Tiếng cồng chiêng trên guitar

PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN 24/11/2009 06:11 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trên thế giới, nơi phố núi Pleiku (gia lai), chỉ hai nhạc sĩ và một cây đàn guitar đã phát ra cùng lúc bốn âm thanh và thật ngạc nhiên khi đó chính là âm điệu cồng chiêng.

Tiếng cồng chiêng trên guitar

TTCT - Lần đầu tiên trên thế giới, nơi phố núi Pleiku (gia lai), chỉ hai nhạc sĩ và một cây đàn guitar đã phát ra cùng lúc bốn âm thanh và thật ngạc nhiên khi đó chính là âm điệu cồng chiêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên - Ảnh: Thuận Thắng

Từ lâu các chuyên gia âm nhạc thế giới đã biết giáo sư - nhạc sĩ Trần Quang Hải là người nghiên cứu, phát triển thành công kỹ thuật hát đồng song thanh (overtone - phát ra hai âm cùng lúc ở hai cao độ khác nhau) của xứ Mông Cổ. Thế nhưng chưa có nhiều người biết nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cũng đã thành công khi phát minh kỹ thuật đồng song âm hòa ba ngắt (staccato-harmonic duotone), hay có thể gọi ngắn gọn là đồng song âm.

Khái niệm âm nhạc hoàn toàn mới

Chẳng có gì đáng phàn nàn khi bạn không hiểu được kỹ thuật đồng song âm hòa ba ngắt hay duotone là gì, bởi đó là khái niệm hoàn toàn mới ngay cả với các nhà chuyên môn. Như lời giải thích của chính tác giả Nguyễn Lê Tuyên, đây là kỹ thuật tạo ra hai âm thanh cùng lúc ở hai cao độ khác nhau tương tự đồng song thanh, chỉ khác ở chỗ phương tiện thể hiện kỹ thuật này là đàn guitar thay vì giọng hát. Tất nhiên ở đây không phải là đánh hay gảy hai dây đàn đồng thời mà chỉ đánh trên một dây, bấm ở một vị trí. Âm thứ nhất là một nốt đục và âm thứ hai vang như tiếng chuông. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên kể với TTCT:

- Một đêm khuya, tôi ngồi tập đàn như mọi ngày và không biết xui khiến thế nào mà tay tôi lại chạm vào “vị trí đó” để rồi bỗng nhiên hai âm thanh bật ra. Tôi thử lại trên đúng vị trí đó thì lần nào cũng đạt hiệu quả tương tự. Từ đó tôi lần mò tìm kiếm thêm những vị trí khác và cuối cùng đã nắm được đồng song âm.

* Thử trên chính vị trí đó, nghĩa là không phải vị trí nào cũng được?

- Đúng! Không phải bấm dây chỗ nào cũng được mà chỉ trên khung chặn 4, 5, 7, 9, 12. Đây chính là giới hạn của kỹ thuật đồng song âm, nhưng tôi nghĩ chỉ bấy nhiêu cũng đã đủ mở ra nhiều hướng đi mới trong sáng tác và trình tấu guitar.

Song “song” hòa điệu

Sinh trưởng tại Sài Gòn vào năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Lê Tuyên lên đường sang Úc định cư theo diện đoàn tụ gia đình khi đã ngoài 20 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân âm nhạc và giáo dục tại ĐH New South Wales, anh tiếp tục theo học trình diễn guitar tại Viện bảo tồn âm nhạc Sydney. Hiện anh là giáo viên âm nhạc tại Trung học Chatter Hill, Sydney, Úc.

Ước mơ của anh hiện tại là sưu tầm và xây dựng một phòng trưng bày nhỏ tại nhà các nhạc cụ truyền thống VN như một cách để tìm về với cội nguồn dân tộc. Vận động đưa nhạc dân tộc VN vào chương trình giáo dục chính thức của Úc, theo anh, đó là cách căn cơ để thế giới tìm hiểu về âm nhạc VN, thay vì chỉ có thể biết đôi chút qua những chuyến du lịch hoặc khi thật sự có nhu cầu.

Trong hội thảo khoa học quốc tế về “Sự biến đổi kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và Đông Nam Á” ngày 14-11 vừa qua tại TP Pleiku, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên chỉ kịp đến vào buổi chiều vì không kịp chuyến bay. Dù dáng vẻ mệt mỏi thấy rõ sau cuộc hội thảo nhưng trước đề nghị của TTCT, nhạc sĩ vẫn vui lòng biểu diễn đồng song âm để mọi người xác nhận kỹ thuật. Giáo sư Trần Quang Hải cũng hào hứng góp giọng trước sự chứng kiến của giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Tô Vũ, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng và một số thân hữu.

Bốn âm thanh đã phát ra cùng lúc dù chỉ một người hát, một người đàn. Ngạc nhiên đến sững sờ và rồi những tràng vỗ tay vỡ ra. Đó không chỉ là những tràng vỗ tay cho tài năng của hai nghệ sĩ mà thoảng trên nét mặt từng người còn là niềm tự hào của những trái tim VN. Chuyên viên Văn Ký của Sở VH-TT&DL TP Pleiku đã thử đàn theo hướng dẫn nhưng không thành công, trong khi nghệ sĩ Hải Phượng lại dễ dàng tiếp cận kỹ thuật. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên giải thích: “Kỹ thuật này không khó nhưng đòi hỏi người thực hành phải biết chơi guitar theo kiểu harmonic (họa ba) trước, khi đó chỉ cần vài phút là có thể đàn được ngay. Nhưng nếu chưa từng chơi guitar thì thời gian để tập là vô chừng”. Rồi anh kể: trong Liên hoan âm nhạc quốc tế về guitar lần 7-2007 tại Đại học Charles Darwin ở Úc (Darwin international guitar festival), các nghệ sĩ guitar đã chơi được đồng song âm chỉ sau năm phút được hướng dẫn.

Cồng chiêng trên guitar

Tác phẩm Nocturne (Dạ khúc) của Nguyễn Lê Tuyên gợi lại hình ảnh của núi rừng, của những tiếng cồng, tiếng chiêng bao trùm không gian lễ hội đồng bào dân tộc Tây nguyên. Anh bảo dù mình không có chủ đích khi viết khúc nhạc này nhưng có vẻ như âm nhạc VN đã “ăn sâu vào trong máu” đến mức khi anh sáng tác, âm điệu núi rừng đã tự nhiên tuôn trào.

Bổ sung cho tiếng “cồng chiêng” ấy là tiếng “gió miệng”, “sáo miệng” của nhạc sĩ Trần Quang Hải càng khiến không gian thêm huyền ảo và cuốn hút. Nhìn nét mặt khi căng thẳng, khi dịu dàng, lúc hớn hở... của Nguyễn Lê Tuyên và nhìn cách anh chơi đàn, ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu của người nhạc sĩ sống xa quê dành cho cây guitar cũng như trong từng tác phẩm. Không hề quá lời nếu bảo rằng Nguyễn Lê Tuyên chơi với cây đàn như đứa trẻ nâng niu món quà yêu thích và đang khoe những tài sản quý nhất của mình.

Để phổ biến phát minh, anh còn sáng tác thêm bài Chanson du Sud (Khúc ca phương Nam) với giai điệu được phát triển từ bài Lý chim quyên (dân ca Nam bộ) và bài Fantasia (Kỳ ảo). Bằng cách đưa ra các ký hiệu mới diễn tả đồng song âm trong các nốt nhạc, nhạc sĩ hi vọng trong tương lai không xa những giai điệu này sẽ được nhiều người nước ngoài trình tấu để không chỉ quảng bá kỹ thuật mà còn quảng bá cho VN.

“Hành trình vẫn còn rất dài phía trước và tôi chưa dám chắc điều gì sẽ xảy ra - Nguyễn Lê Tuyên ngập ngừng khi nói về dự báo của anh cho tương lai kỹ thuật đồng song âm - Hiện có rất nhiều thứ phải làm, nhiều người phải gặp mà giáo sư Trần Quang Hải là một ví dụ. Chúng tôi dự kiến sẽ cùng biểu diễn chung hoặc nếu có thể sẽ cùng thực hiện một CD. Chỉ mới hai năm cho một phát minh. Điều đó vẫn còn quá mới, nhưng tôi tin rằng sẽ thành công”. Ánh mắt rạng ngời, chàng nghệ sĩ đã sẵn sàng trên con đường giới thiệu âm nhạc VN với bè bạn năm châu.

“Tôi là người Việt Nam”

“Tuy học nhạc cổ điển phương Tây, đi dạy cũng dạy nhạc Tây nhưng tôi vẫn là người VN. Đó là lý do vì sao khi sáng tác tôi đã chọn đưa vào đó những giai điệu VN, màu sắc VN như một cách gợi nhớ quê nhà, tôn vinh đất nước. Tôi biết hiện nay có rất nhiều người đang cố gắng giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc nên trong chương trình giáo dục âm nhạc tại Úc tôi đã đề nghị nhà trường đưa thêm cồng chiêng vào giảng dạy bên cạnh âm nhạc của Indonesia, Malaysia hay các nước khác.

Tại Liên hoan âm nhạc Gillawarna (liên hoan âm nhạc dành cho thiếu nhi do Phòng giáo dục tiểu bang New South Wales tổ chức) sắp tới, với tư cách là người phụ trách và điều khiển ban nhạc đệm, tôi sẽ cho các em hát Cò lả. Với tôi, mỗi khi âm nhạc VN vang lên ở nước ngoài là thêm một lần tự hào”.

PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận