TTCT - Cái nhìn thiên lệch về tình hình thế giới của báo đài phương Tây về một lần nữa lại thể hiện qua cách họ tường thuật chiến sự Nga - Ukraine. Ảnh: Justine Goode/MSNBC và Getty ImagesNhiều nhà báo, chuyên gia vẫn nghĩ rằng chiến tranh là cái gì đó chỉ có ở châu Phi hay Trung Đông, và rằng chỉ có nạn nhân da trắng tóc vàng mới xứng đáng được cảm thông trong thời chiến.Những so sánh gây bất bìnhNhà báo, cựu chính trị gia người Anh Daniel Hannan viết trên tờ Telegraph ngày 26-2: “Choáng ngợp là ở chỗ họ trông giống hệt chúng ta. Ukraine là một đất nước châu Âu. Người dân ở đây xem Netflix và có tài khoản Instagram, bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tự do và đọc các tờ báo không kiểm duyệt. Chiến tranh không còn là thứ chỉ đến với những khu vực nghèo và xa xôi. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai”.Hai dòng cuối đầy tâm tư lại khiến cho người đọc ngoài châu Âu không khỏi cảm thấy lấn cấn. Có phải sự quan tâm của tác giả dành cho dân thường gặp nạn chỉ được cấp phát nếu đạt đủ các điều kiện nhất định? Là tài khoản Netflix, tờ báo họ đang đọc, hay là màu da của họ?Đọc thêm báo chí cả tháng qua, có thể thấy sự lấn cấn này càng có cơ sở. Phân biệt màu da không chỉ xuất hiện trong công tác hỗ trợ người tị nạn ở Ukraine (mời đọc lại bài “Nếu da bạn không trắng...”), mà còn được thể hiện qua cách báo đài phương Tây phi nhân tính hóa (dehumanize) các dân tộc da màu, biến họ trở thành hậu cảnh cho những thiệt hại của người dân da trắng, mắt xanh ở Ukraine.Một phóng viên có mặt gần biên giới Ba Lan - Ukraine của kênh ITV (Anh) bình luận trên sóng khi chực trào nước mắt: “Điều không tưởng đã xảy ra với họ, dù họ đang không ở một đất nước thế giới thứ ba nào, họ đang ở châu Âu!”. Tương tự, một bình luận viên trên kênh BFM TV của Pháp đã vấp phải vô số chỉ trích vì phát biểu có màu phân biệt: “Chúng ta đang ở giữa thế kỷ 21, ở một thành phố châu Âu, nhưng lại phải đối mặt với tên lửa hành trình như thể ta đang ở Iraq hay Afghanistan vậy, tưởng tượng nổi không?”.Nghe giống như đùa, nhưng có vẻ việc bom đạn rơi ở “thế giới văn minh” với họ là điều thực sự không tưởng - những thống khổ của người dân Trung Đông, châu Phi hay châu Á trong mắt họ giống như đến từ một xêri phim truyền hình viễn tưởng hơn là từ thực tế.Ngay cả Al Jazeera, một kênh tin tức có trụ sở ở Trung Đông (Doha, Qatar), cũng không tránh khỏi góc nhìn nặng tính phân biệt chủng tộc. “Đây rõ ràng không phải người tị nạn tránh chiến sự ở Trung Đông, cũng không phải người chạy nạn từ Bắc Phi. Họ trông giống như một gia đình châu Âu sống cạnh bạn” - Peter Dobbie, phát ngôn viên người Anh của Al Jazeera, nhận định trong một bản tin.Không dừng lại ở đó, “tiêu chuẩn kép” còn được thể hiện ở các từ ngữ khác biệt dùng để miêu tả các lực lượng phản kháng địa phương. Kênh truyền hình Sky News nêu chi tiết cách người Ukraine chế tạo bom xăng, ghi hình các bước nhồi xốp, rót xăng chi tiết như một công thức nấu ăn. Hình ảnh lực lượng vũ trang Ukraine cũng lan truyền khắp nơi trên Internet và thu về những lời động viên tích cực. Thật khó để tượng tượng báo đài phương Tây dành những lời có cánh tương tự cho bất kì lực lường Hồi giáo nào - đổi lại chắc chắn sẽ là những cái nhãn “vũ lực” và “khủng bố”.Với nhiều người, sự khác biệt này rõ ràng đến từ não trạng phân biệt chủng tộc. “Ukraine không phải là cuộc chiến tệ nhất diễn ra từ Thế chiến thứ II, thậm chí còn không phải cuộc chiến đẫm máu nhất đang diễn ra. Đây chỉ là tình huống xấu nhất đang diễn ra với người da trắng” - cây viết người Sri Lanka Indi Samarajiva nhận định.Vẫn cái nhìn “Đông phương luận”Khi nhắc tới cái nhìn sai lệch của phương Tây về thế giới, không thể không nhắc tới Đông phương luận (Orientalism), tác phẩm nghiên cứu để đời của Edward W. Said, về mối quan hệ thống trị và kiểm soát mà phương Tây đã áp lên phương Đông nhằm giải thích và hợp lý hóa quá trình khai thác thuộc địa cũng như nhiều công trình thực dân khác. Khảo cứu một khối lượng văn bản đồ sộ, trải dài từ cổ chí kim của các nhà văn, nhà nghiên cứu phương Tây, Said chỉ ra một truyền thống “sản xuất tri thức” về phương Đông, liên tục bồi tạo một miền đất xa xôi huyền bí, sa đọa bởi sắc dục và bạo lực, đối lập với văn minh, quy củ và đạo đức của xã hội châu Âu.Vốn là tiền đề của các công cuộc xâm lược thực dân, cái nhìn “Đông phương luận” vẫn còn đang tồn tại và sống khỏe trong hiện đại mà dễ thấy nhất là qua bộ máy truyền thông chính thống phương Tây - thứ vẫn còn khoanh vùng bạo lực và giết chóc như một đặc sản không thể xuất khẩu của các khu vực “kém văn minh” như Trung Đông và châu Phi. Theo tiến sĩ Suja Sawafta, phó giáo sư Đại học Miami (Mỹ), truyền thông phương Tây cần duy trì một hình tượng “kẻ ngoại lai” lạc hậu, phi nhân tính để bản thân có thể “trở thành” đối trọng - ngọn cờ của sự văn minh, lý tinh và tiến bộ khoa học kỹ thuật.Moky Makura, giám đốc tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Africa No Filter, lại chỉ ra một xu hướng khác: Trong khi câu chuyện con người trong các thảm kịch phương Tây được trình hiện trọn vẹn dưới con mắt nhân đạo và thông cảm, số phận của những người dân châu Phi thường bị là phẳng thành những con số vô tri. Trong lúc tình hình tại Ukraine đang được mở xẻ từ mọi chiều hướng, với hình ảnh người dân địa phương kiên cường anh dũng xuất hiện dày đặc trên báo chí phương Tây, câu chuyện của những người dân tại sáu nước Mali, Chad, Guinea, Sudan, Burkina Faso và Guinea Bissau đang trải qua các cuộc đảo chính lại bị lờ đi. Tệ hơn nữa, số phận của cả sáu quốc gia bị gộp lại làm một, như đã thấy từ phát biểu hồi tháng 10-2021 của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi nhắc đến tình hình khu vực: “Một đại dịch đảo chính”.Có giải pháp nào không?Đối diện với kiểu phân biệt chủng tộc ngấm ngầm của truyền thông phương Tây, cộng đồng các nước phương Đông một lần nữa lại phải lên tiếng. Một loạt các video clip gắn hashtag #uncivilized (kém văn minh, châm biếm phát biểu ngụ ý Ukraine "văn minh" hơn Iraq hay Afghanistan của nhà báo kỳ cựu của CBS News Charlie D’Agata) của cộng đồng gốc Trung Đông đã thu hút được hàng chục triệu lượt xem trên TikTok.Hiệp hội Nhà báo Ả Rập và Trung Đông cũng đã ra thông cáo chỉ trích “ẩn ý phân biệt chủng tộc trong các phát ngôn về các cộng đồng “kém văn minh” hay nghèo đói xứng đáng gánh chịu xung đột… Chúng hạ thấp nhân tính và biến trải nghiệm chiến tranh của họ thành chuyện bình thường”.“Đáng buồn thay, chúng tôi không thấy bất ngờ” - Hoda Osman, chủ tịch hiệp hội, trả lời phỏng vấn CNN về kiểu đưa tin phân biệt trong mấy tuần vừa qua. “Những nhận định gây sốc được đưa ra hết sức vô tư, tự phát, do đó bộc lộ những định kiến trong nhận thức - điều mà chúng tôi nghĩ các phóng viên làm sự kiện quốc tế đã phải vượt qua được”. Giải pháp được Osman đưa ra: Các tòa soạn cần tăng cường tập huấn chuyên môn cho phóng viên để tránh rơi vào những cái bẫy “dĩ Âu vi trung” vốn đã ăn sâu bám rễ trong ngành truyền thông phương Tây.Bên cạnh đó, trong bối cảnh thiếu tính đa dạng của lực lượng lao động truyền thông Âu - Mỹ (94% nhà báo tại Anh, cũng như 77% lao động trong các đài phát thanh và truyền hình Mỹ là người da trắng), việc có thêm những tiếng nói của các sắc dân thiểu số là vô cùng cần thiết. “Chúng ta vẫn cần thêm [những nhà báo gốc Trung Đông]. Việc họ có mặt trong tòa soạn đã là một sự khác biệt” - Osman khẳng định.Mặc dù trở thành “người hùng” trong cuộc xung đột với Nga đầu năm nay, Ukraine không phải lúc nào cũng nhận được ủng hộ nhiệt liệt của của báo giới phương Tây.Theo nhận định của một số chuyên gia, dù cũng là sắc dân da trắng, tóc vàng nhưng Ukraine và các dân tộc Slavic khác mới được “công nhận” là người da trắng với đầy đủ đặc quyền từ cuối thế kỷ XX. Giữa thế kỷ trước, Hitler và chính quyền phát xít vẫn coi người Slavic là “hạ đẳng” so với dân Anglo-Saxon và Scandinavia.Kimberly St. Julian-Varnon, nhà nghiên cứu lịch sử tại Đại học Pennsylvania, với kinh nghiệm ở Ukraine, Liên Xô (cũ) và Nga, cho rằng người Ukraine “thường được coi là ở dưới đáy của kim tự tháp chủng tộc châu Âu”. Cho đến năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hai "nước cộng hòa nhân dân tự xưng" Donetsk và Lugansk thành lập, “Ukraine vẫn bị coi là tụt hậu và chưa đủ “Âu”” - Julian-Varnon viết trên Twitter ngày 27-2. Tags: UkraineTruyền thôngTiêu chuẩn képThiên kiếnThiên lệchChiến tranh Nga UkraineĐông phương luận
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Mỹ hé lộ lý do được Nga thông báo trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine DANH ĐỨC 23/11/2024 Từ đây cho tới ngày 20-1-2025, thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ có nhiều diễn biến khó lường.