Toàn quyền Đông dương Paul Doumer và cuốn hồi ký về Việt Nam

TÙNG PHONG 22/04/2016 03:04 GMT+7

TTCT - Cuốn sách gốc dài 424 trang, gồm nhiều minh họa với những đề tài thuộc ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cả xứ Cao Miên & Miên Hoàng (Campuchia & Lào) đều được vẽ bằng bút sắt, là một trong những cuốn sách đẹp, giá trị. Những hình ảnh khắc họa nhiều địa điểm lịch sử trên khắp đất nước Việt Nam vào thời điểm đó, để giờ đây khi nhìn những hình ảnh này, khi đọc những dòng chữ này, chúng ta sẽ hình dung được chúng đã đổi thay thế nào, thậm chí đã mất mát đầy đau đớn thế nào...

M.N.
M.N.


1 Xứ Đông Dương (*) là cuốn hồi ký của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer viết về Việt Nam giai đoạn từ năm 1897-1902. Paul Doumer nhận được nhiều lời ca ngợi của học giới Việt Nam từ Phạm Quỳnh cho đến Vương Hồng Sển.

Là chủ bút của tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh đã dành hẳn một bài viết tiểu sử quan giám quốc Paul Doumer với những lời khen có cánh: “Quan Doumer tỏ ra một người quả quyết cương nghị vô cùng, không cầu mua chuộc nhân tâm, chỉ biết làm hết bổn phận”.

“Từ khi quan Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương, thực là khai ra một thời kỳ mới trong cuộc sinh hoạt xứ này, chính trị tự đấy mới có thống hệ, các sự nghiệp kinh doanh về kinh tế trước còn mới dự tính xa xa, từ nay mới quả quyết thực hành”.

Paul Doumer sinh năm 1857, nhà nghèo, cha làm thợ thuyền. Thuở nhỏ ông cũng làm thợ thuyền, rồi vừa học vừa làm thi đậu bằng tú tài, cử nhân.

Năm 1877 ông được bổ làm giáo học khoa số học ở Trường trung học hạt Mende, hai năm sau đổi sang Trường trung học hạt Remiremont. Sau này ông quen hai thượng nghị viên quận Aisne là nhà sử học Henri Martin và Waddington, hai ông giao cho làm chủ nhiệm một tờ báo địa phương là Courrier de l’Aisne.

Năm 1888 ông ra ứng cử nghị viên ở quận Aisne. Năm 1890 ông vào làm nghị viên tại hạt Yonne. Đến năm 1895 ông làm việc tại Bộ Tài chính. Năm sau ông được bổ làm toàn quyền Đông Dương. Năm 1902, sau khi hết hạn làm toàn quyền Đông Dương, ông ra ứng cử nghị viên quận Aisne và trúng cử.

Năm 1905 ông được bầu làm nghị trưởng hạ nghị viện, cũng trong năm đó ông xuất bản cuốn hồi ký của mình. Với kinh nghiệm từng trải và giữ những chức vụ quan trọng, người đọc có cơ sở để tin rằng những suy nghĩ và đánh giá của ông là sâu sắc và đúng đắn, rất khác với nhiều tác giả thuộc địa khác với đầy sự tự tôn, miệt thị người bản xứ vì họ là những kẻ bị trị. Đến năm 1931 Paul Doumer trở thành tổng thống Pháp và đến năm 1932 ông bị ám sát.

Xe cút kít ở Bắc kỳ
Xe cút kít ở Bắc kỳ

 

Đánh giá về con người của Paul Doumer, trong di cảo Dỡ mắm, Vương Hồng Sển cho rằng: Con người Paul Doumer “thành thật quân tử, có đức độ, khoan dung, dạy con phải phép”.

“Ông biết rõ chức toàn quyền nhiều người tranh giành và rất là bấp bênh, vì vậy việc gì ông cũng làm một cách hối hả và muốn cho mau xong vì sợ nửa chừng bỏ dở. Và cũng vì làm quá gấp, thêm tính chuyên chế không ai ưa bình phẩm, nên bạn cũng nhiều mà nghịch cũng nhiều, duy không một ai dám nói động đến sự liêm khiết công bình của ông”.

Có thể nói, Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một nhà kỹ trị, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông.

Vì thế, sau khi trở thành toàn quyền Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1897-1902, ông đã nhanh chóng xúc tiến chương trình, kế hoạch thực hiện tại Đông Dương bao gồm:

1. Tổ chức chính phủ toàn quyền và hệ thống quản lý hành chính địa phương.

2. Cứu vãn tình hình tài chính hiện tại và thiết lập các nguồn lực cho tương lai bằng cách tạo ra một chế độ tài khóa thích hợp với từng địa phương, với tình trạng xã hội, phong tục tập quán của dân cư cũng như các yêu cầu về ngân sách của mỗi địa phương đó.

3. Đem đến cho Đông Dương các công cụ phát triển kinh tế, các hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy và cảng để phát huy giá trị của xứ này.

4. Tăng cường sản xuất và thương mại thuộc địa bằng cách thúc đẩy quá trình định cư của người Pháp và tạo thêm việc làm cho người bản xứ.

5. Đảm bảo an ninh ở Đông Dương bằng cách thiết lập các vùng yểm trợ của hạm đội cũng như tăng cường quân đội thuộc địa và các căn cứ hải quân tại thuộc địa.

6. Hoàn tất công cuộc bình định Bắc kỳ, đảm bảo hòa bình và sự ổn định trên các tuyến biên giới của vùng này.

7. Mở rộng ảnh hưởng của Pháp, phát triển các lợi ích của Pháp tại Viễn Đông, nhất là tại các quốc gia láng giềng với thuộc địa.

Tất cả những điều đó được tái hiện vô cùng sống động, chân thực và sâu sắc trong cuốn hồi ký do chính Paul Doumer viết lại.

2 Xuyên suốt gần 700 trang bản dịch hồi ký, người đọc sẽ cùng tác giả tham gia chuyến lữ hành trên từng con chữ. Ở đó ta thấy sự quả cảm của Doumer khi ông quyết định chấp nhận chức toàn quyền Đông Dương mặc dù biết đó là công việc vô cùng khó khăn và đầy thử thách, ta lênh đênh trên sóng biển, trải qua mọi trở ngại chông gai, vượt hành trình đầy gian khổ từ Pháp đến Việt Nam cùng ông.

Và cũng nhờ Paul Doumer, qua cuốn hồi ký, chúng ta thu nhặt được nhiều điều: quang cảnh kỳ thi cử nhân, tú tài ở trường Nam Định; danh sách các nghề thủ công mỹ nghệ ở Bắc kỳ; lễ tế ở đàn Nam Giao; tính cách hành trạng của một số nhân vật quan trọng thời kỳ đó như Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Lộc, Nguyễn Thân. Hay quang cảnh triều đình An Nam ở Huế; hình tượng vua Thành Thái... với những nhận xét, đánh giá chủ quan của một vị toàn quyền.

Hay cả tình hình giao thông ở Nam kỳ cùng những chính sách mà Paul Doumer quyết định thi hành ở An Nam về chính quyền, tổ chức chính trị, về tài chính, công trình giao thông công cộng, các tuyến đường sắt, cầu, phát triển kinh tế, phòng thủ Đông Dương.

 

 

Paul Doumer khen và khâm phục người Việt Nam có tài biến chế. Ông viết trong hồi ký về sự kỳ diệu của tre trúc, kể lại chuyện thủy sư đề đốc Amiral Pottier đi cùng toán lính, gặp khi nước lụt, đóng binh giữa rừng, rồi trong phút chốc nào nhà ấm cúng, nào bàn ghế và luôn cây nĩa có ba răng dùng xiên đồ ăn, bọn lính đều chế ra đủ tiện nghi, tất cả đều từ thân cây tre rừng.

Paul Doumer từng than tiếc cổ tích Chàm ở Đà Nẵng bị cạy gỡ mất nhiều, mượn cớ giữ kỷ niệm trong buổi du lãm, nên năm 1899 ông đã ký sắc lệnh cho lập Trường Viễn Đông Bác Cổ để bảo vệ cổ tích, đền chùa khỏi bị phá phách cắp gỡ, tu bổ cổ tích còn lại.

Ông cũng là người thành lập trường cao đẳng ở Hà Nội, để tiện cho học sinh bên Trung Quốc qua học, vì nếu mở trường trong miền Nam thì học trò Trung Quốc chê xa, không theo học. Và cũng chính ông năm 1901 đã lựa chọn tên Đà Lạt thay vì Dankia và đốc thúc cùng tài trợ cho bác sĩ Yersin thành lập nơi nghỉ mát Đà Lạt.

Thời kỳ Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương có thể gọi là “thời kỳ mở mang Đông Dương, thời kỳ sắt và cầu sắt” (theo Vương Hồng Sển). Paul Doumer để lại ba cây cầu sắt bất hủ:

- Cầu Long Biên ở Hà Nội, là cây cầu dài nhất Á Đông. Khi đặt những viên đá đầu tiên khởi công xây dựng cây cầu, ai cũng hoài nghi sự thành công, nhất là người An Nam, cho chuyện xây được cầu còn khó hơn cả chuyện vá trời. Đến khi cây cầu làm xong, ai nấy đều lè lưỡi nói: “Việc gì Tây muốn, họ đều làm được”.

- Cầu Tràng Tiền ở Huế, cây cầu bắc ngang sông Hương, nối liền xóm Tây qua xóm Việt và Thành nội và đưa đường xuống Đà Nẵng, cầu dài 400m.

- Cầu Bình Lợi ở Sài Gòn, cây cầu sắt nối liền Sài Gòn lên Biên Hòa. Ông dự định trong tương lai cây cầu này còn chịu được cả đường sắt xe lửa xuyên Đông Dương.

Ngoài ra, Doumer còn để lại nhiều thành tựu to lớn khác, nhất là ở miền Bắc: cầu ở Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Lào Cai.

Miền Trung thì có cầu ở Thanh Hóa. Riêng ở miền Nam năm 1901, ông còn xây dựng thêm con đường dải đá từ Sài Gòn đi Tây Ninh để sau này thông thương với Cao Miên, rồi đến năm 1902 xây dựng thêm con đường dải đá từ Sài Gòn đi Bà Rịa, sau này thông thương với miền Trung.

Ông còn dự định thiết lập một đường sắt cho xe lửa chạy, nối liền Sài Gòn lên Nam Vang (Phnom Penh), nhưng việc này thời đại sau ông đã bỏ dở.

Sẽ có rất nhiều người nghi ngờ, dè dặt khi tiếp nhận những quan điểm, góc nhìn, đánh giá của Paul Doumer. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận tầm nhìn và khả năng cai trị của ông với Đông Dương cùng những thay đổi quan trọng về văn hóa, giao thông... mà ông đã làm đối với Việt Nam.

Cuốn hồi ký với lối hành văn đẹp, cách viết sống động cùng hàng trăm minh họa là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, người đọc bình thường cũng sẽ tìm thấy ở đây nhiều điều thú vị, để biết 100 năm trước chúng ta ra sao, ta đã thay đổi thế nào, để thấy những điểm yếu điểm mạnh của chúng ta và hơn hết để biết chúng ta đang đứng ở đâu giữa trái đất này.

Dù bản dịch chưa thật sự tốt, phần bản đồ bị thiếu, tên sách đã bị lược bớt chữ “Thuộc Pháp”, chưa có bảng sách dẫn những từ khóa, tên người, địa danh quan trọng xuất hiện trong cuốn sách để giúp người đọc thuận lợi trong việc tra cứu... nhưng Xứ Đông Dương của Paul Doumer vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc.■

(*): Xứ Đông Dương, Paul Doumer, Lưu Đình Tuân - Hiệu Constant - Lê Đình Chi - Hoàng Long - Vũ Thủy dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, NXB Thế Giới, Alpha Books ấn hành, 2016.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận