Quyền lực chính trị, quyền lực cử tri

DANH ĐỨC 09/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - ... ​Việc lần đầu tiên hai nữ dân biểu Hồi giáo nhập cư đắc cử không chỉ là thắng lợi của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận chống nhập cư, nhất là từ các nước Hồi giáo, mà còn là lời khẳng định rằng thiểu số vẫn có quyền lên tiếng!

Khối rubik dân chủ không bao giờ chỉ có một mặt. Ảnh: Kiplinger
Khối rubik dân chủ không bao giờ chỉ có một mặt. Ảnh: Kiplinger

 

Vất vả từ A đến Z (tự đăng ký để được là cử tri chứ chẳng ai điền tên sẵn cho, xếp hàng rồng rắn chứ không ai đi thay...), cử tri Mỹ hi vọng sẽ thấy quyền lực ở đất nước được cân bằng vào lúc mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã và đang muốn định đoạt số phận của họ bằng những chính sách nghiệt ngã với bộ phận này hay bộ phận kia của 326 triệu người Mỹ.

12 giờ trưa thứ tư 7-11-2018 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi điện chúc mừng lãnh đạo phe Dân chủ ở hạ viện Nancy Pelosi sau khi đảng của bà cầm chắc việc giành lại quyền đa số tại viện dân biểu này. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa vẫn sẽ kiểm soát thượng viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Làn sóng cầu vồng

Điều đáng nói hơn những kết quả phe phái có lẽ là câu chuyện của các cá nhân thắng cử kỳ này. Trong số các dân biểu tân cử, có hai phụ nữ Hồi giáo lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ: ứng viên Dân chủ Rashida Tlaib (bang Michigan) và ứng viên Đảng Dân chủ-nông dân-lao động (bang Minnesota) Ilhan Omar. Bà Tlaib là con của một người Palestine nhập cư, còn bà Omar là người Somalia nhập cư vào Mỹ cách đây 20 năm.

Nhà bình luận chính trị Van Jones đã tổng kết thật hay trên Đài CNN: “Chúng ta có những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên, phụ nữ da đen đầu tiên ở bang Massachusetts (Aynna Pressley-Dân chủ), phụ nữ Latin đầu tiên ở Texas (Veronica Escobar-Dân chủ). Đó có thể không phải là một làn sóng xanh (màu của đảng Dân chủ), nhưng là một làn sóng đủ sắc màu như cầu vồng và tôi rất vui vì điều đó”.

Sau khi đã “trắng cả hai tay” trong các cuộc bầu cử năm 2016, Đảng Dân chủ kỳ này giành lại hạ viện và hứa hẹn những thay đổi so với hai năm qua. Đây là một chiến thắng được dự báo trước.

Lấy ví dụ, từ ngày 24-7 CNBC đã loan tin “Lần đầu tiên, một tổ chức dự báo bầu cử hàng đầu nhận định Đảng Dân chủ có cơ hội lớn hơn 50% để đòi lại hạ viện... Một phân tích từ “Quả cầu pha lê của Sabato” cho thấy tỉ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ tại hạ viện đã vượt 50%”.

“Quả cầu pha lê của Sabato” là tên tổ chức nghiên cứu bầu cử do giáo sư Larry Sabato của Đại học Virginia lập ra, mượn hình ảnh quả cầu pha lê của các bà đồng bóng làm “nhãn hiệu” đặt tên cho công việc đo lường xã hội học, một cái tên vui cho một công việc rất ư là khoa học.

Đến thứ hai 5-11, tức một ngày trước bầu cử, “Quả cầu pha lê của Sabato” chạy tít lớn: “Đảng Dân chủ ở hạ viện; Đảng Cộng hòa ở thượng viện; Đảng Dân chủ mạnh mẽ trong các cuộc bầu thống đốc; hãy coi chừng những bức xúc”.

Thăm dò của Sabato chen chúc với các thăm dò khác của CNN, ABC News, Washington Post, Gallup... nói chung đều dự đoán Đảng Dân chủ thắng và tỉ lệ tán thành đương kim Tổng thống Donald Trump thấp (CNN chỉ 39%, Gallup 40%), khác hẳn với thăm dò của Rasmussen Reports, theo đó tỉ lệ tán thành ông Trump lên đến 50%, dù hãng nào cũng quả quyết rằng mẫu thăm dò của họ rất mang tính đại diện và các câu hỏi không mang tính định hướng!

Sự khác biệt dự đoán này chính là lý do khiến “Quả cầu của Sabato” chua thêm chú thích: “Hãy coi chừng những bức xúc”, điều vốn có thể gây bất ngờ. CNN, mà ông Trump gọi “kẻ thù số 1 của nhân dân”, hôm trước ngày bầu cử đã phải tự kiềm chế bằng bài viết: “Những chuyên gia thăm dò dư luận đã cố gắng học hỏi từ sai lầm năm 2016. Liệu bầu cử giữa kỳ năm 2018 này có khác hay không?”.

Vừa hào hứng vừa run là do hai năm trước, Sabato đã bị “ngựa về ngược” đá cho một cú bàng hoàng khi dự báo bà Hillary Clinton sẽ thắng áp đảo với tỉ lệ phiếu đại cử tri 322-216. Kết quả thực tế: Trump 306 - Clinton 232!

Tâm lý học bầu cử

Bởi thế lần này tất cả đều cảnh giác, với chính các kết quả thăm dò dư luận - “đặc sản” của xã hội Mỹ, vốn tiên phong trong lĩnh vực xã hội học định lượng. Nghiên cứu của nhóm tác giả Đan Mạch do Jens Olav Dahlgaard đứng đầu với tựa đề: “Cử tri bị tác động ra sao bởi thăm dò dư luận?

Tác động của thăm dò dư luận với hành vi bỏ phiếu cùng cảm tình dành cho các đảng phái” công bố năm 2016, nhận xét: “Giống như tất cả các loại thông tin khác, các cuộc thăm dò dư luận có thể ảnh hưởng đến dư luận quần chúng”.

Phân tích hiệu ứng “bandwagon” (cùng chung đoàn tàu, người ta sao mình vậy), các tác giả viết: “Chúng tôi tìm thấy bằng chứng về hiệu ứng bandwagon, và tác động là mạnh nhất theo chiều hướng tích cực. Khi cử tri biết rằng một bên đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò, sẽ có nhiều khả năng cử tri bỏ phiếu cho đảng đó hơn”.

Thế nhưng, bên cạnh tác động “người ta sao, mình vậy”, còn một hiệu ứng khác với tên gọi “bù đắp cho kẻ yếu thế” (hiệu ứng underdog). Theo đó, khi thấy một đảng nào bị “dập” quá, cử tri sẽ bù đắp bằng cách bỏ phiếu cho đảng ấy.

Liệu hai hiệu ứng này có đang thể hiện qua dự đoán - và sự thật - là Đảng Dân chủ đã giành lại hạ viện (hiệu ứng bandwagon, bởi Đảng Dân chủ đã được dự báo chiến thắng ở hạ viện từ rất lâu); còn ngược lại, Đảng Cộng hòa do lép vế ở hạ viện qua các cuộc thăm dò mà được bù lỗ ở thượng viện (hiệu ứng underdog)?

Cử tri được gì?

Những tin đồn vô căn cứ càng dễ có chỗ đứng trong bầu không khí căng thẳng của trận chiến chống “đoàn lữ hành di cư” ở biên giới Mexico mà ông Trump khởi động từ mấy tuần qua. Tác động vun đắp niềm tin tuyệt đối vào lãnh tụ các cử tri của ông Trump và Đảng Cộng hòa - rằng với ông Trump, nước Mỹ sẽ không bị tràn ngập bởi những kẻ đến đây “cướp cơm chim” - đóng vai trò rất lớn trong cuộc bầu cử. Họ càng tin tưởng hơn nữa sau khi ông Trump đe sẽ không cho cứ tiếp tục trò xin thị thực du lịch rồi mang bầu, sanh con ở Mỹ để làm khai sinh quốc tịch Mỹ.

Tùy người, có thể gọi đó là “chủ nghĩa dân tộc” hay “dân túy”, song đó chính là một nhu cầu mà phân nửa (hơn kém một chút, theo... thăm dò dư luận) người dân Mỹ mong đợi từ ông Trump. Đối với họ, chính quyền Mỹ phải bảo vệ quyền sống của dân Mỹ trên hết, đầu tiên là sống yên ổn không sợ hãi, sau đó tới quyền có công ăn việc làm.

Quyền lợi của người dân Mỹ rất giản dị, rất cụ thể, như có thể thấy qua các mẩu đềcan vận động tranh cử của Đảng Cộng hòa bán với giá 4,95 USD một miếng: “Những người Cộng hòa: Làm lụng như điên, để nuôi bọn lười!”, “Giấc mơ Mỹ đâu có là đồ chùa!”, “Đảng Dân chủ mua phiếu bằng tem phiếu thực phẩm từ năm 2008”, “Chúng tôi đã chán ngán chuyện kiểm soát vũ khí rồi, hãy kiểm soát mấy thằng ngu đi”, “Chúng tôi là Cộng hòa do lẽ không phải ai cũng đáng hưởng an sinh xã hội”...

Ngược lại, quyền lợi của dân Mỹ theo Đảng Dân chủ có phần “xa rời quần chúng” hơn nhưng vẫn không kém phần thiết thực. Các mẩu đềcan của Đảng Dân chủ: “Bỏ phiếu giống lái xe. Chọn Đảng Cộng hòa là chạy thụt lùi. Chọn Đảng Dân chủ là chạy tới”, “Yêu nước là chống lại một tổng thống xâm hại các giá trị Mỹ”, “Băng hoại hơn cả Nixon, bất tài hơn Bush”...

Các yêu cầu đó, cho dù cao cả hay “hai chân dưới đất”, cử tri Mỹ tin rằng sẽ được các đại biểu mà họ đã bầu ra đáp ứng bằng những lần biểu quyết ở quốc hội, bằng cách gây sức ép lên chính quyền, bằng sự kiểm tra cân bằng với nhánh hành pháp chớ không để một ai áp đặt.

Cử tri Đảng Dân chủ, tuy biết rằng Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát thượng viện và Nhà Trắng, được đảm bảo không có những đạo luật nào đi quá giới hạn chịu đựng của họ được thông qua, dù là nhân danh an ninh quốc gia, trật tự xã hội hay kinh tế. Ngược lại, cử tri Đảng Cộng hòa cũng tin rằng có thượng viện bảo vệ họ khỏi những dự luật “quá dễ dãi” với người nhập cư hay đòi họ giao nộp súng.

Tất cả những “lan can” đó (mà nghĩa đen theo tiếng Pháp - “garde-fou” - là “chống lại kẻ điên nhảy lầu”), chính là cơ chế kiểm tra và cân bằng để không cho phép bất cứ ai có thể áp đặt bất kỳ ý muốn độc đoán nào lên toàn bộ dân chúng.

Có thể kỳ này đảng này thắng ở hạ viện, đảng kia thua ở thượng viện, thậm chí thua cả ở hai viện và Nhà Trắng, song ít nhất thiểu số đó vẫn tiếp tục tồn tại, có quyền lên tiếng, quyền đòi hỏi, quyền vận động tiếp cho cơ sở chính trị của mình để đợi... hạ hồi phân giải!

Việc lần đầu tiên hai nữ dân biểu Hồi giáo nhập cư đắc cử không chỉ là thắng lợi của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận chống nhập cư, nhất là từ các nước Hồi giáo, mà còn là lời khẳng định rằng thiểu số vẫn có quyền lên tiếng!

Báo chí Mỹ gọi đây là cuộc trưng cầu ý dân về ông Trump. Bản thân ông Trump hai ngày trước bầu cử cũng thừa nhận điều này. Tất nhiên, ông Trump đến rồi đi, song việc ông ở lại hay ra đi không phải do ông muốn là được mà là ý chí của cử tri Mỹ. ■

Tin giả nở rộ trước bầu cử

Như mọi cuộc tranh cử khác, ngoài thăm dò dư luận còn rất nhiều đòn phép được tung ra để đánh vào tâm lý quần chúng. Thăm dò dư luận là một cách tác động, song không gây phản ứng “cấp tính” bằng một số phương pháp khác.

Tờ New York Times, một “kẻ thù nhân dân” khác của ông Trump, ngay trước ngày bầu cử còn dặn dò độc giả “cẩn thận với sáu cách gây nhiễu thông tin trong ngày bầu cử” và bày cách “làm gì khi phát hiện ra”.

Một trong số sáu điều cần cảnh giác là tin đồn rằng kỳ này nhân viên Cơ quan Quản lý nhập cảnh và hải quan (ICE) sẽ đến các điểm bỏ phiếu để tuần tra. Một tin dễ làm người nhập cư “phát ghét”, nếu không phải là “phát rét” để rồi bực dọc suy nghĩ “đi bầu làm chi cho bị xét giấy tờ”, ngay cả mình là người nhập cư hợp pháp. Càng có nhiều cử tri gốc nhập cư bỏ bầu cử, càng có lợi cho chính sách chống nhập cư của chính quyền.

Những tin đồn này lan rộng đến nỗi chính ICE tối 24-10 đã phải ra thông báo trên Twitter rằng “ICE không tuần tra hay thực thi pháp luật ở các điểm bỏ phiếu. Bất cứ truyền đơn hay quảng cáo nào có nội dung như thế đều là giả mạo”. Thông cáo này còn được đăng lại ngay trong ngày bầu cử như một cố gắng “giải độc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận