Johnny Hallyday và một lớp trẻ Sài Gòn 

DANH ĐỨC 17/12/2017 22:12 GMT+7

TTCT - Đầu thập niên 1960, các bal de famille (buổi khiêu vũ tổ chức trong gia đình, ngày nay gọi là party) thường tụ họp người trẻ quanh một cái tủ dài (meuble) chứa một ampli-tuner và một mâm đĩa than (pick- up) mà loại nổi tiếng nhất thời đó là của Hãng Grundig (Đức) do một nhà nhập cảng trên đại lộ Nguyễn Huệ gần Việt Nam ngân hàng bán.

Sylvie Vartan và -Johnny Hallyday
Sylvie Vartan và -Johnny Hallyday

 

Trong làn sóng nhạc rock tiếng Anh, bên cạnh những đĩa nhạc của Elvis, của The Beatles trong giai đoạn còn đệm đàn cho Tony Sheridan hát, của The Shadows cùng Cliff Richard, chen vào một cái tên nghe không Pháp chút nào là Johnny Hallyday.

Souvenirs, souvenirs (Kỷ niệm, kỷ niệm) là ca khúc đầu tiên của Johnny (cách gọi thân mật Johnny Hallyday) thật “kích động” (bởi thế thời đó gọi nhạc rock n’ roll là “kích động nhạc”) đã khiến dân Sài Gòn nhún nhảy vặn người, twist theo, không kém các ca khúc của các tên tuổi Anh, Mỹ. Giọng của Johnny thời đó còn “thanh”, thỉnh thoảng luyến láy kiểu Elvis.

“Souvenirs, souvenirs. Je vous retrouve dans mon cœur. Et vous faites refleurir Tous mes rêves de bonheur. Je me souviens d'un soir de danse. Joue contre joue” (Kỷ niệm ơi, kỷ niệm à. Ta hoài niệm trong lòng ta. Kỷ niệm làm nở rộ lại tất cả những mộng mơ hạnh phúc của ta. Ta nhớ lại một buổi tối khiêu vũ, má kề má).

Đó là một ca khúc hoàn toàn “Pháp” của Johnny, bên cạnh những ca khúc dịch từ tiếng Anh, mà đáng kể nhất ắt hẳn là Le Pénitencier dịch từ bài The House of the rising sun của Eric Burdon & The Animals hay Noir, c’est noir dịch từ Black is black của Los Bravos.

Cũng như Retiens la nuit một bài hát lãng mạn, nhẹ nhàng. “Retiens la nuit pour nous deux jusqu'à la fin du monde” (Hãy níu đêm lại cho đôi ta cho đến tận cùng thế giới)...

Trong một góc nhìn nào đó, Johnny, cùng một số ca sĩ và ban nhạc Pháp khác như Eddy Mitchell và Les Chaussettes Noires nổi tiếng với ca khúc bất hủ Parce que tu sais, đã du nhập làn sóng nhạc rock Anh - Mỹ qua việc dịch lại và chơi lại các ca khúc của làng nhạc Anh - Mỹ.

Song, Johnny cùng các ca sĩ khác cũng đã dựng nên nền nhạc rock Pháp, mà điển hình nhất là cuốn phim Cherchez l’idole (Đi tìm thần tượng), trong đó Johnny nổi bật với ca khúc Bonne chance.

Giới trẻ Sài Gòn “nhập môn” yêu đương với những ca khúc này: “Bonne chance, Chérie, bonne chance. Mon coeur ne gardera que des regrets. Du temps qu'on a vécu tous les deux. Ce temps qu'on a connu tous les deux Ne fut jamais du temps perdu pour moi” (Thôi chúc em may mắn. Lòng anh chỉ đầy tiếc nuối những ngày tháng ta bên nhau.

Những ngày ấy trải qua cùng nhau, không bao giờ là phí phạm cả). Đối với lũ trẻ “ngồi đồng” ở cà phê Văn Hoa, bên cạnh rạp Văn Hoa, nơi có dàn máy Motorola vĩ đại, đấy là những tiết “học thêm” về ái tình, mà nhà trường đâu có dạy, với các “thầy giáo” là Elvis, Johnny, Matt Monro, Pat Boone..., cho dù thời đó nhiều trường còn nam học riêng, nữ học riêng, chưa hẳn cậu nào đã có dịp nói chuyện với một nữ sinh, chớ đừng nói là có “đào”!

Chính trong bối cảnh trường học kín cổng, xã hội mở qua cánh cổng âm nhạc ấy, mà khi một hình bóng nữ xuất hiện cùng với Johnny trong bộ phim Cherchez l’idole, sẽ làm dấy lên một sự trầm trồ: cô nàng ca sĩ có mái tóc ngắn và gương mặt thơ ngây Sylvie Vartan trong ca khúc La plus belle pour aller danser (Em đẹp nhất đêm nay).

Từ liếc nhau trong phim đến “tay trong tay” ngoài đời, thật ra đôi ca sĩ Johnny và Sylvie đã chung sân khấu từ đầu những năm 1960, là hình tượng của sự đẹp đôi.

Đám cưới của họ năm 1965 làm nức lòng người hâm mộ như một câu chuyện thần tiên. Càng ly kỳ khi mà Johnny lúc đó đang đi quân dịch, đã xin nghỉ phép đặng về làm đám cưới với Sylvie, bốn tháng sau mới giải ngũ.

Rồi cậu con trai David Hallyday chào đời cũng thế, như một kết cuộc đẹp tất yếu chỉ một năm hơn sau hôn nhân. Quá đẹp. Thậm chí trong một bài hát, tựa đề là 2’35” de bonheur (2’35” hạnh phúc), Sylvie đã nhắc đến chồng mình: “Chaque soir tu vas chanter, pourtant tu n'es pas vraiment loin de moi, j'écoute un disque de toi ça fait 2'35" de bonheur et ça me donne quand tu n'es pas là un p'tit peu de joie dans le cœur”. (Mỗi tối anh đi hát, song anh nào có xa em.

Em nghe một đĩa của anh. Và được hưởng 2’35” hạnh phúc, có được chút niềm vui trong lòng khi không có anh). Quá đẹp đôi uyên ương này!

Thế rồi, đùng một cái, có tin Sylvie đòi ly dị, Johnny tự tử... Rồi lại tái hợp. Rồi chia tay thực sự... (song đó là chuyện sau này, năm 1980).

Một Johnny xứng đôi vừa lứa với một Sylvie “bất ly thân” cùng những ca khúc của họ đã tạo thành một quãng mơ mộng cho một lớp người trẻ giữa cuộc chiến đang ngày càng bùng nổ.

Mấy mươi năm sau, những người lớp ấy se lòng khi nhìn lại Sylvie đến nhà thờ La Madeleine tiễn mối tình và người chồng đầu đời của mình(*), và nghe Sylvie phát biểu với AFP: “Như toàn thể nước Pháp, lòng tôi nát tan. Tôi đã mất mối tình của thời trẻ của tôi và chẳng gì có thể thay thế được”.

Sinh, bệnh, lão, tử, Johnny nhỉ!

(*) Johnny Hallyday, sinh năm 1943, qua đời ngày 6-12 tại Pháp. Với hơn 55 năm sự nghiệp, ông là một trong những danh ca Pháp ngữ nổi tiếng nhất, là người đầu tiên mang rock 'n' roll phổ biến tại nước Pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận