Tranh cãi đạo nhạc? Gọi ngay “người phán xử”

XUÂN TÙNG 13/05/2022 20:00 GMT+7

TTCT - Khi các ngôi sao nhạc pop ngày càng dễ trở thành mục tiêu của các cáo buộc đạo nhạc từ trên trời rơi xuống, vai trò phân định của các chuyên gia bản quyền - gọi chính xác hơn là “nhà âm nhạc học điều tra” (forensic musicologist) - cũng ngày càng trở nên quan trọng. Công việc nghe có vẻ lạ tai này thực tế là gì?

 
 Ảnh: berklee.edu

Loạn kiện tụng

Ngày 6-4, các trang tin giải trí quốc tế đồng loạt đưa tin Ed Sheeran, ca sĩ - nhạc sĩ người Anh, đã giành 4 giải Grammy và bán hơn 150 triệu bản thu trên toàn cầu, chiến thắng trong vụ kiện tranh chấp bản quyền ca khúc Shape of You. Thẩm phán Tòa án tối cao London Antony Zacaroli đã bác bỏ cáo buộc của hai nhạc sĩ Sami Chokri và Ross O'Donoghue, những người cho rằng Ed Sheeran đã mượn ý tưởng từ ca khúc Oh Why phát hành tháng 3-2015 của họ để viết nên ca khúc được nghe nhiều nhất mọi thời đại trên Spotify. 

Phát biểu sau phán quyết của tòa án, Ed Sheeran nói về những sang chấn tâm lý mà anh đã gặp phải trong quá trình kiện tụng khi bị gọi là “kẻ dối trá” thường xuyên sao chép tác phẩm của người khác. “Tôi không phải là đồ vật, cũng không phải một tập đoàn. Tôi là một con người, cũng là một người cha, người chồng và người con” - anh viết trên Instagram.

Đây không phải là lần đầu tiên Ed Sheeran dính đến kiện cáo liên quan đến bản quyền các tác phẩm đình đám của mình. Năm 2018, nghệ sĩ 31 tuổi này đã phải chi hơn 5 triệu USD tiền tác quyền cho nhạc sĩ Thomas Leonard và Martin Harrington sau khi dính cáo buộc đạo nhạc đối với ca khúc Photograph

Sheeran cũng đang trải qua một vụ kiện khác với mức bồi thường lên đến 100 triệu USD - lần này là ca khúc hit Thinking Out Loud với cáo buộc đạo Let’s Get It On của ngôi sao R&B quá cố Marvin Gaye.

Theo Peter Oxendale, chuyên gia đang hỗ trợ Sheeran trong các vụ kiện gần đây, bối cảnh bản quyền âm nhạc vài năm nay đang hỗn loạn “y như miền viễn Tây”. Tình cảnh này có vẻ bắt nguồn từ phán quyết chấn động năm 2015 của tòa án Mỹ cho rằng ca khúc Blurred Lines của Robin Thicke và Pharrell Williams đã sao chép Got To Give It Up của Marvin Gaye - không phải một giai điệu hay lời nhạc cụ thể, mà chỉ là “cảm giác” của bài hát.

Thẩm phán Jacqueline H. Nguyen của Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ cho rằng phán quyết Blurred Lines đạo nhạc đã dẫn đến một điều chưa từng có tiền lệ: Đăng ký bản quyền cho một phong cách âm nhạc, nhất là khi hai bài hát không có đủ nhiều điểm tương đồng về mặt nhạc lý.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều nghệ sĩ nhạc pop dính vào các vụ kiện tụng “trời ơi đất hỡi” về bản quyền có thể tiêu tốn của họ nhiều triệu Mỹ kim, chưa kể thời gian kiện tụng dài đằng đẵng và tiếng tăm bị ảnh hưởng, đội ngũ của các ngôi sao cũng đang phải cẩn trọng hơn với mỗi tác phẩm sắp phát hành, và vai trò của các nhà âm nhạc học pháp y như Oxendale đang được coi trọng hơn bao giờ hết.

Soi bài hát, mổ hợp âm

Vốn là một ngành tương đối hẹp và đòi hỏi kiến thức sâu rộng, âm nhạc học điều tra chỉ mới nhận được nhiều sự quan tâm từ vài năm gần đây sau sự tham gia của họ trong các vụ tranh chấp tác quyền triệu đô. Các đánh giá của họ - chủ yếu xoay quanh sự tương đồng về tiết tấu, giai điệu, hợp âm, cũng như lời hát giữa hai sáng tác bị đặt vào vòng nghi vấn - được coi như ý kiến chuyên gia cho các phán quyết tại tòa; ngoài ra chúng cũng được các hãng thu âm, nhạc sĩ và luật sư tham khảo để tránh các rắc rối pháp lý có thể xảy đến với tác phẩm sắp phát hành.

“Việc của tôi là phân tích một sáng tác, mổ xẻ chúng và xác định các nốt nhạc, cũng như nhìn vào các yếu tố kỹ thuật hơn như hình dáng sóng âm, các loại âm thanh trong bản thu và cách chúng cấu thành sự giống hoặc khác biệt với các tác phẩm khác. Dù vậy, điều mà tất cả mọi người quan tâm là liệu có tình huống đạo nhạc nào xảy ra không” - Joe Bennett, nhà âm nhạc học điều tra, đồng thời là giáo sư nghiên cứu nhạc pop tại Đại học Bath Spa (Anh), cho biết.

Công việc của các chuyên gia bản quyền như Bennett trong mấy năm gần đây đã thay đổi mạnh mẽ. Trước án lệ Blurred Lines (tình cờ thay, tựa bài hát có nghĩa là “những lằn ranh bị xóa mờ”), các vụ kiện bản quyền sáng tác nhạc thường nổ ra nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp của George Harrison - một thành viên của The Beatles, khi ca khúc My Sweet Lord của ông giống He’s So Fine của The Chiffons (ca khúc bán chạy nhất tại Anh năm 1970) một cách kỳ lạ.

Trong một môi trường bão hòa sản phẩm giải trí với hơn 60.000 bài hát mới được đăng tải mỗi ngày, rủi ro bị “đánh úp” bản quyền với nghệ sĩ đang cao hơn bao giờ hết - chỉ cần có “âm hưởng” hay “cảm giác” lỡ tương đồng với ca khúc nào đó trong một biển sáng tác từ quá khứ.

Đáp ứng tình cảnh này, các nhà âm nhạc học điều tra còn làm thêm công tác “phòng ngừa”: nhạc sĩ chỉ cần gửi sáng tác, chuyên gia sẽ rà soát toàn bộ lịch sử ngành thu âm xem rủi ro bị kiện của bài hát là tới đâu. Dịch vụ dành cho các ca sĩ, nhạc sĩ và hãng thu âm, nhưng phần lớn khách hàng tìm đến, theo Joe Bennett, là các công ty truyền thông muốn loại trừ mọi khả năng rắc rối trước khi tung sản phẩm âm nhạc quảng cáo.

Khác với nhiều ngành luật khác, sở hữu trí tuệ là một phân khu tương đối mập mờ, đặc biệt là với các sản phẩm âm nhạc. Ví dụ tại Mỹ: Luật bản quyền bảo vệ hình thức thể hiện ý tưởng chứ không bảo vệ ý tưởng. Tuy nhiên, ranh giới giữa “ý tưởng” và “thể hiện” không được định nghĩa rõ ràng, và hoàn toàn phụ thuộc vào cách hiểu của từng thẩm phán. Các tranh chấp tác quyền còn mang tính sui generis (tạm dịch “đặc thù”), tức không có thước đo đúng-sai nào phổ quát; mỗi trường hợp cần được soi xét độc lập. Sự mơ hồ này, kết hợp với án lệ Blurred Lines, đã dẫn đến số lượng các vụ cáo buộc bản quyền tăng đột biến. Phần lớn các vụ này không được đem ra tòa mà chủ yếu giải quyết qua thương lượng: Nếu thành công, bên khiếu nại sẽ được coi là đồng tác giả bài hát, được chia tiền bản quyền và lợi nhuận từ phát hành nhạc.

Làm việc với bị đơn tốt hơn

Có thể thấy lượng kiến thức mà các nhà âm nhạc học điều tra cần trau dồi là cực kỳ đáng nể: Từ luật bản quyền, nhạc lý đến lịch sử âm nhạc, chưa kể kỹ năng viết và trình bày. Tuy vậy, kết luận của họ không phải là cơ sở khoa học “cứng” - cùng một vấn đề thì mười chuyên gia vẫn có thể cho mười ý kiến hoàn toàn khác biệt.

Trong vụ Blurred Lines, nhà âm nhạc học điều tra Judith Finnel xác thực trước tòa rằng bài hát của Robin Thicke có “một chuỗi các điểm tương đồng” với tác phẩm của Gaye. Hàng loạt chuyên gia khác phản đối kịch liệt, nhưng cuối cùng, báo cáo của Finnel vẫn đưa ra đủ bằng chứng để thuyết phục các thẩm phán.

“Chúng tôi thắng vì có những lập luận tốt hơn. Chuyện ấy ở tòa án là điều dĩ nhiên” - Todd Decker, nhà âm nhạc học điều tra người Mỹ, đã giúp rapper ít tên tuổi Flame thắng kiện sau khi đâm đơn đòi tiền tác quyền ca khúc Dark Horse của ngôi sao nhạc pop Katy Perry, cho biết.

Chuyện “thắng người khổng lồ” nghe có vẻ rất hấp dẫn với các luật sư, nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Joe Bennett cho biết anh thích làm việc với các bị đơn - thường là các nghệ sĩ lớn, bởi các bài hát không liên quan vẫn có thể nghe “na ná” nhau vì nhiều lý do: Nhạc pop hiện đại đi gần như luôn theo nhịp 4/4, tiết tấu tương đương 130 bpm, dài 3-4 phút và dùng đi dùng lại một vài vòng hợp âm.

“Xã hội vẫn còn mê đắm với truyền thuyết lãng mạn về sự sáng tạo, rằng cảm hứng sáng tạo được truyền đến chúng ta từ chúa trời hoặc thần linh. Nhiều nhạc sĩ cảm tưởng vậy, thế nhưng mỗi người sáng tác nhạc đều là sản phẩm của những người đi trước họ, ở một mức độ nào đó. Bạn hoàn toàn có thể cho phép mình lấy cảm hứng từ một bài hát, miễn là không sao chép giai điệu, hợp âm hoặc lời bài hát” - Bennett chia sẻ với New York Times.

Oxendale cũng đồng tình: “Rất nhiều ca khúc nổi tiếng được lấy cảm hứng từ các bài khác, và điều ấy hoàn toàn ổn. Nếu không có Haydn, sẽ chẳng có Beethoven. Ai mà muốn điều ấy xảy ra cơ chứ?”.■

Nếu George Harrison thực sự chủ tâm đạo nhạc, thì hành vi ấy thực sự quá vụng về cho một nghệ sĩ lớn. He’s So Fine, bài hát nghi bị đạo nhạc, đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard suốt 4 tuần - quá dễ để công chúng nhận ra. Nhiều người cho rằng Harrison đã nghe He’s So Fine từ lâu, nhưng một ngày nhớ lại rồi tưởng nhầm là do mình tự sáng tác. Hiện tượng này không quá lạ lẫm, thậm chí còn có tên khoa học: cryptomnesia, một tình trạng lâm sàng đã được nghiên cứu chi tiết trong y khoa. “Nếu bật nhạc nền từ một đài phát thanh, giai điệu có thể lưu vào não bộ lúc nào mà ta không hay biết. Sau đó, ta có thể lôi chúng từ tiềm thức ra” - trang The Ringer dẫn lời Alan S. Brown, tác giả nghiên cứu khoa học đầu tiên về cryptomnesia năm 1989.

Brown nhận định rằng hiện tượng cryptomnesia xảy ra thường xuyên hơn ở giới nghệ sĩ bởi họ “thường chủ động đi tìm các ý tưởng độc đáo”. Trong quá trình sáng tác, các nhạc sĩ có thể lần mò đến các giai điệu trong tiềm thức, vốn ít khi đi kèm thông tin nguồn gốc. “Bạn có thể dễ dàng khẳng định là mình chưa từng nghe [bài hát bị nghi vấn] bao giờ, dù trên thực tế bạn đã nghe nó hàng chục lần mà không nhớ” - Gayle Dow, giáo sư tâm lý học tại Đại học Christopher Newport, nói với The Ringer.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận