Từ Mona Lisa đến Ivan Bạo chúa: Những bức họa…long đong

TƯỜNG ANH 21/06/2022 01:05 GMT+7

TTCT - Không hẹn mà mới đây, số phận của các kiệt tác Mona Lisa và Ivan bạo chúa lại một lần nữa trở thành chủ đề của truyền thông thế giới…

 
 Mona Lisa bị tấn công. Ảnh: ladbible.com

 Bánh kem và hoa hồng cho Mona Lisa

Tối 29-5, một vị khách đội tóc giả và ngồi xe lăn đến Bảo tàng Louvre. Anh ta đến chỗ bức chân dung Mona Lisa, cố phá vỡ tấm kính chống đạn bảo vệ tranh. Không thể làm vỡ kính, anh ta ném bánh kem vào bức tranh rồi rải những cánh hoa hồng xung quanh. Khi bị giải khỏi phòng trưng bày, thủ phạm kêu gọi những du khách khác “hãy nghĩ về Trái đất”.

Mona Lisa (La Gioconda hay La Joconde, chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo) - bức chân dung thế kỷ 16 - được danh họa Leonardo da Vinci vẽ bằng sơn dầu trên gỗ dương tại Florence trong thời kỳ Phục Hưng của Ý. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo

Bức chân dung thể hiện một phụ nữ với những đường nét trên khuôn mặt thường được miêu tả là “bí ẩn và lạ thường”, là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi về Louvre. Theo tác giả Gombrich E. H trong The Story of Art, “ít tác phẩm nghệ thuật nào lại là chủ đề cho sự chăm sóc kỹ lưỡng, cho các nghiên cứu, thần thoại hóa và bắt chước tới như vậy”.

Mona Lisa từng bị đánh cắp vào ngày 21-8-1911. Hai năm sau, người ta mới xác định được hung thủ: nhân viên Bảo tàng Louvre tên Vincenzo Peruggia - trộm tranh bằng cách xâm nhập tòa nhà vào giờ mở cửa, trốn trong một phòng để đồ và lấy trộm tranh rồi giấu nó trong áo khoác đi ra ngoài khi bảo tàng đã đóng cửa. 

Peruggia là một người Ý yêu nước và tin rằng bức tranh của Leonardo da Vinci phải được trưng bày ở Ý. Peruggia bị bắt khi tìm cách bán tranh cho Uffizi Gallery ở Florence. Bức tranh sau đó đã được trưng bày trên khắp Ý rồi trao trả về Louvre năm 1913. Peruggia được ca ngợi về lòng yêu nước ở Ý và chỉ bị tù vài tháng về tội này.

Trong Thế chiến 2, bức tranh một lần nữa bị đưa khỏi Louvre để đưa tới nơi an toàn. Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng khi một kẻ phá hoại hắt axit vào nó. Ngày 30-12 cùng năm, một thanh niên Bolivia Ugo Ungaza Villegas đã ném đá vào bức tranh, khiến khuỷu tay trái của Mona Lisa có một vết xước nhỏ, chỗ này sau đó đã được vẽ lại. Từ đó, kính chống đạn đã được dùng để bảo vệ bức họa. 

Tháng 4-1974, một người dân địa phương đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tạm thời tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Ngày 2-8-2009, một du khách Nga đã ném một chiếc cốc bằng đất nung làm vỡ mặt kính. Ở cả hai trường hợp này, bức tranh đều không bị hư hại.

Những phán xử với Ivan Bạo chúa

Nhưng nàng Mona Lisa vẫn may mắn hơn Ivan bạo chúa. Ngày 23-5 tại Matxcơva, sau bốn năm phục chế, bức tranh của Ilya Repin - Ivan bạo chúa và con trai Ivan ngày 16-11-1581 (còn được gọi là Ivan bạo chúa giết con trai) - đã lại được treo tại phòng trưng bày Tretyakov. 

 
 Bức tranh của Ilya Repin Ivan Bạo chúa và con trai Ivan ngày 16-11-1581

 Tuy nhiên, công chúng chỉ được thưởng lãm nó trong hai giờ, sau đó bức tranh được cẩn thận tháo xuống và đưa đến kho lưu ký. Bảo tàng cho biết bức tranh sẽ được treo trở lại sau khi người ta hoàn tất lớp thủy tinh bảo vệ giống như tấm bảo vệ Thần Vệ nữ của Botticelli.

Bốn năm trước, tối 25-5-2018, một khách tham quan phòng trưng bày Tretyakov đã lấy trụ rào chắn bằng kim loại nện vỡ kính của bức tranh rồi đập vào bức vẽ nhiều lần khiến bức tranh bị hư hại nghiêm trọng: vải vẽ bị rách ba chỗ ở phần trung tâm tác phẩm; khung tranh bị hỏng nặng do kính rơi. 

Kẻ tấn công tập trung các đòn đánh vào thân người hoàng tử, trong khi khuôn mặt và bàn tay của sa hoàng và con trai không bị ảnh hưởng, và như đại diện phòng Tretyakov giải thích, chính những chi tiết này có giá trị lớn nhất. Trong hồ sơ vụ án, thiệt hại gây ra cho bức tranh ước tính hơn 500 nghìn rúp. (Theo Zelfira Tregulova, giám đốc phòng trưng bày Tretyakov, toàn bộ công đoạn trùng tu đã được Sberbank chi trả nhưng không nêu cụ thể chi phí này).

 
 Bức tranh bị rách ba chỗ ở phần trung tâm tác phẩm. Ảnh: weekend.rambler.ru

 Kẻ tấn công, khai tên là Igor Podporin, đã bị cảnh sát bắt giữ. Trong thẩm vấn ban đầu, người đàn ông thừa nhận được mức độ nghiêm trọng của hành động và giải thích mình đang say khi phá hỏng tranh. Tuy nhiên, về sau Igor Podporin bất ngờ thay đổi lời khai, khẳng định mình không hề uống rượu và phá hoại bức tranh có chủ ý. Lý do Igor Podporin không thích tác phẩm của Ilya Repin, là vì “Ivan bạo chúa đã được phong thánh” và rằng “và bức tranh xúc phạm cảm xúc của các tín đồ”. 

Là người gốc Uzbekistan, cho đến thời điểm phạm tội, Igor Podporin đã sống ở Nga được 12 năm, làm kỹ sư trong một công ty xây dựng và đang chăm sóc cha mẹ già. Vitaly, em trai Igor, bình luận khi được hỏi lý do hành động của anh mình: “Có thể là do thời gian bên bố mẹ. Có thể là một loại trầm cảm nào đó, tất cả cứ thế chồng chất. Và bức họa có thể tự thân nó đã gợi lên những cảm xúc như vậy”. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy sức khỏe tâm thần Igor Podporin rất “bình thường”.

Tại phiên tòa, Podporin một lần nữa giải thích đã làm hỏng bức tranh vì "nó được vẽ một cách bất công, làm tôi tức giận, về mặt lịch sử không đáng tin cậy. Thực tế, ông ấy không giết con mình, đây là tưởng tượng của nghệ sĩ". Tháng 4-2019, tòa Zamoskvoretsky (Matxcơva) đã kết án Podporin 2,5 năm tù giam.

Đây không phải lần đầu bức tranh này bị phá hoại. Tác phẩm được vẽ vào những năm 1880 từng bị họa sĩ chuyên vẽ tranh thánh, giáo sĩ Abram Balashov, rạch bằng dao vào năm 1913. Khi đó, bức họa cũng bị rách ba đường ở khuôn mặt của nhà vua và hoàng tử. Đích thân danh họa Ilya Repin đã tham gia phục chế. 

Năm 2013, các nhà hoạt động Chính thống giáo yêu cầu phòng trưng bày Tretyakov loại bỏ bức tranh khỏi cuộc triển lãm, vì theo họ, không có bằng chứng nào cho thấy Ivan bạo chúa đã giết con trai mình. Phòng trưng bày đã từ chối thực hiện yêu cầu này.

 
 Bảo tàng Tretyakov tại Moscow (Nga).

 Tương tự kiệt tác của Repin, người ta vẫn chưa biết chính xác lý do bức họa Danae của họa sĩ Hà Lan Rembrandt bị phá hoại nặng nề bằng dao và axit sulfuric vào năm 1985 tại Hermitage. 

Kẻ tấn công là một người Litva tên Bronius Maigis, trong giai đoạn điều tra sơ bộ được coi là khỏe mạnh, nhưng về sau được đưa vào bệnh viện tâm thần. Maygis ra viện năm 1991, tuyên bố không hối hận về những gì mình đã làm và đe dọa sẽ lặp lại cuộc tấn công. Hiện ông ta sống trong một viện dưỡng lão ở thị trấn Utena của Lithuania và thậm chí còn viết một cuốn sách bằng tiếng Nga.

Vì sao người ta tấn công các kiệt tác thế giới?

Khi bức tranh Ivan bạo chúa của Repin bị phá hoại, Mikhail Vinogradov, một bác sĩ tâm thần, cho biết: “Rất có thể đó là bệnh tâm thần phân liệt, nên khi một thứ gì đó gây ra phản ứng cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân, họ sẽ tìm cách tiêu diệt nó”.

Tuy nhiên, số phận của Ivan bạo chúa giết con trai long đong từ lúc mới ra đời. Bức họa mô tả cảnh sa hoàng đầu tiên của nước Nga, Ivan Vasilyevich (1547 - 1584), trong lúc nóng giận đã giết chết con trai 27 tuổi Ivan Ivanovich (1554 - 1581) sau một trận cãi vã.

 Tương truyền, vua Ivan là một Nga hoàng có năng lực và tài trí, người trong suốt thời gian cầm quyền đã chinh phục các hãn quốc Tatar, Sibir cũng như chuyển nước Nga thành một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, ông cũng bị cho là bạo chúa vì sát hại nhiều người trong những cơn thịnh nộ (đó là lý do ông bị gán biệt danh Bạo chúa, Hung đế)... 

Nhưng trong văn học dân gian Nga, vị sa hoàng này không phải là bạo chúa mà là hiện thân của chính nghĩa, của người bảo vệ dân chúng khỏi bè lũ quý tộc quan lại thối nát. Và đến tận ngày nay, thực hư về cái chết của hoàng tử Ivan vẫn chưa sáng tỏ. Một phiên bản giải thích khác cho rằng hoàng tử Ivan qua đời vì ốm nặng sau một chuyến đi.

Tường thuật vào hôm 23-5, nhân dịp bức tranh được giới thiệu cho công chúng trong hai tiếng, tờ Sự thật Komsomol nhắc lại: Ngay từ đầu, bức tranh của Repin gây lo âu và thậm chí sợ hãi ở nhiều người. Khi mua tranh, nhà từ thiện Tretyakov đã nói trước rằng sẽ không bao giờ trưng bày nó. Tuy nhiên, lệnh cấm cuối cùng được dỡ bỏ và hậu quả thấy ngay tức thì.

 Tờ báo kể: “Trong buổi ra mắt đầu tiên của Ivan bạo chúa năm 1885, khán giả đã thổn thức, sững sờ, ngã lăn ra đất”. Theo thời gian, người ta giả định ba nguyên nhân chính dẫn tới những phản ứng này. Nguyên nhân đầu tiên hoàn toàn có tính nghệ thuật. Một số nhà khoa học giải thích những phản ứng nói trên là do “sự phong phú của tất cả các sắc thái của màu đỏ trong tranh, kể cả máu trên thảm đỏ”. Điều này tác động lên những người tâm thần phân liệt giống như miếng vải đỏ trước mặt con bò đực. 

Không phải ngẫu nhiên mà giáo sĩ Abram Balashov, người đã tấn công bức tranh vào năm 1913, khi trả lời câu hỏi tại sao ông làm vậy, đã giải thích: “Có quá nhiều máu”.

Lý do thứ hai có tính thần bí. Theo truyền thuyết, tác phẩm của Repin đã kéo theo cái bóng của chính Ivan hung đế. Cái bóng này, một mặt truyền cho người ta sự điên rồ, nhưng mặt khác tặng cho nét cọ của Repin sức mạnh chết người. 

Giả thiết này thoạt nghe cũng điên rồ nhưng hoàn toàn hợp với Repin - người mà nhà văn, nhà nghiên cứu Kornei Chukovsky có lần đã viết: “Một sức mạnh đáng ngại ẩn trong các bức tranh của Repin: hầu như tất cả những ai ông vẽ đều sẽ chết vài ngày sau đó”! Sau cuộc tấn công thứ hai vào năm 2018, nghệ sĩ người Iceland Ragnar Kjartannson thậm chí còn khám phá lực tác động của bức tranh của Repin như một biểu hiện quyền lực của nghệ thuật đối với con người trong video sắp đặt “Bạo chúa - Đại bạo chúa”.

Lý do thứ ba nói Repin đã vu khống sa hoàng: Ivan bạo chúa không giết bất kỳ hoàng tử nào, và họa sĩ đơn giản chỉ lặp lại lời phỉ báng do các đối thủ của Nga hư cấu!

Ilya Repin bắt đầu thực hiện Ivan bạo chúa vào tháng 2-1881. Một tháng sau, sa hoàng Alexander II qua đời do bị ám sát. Họa sĩ kể lại ông đã làm việc với tâm trạng tồi tệ: "Cảm xúc bị lấn át bởi sự khủng khiếp của thời đại", hơn nữa, cái bóng của Hung đế dường như đang theo đuổi ông: "Mỗi phút càng đáng sợ hơn. Tôi đã quay lưng với bức tranh này. Đã giấu nó đi. Nhưng có gì đó lại đưa tôi đến với nó và tôi đã làm việc trở lại ... ".

Đặc biệt, Repin rất chú ý đến chi tiết "máu thật” trong tác phẩm của mình. Ông lấy cảm hứng từ những trận đấu bò, từ cái chết của một phụ nữ bị tai nạn xe. Và một lần, thật “may mắn”, con gái Vera của ông bị chảy máu cam. Người cha tốt đã không làm gì để cầm máu, mà còn ngắm thật chi tiết xem máu chảy thế nào... ■

Họa sĩ theo chủ nghĩa hiện thực Ilya Repin (1844 - 1930) là nghệ sĩ Nga nổi tiếng nhất của thế kỷ 19, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hội họa Nga vào dòng chính của văn hóa châu Âu.

 
 Họa sĩ Ilya Repin.

 Tuy nhiên, một số người được Ilya Repin vẽ chân dung (nhà soạn nhạc Mussorgsky, nhà văn Pisemsky… ) đã chết ngay sau khi chân dung hoàn thành. Và khi họa sĩ ngỏ ý muốn họa chân dung (nhà thơ) Tyutchev cho Bảo tàng Tretyakov, Tyutchev đã ngã bệnh trong cùng tháng và sớm qua đời... 

Repin vẽ (thủ tướng) Stolypin ở Bộ Nội vụ, sau khi Repin hoàn thành bức chân dung, Stolypin đã rời đi Kyiv, nơi ông bị bắn chết. 

Ngay cả những người mẫu của Repin cũng có số phận bất hạnh. Nhà văn Vsevolod Garshin, với đôi mắt u buồn và cam chịu, được Repin chọn vào vai hoàng tử Ivan trong bức tranh Ivan bạo chúa, ngã cầu thang chết sau đó. 

Còn họa sĩ Myasoyedov, vào vai sa hoàng, đã có lần cãi nhau với con trai (cũng tên Ivan) và trong cơn tức giận đã lao vào suýt giết chết con. May thay, Myasoyedov đã vượt qua được số phận đau buồn đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận