Trích đoạn tiểu thuyết: Nhân thế gian

TTCT - Tác phẩm Nhân thế gian (xuất bản năm 2017) của nhà văn Lương Hiểu Thanh đoạt giải văn học Mao Thuẫn lần thứ 10 của Trung Quốc năm 2019 - một trong ba giải thưởng danh giá nhất Trung Quốc (cùng giải thưởng Lỗ Tấn và giải thưởng Tào Ngu), với số tiền được trao lên tới 500.000 nhân dân tệ (tương đương 1,7 tỉ đồng).

 
 Ảnh: China Daily

Nếu như khi nghe tin chị dâu Hác Đông Mai đi thêm bước nữa, Chu Bỉnh Khôn chỉ cảm thấy hơi hụt hẫng; thì khi gặp lại chị, anh lại cảm thấy xót xa.

Hôm đó, anh vào thành phố để giám sát hộ việc cải tạo lan can nhà thằng con trai Chu Thông, xong việc đi ngang phố đi bộ, thì gặp chị dâu và người chồng mới. Chị mặc áo khoác lông chồn, mang giày cổ cao gót nhọn, khoác tay chồng tình tứ. Anh chồng mặc áo khoác nỉ, tay xách túi của một nhãn hàng thời trang, hai người có vẻ mới đi mua quần áo về.

Hai người đều ngạc nhiên khi tình cờ gặp nhau, nhưng đã quá trễ để giả vờ không nhìn thấy nhau. Hác Đông Mai hơi mập so với trước, sắc mặt tươi tắn. Chị ấy vừa đi Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ, do chỉ là tiểu phẫu nên hồi phục nhanh, giờ nhìn trẻ ra gần 5, 6 tuổi, gương mặt hạnh phúc mãn nguyện khi tìm được bến đỗ mới.

Bỉnh Khôn vốn định gọi chị dâu, nhưng đã kịp dừng lại khi biết giờ không thể gọi như vậy nữa, anh đổi giọng gọi: Chị Đông Mai!

- Bỉnh Khôn, sao em mặc phong phanh thế? - chị Đông Mai có vẻ hơi lúng túng.

Lúc đó đã là giữa tháng 11, tiết trời trở lạnh, lá cây đã rụng gần hết, lá vàng phủ đầy phố đi bộ, khung cảnh có chút thê lương tàn tạ. Bỉnh Khôn vì phải phụ việc nên không mặc áo bông, bên trong áo khoác chỉ mặc mỗi bộ đồ giữ nhiệt. Buổi sáng trời không lạnh lắm, buổi chiều có gió, giờ anh mới thấy mình mặc hơi phong phanh thật, khi đứng một chỗ lại càng thấy lạnh hơn.

- Lúc ra khỏi nhà, em không ngờ buổi chiều lại lạnh như vậy - anh nói.

- Em lại đi làm thời vụ à? - Đông Mai thấy anh vác túi đựng dụng cụ nên ngạc nhiên hỏi.

Bỉnh Khôn nói là đi phụ sửa nhà cho thằng con trai Chu Thông.

Hác Đông Mai không giới thiệu với anh về người chồng mới, có lẽ chị nghĩ anh đoán được người đó là ai nên không cần giới thiệu nữa. Chị không hỏi han gì tình hình của Chu Thông. Nghe chị ấy gọi tên anh, chắc chồng mới của chị cũng đoán được anh là ai, anh ta chỉ gật đầu chào rồi đi tiếp.

Bỉnh Khôn và chị Đông Mai nhìn nhau, hai người im lặng một hồi lâu.

Mấy ngày nữa chị đi xuất ngoại rồi, sau này chủ yếu sống ở nước ngoài.

- Chị Đông Mai, chị nhớ bảo trọng nhé! Em sẽ luôn nhớ chị.

- Chị cũng sẽ luôn nhớ đến em, đừng để bị cảm lạnh nhé! Thôi em mau đi đi, đón xe mà về nhé!

- Tạm biệt chị!

- Tạm biệt!

Họ nói với nhau vài câu rồi ai đi đường nấy.

Bỉnh Khôn đi xuyên qua phố đi bộ đến trạm xe buýt, nước mắt lăn dài trên má từ lúc nào không hay.

Hôm đó, anh nhận thức được sự thật rằng quan hệ em chồng và chị dâu đã chính thức chấm dứt từ đây. Đối với Chu Dung chị anh cũng vậy. Vì anh hai Chu Bỉnh Nghĩa đã mất, họ sẽ không còn tiếp tục qua lại với người từng là chị dâu. Như hai đoàn tàu trên hai đường ray, nhân viên ngang bướng bất ngờ chuyển ray, nên họ đã đi cùng nhau mấy chục năm, giờ thì tách ra, ai đi đường nấy.

Chu Bỉnh Khôn về đến nhà, lập tức nhốt mình trong phòng, lật giở từng trang quyển tiểu thuyết Con cái thế hệ chúng tôi của chị. Từ hôm chị tặng sách đến giờ, anh vẫn chưa thật sự ngồi xuống để đọc lần nào. Anh muốn biết, liệu chị có nhận biết được sự thay đổi mà anh đã nhận ra. Nếu như nó không được đề cập trong nội dung sách, anh sẽ rất thất vọng về tiểu thuyết của chị.

Anh không ăn cơm tối, lật từng trang sách đọc ngấu nghiến từng câu từng chữ một như đang kiểm tra sổ sách. Cuối cùng anh cũng đọc thấy mấy dòng này ở phần cuối của sách: “Quan hệ hôn nhân, đó là do duyên phận tự nhiên. Cái gọi là duyên phận, phải có cùng đẳng cấp xã hội, gia đình. Duyên số không cùng đẳng cấp thường không phổ biến, đa số do đặc thù của thời đại, trai tài gái sắc tự đạo diễn mà ra, như hôn nhân của anh trai và chị dâu tôi”.

Lúc này đã gần 9 giờ tối, anh không chờ được vội gọi điện thoại di động cho chị Chu Dung. Gọi mấy cuộc mà không thấy bắt máy, anh liền gọi vào di động của anh rể Thái Hiểu Quang. Anh rể bắt máy ngay.

- Sao chị em không nghe điện thoại vậy anh?

- Chị em đang khóc - anh rể nói khẽ.

- Anh bắt nạt chị em à?

- Anh đâu dám! Anh thương chị em còn chưa hết. Chị em vừa đọc xong một bài trên tạp chí rồi quay qua thảo luận với anh. Vừa nói được một lúc, tự nhiên chị em khóc. Em còn không hiểu tính chị em sao? Chị em không phải là người Trung Quốc chỉ thích làm khán giả đâu, cô ấy quen việc lo chuyện quốc sự rồi. Anh đi dỗ cô ấy cho.

- Tạp chí gì vậy?

- Không nói em nghe, anh không muốn em cũng trở thành độc giả loại tạp chí đó.

- Vậy, nói với chị, em thấy tiểu thuyết của chị rất hay.

- Anh sẽ nói, em xem đến đâu rồi?

Bỉnh Khôn đọc đoạn văn mà anh vừa phát hiện cho anh rể nghe.

- Nói lại với chị nữa là, sau khi xem xong em mới biết hóa ra chị thương em nhiều như vậy. Nhớ nói với chị là, em đã khóc.

- Bỉnh Khôn à! Em đọc tiếp mấy trang nữa đi. Trang 476, ở giữa có một câu em nhất định phải xem, nếu không em sẽ không ngủ được, xem xong sẽ không bị mất ngủ nữa.

Gọi điện cho anh rể xong, Bỉnh Khôn đọc tiếp trang 476:

Đối với loài người, có rất nhiều những câu chuyện đẹp, những việc làm tốt khác nhau trên thế giới. Đối với mỗi con người cụ thể, cũng có rất nhiều câu chuyện đã và đang xảy ra xung quanh mình. Một người cho dù có thể sống đến 200 tuổi, cũng không thể chỉ toàn được nhận mà không mất mát chút gì. Đối với loài người trên thế gian, những câu chuyện đẹp lại ngày càng hiếm, hiếm đến mức rất nhiều người cả đời không có duyên gặp. Do đó, cho dù cảm giác hạnh phúc của chúng tôi chỉ vì có một người chị dâu tốt cũng phải cảm ơn trời đất. Nếu như một ngày nào đó chị dâu không còn là chị dâu của tôi nữa, trở thành vợ của người khác, tôi cũng sẽ không hối tiếc mà sẽ luôn chúc phúc cho chị, một phụ nữ tốt không nên góa chồng quá lâu.

Bỉnh Khôn đọc xong, lại rơi nước mắt.

- Anh sao vậy? - Trịnh Quyên hỏi.

Anh đọc cho vợ nghe đoạn văn vừa xem.

- Đến đời cháu em sẽ không thể nào có những người anh, người chị, anh rể và chị dâu tốt như vậy - Trịnh Quyên cũng khóc và nói.

- Con mình cũng không có mà. Lúc anh đang đọc sách, con mình gọi điện, bảo đang cãi nhau với con dâu, vì không hài lòng với cái lan can vừa sửa.

- Mặc kệ chúng nó, thích cãi thì cho cãi. Có quản cũng như không, chúng ta không quản nổi đâu - anh ngẩn người ra một phút và nói.

Anh còn muốn nói thêm một câu “Cầu mong cháu anh có phúc như anh, có được cô vợ như em, chứ không phải như mẹ nó”, nhưng đã kịp dừng lại. Anh đi đến bên giường ôm lấy vợ, dụi đầu vào lòng vợ.

Anh nghĩ, lịch sử huy hoàng nhất của gia đình họ Chu nhà anh lại gắn với cuộc đời mình; sau này và có thể rất nhiều đời sau, e rằng cũng sẽ không tìm đâu ra một đại mỹ nhân như chị Chu Dung, không tìm đâu ra một quân tử có tình có nghĩa như anh Chu Bỉnh Nghĩa.

Những câu chuyện đẹp trong đời sống người dân, chẳng lẽ cả trăm đời sau cũng khó mà tìm được sao?

Nghĩ đến đây, anh lại không cầm được nước mắt.

Tết năm 2016, bạn bè không tụ tập ở nhà Bỉnh Khôn. Mọi người thường xuyên gặp nhau, nên có tụ tập hay không cũng không sao.

Ăn tết xong, Thái Hiểu Quang lái xe đưa Chu Dung “du lịch” hết làng này đến làng nọ ở vùng sâu vùng xa của tỉnh. Cứ đến một làng họ lại tặng sách cho trẻ em có bố mẹ đi làm xa; ở lại dạy học một tháng và kiêm luôn công tác tư vấn tâm lý. Chu Dung kinh nghiệm đầy mình ở cả hai lĩnh vực này, Hiểu Quang làm trợ lý cho vợ. Cô cũng giống như anh Bỉnh Nghĩa, luôn mang theo mình nỗi niềm, muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để làm những việc có ý nghĩa cho những đứa trẻ.

Hai anh chị định cứ sống như thế, muốn cuộc sống tuổi già thêm ý nghĩa.

Phần tử trí thức như Chu Dung, lâu nay luôn xấu hổ khi chỉ làm khán giả của xã hội. Giờ ngoài việc quyết tâm nỗ lực làm việc này ra, cô còn có thể làm gì đây?

Hiểu Quang lái xe chở Bỉnh Khôn và Trịnh Quyên, chị và anh rể chở họ đến vùng ngoại ô. Sau khi xuống xe, nhìn theo bóng xe xa dần, Bỉnh Khôn nói: Anh muốn đi bộ mấy trạm rồi mới đón xe buýt.

Được thôi - Trịnh Quyên vui vẻ đồng ý.

Cô khoác tay anh, anh nắm lấy bàn tay cô đút trong túi áo khoác.

- Cứ như mấy đôi tình nhân nén mặt đường (đi dạo) ấy nhỉ - cô ấy nói.

- Giờ bọn trẻ hẹn hò không thích đi dạo nữa đâu.

- Họ không thích dạo thì mình đi dạo - cô bật cười thành tiếng.

Mấy hôm trước mới có một trận tuyết lớn, cuối cùng thì mùa xuân cũng đã đến. Không khí vùng ngoại ô thật trong lành, cảnh tuyết mới đẹp làm sao.

Hai người thanh thản vui vẻ đi bên nhau. Trong đầu Bỉnh Khôn chợt lóe lên ý nghĩ đáng sợ, sợ chính bản thân mình hay vợ mình sẽ đột ngột lâm bệnh nặng. Anh sợ một trong hai người sẽ ra đi đột ngột và bỏ lại người kia. Cuộc sống không phiền muộn lo âu thật sự đến quá muộn màng với vợ chồng anh. Vả lại, họ vẫn chưa thể nói là hoàn toàn không phiền muộn, ai biết được cuộc hôn nhân của con trai và con dâu sẽ kéo dài bao lâu?

Lúc này đây, cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc và nỗi sợ bất chợt ùa về bủa vây tâm trí anh, anh nắm chặt lấy bàn tay Trịnh Quyên, dường như làm vậy hai người sẽ không rời xa nhau...

Bàn tay cô ấy, sau mấy mươi năm làm lụng, móng tay nứt nẻ, chai sạn.

Anh không khỏi nghĩ về cuộc đời mình, cuộc đời của một phó thường dân. Anh không phải là anh hai Chu Bỉnh Nghĩa, không thể làm việc lớn cho dân. Anh cũng không phải là chị Chu Dung, tìm được ý nghĩa cuộc đời sau tuổi 60. Bao lâu nay anh chỉ là một người dân thường, từ nhỏ đến lớn anh chỉ yêu cầu mình phải làm một người tốt. Mặc dù đã làm theo yêu cầu, nhưng anh vẫn thấy mình làm chưa tốt lắm.

Vì có một cô gái tên là Trịnh Quyên đồng ý lấy anh làm vợ, anh mới phát hiện cuộc đời của mình cũng xem như may mắn. Anh nghĩ đến đoạn văn trong trang 476 mà chị Chu Dung đã viết, trong bụng lẩm bẩm: “Tạ trời tạ đất, tạ trời tạ đất...”.

Một lát sau, anh lại nhủ thầm: “Trời phù hộ, đất phù hộ, để chúng con khỏe mạnh sống thêm vài năm. Dinh Tâm, Quang Minh, hai em nhớ phù hộ cho chị và anh nhé!”.

Anh siết chặt lấy bàn tay vợ... ■

(CẢNH CHÁNH chuyển ngữ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận