TS Trần Du Lịch: Trao sự chủ động cho địa phương

TIẾN LONG (thực hiện) 28/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - Tại buổi làm việc ngày 3-9 giữa Bộ Chính trị và Thành ủy TP.HCM, nhiều thành viên Bộ Chính trị đồng tình chủ trương về việc TP.HCM lập đề án xin điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương để lại cho thành phố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về vấn đề này, tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - chia sẻ: “Về phía thành phố, tôi nghĩ rằng bên cạnh xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, cần quan tâm cả việc tính toán hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư. Làm sao phải tuân thủ nguyên tắc về phí tổn cơ hội để nâng hiệu quả sử dụng ngân sách cao nhất. Và về lâu dài phải giải quyết căn cơ bằng các cơ chế chủ động hơn vấn đề tăng thu...”.

Rạch ròi giữa ngân sách trung ương và địa phương

Sau khi làm việc với Bộ Chính trị, TP.HCM phải tiếp tục đưa ra những thông số, cơ sở, điểm nghẽn để phân tích làm rõ và thuyết phục hơn cho thấy cần phải tăng tỉ lệ điều tiết. Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất của vấn đề thu ngân sách là gì?

- Việc thành phố lập đề án xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương cho thành phố là điều cần thiết nhằm giải quyết những bức bách về việc thiếu nguồn vốn đầu tư lâu nay. Tuy nhiên, quanh việc ngân sách, tôi nghĩ có một số vấn đề cần quan tâm thêm. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch. Ảnh: Tự Trung

Thực tế cho thấy mức được giữ lại 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn để chi thường xuyên và đầu tư hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho thành phố, theo quan điểm phải đầu tư hạ tầng để đảm bảo và nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Đó là chưa nói đến yêu cầu cải thiện đời sống dân sinh tại một địa bàn đóng góp rất lớn cho nguồn thu ngân sách cả nước.

Nhưng cũng từ việc TP.HCM “loay hoay” xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thấy lộ ra bất cập về thể chế ngân sách lồng ghép giữa ngân sách trung ương và địa phương như hiện nay. Tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương thực chất được tính toán từ việc duyệt các khoản chi cho địa phương đó, chứ hoàn toàn không dựa trên nguyên tắc xem xét nguồn thu của địa phương để tính toán khoản chi. Việc này tạo nên cơ chế “xin cho” và làm những địa phương có điều kiện để tự chủ hơn trong vấn đề thu chi mất động lực.

Ông có thể nói rõ hơn bất cập về thể chế lồng ghép giữa ngân sách trung ương và địa phương?

- Chỉ cần nhìn thực tế việc thu - chi ngân sách tại TP.HCM sẽ thấy rõ bất cập này. Nói rõ hơn nếu chỉ xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì mới giải quyết chuyện trước mắt là để thành phố có thêm tiền phục vụ chi đầu tư phát triển. Trong khi để căn cơ giải quyết vấn đề thiếu nguồn lực đầu tư, thành phố phải chủ động tạo ra các nguồn thu khác. 

Các nguồn thu này sẽ được thành phố chủ động sử dụng cho việc đầu tư và nâng cao phúc lợi xã hội mà không hòa vào ngân sách chung quốc gia. Mở rộng ra các địa phương giống TP.HCM cũng vậy, hoàn toàn có thể để chính quyền địa phương chủ động tạo ra những nguồn thu riêng phù hợp với đặc thù. 

Còn nếu hòa vào nguồn ngân sách chung khi Chính phủ xét duyệt để cân đối thu - chi thì không kích thích các địa phương, nhất là các đô thị lớn, trong việc huy động nguồn lực tài chính.

Vậy để các địa phương được chủ động tạo ra nguồn thu riêng để chi riêng phải làm thế nào, thưa ông?

- Để xây dựng chính quyền đô thị, việc này rất quan trọng, bởi cái quan trọng nhất của chính quyền đô thị là tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mối quan hệ phân cấp giữa trung ương và địa phương. Bởi vậy, về lâu dài phải làm sao rạch ròi, minh bạch phần nào là ngân sách trung ương, phần nào của riêng địa phương và phần nào trung ương trợ cấp cho địa phương, chứ không gộp tính chung như hiện nay. 

Mỗi địa phương sẽ tập trung vào hai nguồn ngân sách chính, là phần ngân sách được chia và phần thu riêng, ổn định trong 5 năm chẳng hạn... Từ đó trung ương sẽ nhìn thấy có những địa phương thu không đủ chi để trợ cấp thêm, còn những địa phương đủ nguồn thu rồi thì không cần.

Mặt khác, những khoản thu thuộc về địa phương cần để HĐND địa phương đó quyết định thông qua các kỳ họp một cách công khai, minh bạch, và có sự giám sát của người dân. Phần ngân sách trung ương cấp cho địa phương thì Quốc hội sẽ giám sát thông qua đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội. 

Làm được việc này, các địa phương có nguồn thu tương đối lớn cho trung ương sẽ nâng cao tự chủ, năng động hơn để có nguồn thu tốt, nhiều hơn chi cho phúc lợi.

Ví dụ như tại TP.HCM, có rất nhiều công trình liên quan đến đất đai, bất động sản. Chúng ta hiện chưa đặt vấn đề đánh thuế bất động sản như các nước, nhưng nếu được tự chủ tạo nguồn thu, thành phố có thể đánh một sắc thuế ở mức chấp nhận được để lo phúc lợi cho chính người dân thành phố. 

Cũng như ở nhiều nước, thuế bất động sản, nhà cửa, tài sản là để dùng cho địa phương đó chứ không bao giờ hòa vào nguồn thu chung. Như vậy, người dân thành phố cũng sẽ thấy dễ chấp nhận những khoản thu này hơn.

Thiết lập kỷ cương chi ngân sách cực kỳ nghiêm

Ông đã nói đến những bất cập trong việc thu ngân sách, vậy trong việc chi ngân sách hiện nay có bất cập nào cần khắc phục, thưa ông?

- Trước hết về lâu dài, cần đổi mới căn bản thể chế tài chính công phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường, nâng cao tính trách nhiệm và tự chủ của chính quyền địa phương. 

Vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2, TP.HCM. Ảnh: Tự Trung

Trong khi còn tồn tại mô hình ngân sách nhà nước “lồng ghép trung ương - địa phương” như hiện nay, bên cạnh việc thực hiện nghiêm kỷ cương chi tiêu theo Luật ngân sách nhà nước (không được chi bất cứ khoản nào nếu không nằm trong dự toán được Quốc hội hoặc HĐND cấp tỉnh phê duyệt), cần minh bạch hóa quá trình dự toán chi hằng năm. 

Bảng dự toán các khoản chi trình Quốc hội/ HĐND phê duyệt phải đủ chi tiết để có thể xem xét từng khoản một. Đối với ngân sách đầu tư cần nâng cao chất lượng lập dự án, tránh tình trạng lập danh mục để xin tiền, để “chạy”, dẫn đến dự án thiếu tính khả thi. Về nguyên tắc chung, đã là đầu tư phải tính đến yếu tố phí tổn cơ hội, nhất là tình trạng vay nợ để đầu tư như hiện nay.

Vừa qua tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, nhiều địa phương phải trả lại vốn cho Chính phủ hoặc điều đi nơi khác, có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có nguyên nhân “giành phần” trước trong khi chưa nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án. 

Trong điều kiện hiện nay, về chi ngân sách nhà nước, theo tôi cần chú ý ba việc: giữ nghiêm kỷ luật chi tiêu công; ngăn chặn xu hướng “chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa” bằng tiền thuế của dân; và tuân thủ nguyên tắc “phí tổn cơ hội” trong đầu tư công [tức phải tính tới việc đã đầu tư vào một dự án này thì sẽ mất đi tiền đầu tư cho một dự án khác, đồng nghĩa phải tính toán chi li hiệu quả đầu tư].

Như vậy chính các địa phương cũng phải xem xét lại việc chi ngân sách?

- Đúng vậy. Từ thực tế hiện nay, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách do việc sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, kỷ cương chi ngân sách lại càng phải nghiêm ngặt. Tôi cho rằng nếu chống được thất thoát và lãng phí trong chi ngân sách thì mới có thể thực hiện chủ trương “khoan sức dân” về các nghĩa vụ tài chính.

Đồng thời, phải xem xét việc tiết kiệm và cắt giảm tối đa những khoản chi thường xuyên không cần thiết. Trừ các khoản chi về lương, phúc lợi xã hội, những khoản khác quan điểm của tôi cứ phải cắt giảm. Lấy ví dụ các chi phí phục vụ tham quan, nghiên cứu, thăm hỏi..., tôi nghĩ nên hạn chế và tính toán cho kỹ. Chúng ta chưa phú quý mà sinh lễ nghĩa quá nhiều.

Không gì thuyết phục trung ương bằng việc cho thấy hiệu quả đầu tư của từng đồng ngân sách tạo ra. Sắp tới TP.HCM sẽ có nhiều việc phải làm, vậy theo ông, nguồn lực ngân sách nên được sử dụng như thế nào?

- Không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác khi dùng vốn ngân sách đầu tư phải tính đến phí tổn cơ hội, từ đó cân nhắc làm cái gì trước cái gì sau, không nên rải đều. Một thành phố mười mấy triệu dân tất nhiên có rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi cho rằng hiện nay hai vấn đề lớn của thành phố là chống ngập và giảm ùn tắc giao thông. 

Trong đó, về chống ngập, nếu chúng ta thực thi đúng lộ trình dự án chống ngập 10.000 tỉ thì hi vọng sẽ giải quyết được phần nào vấn đề nhức nhối này. Còn về giao thông, thành phố phải ưu tiên nối được các đường vành đai để giảm áp lực lưu thông cho các trục đường chính, các nút giao thông quan trọng... Thực tế sẽ có những khó khăn, nhưng nếu tập trung nguồn lực cho những dự án ưu tiên sẽ làm được.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận