Trung Quốc và chiến lược phát triển, quảng bá quả vải

CẢNH CHÁNH 30/06/2020 22:06 GMT+7

TTCT - Là nước sản xuất lớn nhất, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn nhất, nhất cử nhất động ở Trung Quốc đều sẽ tác động sâu sắc tới giá cả và sản xuất quả vải trên toàn cầu.

Một chuyến bay chở quả vải xuất khẩu được trang trí đặc biệt để quảng bá sản phẩm của Hãng hàng không China Southern. Ảnh: Twitter
Một chuyến bay chở quả vải xuất khẩu được trang trí đặc biệt để quảng bá sản phẩm của Hãng hàng không China Southern. Ảnh: Twitter

Việc 309 thương nhân Trung Quốc được đặc biệt cho phép nhập cảnh Việt Nam - có cách ly 14 ngày - để thu mua vải thiều Bắc Giang là tin vui với nông dân Việt Nam, nhưng nhiều cư dân mạng Trung Quốc lại kêu gào "đừng đi chúng tôi không mua đâu, chúng tôi sẽ mua vải thiều nội địa". Năm nay, nước đông dân nhất thế giới này đang trúng đậm mùa vải.

Sản lượng trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng từ 2,3 triệu tấn vào năm 2009 lên gần 7,3 triệu tấn năm 2019, tương ứng mức tăng bình quân 12%/năm.

Đáng chú ý, lượng nhập này tăng trong bối cảnh sản lượng trong nước của Trung Quốc cũng tăng liên tục, lên tới khoảng 256 triệu tấn vào năm 2018. Tính theo đầu người, theo Cục Thống kê Trung Quốc, giai đoạn 2013 - 2018, lượng tiêu thụ trái cây tươi đã tăng từ 37,8 kg/năm lên 47,4 kg/năm.

Sản lượng 2,5 triệu tấn

Năm nay quả vải Trung Quốc bắt đầu ra thị trường từ cuối tháng 4 với giá khoảng 40 tệ/kg (1 tệ bằng khoảng 3.500 đồng), đến nay nhiều giống đã chín rộ, giá cả giảm so với đầu vụ. Theo giá bán trên trang thương mại điện tử 21food.cn ngày 30-5, giá vải thiều ở Quảng Đông bình quân 20 tệ/kg, trong khi ở Bắc Kinh là 70 - 80 tệ/kg, Thượng Hải là 60 tệ/kg.

“Tổng sản lượng vải năm nay của Trung Quốc dự báo hơn 2,5 triệu tấn, do tình hình dịch bệnh, nên áp lực tiêu thụ lớn. Hi vọng thông qua diễn đàn, mở ra kênh tiêu thụ mới cho vải thiều” - ông Lý Thượng Lan, giám đốc Trung tâm cây trồng nhiệt đới Nam Á thuộc Bộ Nông nghiệp nông thôn, thông tin trên Diễn đàn phát triển vải thiều.

Trung Quốc có khoảng 20 giống vải thiều, tên gọi đều rất hay, phản ánh quan điểm “thời trân” về thứ quả chỉ có ở Giang Nam này, nào là Tam Nguyệt Hồng, nào là Quý Phi Tiếu, rồi Bạch Đường Anh, Bạch Lạp, Hắc Diệp, Quế Vị, Hoài Chi, Song Quan Tử, Lan Trúc, Linh Sơn Hương Chi, Trần Tía, Mã Quý Lệ... Do điều kiện địa lý và giống vải khác nhau, thời gian thu hoạch cũng khác nhau.

Một vùng vải ở Quảng Châu (Trung Quốc) ảnh: SCMP

Theo trang Farm China, thời điểm chính vụ theo thứ tự ở từng địa phương nước này là Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên, bắt đầu từ cuối tháng 4 đến tháng 9, dù đa số thu hoạch vào tháng 6 và 7, tức giống như ở Việt Nam.

Theo số liệu của tờ Kinh Tế nhật báo 2018, vải thiều là mặt hàng trái cây đứng thứ 5 trong top 5 trái cây ở Trung Quốc, là trái cây nhiệt đới có diện tích trồng trọt lớn nhất nước: từ năm 1987 là 1,9 triệu mẫu (1 mẫu khoảng 666m2) tăng lên 8,6 triệu mẫu vào năm 2017, sản lượng từ hơn 116.000 tấn lên gần 2,3 triệu tấn, và giá trị từ 467 triệu tệ lên 28,4 tỉ tệ. Diện tích trồng trọt và sản lượng ở Trung Quốc đều chiếm hơn 60% toàn thế giới.

Những năm gần đây, ngành vải thiều Trung Quốc phát triển ngày càng chuyên nghiệp, quy mô và mang tính khu vực. Một ví dụ: nước này đã xây dựng các vùng trồng vải thu hoạch theo thời điểm khác nhau, để tránh thu hoạch cùng một lúc, giảm áp lực biến động giá cả. Năm 2017, giá vải thiều lập kỷ lục ở mức 44 tệ/kg, nông dân trồng vải lời hơn 7.500 tệ/mẫu.

Thủ phủ vải thiều

Vải thiều được trồng tập trung ở 8 tỉnh phía nam Trung Quốc, tạo việc làm cho 1 triệu người, hai địa phương trồng nhiều nhất là Quảng Đông và Hải Nam. Theo báo Nông Thôn Nam Phương, 119 huyện ở Quảng Đông có hơn 50 huyện trồng vải thiều, sản lượng năm nay khoảng 1,3 triệu tấn, chiếm 50% sản lượng cả nước và 1/3 sản lượng thế giới.


Nông dân ở huyện Linh Sơn, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đóng gói trái vải mang ra chợ bán. Quả vải ở vùng này được trồng trên 37.330 ha. (Ảnh: Shanghai Daily.com)

Quảng Đông rất chú trọng việc quảng bá vải thiều. Năm nay do tình hình dịch bệnh, lễ hội vải thiều quốc tế Quảng Đông trực tuyến được tổ chức ngày 20-4, ra mắt nhãn hiệu vải thiều Quảng Đông, vải thiều Mậu Danh, với chương trình “Dùng vải thiều để tỏ tình trong ngày 20-5” (ngày 20-5 trong tiếng Trung có âm đọc gần giống “anh yêu em”), tổ chức chuyến bay thẳng trang trí logo vải thiều Quảng Đông đến các tỉnh thành, và xuất khẩu.

Tối 20-5, hình ảnh quả vải thiều Quảng Đông xuất hiện trên tháp Quảng Châu, ngày 21-5 được quảng cáo trên bảng điện tử ở thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), ngày 23-5 có mặt trên màn hình Nasdaq tại quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ. Những sự kiện quảng bá khôn ngoan cũng được tổ chức: Ngày 20-5, thành phố Mậu Danh đấu giá quyền thu hoạch cây vải thiều cổ hơn 600 năm tuổi, thu về 1,38 triệu tệ để làm từ thiện.

Ở thành phố Cao Châu (Quảng Đông) có một vườn vải được mệnh danh Viện bảo tàng vải thiều. Vườn Cống Viên có 39 cây vải trên 500 năm tuổi, 9 cây trên 1.300 năm tuổi, là vườn vải thiều lâu đời nhất và các giống vải đầy đủ nhất Trung Quốc, hằng năm mở cửa đón du khách tham quan.

Trung Quốc cũng rất chú trọng áp dụng công nghệ mới cho sản xuất và tiêu thụ quả vải. Tập đoàn nông nghiệp Trung Lệ vừa đầu tư 300 triệu tệ để xây dựng dự án vùng trồng vải xuất khẩu và gia công 30.000 mẫu tại huyện Hợp Giang, thành phố Lô Châu, Quảng Đông, theo CCTV. Nhà máy này dự kiến sẽ có doanh thu 800 triệu tệ/năm và tạo ra 2.000 việc làm. Vải của Tập đoàn Trung Lệ hiện đã xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU, Úc, Nhật, Hàn, Đông Nam Á, Trung Đông.

Các hội thảo khoa học và diễn đàn phát triển ngành vải thiều đã diễn ra tại thành phố Mậu Danh vào ngày 21-5, thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực hẹp này. Theo thông tin tại diễn đàn, trên thế giới cứ 5 quả vải thì có 1 quả xuất xứ từ Mậu Danh. Vải thiều trở thành cây ăn quả quan trọng giúp nhiều vùng nông thôn Quảng Đông thoát nghèo.

Tại hội thảo, Trần Hậu Bân - chuyên gia ngành vải, nhãn Trung Quốc - cho rằng muốn phát triển cây vải thiều cần sớm lập chiến lược quản lý nông trại và chú trọng phát triển công nghệ khi vải được mùa, để ổn định nguồn cung cho năm sau. Chính quyền Quảng Đông thì cho biết họ đang hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xây dựng vườn ươm giống vải thiều lớn nhất thế giới, và 100 nông trại trồng vải sinh thái xanh kiểu mẫu.■

 

Hỗ trợ trái cây đặc sản

Theo trang nông dân trồng trái cây guonongw.net, năm 2018 Chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ cây ăn trái đặc sản: các tỉnh thành có chính sách trợ cấp phí bảo hiểm 72 - 96 tệ/mẫu với cây ăn trái (cho mức phí bảo hiểm từ 900 - 1.200 tệ/mẫu). 

Các dự án trồng cây ăn quả và trà diện tích trên 200 mẫu (trong nhà kính) và 1.000 mẫu (trong tự nhiên) được trợ cấp một lần 5.000 tệ/mẫu (nhưng không quá 3 triệu tệ).

Dự án sơ chế rau quả được trợ cấp 30% kinh phí xây dựng. Dự án xây dựng nông trại theo tiêu chuẩn Bộ Nông nghiệp từ 200 mẫu trở lên được trợ cấp 1.000 tệ/mẫu (không quá 1 triệu tệ).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận