Tôi đã dịch bằng một phương thức cổ hủ...

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 26/12/2017 03:12 GMT+7

TTCT - “Dịch không bao giờ là một công việc dễ dàng - dịch giả Nguyễn Chí Thuật nói với TTCT - Cho nên phải nghiên cứu kỹ nguyên tác dưới mọi góc độ, hiểu rõ nó trước khi bắt đầu công việc dịch”.

Dịch giả Nguyễn Chí Thuật. -Ảnh: NVCC
Dịch giả Nguyễn Chí Thuật. -Ảnh: NVCC

 Tiểu thuyết Búp bê do giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chí Thuật (Viện Ngôn ngữ học, khoa ngữ văn mới Trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz, Poznan, Ba Lan) chuyển ngữ vừa được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh với giải thưởng Văn học dịch năm 2017. 

Anh bắt đầu dịch văn học từ khi nào và điều gì khiến anh bắt đầu công việc đó?

- Tôi bắt đầu dịch văn học Ba Lan từ những năm đại học (ĐH). Tuy đây là bước thử sức, song một số tác phẩm tôi dịch thời kỳ đó, sau này đã được sửa lại và in trong hai tập truyện ngắn của các tác giả Ba Lan và nước ngoài.

Vào những năm đầu thập kỷ 1980, một số bài thơ dịch của tôi được in, sau đó là một số truyện ngắn. Cuốn sách văn học đích thực đầu tiên do tôi dịch được Nhà xuất bản Hà Nội in vào năm 1988. Đó là tiểu thuyết Chết giữa tam giác những sai lầm của Kazimierz Kozniewski.

Duyên nợ của tôi với văn học Ba Lan xuất phát từ một điều gần như là định mệnh. Hồi học phổ thông, tôi có một chút tạm gọi là năng khiếu văn học. Sau này tôi được cử đi học ĐH ở Ba Lan và được phân vào ngành ngữ văn Ba Lan.

Càng học tôi càng hiểu ra một điều: văn học Ba Lan là nền văn học rực rỡ, Ba Lan là mảnh đất sản sinh ra nhiều cây bút tầm cỡ thế giới. Tôi nuôi ý định dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt từ những năm đó. Đến giờ, ở mảng dịch văn học Ba Lan ra tiếng Việt, tôi đã in được hơn 10 đầu sách.

Xin được nói thêm trong số các dịch giả chuyên chuyển ngữ văn học Ba Lan sang tiếng Việt, những gì tôi làm được còn khá khiêm tốn. Các dịch giả như Nguyễn Hữu Dũng, Lê Bá Thự, Tạ Minh Châu, Nguyễn Thị Thanh Thư, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thái Linh... là những người có đóng góp lớn và có những thành tựu không thể không đề cập.

 Từ khi bắt đầu công việc dịch thuật và giới thiệu văn học giữa hai nước, những thành quả mà anh tâm đắc nhất là gì?

- Tôi có ba cuốn sách dịch mà tôi tâm đắc: Nghệ sĩ dương cầm - hồi ức của Wladyslaw Szpilman, sau dựng thành phim do Roman Polanski đạo diễn, được trao Oscar; tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus, kiệt tác văn học Ba Lan thế kỷ 19 và bộ tranh truyện Những cuộc phiêu lưu của dê con Ma-tô của Kornel Makuszynski và Marian Walentynowicz.

Niềm tự hào lớn nhất của tôi có lẽ là bộ tiểu thuyết hai tập Búp bê (*) mà tôi đã dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thành. Đây là một tác phẩm đồ sộ, bản tiếng Việt dày tới 1.230 trang. Tôi đã bắt đầu chuyển ngữ tác phẩm này từ cuối những năm 1990.

Tôi rất vui khi được Viện Sách Ba Lan mời tham dự đại hội Những người dịch văn học Ba Lan trên thế giới liên tiếp trong ba kỳ gần đây. Đó là cơ hội để tôi học hỏi và giao lưu với dịch giả của các nước khác.

 Quá trình dịch Búp bê dài như thế chắc có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, thưa anh?

- Khi dịch chương cuối của tác phẩm, chương nói về những thời khắc cuối cùng trong cuộc đời của nhân viên kỳ cựu Giec-xki, tôi đã khóc mất... mấy ngày. May mà đó là chương cuối, nếu không tôi đã không thể tiếp tục công việc đến cùng.

Và tôi dịch Búp bê bằng một phương thức cổ hủ và bảo thủ: viết tay và viết bằng bút chì bấm trên giấy một mặt. Có ngày say sưa quá, tôi ngồi từ sáng đến tối, bàn tay phải và các ngón tay mỏi nhừ, không cử động được.

Cứ dịch xong mấy trang, vợ tôi đánh máy trên máy vi tính cho tôi. Sau này, khi sách được in ra, vợ tôi mừng và... tự hào còn hơn cả tôi.

 Trong quá trình dịch, anh đã gặp những khó khăn gì trong việc chuyển đổi ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước? Anh có thể nêu một số ví dụ những vướng mắc về từ ngữ, văn hóa trong những tác phẩm mà anh đã dịch và anh giải quyết chúng như thế nào?

- Không có hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa nào hoàn toàn giống nhau. Ngôn ngữ, văn hóa Ba Lan và ngôn ngữ, văn hóa Việt càng như vậy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là giữa hai nền văn hóa ấy không có những tương đồng.

Người Ba Lan và người Việt Nam coi trọng các giá trị đạo đức họ được dạy và thấm nhuần từ nhiều thế kỷ: tính nhân văn, yêu thương con người, ý thức giữ gìn bản sắc riêng, yêu chuộng tự do, độc lập.

Nhưng đi sâu vào những vấn đề cụ thể thì sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa vẫn là cơ bản. Điều này đòi hỏi ở người dịch văn học cách xử lý đúng đắn, hợp lý những tình huống gặp phải.

Đối với tôi, giải pháp tối ưu là nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những tương đương tối ưu. Chẳng hạn khi dịch Búp bê, cuốn tiểu thuyết đề cập đến hiện thực Ba Lan cuối thế kỷ 19, trong hoàn cảnh đất nước Ba Lan bị chia cắt và bị ba đế quốc là Nga, Phổ và Áo chiếm đóng, các cuộc khởi nghĩa giành độc lập lần lượt thất bại, chủ nghĩa lãng mạn bị phê phán nặng nề.

Khó khăn của người dịch là chuyển tải tới người đọc Việt Nam cái hiện thực được miêu tả từ hơn 120 năm trước với những khái niệm kinh tế, chính trị, tên gọi, chức danh khá xa lạ với thế hệ độc giả mới...

Tên các loại xe ngựa, tên các món ăn, các loại nấm, tập quán, quy định ngặt nghèo trong các gia đình quý tộc... cũng là những vấn đề cần có cách xử lý chu đáo, thận trọng.

Quan niệm dịch của tôi khá đơn giản: Người dịch phải coi nguyên tác và bản dịch thực sự là đứa con tinh thần của mình, cố gắng chăm chút để nó đạt tới mức độ càng hoàn hảo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Phải ý thức rõ ràng và nhất quán rằng công việc dịch (các loại văn bản nói chung và tác phẩm văn học nói riêng) không bao giờ là công việc dễ dàng. Cho nên phải nghiên cứu kỹ nguyên tác dưới mọi góc độ, hiểu rõ nó trước khi bắt đầu công việc dịch.

Hiện nay, người dịch thuận lợi hơn do công nghệ hiện đại, việc tra cứu không tốn kém thời gian như trước. Cá nhân tôi chỉ dịch những gì mình thật tâm huyết, dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với tác giả nguyên tác và với bạn đọc, tuân thủ nguyên tắc dịch hay và dịch chính xác.

Ảnh: NVCC
Cuốn sách Búp bê.

 Theo anh, những phẩm chất nào cần thiết nhất cho một dịch giả văn học?

- Theo tôi, ba yếu tố sau đây rất cần thiết: làm chủ ở mức cao hai ngôn ngữ (ngôn ngữ nguyên bản và ngôn ngữ đích), có kiến thức nền đủ để xử lý tốt những vấn đề gặp phải trong quá trình dịch và cuối cùng là tác phong làm việc chu đáo, tỉ mỉ, kiên trì, tinh thần trách nhiệm cao đối với những gì mình làm.

Xin được phép nhấn mạnh yếu tố thứ ba này: dịch giả giống như người làm nghiên cứu. Trong công việc của mình, anh ta gặp phải vô vàn khó khăn cần giải quyết, trong đó có những vấn đề mà lý thuyết dịch gọi là những cái không dịch được. Giải pháp duy nhất là phải công phu tra cứu, tìm tòi để tìm ra sự tương đương giữa hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa...

Không có đức tính kiên nhẫn, chu đáo, thận trọng, người dịch sẽ dễ dàng “tặc lưỡi” bỏ qua những câu khó, đoạn khó, những yếu tố anh ta coi là “không dịch được” của nguyên bản.

 Hẳn anh có nhiều kế hoạch tiếp theo trong việc làm cầu nối giữa 2 nền văn hóa - văn học Việt Nam - Ba Lan?

- Sau khi cuốn sách thuộc thể loại phóng sự văn học nhan đề Hoàng đế nổi tiếng thế giới của nhà văn Ryszard Kapuscinski được in vào đầu năm tới, ngoài tập truyện ngắn của nhà văn Ba Lan tên tuổi thế kỷ 20 Jaroslaw Iwaszkiewicz, cuốn Rừng bạch dương, sẽ dịch và in, tôi định sẽ ưu tiên cho việc dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Việt sang Ba Lan.

Gần đây, với sự cố gắng chung của tôi và một số sinh viên ngành ngữ văn Việt tại ĐH mang tên Adam Mickiewicz, tập 1 bộ sách Truyện cổ Việt Nam đã ra đời. Hai tập tiếp theo đang được dịch.

Tôi cũng đã thực hiện được phần lớn kế hoạch dịch, xuất bản tại Ba Lan tập thơ của các tác giả Việt Nam và dự định viết một cuốn sách về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Ba Lan, dịch thơ của một tác giả Việt Nam sang tiếng Ba Lan. Nhưng mọi chuyện vẫn đang ở phía trước.

 Việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay còn khá nhiều bất cập. Anh có đề xuất gì để thúc đẩy công việc đó?

- Tôi chỉ đề xuất hai việc: một là Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí và hai là Hội Nhà văn Việt Nam giúp xử lý vấn đề bản quyền. Khó có người Việt Nam nào đủ khả năng độc lập dịch những tác phẩm văn thơ từ tiếng Việt sang một ngôn ngữ khác mà không cần đến sự cộng tác của người bản ngữ cũng là nhà văn hoặc nhà thơ.

Vì vậy, cấp kinh phí cho hai người làm việc này là nhu cầu không thể thiếu. Vấn đề bản quyền cũng nằm ngoài khả năng của dịch giả. Trong trường hợp dịch một tập thơ chẳng hạn, xin được sự đồng ý của khoảng 100 tác giả đã là việc vô cùng khó, có nhuận bút để trả cho ngần ấy tác giả càng là chuyện không tưởng.

 Anh vừa được bộ trưởng Bộ Khoa học và đào tạo ĐH Ba Lan trao Huy chương vì sự nghiệp giáo dục Ba Lan. Kế hoạch của anh trong việc đào tạo các nhà Việt Nam học tương lai của Ba Lan là gì?

- Năm 2005, tôi được mời làm giáo sư thỉnh giảng môn tiếng Việt và văn học Việt Nam cho sinh viên ngành ngữ văn Việt được đưa vào đào tạo một năm trước đó tại Viện Ngôn ngữ học, khoa ngữ văn mới Trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz.

Cùng GS.TS Lê Đình Tư, TS Hoàng Thu Oanh và một số người khác, tôi đã cố gắng đóng góp xây dựng nền móng cho bộ môn nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt, mục tiêu là thu hút sinh viên và giáo viên vào các hoạt động quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam tại Ba Lan, nghiên cứu và cho ra các ấn phẩm nói về văn hóa, đời sống, phong tục tập quán, văn học Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đến với đông đảo người Ba Lan, khắc phục tình trạng văn học Ba Lan được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam, song chiều ngược lại còn rất nhiều việc cần làm.

Chân thành cảm ơn anh.■

(*) Búp bê được Nhà xuất bản Phụ Nữ in và phát hành năm 2016, với sự tài trợ của Viện Sách Ba Lan.

“Búp bê là cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Boleslaw Prus, người Ba Lan. Ông được đánh giá là một trong những tác giả tầm cỡ nhất của văn học Ba Lan và châu Âu. Tác phẩm Búp bê tuy ra đời từ thế kỷ 19 nhưng nhiều giá trị tư tưởng, nghệ thuật của cuốn sách vẫn còn nguyên ở thời điểm hiện nay. Đặc biệt về mặt nghệ thuật, Búp bê được coi là tác phẩm đoạn tuyệt với chủ nghĩa lãng mạn, đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực của văn học châu Âu.

Đây là tác phẩm có dung lượng lớn (hai tập, mỗi tập trên 600 trang khổ lớn), đã được dịch giả Nguyễn Chí Thuật dịch công phu trong thời gian dài, chất lượng bản dịch bảo đảm tính chính xác và tinh thần của nguyên tác. Trao giải thưởng cho dịch giả là sự ghi nhận công sức của một người làm dịch thuật lâu năm, bền bỉ; có nhiều đóng góp cho việc lưu giữ và chuyển tải một kiệt tác văn học thế giới đến độc giả Việt Nam”.

Nhà thơ Hữu Việt (chủ tịch Hội đồng dịch Hội Nhà văn Hà Nội)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận