TTCT - Trong tương lai, các chủ đề dạy học liên ngành (interdisciplinary) luôn là chủ đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo và đổi mới. Giờ học về sinh vật biến đổi gen - Ảnh: tác giả cung cấp Học kỳ vừa rồi, tôi được phân công làm trợ giảng chính cho một lớp gần 350 sinh viên học môn sinh học đại cương (General Biology). Ở VN, tôi từng dạy các lớp từ 100-200 sinh viên, nhưng chưa khi nào lên tới con số 350 như tại Mỹ. Hơn thế, đối tượng học môn này là các sinh viên năm thứ nhất từ các chuyên ngành khác nhau (luật, toán, âm nhạc...) nên sự đa dạng về nhận thức là rất lớn. Trong đó, các sinh viên da trắng chiếm gần 70%, còn lại là da màu, gốc Mỹ Latin và gốc Á. Đối diện những góc nhìn phong phú Trong môn học này, các sinh viên được học nhiều chủ đề từ kiến thức cơ bản về sinh học phân tử đến tiến hóa và di truyền. Trong đó có một nội dung mà giáo sư hướng dẫn tôi dặn dò là sẽ rất thách thức trong môn học này: sinh vật biến đổi gen (GMO), vì đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Hầu hết học sinh Mỹ đã được giới thiệu về GMO từ cấp II và được học lại ở cấp III, có nơi còn cho học sinh làm thí nghiệm với GMO nên khi vào đại học, khái niệm GMO không lạ lẫm với họ. GMO luôn là một chủ đề tranh luận nóng bỏng trên truyền thông Mỹ và mạng xã hội, đi kèm các cuộc biểu tình, phản đối GMO thường xuyên diễn ra tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Do vậy, ở Mỹ, cái nhìn về GMO rất đa chiều. Chúng tôi áp dụng hình thức lớp học ngược (flipped classroom), nghĩa là trước khi đến lớp, sinh viên phải tìm hiểu trước, trên lớp chỉ là lúc nhắc lại các kiến thức chính, làm các bài tập vận dụng, trao đổi giữa người dạy và người học. Bài học về GMO được bắt đầu bằng một tình huống mang tính tranh luận nhằm thu hút sự quan tâm của người học, vẽ ra bức tranh liên hệ giữa kiến thức học trong lớp với thực tế. Tôi lấy câu chuyện về cây bắp biến đổi gen Bt làm chủ đề tranh luận. Bắp lai Bt là một giống bắp được chuyển gen có độc tố từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis có thể gây chết các loại sâu đục thân gây hại phổ biến ở bắp (không gây độc đối với người và các động vật khác), giúp tăng năng suất thu hoạch. Bắp lai Bt đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Tuy nhiên, khi các cánh đồng bắp Bt được trồng ở nhiều bang tại Mỹ, các nhà khoa học phát hiện các quần thể bướm đã giảm nhanh chóng, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Trong một công bố trên tạp chí Nature năm 1999, nhóm nghiên cứu do TS John Losey (ĐH Cornell) dẫn đầu đã đưa ra số liệu chứng minh có sự liên quan giữa trồng bắp Bt đến sự giảm quần thể bướm, nguyên nhân được cho là độc tố Bt trong bắp có thể đã giết chết các con nhộng bướm. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã lặp lại thí nghiệm này, nói rằng nghiên cứu của nhóm có sự nhầm lẫn khi sử dụng giống bắp Bt176 - không phải là loại mà các trang trại trồng chủ yếu. Nguyên nhân dẫn đến giảm quần thể bướm sau đó được quy kết liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhưng đến năm 2016, nhóm nghiên cứu của TS Galen Dively (ĐH Maryland) công bố nghiên cứu trên tạp chí Plos One chứng minh có sự tiến hóa làm tăng tính kháng của các loại sâu hại đối với bắp lai Bt, làm dấy lên sự lo ngại về ảnh hưởng của các cây trồng biến đổi gen khiến cho các loài thiên địch bị đe dọa. Các nhóm bảo vệ môi trường và phản đối GMO có thêm cơ sở để bảo vệ chính kiến và phản đối việc chính phủ phát triển GMO. Từ câu chuyện cụ thể đầy tính tranh luận đó, tôi dẫn dắt sinh viên đến các kiến thức chuyên môn về sinh học và công nghệ sinh học để hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề, rồi tiếp tục đến sự giao thoa giữa khoa học và xã hội. Hai phương pháp giảng dạy chính là nghiên cứu tình huống (case study) và tranh luận (debate), đều đòi hỏi người học phải có kiến thức cơ bản khá tốt, phát triển các góc nhìn đa chiều trong cùng một vấn đề, làm sâu sắc hơn các kiến thức đã học, thấy được sự liên hệ với các bối cảnh cụ thể và thực tế của cuộc sống. Cốt lõi là tranh luận khoa học Điều làm tôi vô cùng ấn tượng trong lớp học là các sinh viên Mỹ có khả năng phản biện và đưa ra lý lẽ rất nhanh. “Tại sao” hay “Tại sao lại không” luôn là những câu hỏi cửa miệng của sinh viên trong các buổi học về khoa học. Trước khi tranh luận, tôi phát cho sinh viên các thẻ có hai mặt đỏ và xanh, mặt đỏ thể hiện sự phản đối GMO, mặt xanh là ủng hộ GMO. Mỗi sinh viên được phát biểu trong một phút và phải dẫn các nguồn tài liệu tham khảo. Buổi học bắt đầu bằng câu hỏi: “Chúng ta có nhất thiết phải phát triển sinh vật biến đổi gen hay không?”. Và đây là lập luận của một người ủng hộ: “Chúng ta phải phát triển cây trồng biến đổi gen vì các khủng hoảng lương thực và nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta”, với trích dẫn một nghiên cứu về ứng dụng của gạo biến đổi gen (gọi là gạo vàng - vì có chứa beta-carotene, tiền chất của vitamin A) giúp trẻ em ở các vùng châu Phi tránh nguy cơ mù mắt do thiếu hàm lượng vitamin A trong thức ăn hằng ngày. Nhưng ngay lập tức, hàng chục cánh tay khác giơ thẻ màu đỏ lên xin được phát biểu theo quan điểm ngược lại. Một sinh viên tranh luận bằng cách đặt câu hỏi: “Số lượng trẻ em bị thiếu hụt vitamin A là bao nhiêu, có giải pháp gì khác cho vấn đề này không hay chỉ có giải pháp duy nhất là phải ăn gạo vàng?”, đồng thời đưa thêm lý lẽ: “Thành tựu GMO mang lại đang bị thổi phồng. Hãy xem ai đang được lợi nhất từ các sản phẩm GMO: chính các tập đoàn bán giống cây”, đi kèm danh sách các công ty giống đang khống chế thế giới, lợi nhuận nhảy vọt và can thiệp sâu vào nền nông nghiệp của các quốc gia. Cả lớp học rì rào, có tiếng huýt sáo. Không khí bắt đầu nóng dần. Hàng chục cánh tay khác giơ lên ủng hộ bằng cách giơ thẻ màu đỏ. Sau đó, tôi hỏi có ai phản đối lại ý kiến vừa rồi, lập tức hơn nửa lớp giơ thẻ màu xanh. Ai cũng muốn được phát biểu. Tôi tìm kiếm ý kiến từ một sinh viên ở vùng nông thôn và đây là câu chuyện mà cả lớp nghe được từ một nữ sinh viên: “Nông dân nơi tôi sống trồng đậu nành và yên tâm khi trồng cây biến đổi gen vì không lo bị sâu bệnh thường xuyên như trước. Bang Missouri mà tôi đang ở, hơn 94% diện tích trồng đậu nành là trồng giống biến đổi gen”. Câu chuyện này càng khiến tranh luận trong lớp về lợi ích của các bên liên quan thêm gay gắt, kéo dài hơn 30 phút. Sau cùng, tôi tóm tắt phần tranh luận, tưởng thưởng cho những ý kiến dựa trên bằng chứng khoa học hoặc có số liệu, cả phản đối lẫn ủng hộ. Các sinh viên đã nắm rất rõ các nguyên tắc về thông tin gốc (dựa trực tiếp trên các nghiên cứu) với nguồn thông tin phái sinh (diễn đạt lại cho công chúng) để minh định tính đáng tin cậy của các nguồn thông tin, hiểu thêm về đặc điểm thiên vị của các luồng thông tin đại chúng. Đấy cũng là điểm để tôi khép lại bài giảng với phần nói về bản chất của khoa học và diễn giải các vấn đề khoa học ra đại chúng. Điều khiến tôi vui nhất là sự hào hứng và say sưa trong tranh luận của sinh viên Mỹ, nhờ đó tôi cảm thấy chính mình cũng học được từ họ thông qua các góc nhìn đa chiều, như một xã hội Mỹ thu nhỏ. Về sau, một sinh viên bất chợt đã dừng tôi lại giữa đường để nói: “Tôi rất thích giờ giảng của thầy về GMO, nó thực sự rất thú vị”. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm tôi vui để tiếp tục công việc nghiên cứu và dạy học của mình với triết lý dạy học hướng đến sự cởi mở trong nhận thức.■ Tags: Biến đổi gienDạy biến đổi gienNguyễn Thành HảiDạy sinh viên Mỹ
Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới TRUNG NGHĨA 25/11/2024 Chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas sáng 9-11.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.