Ăn tiệm để giải cứu nhà hàng

TRÚC ANH 06/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Vậy là chương trình trợ giá khuyến khích người dân ăn ngoài để vực dậy ngành dịch vụ ăn uống ở Anh đã kết thúc sau tròn một tháng mà không được gia hạn như kỳ vọng của cả giới chủ quán lẫn thực khách. Cả người làm ăn và khách hàng đều có một tháng vui chung, và giờ mỗi bên lại buồn một kiểu riêng.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Kéo dài suốt tháng 8, chiến dịch kích cầu “Eat Out to Help Out”, hay ăn tiệm để giúp nền kinh tế, là sáng kiến của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, khuyến khích người dân tập làm quen với việc ra ngoài trở lại và nhất là tiêu tiền để giúp nền kinh tế đang lay lắt vì đại dịch COVID-19. 

Không có gì thiết thực hơn để đạt mục tiêu đó cho bằng chính phủ trợ giá 50% (tối đa 10 bảng/người) mỗi bữa ăn dùng trong nhà hàng, quán rượu và quán cà phê vào các ngày thứ hai, ba, tư.

Hiệu quả của chương trình có thể quan sát được, như New York Times mô tả một buổi chiều thứ ba ở khu Soho (trung tâm London): trời không mưa, đường phố cấm xe cộ để hàng quán bày bàn ghế ra ngoài (vì ăn trong không gian kín vẫn còn là điều đáng ngại), nhiều con phố không còn bàn trống, không khí náo nhiệt như bất kỳ một buổi chiều trước đại dịch nào.

Thành công cũng có thể đong đếm được: trong 3 tuần đầu tiên của tháng 8, 64 triệu bữa ăn có trợ giá đã được phục vụ, với số tiền chính phủ hỗ trợ là 336 triệu bảng. Đổi lại, như Bộ trưởng Sunak tuyên bố trước đó, chương trình “có một không hai” này sẽ giúp 1,8 triệu người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng.

Ivo Vlaev, giáo sư khoa học hành vi tại Trường kinh doanh Warwick, chương trình kích cầu ăn uống của chính phủ áp dụng hai đòn đánh tâm lý - tạo thói quen và cam kết tâm lý. Khi ta làm gì đó và được thưởng (cụ thể là giảm giá 50%), lần tới khi trong tình huống tương tự, ký ức về sự tưởng thưởng đó sẽ khuyến khích ta lặp lại hành động, và điều này sẽ tiếp diễn đến khi ta vẫn hành động mà không cần phần thưởng nữa.

Đòn đánh tâm lý thứ hai là trước khi muốn người ta chấp nhận một yêu cầu lớn, ta thường phải buộc họ chấp nhận một thứ nhỏ hơn. Người dân Anh ban đầu sẽ tranh thủ việc trợ giá, nhưng một khi họ đã ra ngoài và tận hưởng chuyện ăn uống, chính phủ sẽ dễ dàng thuyết phục họ trở lại văn phòng, nhà hát và các cơ sở khác, theo Vlaev.

Thử nghiệm của chính phủ có vẻ đã đạt hiệu quả. Một thăm dò cho thấy gần 40% người sử dụng giảm giá của chương trình đã đi ăn ngoài lần đầu tiên kể từ khi có lệnh phong tỏa cả nước vào cuối tháng 3. Chuyện giảm giá cũng khuyến khích các gia đình và người lớn tuổi chịu ra khỏi nhà, và chưa có đợt ca nhiễm bùng phát nào liên quan đến chiến dịch.

Về phía cung cấp dịch vụ, chủ hàng quán và nhân viên phục vụ được khích lệ tinh thần rất lớn vì lại được nhìn thấy khách hàng và bản thân được bận bịu luôn tay sau hàng tháng dài ngồi không vì đóng cửa.

Nhưng vẫn có những băn khoăn rằng nhộn nhịp trong một tháng không phải là giải pháp bền vững. “Chương trình có thể thay đổi hành vi khách hàng, nhưng nó không giải quyết các vấn đề như các cơ sở sẽ bù đắp cho việc giảm công suất phục vụ vì giãn cách xã hội như thế nào, hay điều gì sẽ xảy ra khi thời tiết lạnh hơn” - báo The Guardian viết.

Sở dĩ thời tiết có liên quan ở đây là vì một thăm dò trên 2.500 người trưởng thành của cơ quan thống kê Anh cho thấy chỉ có 43% cảm thấy thoải mái khi ăn uống trong nhà.

Còn có những chỉ trích như chương trình của Bộ trưởng Sunak không giải quyết các mối đe dọa sống còn của lĩnh vực ăn uống như không có tiền trả tiền thuê mặt bằng, tỉ lệ thất nghiệp trong ngành có thể tăng vì các chương trình tạm nghỉ việc do COVID-19 kết thúc, sẽ đến lúc giới chủ phải tinh giản nhân sự.

Ngoài ra, giải pháp cào bằng, hiệu ăn gia đình hay nhà hàng lớn cũng ưu đãi như nhau, được cho là chỉ làm lợi cho các chuỗi nhà hàng giàu có, vốn chẳng phải chật vật với nợ mặt bằng và không thực sự cần giúp đỡ.

Chưa rõ liệu mô hình này có được tái áp dụng trong tương lai hay không, nhưng những dòng tít trên các tờ báo Anh trong ngày 1-9 như Thực khách đổ xô tận hưởng ngày cuối của mô hình Eat Out to Help Out (Guardian) hay Các nhà hàng Anh (tự bỏ tiền) mở rộng trợ giá Eat Out to Help Out sau thành công trong tháng 8 (The Telegraph) cũng nói lên nhiều điều về sự thành bại của sáng kiến “ăn tiệm cứu kinh tế” ở xứ sương mù này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận