“Bánh ngụy trang”: Lại một trào lưu kỳ quặc trên mạng xã hội

TRÚC ANH 30/07/2020 03:07 GMT+7

TTCT - Mạng xã hội là nơi mà thứ gì cũng có thể thành trào lưu, là nguồn cảm hứng bất tận cho ảnh chế (meme). Việc người dân ở nhiều nước vẫn phải tự giam mình trong nhà vì dịch bệnh chỉ làm tăng độ kỳ quặc của các trào lưu mà thôi. Chẳng hạn chuyện “bánh ngọt ngụy trang” rần rần trên mạng mấy tuần qua.

Trên Twitter, Instagram hay Facebook ở một số nước, đang diễn ra hiện tượng lạ: bánh ngọt bỗng dưng có khả năng ngụy trang, tồn tại trong muôn hình vạn trạng, từ chiếc giày hiệu Crocs cho đến cuộn giấy vệ sinh.

Ổ bánh ngọt hình cuộn giấy vệ sinh.

Nhìn qua cứ tưởng bánh xà phòng, song lấy dao cắt thì hóa ra đó là bánh kem. Dân mạng thì bắt đầu hoang mang, nhìn vật dụng gì - thậm chí nhìn người khác - cũng nghĩ đó là bánh ngụy trang. Có người còn thử “kiểm tra” bằng cách tự cắt bàn tay mình để xem là người bằng xương bằng thịt, hay là cốt bánh gatô.

Những điều kỳ quái trên đương nhiên được đăng tải ở dạng hình ảnh, video trên các trang mạng xã hội. Tất cả đều để “đu trend” bánh ngụy trang (cakes in disguise).

Mọi sự bắt đầu từ một video của nghệ sĩ ẩm thực và chuyên gia làm bánh người Thổ Nhĩ Kỳ Tuba Geckil, được Tasty, tài khoản chuyên đăng video đồ ăn thức uống, đăng lên Twitter ngày 8-7.

Nhân vật trong video lần lượt dùng dao cắt một loạt thứ như quả chuối, chai nước rửa tay, chậu cây, thậm chí nhân vật trong bức tranh nổi tiếng của J. Vermeer, Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, rồi người xem mới vỡ lẽ chúng hoàn toàn là bánh ngọt, được tạo hình thành đồ vật như thật.

Hình ảnh lưỡi dao cắt những-thứ-tưởng-không-phải-đồ-ăn ngọt xớt khiến video nhanh chóng thành hiện tượng, tính đến hết tuần qua đã có hơn 31,5 triệu lượt xem trên Twitter.

Dân mạng thích thú với tài năng của Geckil cũng chia sẻ các video bánh ngụy trang mà họ sưu tầm được (như bánh kem hình cún), hoặc bắt đầu làm ảnh và video chế kiểu dùng dao cắt các đồ vật trong nhà “xem chúng có phải là bánh không”.

Cũng có người chẳng thấy vui vẻ gì với video của Geckil, dù phải thừa nhận tài năng nhào nặn, điêu khắc bằng fondant (nguyên liệu phổ biến để trang trí, tạo hình bánh ngọt) của cô thuộc loại thượng thừa.

Ảnh biếm chế giễu trào lưu “bánh ngụy trang” của họa sĩ Raphael Salimena.
Ảnh biếm chế giễu trào lưu “bánh ngụy trang” của họa sĩ Raphael Salimena.
"Năm 2020 này đã dập chúng ta tả tơi đến mức những chiếc bánh ngụy trang giờ lại thành biểu tượng cuộc sống” - Daramus

Tác giả Joseph Lamour của trang tin tức cho giới trẻ Mic cho biết không xem hết nổi video gây sốt nói trên vì “không thoải mái khi nhìn cảnh dao cắt vào vật rắn để rồi hóa ra chúng là những cái bánh đầy đường và fondant”.

Lamour còn nhắc lại kỷ niệm đau thương khi lỡ xem video cắt một cái bánh ngụy trang được tạo thành hình em bé, kể rằng mình đã phải đi hỏi chuyên gia tâm lý để giải thích cảm giác gợn gợn đó là từ đâu ra.

Pascal Wallisch, giáo sư tâm lý học Đại học New York, giải thích đó có thể là do hiện tượng “uncanny valley” (thung lũng kỳ dị). Đây là thuật ngữ do nhà nghiên cứu robot Masahiro Mori đặt ra hồi năm 1970, mô tả cảm giác không thoải mái khi thấy thứ gì đó không phải con người nhưng lại quá giống con người. Có thể lấy ví dụ nhiều người thấy rờn rợn khi thấy robot Sophia - khuôn mặt giống con người - nói chuyện và pha trò.

Riêng với trường hợp “bánh ngụy trang”, Lamour dẫn lời chuyên gia tâm lý trị liệu Aimee Daramus giải thích nguyên nhân gây cảm giác khó chịu vì nó đã “phá vỡ điều cấm kỵ” khi diễn tả điều rùng rợn, gây sốc là cảnh ăn những thứ mà con người thường gắn với sự dơ bẩn (bánh hình chuột, giấy vệ sinh) và những thứ con người yêu mến (bánh hình em bé, chó con).

Fondant đã có từ thế kỷ 16, và chuyện dùng nguyên liệu này như một dạng “đất sét ăn được”, thỏa sức tạo hình cho các món tráng miệng không phải chuyện gì mới lạ. Geckil có lẽ cũng chỉ muốn khoe tay nghề chứ không nghĩ mọi thứ lại đi quá xa đến vậy.

Trang web ẩm thực Eater cho rằng đó là vì ta đang sống trong thời của TikTok, và “chuyện làm một cái bánh trông giống như gà tây quay giờ đây không còn là một chiến công hiển hách về độ khéo tay, mà là một trò đùa trên mạng”.

Tác giả Jaya Saxena của Eater cho rằng trào lưu bánh ngụy trang vừa lố bịch vừa vô nghĩa. “Đó là sự khoe khoang kỹ năng mà chẳng vì mục đích hay lợi ích gì, ta chẳng đạt được gì cả” - Saxena viết.

Chuyên gia Daramus dự báo những video “vừa đáng sợ vừa hấp dẫn” đó sẽ còn làm mưa làm gió trên YouTube và các trang mạng xã hội thời gian tới. “Năm 2020 này đã dập chúng ta tả tơi đến mức những chiếc bánh ngụy trang giờ lại thành biểu tượng cuộc sống” - Daramus nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận