Một thế hệ đạo diễn khác biệt đang tới 

LÂM LÊ 24/03/2019 17:03 GMT+7

TTCT - Họ chưa đủ đông, mạnh như thế hệ thứ 5, thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc nổi danh khắp thế giới. Nhưng những tiếng nói vừa lạc lõng vừa mạnh mẽ, quyết liệt tìm kiếm ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ, cực đoan làm những cái tên như Chloé Zhao, Bi Gan hay Hu Bo đang khiến thế giới điện ảnh phải chú ý.

Phim Long Day’s Journey into Night
Phim Long Day’s Journey into Night

 

Những thủ lĩnh của thế hệ đạo diễn thứ 5 như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca hay Phùng Tiểu Cương từ hơn chục năm nay chuyển hướng làm phim thương mại trong thời đại “phòng vé luận anh hùng”, đánh mất dần bản sắc mà họ từng gầy dựng được.

Những nghệ sĩ nổi bật của thế hệ thứ 6 chỉ còn Giả Chương Kha giữ được phong độ làm phim đều đặn và chất lượng, Lâu Diệp, Vương Tiểu Soái xuất hiện thưa thớt hơn và không còn gây ấn tượng mạnh mẽ như giai đoạn đầu.

Giới khán giả của Trung Quốc vẫn chờ đợi một thế hệ mới xuất hiện trong bối cảnh xã hội nước này ngày càng chia rẽ, thiếu vắng những tiếng nói cá nhân mạnh mẽ đại diện giới trẻ thế hệ millenial. Chloé Zhao, Bi Gan và Hu Bo là ba cái tên như vậy.

Chloe Zhao
Chloe Zhao

 

1 Chloé Zhao (còn được biết đến với tên Zhao Ting) là một trong những đạo diễn gốc Hoa được đánh giá rất cao hiện nay. Cô sinh năm 1982 tại Bắc Kinh, định cư ở Mỹ và làm phim chủ yếu nói tiếng Anh.

Lúc mới trưởng thành, Zhao là cô gái nổi loạn và chịu ảnh hưởng của văn hóa pop. Cô lấy bằng cử nhân ngành khoa học chính trị tại Trường Mount Holyoke College, trước khi học sản xuất phim tại Trường nghệ thuật Tisch, Đại học New York.

Bộ phim đầu tay Songs My Brothers Taught Me (2015) của cô được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Sundance và tranh giải “Camera vàng” cho bộ phim đầu tay tại LHP Cannes. Lúc đó, Chloé mới ngoài 30 tuổi.

Chỉ hai năm sau, với bộ phim thứ 2 The Rider, cô đã có một bước tiến lớn và nhận được khen ngợi nồng nhiệt của giới phê bình. Bộ phim có kinh phí thấp và dàn diễn viên nghiệp dư, kể về cuộc sống nghèo túng của một chàng thanh niên cưỡi ngựa đua (rodeo) đối mặt với bi kịch cuộc sống khi gặp tai nạn gây chấn thương, nhưng vẫn liều lĩnh tiếp tục công việc nguy hiểm để mưu sinh. Sau khi đoạt Art Cinema Award, bộ phim được trình chiếu tại Mỹ, thu về hơn 3,4 triệu USD.

Trên Rotten Tomatoes, bộ phim nhận được 97% từ 151 bài phê bình với số điểm trung bình 8.3/10. Tại giải thưởng điện ảnh Gotham dành cho phim độc lập ở Mỹ, bộ phim được trao giải Phim hay nhất, vượt qua những ứng cử viên mạnh của giải Oscar như The Favourite của đạo diễn Yorgos Lanthimos; If Beale Street Could Talk của đạo diễn Barry Jenkins hay First Reformed của đạo diễn kỳ cựu Paul Schrader.

Với giải thưởng này, Zhao đã được khẳng định cho thiên hướng làm phim với ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ lẫn khai phá chiều sâu nội tâm con người” - cây bút phê bình Sarah Melton nhận định. Trang Roger Ebert đánh giá:

Khả năng đạo diễn mà Chloé Zhao thể hiện trong The Rider cho thấy cô là một trong những đạo diễn trẻ quan trọng nhất của thế giới hiện nay... với một tầm nhìn mang tính nhân văn sâu sắc, dựa trên chủ nghĩa hiện thực đầy lòng trắc ẩn”.

Ở tuổi 36, tương lai của Zhao tại Hollywood đang rộng mở. Cô đã hoàn thành bộ phim thứ 3, Nomadland, với diễn xuất chính của nữ diễn viên hai lần đoạt Oscar Frances McDormand trong vai một phụ nữ ngoài 60 tuổi, sau khi mất tất cả mọi thứ trong cuộc đại suy thoái đã bắt đầu hành trình qua miền Tây nước Mỹ, sống như một người du mục thời hiện đại.

Marvel Studios cũng đã mời Zhao thực hiện một bộ phim siêu anh hùng về chủng loài siêu đẳng có tên là Eternals.

Bi Gan
Bi Gan

 

2 Nổi lên khoảng vài năm trước là Bi Gan - biên kịch, đạo diễn trẻ đồng thời là nhà thơ và nhiếp ảnh gia sinh năm 1989. Anh sinh ra trong một gia đình thuộc dân tộc thiểu số Miao ở Kaili, thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), địa danh xuất hiện trong cả hai bộ phim dài của anh.

Dù chỉ mới đạo diễn hai bộ phim, nhưng điện ảnh của Bi Gan được xem là “tân hiện thực huyền ảo” với sự pha trộn những câu chuyện hiện thực và ma mị, siêu thực với ngôn ngữ điện ảnh đầy chất thơ.

Bộ phim dài đầu tay của anh, Kaili Blues, phát hành năm 2015, đã đoạt giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Giải thưởng Kim Mã lần thứ 52. Bộ phim thứ 2, Long Day’s Journey into Night là một bước tiến của Bi Gan trong sự nghiệp khi trở thành tác phẩm nghệ thuật độc lập đoạt doanh thu cao tại Trung Quốc cuối năm ngoái, với cú máy dài tới 59 phút được quay 3D gây kinh ngạc cho giới phê bình quốc tế, cùng sự tham gia của ngôi sao nổi tiếng Thang Duy.

Cả hai bộ phim của Bi Gan đều lấy bối cảnh nông thôn Trung Quốc, đều kể những hành trình trở về ký ức của nhân vật để minh định một câu chuyện mơ hồ trong quá khứ.

Long Day’s Journey into Night là một bộ phim không có hồi kết, kể về một người đàn ông cô độc bị ám ảnh bởi mất mát và hối tiếc. Anh ta trở về quê hương Quý Châu tìm kiếm người phụ nữ bí ẩn (Thang Duy đóng) đã cùng anh trải qua mùa hè không thể nào quên mười hai năm trước.

Người phụ nữ đó không bao giờ nói tên, hoặc bất kỳ chi tiết nào về cuộc đời cô cho anh, điều duy nhất anh nhớ là tên của ngôi sao điện ảnh mà cô viết trên bao thuốc lá.

Trong phim có một câu thoại thể hiện cái nhìn ký ức của Bi Gan qua ngôn ngữ điện ảnh: “Sự khác biệt giữa phim ảnh và ký ức là phim ảnh luôn luôn sai. Phim bao gồm các cảnh quay được dàn dựng. Còn ký ức trộn lẫn giữa sự thật và dối trá, chúng xuất hiện và tan biến trước mắt chúng ta”.

Hu Bo
Hu Bo

 

3 Ngày 12-10-2017, ngay sau khi hoàn thành bộ phim đầu tay của mình ở tuổi 29, Hu Bo - tiểu thuyết gia và đạo diễn đầy triển vọng của Trung Quốc - đã tự sát. Bộ phim An Elephant Sitting Still của anh dài gần bốn giờ, ra mắt ở LHP Berlin đầu năm 2018, đoạt 3 giải thưởng, tiếp tục chiến thắng giải Phim hay nhất tại giải thưởng Kim Mã (vượt qua Shadow của Trương Nghệ Mưu) và hiện đang được trình chiếu ở Mỹ.

Nhà phê bình Richard Brody trên tờ The New Yorker gọi bộ phim của Hu Bo là “một trong những kiệt tác điện ảnh gần đây”. Ông đề cao sức mạnh của câu chuyện, chiều dài khác thường của bộ phim cũng như phong cách và ngôn ngữ điện ảnh nguyên bản, đặc biệt của Hu Bo.

Mặc dù bộ phim có câu chuyện quen thuộc, kể về sự bế tắc, lạc lõng và tuyệt vọng của những con người đô thị hiện đại, nhưng Hu Bo phả vào bộ phim một cái nhìn đầy riêng tư và mở rộng tầm nhìn về cuộc sống. Bộ phim dài gần bốn tiếng lạnh lẽo và không màu, diễn ra dưới một bầu trời ảm đạm, buồn tẻ và hoang tàn của một khu công nghiệp thuộc tỉnh Hà Bắc.

Dường như không một chút ánh sáng mặt trời nào lọt vào khuôn hình và không có một chút hi vọng nào lọt vào bộ phim, nói về cuộc sống của 4 nhân vật chính, gồm hai học sinh trung học, một kẻ giang hồ và một người đàn ông ngoài 60 tuổi, tất cả đều gặp vấn đề trong cuộc sống, từ bạo hành gia đình, trường học; tình dục học đường; ngoại tình, tự sát và nỗi cô đơn khi bị người thân xa lánh.

Tất cả bọn họ đều cảm giác bất lực, giận dữ, thịnh nộ với cuộc sống thực tại và không có mục đích để tồn tại. Để rồi cuối cùng tất cả đều bước lên một chiếc xe buýt đường dài tới Mãn Châu, nơi có tin đồn rằng có một con voi trong rạp xiếc ngồi yên trên mặt đất, dường như không quan tâm gì đến nỗi đau và khổ nạn của thế giới này. Con voi là một phép ẩn dụ nói về sự hư vô của cuộc sống và con người.

Tuy nhiên, bộ phim của Hu Bo không hoàn toàn vô vọng. Dẫu cảm giác lớn nhất mà bộ phim mang lại là sự ngột ngạt khi mô tả một xã hội Trung Quốc hiện đại, máy quay của Hu Bo luôn theo sát nhân vật từ đằng sau để vừa quan sát những chuyển động vừa thể hiện những xung động kỳ lạ, siêu thực trong cảm xúc và tình yêu của họ.

Không một lý do chính xác nào đưa ra để nói về vụ tự sát của Hu Bo sau khi hoàn thành bộ phim được xem như là “một kiệt tác đầu tay và cuối cùng” của anh. Nhưng có ai đó nói rằng bộ phim chính là một bản tuyên ngôn của Hu Bo về sự hư vô và cái chết. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận