Rong ruổi trên bước đường du mục Á - Âu

NGUYỄN CHÍ LINH 20/03/2019 06:03 GMT+7

TTCT - Phải đến thế kỷ 4 trước Công nguyên, các hoàng đế Ba Tư và La Mã mới ghi nhận như một cách thừa nhận sự hiện diện của những bộ lạc không nơi chốn ẩn trú cố định, thích đi theo tiếng gọi hoang dã từ bìa rừng Taiga đến sa mạc Trung Á được gọi là “Eurasian Normads”, nghĩa là “Du mục Á - Âu”...

Hồ Toktogul ở Kyrgyzstan. Ảnh: N.C.L.
Hồ Toktogul ở Kyrgyzstan. Ảnh: N.C.L.

 

Trời đã xế chiều, chúng tôi chia tay hai bạn người Anh bắt xe trực chỉ đến Osh, tôi lẽo đẽo bước chân theo chú Haruto, người bạn đồng hành mới quen, vừa nhập cảnh từ Tân Cương (Trung Quốc) đến thị trấn nhỏ Saray Tash cách biên giới khoảng 45km để đi theo tiếng gọi du mục...

Cuộc sống du mục mê hoặc

Dãy núi Pamir huyền thoại phủ đầy tuyết trắng trên đỉnh ánh lên màu đỏ hồng khi nắng tà soi bóng đã hiện ra trước mắt, mời gọi trong khi chúng tôi đang bị cánh tài xế taxi “làm giá”. Nếu chú Haruto là người có kỹ năng trả giá, tôi lại là người tỏ thái độ bất cần dựa vào chút ít kinh nghiệm đường xa của mình. Cuối cùng, chúng tôi cũng chốt được giá 10 tệ để đến làng Saray Tash.

Trên chuyến xe ấy, những người Kyrgyz đi chung cố gắng giải thích bằng tất cả ngôn ngữ cơ thể rằng sẽ bảo vệ chúng tôi bằng cả trái tim.

Cánh đồng hoa dại
Cánh đồng hoa dại. Ảnh: NCL

 

Nơi tôi ở trọ ba ngày ở làng Saray Tash luôn rì rào tiếng suối róc rách qua thềm nhà khi tuyết từ đỉnh Pamir tan mềm trong ánh nắng hè, chảy xuôi qua đám cỏ xanh làm ướt sũng đôi giày những khi tôi rong chơi theo tiếng gọi trong trẻo của thiên nhiên.

Trên đỉnh đồi cỏ xanh, tôi mường tượng những vị thần dẫn đường cho vó ngựa hoang dại băng băng lao về phía trước, những tia sáng mầu nhiệm soi rọi qua từng tế bào tội lỗi để những người du mục luôn sống trong tình thương giữa người và người.

Người du mục vẫn thích lối sống hoang dại như thuở Thượng đế gửi gắm họ vào trần gian, mọi người cứ tìm đến ly rượu thơm giải trí sau một ngày lên nương hay lang thang hát à ơ theo bầy gia súc.

Hai ngày ở Saray Tash của tôi là một ký ức đẹp về bức tranh thiên nhiên dưới chân núi Pamir, miền thảo nguyên xanh ngát phủ màu hoa anh túc chen cạnh những đồi hoa dại đủ sắc màu trong gió xuân. Ngôi làng nhỏ Saray Tash không chỉ giữ lại cho riêng mình bản sắc văn hóa du mục, mà còn được che chở từ bàn tay linh thiêng của vị thần núi Pamir.

thuysitrungA

Những lữ hành phương xa thường mến gọi Kyrgyzstan bằng mỹ từ như “Thụy Sĩ của Trung Á”, khi các rặng tuyết tùng dưới chân núi tuyết Tian Shan (Thiên Sơn) và Pamir rủ bóng bên 12 chiếc hồ xanh nước biếc.

Chiếc lều Yurt truyền thống ôm trọn vẹn những gì tinh túy nhất thuộc về cội nguồn du mục ở Trung Á. Mảnh đất đẹp mỹ miều này miễn visa cho hầu hết các quốc gia để thu hút khách lữ hành đến từ khắp nơi xài những đồng USD lẻ, giúp người bản địa cải thiện cuộc sống...

Người phụ nữ  Kyrgyzstan bế con, phía sau là chiếc lều truyền thống. Ảnh: N.C.L.
Người phụ nữ Kyrgyzstan bế con, phía sau là chiếc lều truyền thống. Ảnh: N.C.L.

 

Chúng tôi quyết định ở lại Saray Tash thêm một đêm, thay vì hai đêm như dự kiến vì quá yêu mến cảnh đẹp nên thơ ở đây cùng hơi thở cuộc sống du mục lạ lẫm cuốn hút. Thật chưa bao giờ tôi được trải nghiệm một buổi sáng thức giấc trong hơi thở trinh nguyên của đồi cỏ, được sưởi ấm bằng mớ phân bò đã sấy khô qua chiếc thùng thiếc nhỏ.

Nhấm nháp những chiếc bánh mì tròn quệt bơ dẻo được làm từ sữa bò nguyên chất, hay vài miếng mứt mận được chế biến từ cây trồng quanh vườn nhà quả là bữa sáng tuyệt hảo giữa trời đất Pamir tinh khôi.

Cô chủ nhà nướng những chiếc bánh mì tròn truyền thống chuẩn bị bữa ăn cho khách. Ảnh: N.C.L.
Cô chủ nhà nướng những chiếc bánh mì tròn truyền thống chuẩn bị bữa ăn cho khách. Ảnh: N.C.L.

 

Chúng tôi dạo bước trên con đường quanh co trong thị trấn, rong chơi trong tiếng gió rì rào dịu êm và thỉnh thoảng là tiếng cãi nhau chí chóe của đàn gia súc tranh ăn bên đồi cỏ non... Cuộc sống du mục sao mà thanh bình và cuốn hút kỳ lạ hai gã lang thang chúng tôi.

Bát sữa ngựa Kumis. Ảnh: N.C.L.
Bát sữa ngựa Kumis. Ảnh: N.C.L.

 

Kumis - bát dược liệu quý giá

Hình ảnh những người du mục gắn liền với chú ngựa hiền hậu đi theo lời thì thầm từ những đồi cỏ mênh mông luôn xuất hiện gần gũi trong ánh mắt tôi những ngày ở Saray Tash. Lịch sử nơi đây kể lại rằng họ chính là những người đầu tiên biết thuần hóa những con ngựa hoang thành người bạn thân thiết.

Điều này được thể hiện qua những điêu khắc trên đá được các nhà khảo cổ tìm thấy từ những năm 3.500 trước Công nguyên trong lòng sa mạc Kazakhstan. Mùa xuân về cũng là mùa khởi đầu sự sống mới, những bộ lạc du mục ngày nay luôn giữ lại nét văn hóa xưa bằng những cuộc đua ngựa hằng năm.

Một đứa trẻ chứng minh sự trưởng thành của mình bằng việc thuần thục cưỡi ngựa bắn cung và một bộ lạc thịnh vượng khi có được một bầy ngựa sung túc.

Trên vó ngựa băng qua sa mạc Gobi đầy khắc nghiệt xuôi về phương nam, những người du mục không tìm thấy các loại thảo dược tự nhiên phòng khi gió độc vây hãm qua từng mùa. Bản năng sinh tồn đã trỗi dậy giúp người du mục nhận ra rằng sữa ngựa chính là liều thuốc quý giá trên những nẻo đường.

“Kumis” - loại sữa được vắt từ những con ngựa mẹ vừa sinh con - được xem là bát thuốc mầu nhiệm. Thời gian dần trôi qua ánh sáng văn hóa của nhân loại, những người du mục không nhớ cái tên bát sữa cội nguồn của tổ tiên ra đời như thế nào và “Kumis” được tộc người Turkic đặt tên “Kimiz”.

Theo lời khuyên của người dân bản địa, để tăng sức đề kháng cho cơ thể, tôi cũng tin dùng bát Kumis tươi dù lần đầu rất khó trôi qua đầu lưỡi, bởi hành trình còn dài phía trước khi đi qua những miền có thời tiết khắc nghiệt khác nhau.

Chú Haruto cho biết Kumis được người Nhật yêu chuộng khi một lần rong chơi ở Kyrgyzstan, để rồi loại nước uống Calpis có tính năng tương tự đã ra đời và phổ biến ở Tokyo. Không chỉ là loại sữa bổ dưỡng, giúp tiêu hóa tốt, Kumis còn trị được cảm cúm, viêm họng...

Sữa ngựa được cho vào chiếc túi da, treo trên cửa lều và mỗi ngày đánh đều để sữa lên men tự nhiên. Kumis sử dụng được khi không quá lỏng như sữa tươi, nhưng cũng không quá cô đặc và sóng sánh như sữa chua.

Gió đêm qua miền miên viễn ngày càng lạnh hơn. Cuộn chiếc chăn dệt bằng lông cừu để ru giấc mộng đêm hè, tôi chợt nhớ rằng thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan ngày nay được đọc trại từ “Pikpek” mà trong ngôn ngữ Kyrgyz có nghĩa là “mái chèo gỗ dùng để đánh những thùng sữa Kumis lên men”. Uống cho trọn một bát Kumis là tôi đang gói ghém nét văn hóa cổ truyền của người du mục vào ký ức nhớ thương trong những ngày ở Kyrgyzstan... ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận