ngược đời” ở đảo quốc phát triển hàng đầu thế giới này.

Làm thế nào mà ở nền kinh tế có GDP/đầu người cao thứ tư thế giới lại xảy ra thảm cảnh mà tờ Time 28-4 đã tường thuật: “Asif là một trong số hơn 200.000 lao động nước ngoài sống trong các phòng trọ ở Singapore, từ 10-20 người chen chúc trong một căn phòng duy nhất...

Nơi đây đã trở thành những ổ dịch, làm lộ diện một điểm mù trong thành tích ứng phó dịch của Singapore từng được ca ngợi. Tính đến 28-4, các phòng trọ chính là nơi trú ngụ của 85% trên tổng số 14.951 ca nhiễm ở Singapore”. Sang đến 10-6, theo Thông tấn xã AA, dẫn nguồn Bộ Y tế Singapore, 94% số ca nhiễm liên quan đến các phòng trọ cho người nước ngoài!

Không chỉ tờ Time, rất nhiều tờ báo khác khắp năm châu bốn bể, từ Wall Street Journal, The Diplomat, tới The Australian... đều đã mấy lần đề cập dông dài tới “điểm mù” đấy của Singapore trong đại dịch này.

Có lúc câu chuyện bùng nổ thành vấn đề quan điểm hơn là một phóng sự đơn thuần, tỉ như bài của tờ South China Morning Post 2-5 với tựa đề “Virus corona: Sau vụ bạo loạn tại khu Tiểu Ấn Độ, Singapore hứa xây nhà ở đàng hoàng cho người lao động nhập cư. Điều gì đã xảy ra?”.

Câu chuyện “ngược đời” làm Singapore giàu, văn minh nhứt hạng bị mang tiếng. Đằng sau câu chuyện dịch bệnh, phải chăng là vấn đề chính sách liên quan đến lao động nước ngoài nhập cư? Tổ chức từ thiện Hỗ trợ Nhân đạo cho di dân kinh tế hoạt động tại Singapore cho biết lao động nhập cư ở đây thường đảm nhận công việc lương thấp, bấp bênh, dễ bị sa thải, thậm chí chưa được trả lương, không được tiếp cận đầy đủ các chăm sóc và hỗ trợ y tế.

Chính vì thế tổ chức này đang quyên góp nhằm giúp đỡ những người mất việc mà lại không có chỗ ở, không có tiền ăn, không được chăm sóc y tế, không liên lạc về nhà, chớ khoan nói là tìm được đường về quê!

Từ đó, không lạ khi Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập trước hết tới đại dịch cùng vấn đề lao động nhập cư. Được biết, chính phủ Singapore dự trù sẽ xây xong 60.000 chỗ trọ vào cuối năm. Song chừng đó đã đủ chưa? Vấn đề ở chỗ là không giải quyết các điều kiện sinh ổ dịch này, sẽ vẫn còn lây lan, và khi vẫn còn lây lan sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa!

Có thể thấy điều đang “ám ảnh” ông Lý trong suốt bài diễn văn là... COVID-19: “COVID-19 sẽ ở lại với chúng ta ít nhất một năm, và có lẽ cho đến khi vắcxin được phát triển và có sẵn...”; hay “Nhiều nước khác đã thành công chống dịch, nay lại phải kinh qua những đợt bùng phát mới...

Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho những trồi, sụt trong cuộc chiến chống COVID-19”. Những cảnh cáo này của ông càng đáng chú ý khi Singapore nay đang rón rén mở cửa lại.

Trên một bình diện khác, đảo quốc này đang rất cần những định hướng mới để đối phó với hậu quả kinh tế của đại dịch, điều mà Singapore - trong vị trí cảng và trung tâm tài chính của thế giới - đã và sẽ còn phải đương đầu.

Theo ông Lý, Singapore đã trích từ nguồn dự trữ 100 tỉ đôla Singapore chia làm bốn đợt bơm tiền hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp và hộ gia đình. Song, khó khăn vẫn còn đó: “Mặc cho tất cả các biện pháp chúng tôi đã thực hiện, sẽ còn nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và việc giảm bớt chi tiêu hơn trong những tháng tới.

Thất nghiệp sẽ tăng lên”. Ông hạ quyết tâm: “Chúng tôi quyết tâm giữ lại và tạo ra thêm công ăn việc làm, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành nghề tồn tại và tự tái cấu trúc”.

Để có thể hoàn thành mục tiêu đó, ông cần “sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người dân để có thể làm mọi điều cần thiết nhân danh người dân”, và vì vậy cần “một cuộc bầu cử ngay bây giờ khi mọi chuyện còn tương đối ổn thỏa để dọn cho gọn mọi thứ, hầu trao cho chính phủ một nhiệm kỳ 5 năm mới nguyên”.

Nôm na mà nói, cuộc bầu cử sớm sẽ là lá phiếu tín nhiệm rộng rãi mà ông cần có để hầu như toàn quyền hành động trong 5 năm tới, mà cơ bản là thông qua một ngân sách đúng ý của chính phủ như đã được giới thiệu trong Tuyên ngôn tranh cử công bố hôm thứ hai 29-6.

Nhìn lại một thập kỷ

Một khu nhà ở của người lao động nước ngoài ở Singapore. Ảnh: The Washington Post
Một khu nhà ở của người lao động nước ngoài ở Singapore. Ảnh: The Washington Post

Nhưng sẽ là chủ quan nếu cho rằng tất cả là do ông Lý và PAP “tự biên tự diễn”. Trong thời gian qua, trong lòng xã hội Singapore đang hình thành những tập hợp mới, có cách nhìn và tầm nhìn khác với PAP cầm quyền. 

Cuộc bầu cử sớm cũng phát sinh từ những nhu cầu nội tại này. Đúng dự kiến, thứ ba 30-6 là ngày “xướng danh” các ứng viên cho cuộc bầu cử 10-7, có 11 đảng chính trị Singapore đã “trình làng” tổng cộng 191 ứng viên, tranh 93 ghế nghị sĩ khóa 14, tính từ khi đảo quốc này độc lập vào năm 1965.

So với cuộc bầu cử trước vốn chỉ quy tụ 179 ứng cử viên, cuộc bầu cử lần này có tính cạnh tranh cao hơn. Trong số các ứng viên, có đến 73 người là nhân vật mới cùng một ứng viên độc lập. 2,65 triệu cử tri Singapore sẽ “chọn mặt gửi vàng”.

Có một sự vắng mặt vào giờ chót đáng lưu ý: ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang) - đảng viên Đảng Xã hội Singapore (PSP) và là em trai ông Lý Hiển Long nhưng nay trở thành người của phe đối lập, cho biết sẽ không tham gia cuộc bầu cử.

Đến buổi trưa, khi hạn chót công bố danh sách ứng cử viên đã qua, tên ông Lý Hiển Dương đã không xuất hiện trong các tờ đề cử. Trong một bài đăng trên Facebook cùng ngày, ông giải thích: “Tôi đã chọn không tham gia vì tôi tin rằng Singapore không cần một ông Lý nữa”. Ngoài chuyện đối lập chính trị, anh em ông Lý còn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt vì chuyện xử lý di sản gia đình.

Trong cuộc bầu cử năm 2011, lần đầu tiên một đảng đối lập, Đảng Công nhân (WP) chiếm được một đơn vị bầu cử là Aljunied với 72.289 phiếu, tức 54,72% tổng số phiếu, đánh bại PAP chỉ được 59.829 - tức 45,28%.

Đáng nói là trước cuộc bầu cử 2011 này diễn ra, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu, Bộ trưởng Cấp cao Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) và cả Thủ tướng Lý Hiển Long đều đã mạnh mẽ lên tiếng cụ thể với cử tri khu vực Aljunied nhằm ủng hộ đảng nhà.

Trong cuộc họp báo sau bầu cử năm đó, Thủ tướng Lý Hiển Long nhìn nhận cuộc bỏ phiếu đã “nâng cao ý thức và nhận thức chính trị của cử tri”, và “nhiều người mong muốn được thấy nhiều tiếng nói đối lập hơn trong nghị viện để kiểm tra chính phủ PAP”.

Ông mô tả việc để mất đơn vị bầu cử Aljunied của PAP, dẫn đến việc Bộ trưởng Ngoại giao George Yeo (Dương Vinh Văn) bị loại khỏi nghị viện là “tổn thất nặng nề cho nội các và nhóm nghị sĩ của tôi”, nhưng ông cũng nói PAP sẽ “chấp nhận và tôn trọng quyết định của cử tri”.

Còn cuộc bầu cử gần nhất năm 2015, PAP đã giành được 83/89 ghế, sáu ghế còn lại về tay WP. Lúc đó, giới phân tích nói PAP được cảm tình nhiều vì cuộc bầu cử diễn ra ngay sau khi người sáng lập Singapore Lý Quang Diệu qua đời ở tuổi 100. Kỳ này PAP có lẽ vẫn thắng, nhưng câu hỏi sẽ là họ giành được bao nhiêu ghế? Trong cuộc bầu cử trước, đơn vị bầu cử Aljunied vẫn tiếp tục về tay WP, dù với tỉ lệ thấp hơn - 50,95%, điều cho thấy nơi này đang dần trở thành “cứ địa” cho WP.

Cuộc tranh chấp đơn vị bầu cử Aljunied lần thứ ba này, cũng như ở vài đơn vị khác, chính là sự nhắc nhở PAP phải nỗ lực hơn nữa. Dân chủ là sự luyện tập lâu dài, không thể ngủ một đêm mà sáng ra mở mắt đã thấy dân chủ. Song, cũng không thể cứ giậm chân tại chỗ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận