Tí Toáy và những gieo trồng bay bổng 

HẠNH NGUYÊN 22/01/2019 22:01 GMT+7

TTCT - Ở đó, những hạt mầm nuôi dưỡng tâm hồn cảm thụ nghệ thuật đang được gieo xuống. Nhưng tất cả vẫn rất cần thêm sự hiểu biết và tham gia đúng cách của xã hội để phát triển thành cây trái khỏe mạnh...

Quá trình tiếp cận, cảm nhận nghệ thuật sẽ giúp gieo vào trẻ nhỏ hạt mầm trí tưởng tượng và năng lực cảm thụ cái đẹp. Trong ảnh: các học trò của Tí Toáy đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật VN. Ảnh: Tí Toáy cung cấp
Quá trình tiếp cận, cảm nhận nghệ thuật sẽ giúp gieo vào trẻ nhỏ hạt mầm trí tưởng tượng và năng lực cảm thụ cái đẹp. Trong ảnh: các học trò của Tí Toáy đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật VN. Ảnh: Tí Toáy cung cấp

 Bốn cơ sở tại Hà Nội, số lượng giáo viên và trợ giảng 35 người, 9 giáo trình tự phát triển (trong đó có 6 giáo trình theo độ tuổi người học, giáo trình dành cho người trung niên, nghỉ hưu và người làm văn phòng) và lượng học viên (đa số là trẻ em) đều đặn hằng tháng là 500 học sinh.

Những số liệu do Tí Toáy công bố cho thấy hành trình đi từ sự mộng mơ của vợ chồng Lê Đăng Ninh và Nguyễn Thùy Trang cách nay 5 năm đã thành hình hài rõ nét: các cơ sở giảng dạy sáng đèn liên tục, chứ không chỉ vào cuối tuần như trước.

Bởi muốn làm gì khác đi 

Hành trình mộng mơ bắt đầu từ năm 2013, Trang khi đó 25 tuổi, là nghệ sĩ tiềm năng sinh ra trong một gia đình gốc gác nghệ thuật. Nhận thấy mình có thể làm khác đi so với các chương trình dạy vẽ ngoại khóa tại Hà Nội, Trang bàn với Ninh - người yêu khi đó - mở lớp và dạy theo cách của mình.

Sự hình thành của một xưởng nghệ thuật dành cho trẻ em tại Hà Nội “hoàn toàn tự nhiên và mơ mộng”, chứ lúc ấy cả hai đều không có một kế hoạch hay định hướng rõ ràng, Ninh - giờ phụ trách mọi mảng công việc tại xưởng, ngoại trừ các vấn đề liên quan tới chuyên môn - nhớ lại.

Xét về số lượng học sinh và cơ sở, Tí Toáy là cái tên dẫn đầu trong thị trường giảng dạy nghệ thuật không liên quan tới mô hình nhượng quyền về giảng dạy mỹ thuật cho thiếu nhi đang diễn ra nhiều gần đây.

Khả năng tưởng tượng là động cơ thúc đẩy sáng tạo, chìa khóa để giải quyết vấn đề và được xem là một kỹ năng quan trọng để trẻ em có thể phát triển và tồn tại trong thế giới việc làm có rất nhiều thay đổi trong tương lai.

Nhưng giáo dục nghệ thuật - một trong những lĩnh vực quan trọng giúp người học có được cơ hội tìm kiếm và thể hiện những góc nhìn khác biệt và thay thế - vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa tại Việt Nam.

Hầu hết chương trình liên quan tới nghệ thuật cho cộng đồng phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Các trung tâm giáo dục nghệ thuật thường đẩy mạnh quảng bá từ tháng 4, tháng 5 hằng năm để đón học sinh bắt đầu nghỉ hè, rồi khi vào năm học chính thức thì âm thầm đóng cửa vì không có đủ học viên để duy trì học tập.

Không những thế, sự can thiệp sâu sắc cả vô tình và cố ý của cả người làm giáo dục nghệ thuật và phụ huynh vào quá trình cảm nhận, thực hành sáng tạo của trẻ nhỏ là một rào cản lớn trong quá trình tiếp cận nghệ thuật của thế hệ măng non. Trong khi vẫn loay hoay với những thách thức từ phát triển tổ chức, nhân lực và mong muốn thay đổi tư duy của xã hội, Ninh tin rằng khoảng 2 năm tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Áp lực thi cử và điểm số tại trường khiến cha mẹ và học sinh đều xếp chuyện học nghệ thuật ở vị trí sau cùng trong các lựa chọn kiến thức cần thiết thời điểm hiện tại. Do đó, giảng dạy về nghệ thuật có thị trường rất nhỏ tại Việt Nam.

Nếu ở các trường phổ thông thời gian cho môn “phụ” này rất ít, thậm chí bị bỏ qua, thì ở các trường đại học hay cao đẳng số người theo học mỹ thuật ngày càng ít đi. Nhưng như họ ấp ủ điều mà Albert Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Vì kiến thức thì hữu hạn, còn trí tưởng tượng bao trùm cả thế giới, thúc đẩy tiến bộ, khai sinh tiến hóa”.

Họ ý thức được con đường để giúp gieo những hạt mầm phát triển trí tưởng tượng, hiểu và trân trọng cái đẹp ở trẻ em thông qua giáo dục nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. “Tôi vẫn hay nghĩ rằng nếu làm cái gì mà dễ dàng quá thì đã không đến lượt mình. Nhưng nếu coi đó là khó khăn thì mình sẽ rất khó nghĩ ra giải pháp, chỉ khi coi đó là thách thức thì mình sẽ nghĩ ra giải pháp” - Ninh nói.

Với 20 triệu đồng làm vốn, Ninh và Trang bắt đầu với lớp học đầu tiên của Tí Toáy - một căn phòng khoảng 15m2 với một ít đồ dùng căn bản. Những học sinh lứa đầu tiên đều đã biết nhau, cả sáu phụ huynh đều ủng hộ cách làm của Tí Toáy - một cơ sở mới chưa có tên tuổi trên thị trường đào tạo mỹ thuật trẻ em ở Hà Nội khi đó, ngoại trừ một điểm sáng là người phụ trách chuyên môn là Trang vừa nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành art-media tại Pháp bằng học bổng cô nhận được khi đang học năm hai Đại học Mỹ thuật.

Cả hai không biết gì về kinh doanh, nhưng có thế mạnh là không bị ảnh hưởng bởi cách làm cũ. Và Trang được đào tạo nghệ thuật với tư duy và cách sáng tạo mới ở một trong những cái nôi lớn nhất của nghệ thuật châu Âu, phụ trách phát triển chương trình nhằm bổ sung những gì giáo dục chính thống trong nhà trường chưa làm được cho học sinh.

Họ tập trung vào các nội dung phát triển chương trình thúc đẩy khả năng sáng tạo trên mọi chất liệu và theo những cách thức khác nhau trên nền tảng học thuật visual art - applied art - media art (nghệ thuật thị giác - nghệ thuật ứng dụng - nghệ thuật truyền thông).

Nguyễn Thùy Trang
Họa sĩ Nguyễn Thùy Trang: "Nếu phụ huynh coi việc trải nghiệm nghệ thuật là một hành trình, thì cả họ và con trẻ đều nhận được rất nhiều bài học trong quá trình sáng tạo đó."

Những hành trình không vội vã

Một môi trường giáo dục nghệ thuật phát triển trọn vẹn khi có hệ sinh thái, từ tự thân mỗi cá nhân luôn tò mò và ham mê tìm hiểu tới cha mẹ, thầy cô, xã hội, thậm chí cả thiên nhiên cũng góp phần quan trọng.

Để phát triển sự tự do trong sáng tác, suy nghĩ, biểu đạt thông qua những góc nhìn nghệ thuật ở trẻ nhỏ, quan trọng là tránh xa cách đánh giá bằng điểm số, trong khi cha mẹ, thầy cô kiên trì không vội vã khi hiểu rõ về “hành trình” mà trẻ nhỏ đi, chứ không phải “đích đến”.

Nhiều cha mẹ vẫn muốn con mang về một bức tranh thật đẹp, vẽ “như người lớn” chỉ sau vài giờ học vội - một “phần thưởng” hữu hình, dễ nhận biết, trong khi những thay đổi về trạng thái tinh thần, thể chất của con lại không được quan tâm, theo dõi hay đánh giá đúng.

Ninh và Trang không khuyến khích việc đặt nặng hay đề cao sản phẩm cuối cùng của trẻ em khi sáng tạo. “Nếu phụ huynh coi việc trải nghiệm nghệ thuật là một hành trình thì cả họ và con trẻ đều nhận được rất nhiều bài học trong quá trình sáng tạo đó - Trang nói - Nếu coi việc học nghệ thuật là phải có tranh vẽ, tranh phải rõ ràng bố cục màu sắc thì mọi sự chú ý quan tâm đều dồn vào việc phải hoàn thành bức tranh đó như mong muốn của mình. Những định kiến như vậy rất vất vả cho cả người học lẫn phụ huynh”.

Khám phá nghệ thuật đã được chứng minh là không chỉ đem lại những thời khắc vui vẻ, giải trí, mà có cả tính giáo dục cao. Trẻ nhỏ sinh ra đã có trí tò mò lớn lao, những cách xử lý tự do các loại chất liệu khác nhau, không tuân theo cấu trúc nhất định nào, chính những phẩm chất ấy cho phép các em phát huy tinh thần khám phá, phiêu lưu và thử nghiệm, cùng lúc là tích tụ rất nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và việc học tập suốt đời, bao gồm kỹ năng vận động tinh (như cầm cây bút chì, tô màu, phấn hay bút lông giúp phát triển cơ, từ đó hỗ trợ các hoạt động như viết, cài cúc áo...), phát triển nhận thức giúp trẻ học và thực hành các kỹ thuật như tạo mẫu hay phạm trù “nguyên nhân - kết quả”...

Các em cũng có thể thực hành những kỹ năng phản biện, phát triển ngôn ngữ thông qua quá trình thực hành, bên cạnh các kiến thức về toán học (kích cỡ, hình dáng, so sánh, đếm, không gian thị giác...).

Một đứa trẻ được tiếp cận nghệ thuật sớm sẽ giúp phát triển sức khỏe toàn diện, giảm bớt căng thẳng và khi các biểu hiện nghệ thuật từ các em được khuyến khích cùng với nuôi dưỡng, quá trình học tập của các em cũng được thúc đẩy cải thiện.

Tí Toáy là động từ mô tả bàn tay luôn luôn cử động, sờ mó, không lúc nào yên. Sự tồn tại như Tí Toáy và các mô hình tương tự phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực thay đổi tư duy của cha mẹ. Để đào tạo, duy trì và tái đào tạo lượng giáo viên đủ lớn và đủ sáng tạo cho các lớp học ở bốn trung tâm, giúp các giáo viên giữ được “ý thức về nghề nghiệp và sự tử tế, nghiêm cẩn khi đứng lớp”, họ đang đối mặt nhiều vấn đề về tài chính.

Mà đó vẫn chưa phải là thách thức lớn nhất. Với Ninh, 31 tuổi, từng đi làm cho một số công ty truyền thông trước khi mở doanh nghiệp, anh cho rằng duy trì được niềm hứng khởi, tạo ra giá trị thực sự cho người học để họ thay đổi theo hướng tích cực sau mỗi khóa học mới là thách thức lớn nhất với Tí Toáy và cả những ai đang thực hành giáo dục nói chung.

Quá trình gieo mầm nghệ thuật giúp đứa trẻ phát triển kỹ năng quyết định, cải thiện hiểu biết về văn hóa xã hội và thúc đẩy những kết nối về não bộ, giúp hình thành con người toàn diện, có kết nối tốt, có lòng tự trọng và có sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Thùy Trang, ở tuổi 30, sau các triển lãm cá nhân đều đặn hằng năm từ năm 2014-2017 và giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Mỹ thuật trẻ” - Hà Nội, đang tập trung cho việc giảng dạy và chăm sóc hai con nhỏ. Cô nói công việc giảng dạy và sáng tác nghệ thuật đều là một hành trình sáng tạo, chỉ khác nhau ở sản phẩm sau cùng: “Một bên là tác phẩm nghệ thuật để làm triển lãm, một bên thì coi con người là một tác phẩm để mình hoàn thiện với hi vọng hướng thiện, hướng đẹp cho xã hội”.

Giờ đây, công nghệ giúp cho ai cũng có thể tiếp cận những kiến thức về mỹ thuật trên khắp thế giới, nhưng giáo dục nghệ thuật vẫn cần nhiều tới yếu tố tương tác con người, để phát triển thẩm mỹ và sự tôn trọng cá nhân. “Hành trình khởi đầu bằng tinh thần mơ mộng và bay bổng đó giờ vẫn giữ như vậy” - Ninh nói và cho rằng hành trình mà anh và vợ khởi đầu dài không có điểm kết thúc và thành công là một thứ rất khó đoán định. 

“Thành công đối với chúng tôi là việc mình còn đủ năng lượng và tham vọng để dấn thân vào những thách thức mới trong tương lai” - Ninh đúc kết.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận