TTCT - Đi vào hoạt động từ tháng 12-2006, bệnh xá Đặng Thùy Trâm là một mô hình đặc biệt, có khu điều trị nội trú và nơi lưu giữ hình ảnh, tư liệu về bác sĩ, liệt sĩ, anh hùng Đặng Thùy Trâm. Theo thời gian, bệnh xá là địa chỉ tin cậy của nhiều người bệnh, là nơi nối dài tấm lòng chị Trâm. Phóng to Nhiều người đến bệnh xá Đặng Thùy Trâm không quên thắp nén nhang cho chị - Ảnh: Đăng Nam Tháng 4, trời nắng nóng. Mới 7g sáng mà nắng đã chói chang. Nhiều người dân từ những làng quê nghèo của xã Phổ Cường, Phổ Khánh về bệnh xá Đặng Thùy Trâm để khám bệnh. Vừa đặt chân đến bậc tam cấp của bệnh xá, bà Tạ Thị Thêm ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, nói: “Có bệnh xá thuận tiện quá, chứ già cả bị bệnh mà ra bệnh viện huyện thì bất tiện lắm”. Gửi mẹ cho bệnh xá Người dân quê hay tiếc việc. Nếu bệnh nhẹ thì tranh thủ đến bệnh xá khám thật sớm rồi xin thuốc để về còn ra đồng, bệnh nặng chưa đến mức phải chuyển lên tuyến tỉnh thì điều trị nội trú ở bệnh xá Đặng Thùy Trâm cho gần nhà để con cháu tiện thăm nom. Đi vào hoạt động từ tháng 12-2006 đến nay, bệnh xá Đặng Thùy Trâm (do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp xây dựng) có 14 biên chế, trong đó có ba bác sĩ. Bệnh xá được trang bị máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm, bình oxy, đã khám cho 55.000 lượt người và điều trị nội trú cho 1.620 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, các y bác sĩ còn phối hợp với chi đoàn Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc xã Ba Trang, Ba Khâm (huyện Ba Tơ), nơi trong chiến tranh từng đặt bệnh xá Bác Mười mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác.Bệnh xá có hai tầng: tầng trên dành cho bệnh nhân điều trị nội trú; tầng trệt, chếch về phía tây là kho thuốc. Cạnh đó là hai buồng khám bệnh, phòng trực của y bác sĩ. Riêng buồng bệnh nặng được xếp liền kề với phòng trực để tiện theo dõi bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Cành, 55 tuổi, ở xã Phổ Khánh, bị hen phế quản kinh niên. Trước kia ông phải lên Bệnh viện huyện Đức Phổ. Từ khi có bệnh xá, ông trở thành bệnh nhân “cơ hữu” ở đây. Nhà nghèo, đông con, vợ phải vào TP.HCM làm thuê, mọi viện phí, thuốc men và cơm cháo thường ngày ông chỉ biết trông chờ vào tấm lòng của y bác sĩ. Giọng khò khè, ông nói: “Tôi thấy ngại nên xin bệnh xá cho về nhà sống được ngày nào hay ngày đó, nhưng các bác sĩ thương chẳng cho về”. Đối diện với giường bệnh ông Cành là bệnh nhân Hồ Thị Xí trên 90 tuổi, bị bệnh tim. Bà Xí có con trai làm cán bộ xã Phổ Cường, nhưng nhà đông con nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh này lại bận rộn với chuyện đồng áng đành gửi mẹ cho y bác sĩ và tối mới đến bệnh viện để chăm nom mẹ. “Không có các y bác sĩ giúp thì tôi chẳng yên tâm đi làm đâu” - anh nói. Có bệnh xá Đặng Thùy Trâm, người bệnh ở địa phương thuận lợi rất nhiều. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó. Một đêm cuối tháng 6-2007, đúng vào phiên trực của bác sĩ Thạch Cảnh Đoàn và y sĩ Nguyễn Trọng Trí, chợt có tiếng xe khách thắng gấp ngoài quốc lộ 1A, rồi nghe tiếng rên. Một phụ nữ bị vỡ ối. Ca mổ được tiến hành ngay và ai cũng vui mừng khi thấy mẹ tròn con vuông. Người mẹ trẻ là chị Hồ Thị Vân, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, làm nghề may công nghiệp ở Bình Dương về quê sinh nở. Nhìn hành lý cũng biết cuộc sống của chị khó khăn mà chị lại bị tắc sữa, các y bác sĩ lẳng lặng góp tiền mua trái đu đủ, xương heo về hầm cho chị, người thì đi xin sữa của những người mẹ mới sinh để bón cho cháu bé. Phóng to Những bệnh nhân hài lòng sau khi được khám bệnh, cấp phát thuốc tại bệnh xá Đặng Thùy Trâm - Ảnh: Võ Quý Cầu Vẫn trồng thuốc nam Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp kể: “Khi được điều động từ Bệnh viện huyện Đức Phổ về làm trưởng bệnh xá Đặng Thùy Trâm, tôi rất lo bởi nếu làm không tốt thì không chỉ bị chê mà còn không xứng đáng với chị Trâm”. Nhưng rồi những dòng nhật ký của chị Trâm đã thuyết phục anh, đó là mong ngày hòa bình sẽ xây dựng một cơ sở y tế hiện đại trên đất lửa Đức Phổ để chữa bệnh cho dân. “Nhờ có bệnh xá Đặng Thùy Trâm, du khách trong nước và nước ngoài biết đến vùng quê Đức Phổ anh hùng nhiều hơn. Việc xây dựng bệnh xá không chỉ để khám chữa bệnh, mà thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lý tưởng của tuổi trẻ, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục y đức cho các y bác sĩ trong cuộc sống hôm nay. Cũng chính vì lẽ này nên ngoài bệnh xá Đặng Thùy Trâm, huyện cũng đã được cấp trên chấp thuận đổi Bệnh viện huyện Đức Phổ thành Bệnh viện Đặng Thùy Trâm” - chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi cho biết.Vừa mới đi vào hoạt động, mỗi ngày bệnh xá đón nhận hàng chục người bệnh và hàng trăm khách tham quan nên bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh vừa làm chuyên môn vừa lo đón khách. Lúc khách và người bệnh đã vãng, đội ngũ y bác sĩ lại làm công việc tạp vụ. Rồi cũng chính thực tế đòi hỏi, nhiều y sĩ, nữ hộ sinh được điều chuyển từ trạm y tế Phổ Cường về phải học thêm nghiệp vụ, tập sử dụng máy móc, y dụng cụ hiện đại để khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ngày nối ngày đi qua, công việc ở bệnh xá từng bước ổn định. Bác sĩ Diệp được đề bạt làm phó giám đốc Bệnh viện Đặng Thùy Trâm (tức Bệnh viện huyện Đức Phổ cũ) kiêm trưởng bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Tuy vậy, việc khám chữa bệnh ở bệnh xá không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những ca sinh nở khó, không ai nói với ai, các nữ hộ sinh lặng lẽ đến bên tượng chị thắp một nén hương và như được tiếp thêm nghị lực để làm tròn công việc của mình. Có những bệnh nhân đến điều trị nội trú, có dịp xem tư liệu, hình ảnh về cuộc đời cao đẹp của chị Trâm, khi xuất viện mua ít bánh đặt dưới tượng chị và thắp cho chị một nén nhang. Tuy được hỗ trợ nguồn thuốc từ Nhà nước, các đơn vị giúp đỡ khá nhiều, nhưng bệnh xá vẫn trồng vườn thuốc nam và chữa bệnh theo hướng đông - tây y kết hợp. Dẫn tôi ra vườn thuốc nam, y sĩ Tạ Thị Ninh, người em kết nghĩa của chị Đặng Thùy Trâm, kể: “Hồi chiến tranh, có khi địch vây chặt nên nguồn thuốc dưới đồng bằng cơ sở chuyển lên không được và nguồn thuốc ở Ban dân y khu 5 chuyển về chậm nên thuốc men thiếu trầm trọng mà thương bệnh binh lại nhiều. Chị Trâm đã bày cho chị em dùng cây thuốc nam nấu lên để giặt băng đã sử dụng nhằm tận dụng băng bó vết thương cho thương binh. Chị lấy hạt xuyên tâm liên gieo thành luống rồi lấy thân cây chặt phơi khô, sao vàng, sau đó tán bột đem trộn với bột gạo nếp quết, rồi lấy vỏ đạn cưa ngắn để dập thành viên thuốc chữa bệnh đường ruột...”. Y bác sĩ kiêm hướng dẫn du khách Nhiều du khách trong Nam ngoài Bắc, những cán bộ, chiến sĩ từng một thời chiến đấu ở chiến trường Đức Phổ, rồi học sinh các trường trong tỉnh, người đi công tác cũng ghé về thăm bệnh xá. “Hết đoàn này đến đoàn khác, dần dần hầu như ai cũng thuộc lòng những câu chuyện về chị Trâm để thuyết minh cho du khách” - y sĩ Trí kể. Sau khi xem hình ảnh, tư liệu, hiện vật, nhiều du khách xin gặp y sĩ Tạ Thị Ninh để hỏi thêm về chị Trâm hồi còn sống. Gặp hôm không đúng phiên trực nhưng được báo là chị Ninh đạp xe đến bệnh xá. Có đoàn làm phim còn đề nghị chị cùng đi về Ba Trang, Ba Khâm (huyện Ba Tơ) - nơi trong chiến tranh từng đặt bệnh xá Bác Mười mà chị Trâm công tác, chị Ninh vui vẻ nhận lời đi ngay. “Họ vượt đường xa hàng trăm cây số đến đây với cả tấm lòng nên mình phải cố gắng” - chị nói. Trưa tròn bóng, bệnh xá đón một bệnh nhân đặc biệt là ông Phạm Văn Hào, dân tộc Hrê, sống gần 80 mùa rẫy ở xã Ba Trang. Ông thở phào sau cả buổi vượt dốc đèo rồi nói: “Ở trên đó cũng có trạm y tế, nhưng tao xuống đây để thắp cho chị Trâm một nén hương và nhờ những người em của chị Trâm khám bệnh”.
Chủ tịch nước Lương Cường đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni DUY LINH 28/11/2024 Chiều 28-11, lễ đón chính thức Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Lương Cường.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết có bằng tiến sĩ hay chỉ là chứng nhận khen thưởng của RADA? TRẦN HUỲNH 28/11/2024 Một chuyên gia giáo dục tại Anh cho biết không tìm thấy tên nghệ sĩ Bạch Tuyết trong danh sách cựu sinh viên của RADA. Nghi vấn bà không phải cựu sinh viên và không có bằng tiến sĩ của RADA.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp thuế 10% với tất cả loại hình báo chí THÀNH CHUNG 28/11/2024 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp với báo in và các loại hình báo chí khác là 10%.
Một quán ăn có quy định 'lạ': Không cho trả tiền giùm bàn khác QUỐC NAM 28/11/2024 Một quán ăn sáng tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) từ gần một năm qua thực hiện một quy định rất 'lạ': Không cho bàn này trả tiền giùm cho bàn kia.