Trung Đông trên miệng hố chiến tranh

SÁNG ÁNH 07/07/2024 07:34 GMT+7

TTCT - Hezbollah không muốn một cuộc xung đột vũ trang với Israel. Nếu chiến tranh xảy ra, đó rất có thể là do Israel cùng quẫn mà khai hỏa.

Hezbollah có lực lượng quân sự hùng hậu. Ảnh: Reuters

Hezbollah có lực lượng quân sự hùng hậu. Ảnh: Reuters

Hiện nay ở biên giới Israel và Lebanon, tiếng gươm đao đang rổn rảng. Israel sau gần 9 tháng sa lầy ở Gaza bèn nảy ra sáng kiến là đánh Hamas không xong, ta phải đánh luôn Hezbollah. Những chuyện một liều ba bảy cũng liều như thế này không phải là không có tiền lệ.

Giữa Hamas và Hezbollah

Nói sơ qua so sánh giữa hai phong trào Hamas và Hezbollah thì như sau:

Hamas dựa trên 2,3 triệu dân tập trung tại dải Gaza 365km2 (tức bằng thành phố Đà Lạt). 17 năm qua, Gaza bị vây bốn mặt, Israel kiểm soát tất cả hàng hóa ra vào, khiến tên lửa Qasam, phóng lựu Yasin đều là do công xưởng địa phương tự chế. Về quân số, theo Israel thì Hamas có 30.000 chiến binh.

Hezbollah dựa trên 2 triệu dân Hồi Shia tại Lebanon, tức trên 1/3 dân số cả nước. Bầu cử chót (2022), họ được 20% phiếu và phong trào Amal (cũng Hồi Shia) cạnh tranh được 10%. Lebanon diện tích 10.000km2, gấp 30 lần dải Gaza. 

Hezbollah kiểm soát sân bay và cảng Beirut, cùng đường biên giới thông thương với Syria. Về quân số, theo lãnh đạo Nasrallah, họ có thể huy động 100.000, tức kể cả dân quân, lực lượng dự bị. 

Họ được huấn luyện kỹ càng và chọn lọc, có kinh nghiệm tác chiến, hành quân, tiếp vận và điều động cấp lữ đoàn trong chiến tranh Syria. Về vũ khí, Hezbollah hùng hậu với 130.000 tên lửa và có thể đánh toàn bộ lãnh thổ Israel. 

Mới đây Hezbollah cho xem phim họ dùng drone quay cảng Haifa, tức máy bay không người lái của họ đã xâm nhập không phận Israel dễ như đưa người yêu chiều thứ bảy dạo phố bến tàu.

Lebanon là quốc gia 5,5 triệu dân sống cùng 1,2 triệu người tị nạn Syria và 300.000 người Palestine. Số sống ở ngoài nước là 10-15 triệu. Quốc gia này, như nhiều nước trong khu vực, là do thực dân Anh - Pháp vẽ chia nhau sau Thế chiến I (thỏa ước Sykes-Picot). 

"Lebanon" là do người Pháp dựng lên thành quốc gia riêng cho thành phần Ả Rập đạo Kitô. Thành phần này ở miền núi, nhưng phải cho họ thêm bờ biển và các cảng buôn phố thị của người Hồi Sunni. 

Có cảng, có phố thì phải thêm làng nông nghiệp người Hồi Shia. Lebanon vì vậy ra đời với 3 thành phần nói trên, người Kitô đa số và chiếm các vị trí quyền lực khi độc lập vào 1943, nhưng đến 1975, tương quan dân số và lực lượng đã thay đổi và Lebanon rơi vào 15 năm nội chiến.

Một cuộc biểu dương lực lượng của Hezbollah ở Beirut. Ảnh: Middle East Monitor

Một cuộc biểu dương lực lượng của Hezbollah ở Beirut. Ảnh: Middle East Monitor

Hezbollah chính thức ra đời vào giai đoạn 1983-1984, được Iran gửi vũ khí sang giúp đỡ và nhân viên sang huấn luyện. Trước giờ, người Shia tại Lebanon là dạng công nông nghèo khó. 

Tranh giành ảnh hưởng trong cộng đồng này truyền thống là phong trào tôn giáo Amal và Đảng Cộng sản Lebanon. Việc Israel lập vùng trái độn tại miền nam đẩy thêm 400.000 người bỏ làng lên trú tại ngoại ô nam Beirut là Dahye, tức "thủ đô Hezbollah" ngày nay.

Tại đây, họ gặp một tổ chức hữu hiệu về mặt xã hội và an ninh, có phương tiện tài chánh dồi dào. 

Tại làng mạc của nông dân Shia bị Israel chiếm đóng, kháng chiến chống Israel là liên minh của các lực lượng chính trị thế tục như Đảng Cộng sản, Đảng PNSS (quốc gia), lực lượng Palestine như PFLF cùng thành phần tôn giáo như Amal và Hezbollah. 

Trong đó Hezbollah là tổ chức có năng lực lớn mạnh và hữu hiệu nhất. Tháng 5-2000 khi bất ngờ và không kèn trống, Israel rút hết quân khỏi miền nam thì tại Lebanon mọi người coi chiến thắng đó trước hết là của phong trào Hezbollah.

Kinh nghiệm trận mạc của Hezbollah

Mặc dù chính thức hòa bình từ 1990, các vấn đề chính trị cũng như kinh tế của Lebanon vẫn còn nguyên đó, thậm chí còn tệ hại hơn so với thời chiến tranh (1975-1990). Guồng máy nhà nước chỉ còn là cái xác vô hồn và quản lý thẫn thờ nhưng lại cần ăn no vỗ bụng. 

Cầu đường, điện nước, rác rưởi, giao thông, người dân phải tự xoay xở. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, nếu tự nhiên thấy đường phố sạch sẽ, lưu thông ngăn nắp và có điện có đèn thì biết ngay là đã đến khu vực Hezbollah quản lý.

Ngược lại, tại một quốc gia có bãi biển gọi là "Silicon Beach" (không phải loại dùng cho đồ điện tử ở Silicon Valley, mà là loại dùng để bơm ngực), thì phong trào tôn giáo Hezbollah cũng phải nhân nhượng về mặt xã hội. 

Các bãi biển ở khu vực Hezbollah vẫn nhộn nhịp trình diễn nội y với người mẫu nhập từ Ukraine, vừa hắt sóng vừa hắt rượu. Lebanon không phải là Iran, có người che tóc khăn dài, nhưng vẫn có người mặc đồ tắm mini.

Nhờ thích ứng tốt, Hezbollah trở thành đảng phái chính trị được tôn trọng tại Lebanon. Họ có vài ba bộ trưởng trong chính phủ, 15 đại biểu quốc hội (trên tổng số 128, năm 2022). 

Tại Lebanon, Hezbollah và đồng minh là đa số nắm quyền, kiểm soát quân đội, trong khi đối lập dựa vào lực lượng nội an, tức công an (FSI).

Về mặt quân sự, Hezbollah chiếm phần nổi trội không thể chối cãi. Họ là lực lượng du kích vào năm 2006 đã đương đầu và ngăn chặn thành công quân đội từng đánh bại 6 quốc gia Ả Rập. 

Khi đó, 30.000 quân Israel tràn qua trừng phạt 1.000 du kích Hezbollah, nhưng không chỗ nào tiến được quá 8km, có chỗ khựng lại cách có 1km đến ngày ngưng chiến, và sau cùng trực thăng vận chụp hình selfie ở bờ sông Litani uống nước dừa xiêm rồi đi ngay, mau lên mày, còn về nước ăn cơm tối.

Ảnh: The Japan News

Ảnh: The Japan News

Trong trận chiến này, theo Israel thì họ chết 121, bị thương 1.244. Vẫn theo Israel thì Hezbollah chết "ít nhất" 400, bị thương 800. Chiến tranh năm 1990, tỉ lệ thương vong Israel 1 thì Hezbollah 5. 

Năm 1993, tỉ lệ này là 1,5. Năm 2006 thì đã thành ngang ngửa. (Các con số đều là của chính Israel). Trong trận chiến 34 ngày năm 2006, 52 xe tăng Israel bị bắn trúng, 20 chiếc hư hại hoàn toàn, 1 trực thăng bị bắn rơi, 3 trực thăng không ai bắn cũng rơi và 1 chiến hạm ngoài khơi Beirut ăn hỏa tiễn, lê lết về cảng nhà Ashdod.

Vậy phần Hezbollah mất bao nhiêu trực thăng và chiến xa? Zero, vì họ không có chiếc nào. Nhưng Lebanon có cầu (73 cây), đường (640km), cảng (31), nhà thương (2), trường học (350), nhà máy điện, nhà máy lọc nước, cơ sở thương mãi và sản xuất (900)... bị Israel phá hủy hoàn toàn, cùng 15.000 hộ dân cư. Có 1.000 thường dân thiệt mạng nên nếu Hezbollah không sợ thì thường dân cũng sợ chứ.

Kiểu đánh đấm đó được Israel nâng lên hàng sách lược quân sự, gọi là "Sách lược Dahye", theo tên khu ngoại ô Shia ở Beirut: cố tình trừng phạt thường dân để họ không chịu được nữa và hết ủng hộ kháng chiến. 

Sách lược này hiện được áp dụng triệt để tại Gaza, nhưng chưa thấy mang lại kết quả mong đợi. Ngược lại, hình như càng giết dân thường thì họ càng căm hận, chứ không chịu ghét địch yêu ta.

Nguy cơ chiến tranh

9 tháng nay Hezbollah kềm mặt trận miền bắc, bắn qua bắn lại khiến bên Israel 80.000 người phải di tản và phải giữ quân mặt bắc để phòng hờ. 

Ngoài pháo kích quấy rối, Hezbollah còn có khả năng hành quân bộ binh đánh chiếm lãnh thổ Israel sau kinh nghiệm tại Syria. Về giao chiến tay đôi với Israel, Hezbollah không sợ.

Ảnh: The New Arab

Ảnh: The New Arab

Nhưng điều chắc chắn là thường dân Lebanon sẽ phải trả giá rất đắt như trong chiến tranh 2006. Cả nước, tức là các thành phần Kitô, Hồi Sunni (2/3 dân số) có chấp nhận ăn bom hay không? Họ sẽ ủng hộ Hezbollah nếu Israel ra tay trước và bị coi là xâm lăng ngang ngược. Nói kiểu lý lẽ Israel thì "Hezbollah có quyền tự vệ" chứ.

Trong tranh chấp quốc tế, ta hay suy diễn về các thế lực bên ngoài, Iran nghĩ thế này và Hoa Kỳ nghĩ thế kia, Trung Quốc muốn xui giục hay Nga không cho phép. 

Nhưng với Israel cũng như Hezbollah, ý kiến quan trọng nhất vẫn là của dư luận trong nhà. Điều Hezbollah cần trước hết và sau cùng, là đồng thuận của dư luận Lebanon trong thử thách sắp tới.

Từ 1979, Iran là cái gai nhức nhối trong mắt Mỹ. Với Israel, kẻ thù giờ không phải là "khối Ả Rập", mà là "khối Iran", với Lebanon, Syria, Yemen, Iraq. Nhưng đánh Iran là chuyện vô vọng, nhất là khi đồng minh Mỹ cũng đang "nhà bao việc".

Phần Iran, họ không muốn chiến tranh ở nước mình hay trong khu vực. Họ cũng không hề muốn xâm lăng nước Mỹ và đánh đổ chế độ Hoa Kỳ tư bản. Họ chỉ muốn bán dầu thoải mái và ngưng bị phong tỏa, cấm vận. 

Trong 40 năm qua, từ vị trí bị vây hãm đơn độc, họ đã tạo được ảnh hưởng trong khu vực để tăng phần tự vệ. Đó là thành công, nhưng Houthi ở Yemen hay Hezbollah ở Lebanon không phải công cụ vô hồn, mà đều có quyền lợi, mục đích riêng.

Bắn qua bắn lại nơi biên giới để yểm trợ cầm hơi cho Gaza có lẽ là giải pháp được phần lớn dư luận Lebanon ủng hộ. Thiệt hại vài trăm binh sĩ như trong 9 tháng qua có lẽ là hy sinh cho đoàn kết với Palestine mà quần chúng của Hezbollah chấp nhận. Hezbollah không muốn đi xa hơn. Nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là từ phía Israel cùng quẫn mà khai hỏa.■

Năm 1982, Israel đẩy quân đến cửa thành Beirut để trục xuất lực lượng giải phóng Palestine. Sau đó tại Beirut có một lực lượng quốc tế Mỹ, Pháp, Anh, Ý hòa giải giữ trật tự và Israel rút về miền nam Lebanon chiếm đóng vùng trái độn ở biên giới.

Đó là hoàn cảnh ra đời của Hezbollah. Tiền thân của họ là tổ chức Islamic Jihad đánh bom xe bộ tư lịnh Israel tại Tyre tháng 11-1982 (giết 75 lính Israel) và tháng 11-1983 (giết 27 lính). Sứ quán Mỹ tại Beirut cũng bị đánh tháng 4-1983 khiến 63 người chết và phải di tản toàn bộ đi nơi khác.

Ngày 20-10-1983 là vụ hai xe bom đánh căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ (241 lính Mỹ chết) và căn cứ lính dù Pháp (58 lính Pháp chết). Phía Islamic Jihad thiệt hại 3 người lái xe bom. Hoa Kỳ rút quân ra biển, mẫu hạm và chiến hạm khủng New Jersey đến cày nát núi rồi cả Pháp lẫn Mỹ về nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận