Những đổi thay đang thành hình 

XUÂN MINH 08/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Những gì xảy ra trong đại dịch COVID-19 cho thấy có cơ sở để lo cho sự xuống dốc về vị trí của các thành phố lớn, khi dịch bệnh tấn công vào những thành phố sôi động và toàn cầu nhất. Nhưng cùng lúc, nhiều đô thị đã bắt đầu thay đổi để thích ứng với tương lai hậu dịch bệnh.

Cổng Khải Hoàn môn ở Paris vắng lặng trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: REUTERS
Cổng Khải Hoàn môn ở Paris vắng lặng trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: REUTERS

Thăng trầm nhìn từ New York

Về đêm, khoảng 1,6 triệu người sống ở Manhattan (New York) - một con số lớn so với một hòn đảo nhỏ. Như thủy triều dâng lên rồi rút xuống mỗi ngày, vào buổi sáng, lượng người trên đảo tăng hơn gấp đôi, họ đến làm việc trong các tòa nhà văn phòng, quán cà phê, tham gia các lớp học rồi khi chiều về, đoàn người rời hòn đảo theo những cây cầu, đường hầm, chỉ một ít người làm việc theo ca ở lại. Nhịp tăng giảm ngày đêm này ngắn lại vào cuối tuần và mùa hè, nhưng nó đã đều đặn như vậy trong hơn một thế kỷ.

Vào giữa tháng 3-2020, nhịp “thủy triều” này dừng lại. Theo lệnh ở nhà của Thống đốc New York Andrew Cuomo, các trụ sở văn phòng đóng cửa trong khi các bệnh viện đầy bệnh nhân COVID-19. New York trở thành một trong những điểm nóng chết chóc về dịch bệnh với hơn 20.000 người chết trong hơn 3 tháng. Quảng trường Thời Đại vắng lặng, bảo tàng, nhà hát… đóng cửa.

Đến tháng 6, New York chính thức mở cửa lại. Xây dựng, sản xuất lại vận hành, các cửa tiệm linh động giao hàng bên lề đường, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa và hầu hết nhân viên văn phòng vẫn ở nhà. Nhà hát Broadway sẽ không sáng đèn đến ít nhất là tháng 9 năm nay. Khả năng mở cửa lại các trường học vào mùa thu chỉ 50%.

Một thành phố từng được mệnh danh là không bao giờ ngủ như bị hôn mê và điều tồi tệ này có thể kéo dài đến hết năm. Nếu dịch bệnh COVID-19 trở lại và lợi hại hơn xưa hoặc người lao động vẫn làm việc ở nhà, thành phố sẽ rơi vào “hấp hối”.

Những miêu tả trên đây là của tạp chí The Economist, lấy New York làm ví dụ minh họa cho nhận định rằng dù các lệnh phong tỏa nhiều nơi đã được dỡ bỏ, hạn chế về đi lại quốc tế nới lỏng nhưng nỗi sợ dịch bệnh vẫn ngấm ngầm tiếp diễn.

Bằng mắt thường cũng nhận ra London vắng lặng, chỉ bằng 15% nhịp sống trước đây. Tình trạng “thành phố buồn” này đặt ra một thách thức nghiêm trọng với các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, toàn cầu. Thực tế thành phố New York chỉ chiếm 3% dân số nhưng chiếm khoảng 21% số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ, theo số liệu của worldometers.info, còn Paris và vùng phụ cận chiếm khoảng 25% số ca tử vong ở Pháp.

Thành phố lớn, ảnh hưởng lớn

Nếu như cái được của việc sống ở ngoại ô là vì giá bất động sản tương đối rẻ, hay niềm vui sống ở nông thôn là sự bình yên thì sức hút của việc sống tại thành phố chủ yếu là những con đường nhộn nhịp, nhà hàng rực rỡ hay nhà hát lấp lánh ánh đèn. Nhưng những nơi càng hào nhoáng, lung linh của thành phố trước đây thì hiện tại càng ảm đạm, không đóng cửa thì cũng ế ẩm. Đây là một sự mất mát cho người tiêu dùng ở thành thị và là tai họa cho nhiều người, nhất là người nhập cư, người làm dịch vụ.

Virus corona chủng mới đã tấn công những trụ cột tạo nên sức sống và sự thành công của các thành phố. Theo The Economist, cốt lõi sự thịnh vượng của các thành phố không nằm ở chính sách cho các doanh nghiệp của những nơi này, mà nhờ khả năng thu hút nhân tài và cung cấp môi trường để mọi người thử nghiệm những ý tưởng mới. Ví dụ, người Mỹ ở các thành phố từ 1 triệu dân trở lên làm việc hiệu quả hơn 50% so với người sống ở nơi khác.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, hình ảnh một văn phòng đông đúc hay nhà hàng, quán bar tấp nập bây giờ trông có vẻ đáng sợ và phần nào thể hiện sự vô trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.

Khách ngồi trong quán rượu vắng tanh ở New York, Mỹ ngày 22-7-2020. Ảnh: REUTERS
Khách ngồi trong quán rượu vắng tanh ở New York, Mỹ ngày 22-7-2020. Ảnh: REUTERS

May mắn là không như khi dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ, người đi làm ngày nay có nhiều lựa chọn thay thế. Mọi người đang học cách làm việc tại nhà và một số thấy thích điều này. Các công ty như Twitter, Coinbase, Shopify đã cho phép nhân viên làm việc từ xa lâu dài, trong khi Facebook đặt mục tiêu 50% nhân viên làm việc từ xa trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, khi người đi làm không còn tập trung ở thành phố, dù chỉ là một vài ngày trong tuần, thị trường bất động sản thương mại và nhà ở có thể sụt giảm. Nhà hàng, cửa hiệu, quán cà phê… trên các trục đường chính có thể phải dời đi hoặc điều chỉnh để phù hợp sự vắng bóng của nhân viên văn phòng, du khách và sinh viên.

Khi cư dân giảm, các thành phố cũng sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính. Nguồn thu từ hệ thống khách sạn, vận tải sẽ bốc hơi. Văn phòng ngân sách độc lập của New York đã cảnh cáo về tình hình thu ngân sách ảm đạm do hậu quả của COVID-19 và lo rằng nguồn thu từ thuế của New York có thể giảm 9 tỉ đôla trong hai năm tài chính tiếp theo.

Hệ quả nguy hiểm lớn hơn là các thành phố sẽ bước vào vòng xoáy cắt giảm ngân sách, dịch vụ công sẽ giảm chất lượng do không được chăm chút, tỉ lệ tội phạm gia tăng kéo theo sự tháo chạy của tầng lớp trung lưu. Lịch sử u buồn có thể lặp lại, cụ thể là suy thoái kinh tế và lạm phát như những năm 1970 ở Mỹ.

Thích nghi cho tương lai

Các đô thị hiện đại không được thiết kế để kháng cự với những dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao như COVID-19. Đặc điểm chung và là tử huyệt của những nơi này khi dịch bệnh bùng phát là mật độ dân số đông và thiếu không gian xanh.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các thành phố mạnh mẽ và kiên cường hơn vẻ ngoài của chúng. Nhiều thành phố trên thế giới đã mọc lên từ tro tàn sau khi bị giội bằng bom hay vũ khí hạt nhân. Những dịch bệnh trong quá khứ cũng không chôn vùi sức sống của thành phố.

Thành phố là nơi cực kỳ hữu ích để mọi người xây dựng mối quan hệ và hợp tác cùng nhau. Sở dĩ hiện nay người làm công việc trí óc có thể tham dự các cuộc họp trực tuyến qua Zoom và làm việc suôn sẻ từ những ngôi nhà ở ngoại ô hay làng quê thay vì phải vào thành phố là vì họ đã có thời gian xây dựng mối quan hệ và làm quen với văn hóa làm việc đấy. Với họ, dù thân thể có ở đâu trên Trái đất, đầu óc họ vẫn thuộc về thành phố.

Tạp chí The Atlantic dẫn một khảo sát cho thấy sau đại dịch, khoảng 32% người dân London, chủ yếu là người trẻ, vẫn muốn sống ở thành phố. Đây là nơi họ kết bạn, xây dựng mối quan hệ và điều này sẽ không thay đổi một sớm một chiều.

Trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra, Vilnius - thủ đô của Lithuania, một quốc gia nhỏ ở châu Âu - đã cho phép những quán cà phê ngoài trời nơi người dân có thể giữ khoảng cách an toàn với nhau vẫn mở cửa.

Họ cho chiếu phim trong sân bay từ những màn hình khổng lồ để người dân ngồi xem trong xe của mình. Khu phố cổ được quy hoạch lại và dành phần lớn không gian cho người đi bộ. Thị trưởng thành phố cho biết những điều chỉnh này là “tự nhiên” trong hoàn cảnh mới hiện nay.

Một số nơi đã áp dụng những ý tưởng táo bạo về việc mở hệ thống đường dành cho xe đạp, mở rộng hoặc chắn lối đi riêng an toàn để khuyến khích người dân đi bộ và giữ khoảng cách sau những chật vật họ trải qua khi phải sắp xếp để các toa tàu điện, xe buýt không được đầy kín người. Biện pháp này là chỉ tạm thời ở nhiều nơi như Athens (Hi Lạp), Bogotá (Columbia) và Milan (Ý), nhưng đã là chính thức ở Rotterdam (Hà Lan).

Tuy nhiên, nhà chức trách cũng lo rằng nếu người dân không đi phương tiện công cộng mà quay về sử dụng ôtô riêng, cảnh tắc nghẽn đường sá lại bắt đầu. Các biện pháp hành chính có thể là tính phí sử dụng xe hoặc phí đậu xe cao.

Tuy nhiên, đây mới là những điều chỉnh trước mắt. Sự thật là còn quá sớm để chúng ta biết về cách virus corona định hình lại các thành phố lớn, nhất là về lâu dài. Tương lai nằm ở khả năng thích nghi và điều chỉnh của các thành phố ngay cả khi các nhân viên văn phòng, ngân hàng, lập trình viên... không còn có thể làm việc trong thành phố. Khi thành phố bớt đông đúc và đỡ đắt đỏ hơn, người trẻ, những người ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn và cũng ít lo lắng về tình hình tội phạm hơn, có thể có cuộc sống dễ dàng hơn ở đây.

Tại thời điểm này, khi làn sóng dịch thứ hai, thứ ba chực chờ xuất hiện, số phận của các thành phố cũng như nhiều nơi khác trên thế giới trông chờ vào sự phát triển của các phương pháp điều trị và vaccine an toàn, hiệu quả với COVID-19.■

Sự điều chỉnh và thích nghi của các thành phố sẽ không giống nhau. Những gì hợp lý ở Vilnius có thể sẽ không thể áp dụng cho London hay San Francisco.

Để chống đỡ đại dịch, các thành phố cũng cần nhiều quyền tự chủ hơn. Dịch bệnh COVID-19 cho thấy trong khi Seoul của Hàn Quốc có thể nhanh chóng dập tắt dịch bệnh chủ yếu nhờ sự điều hành của lãnh đạo chính quyền và cơ quan chức năng thì vị thị trưởng tội nghiệp của London, Sadiq Khan, lại không có được sự tự chủ này.

Ông Khan đã phải xin chính phủ thông qua yêu cầu buộc người dân phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Quyết định theo đề nghị của thị trưởng London đến muộn màng sau hai tháng trong bối cảnh London và Vương quốc Anh bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề. Nếu có quyền tự chủ cao hơn, câu chuyện của London có thể đã khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận