TTCT - Paris thời tạm chiếm luôn là một đêm đen tiền sử, không có nó tôi sẽ chẳng được sinh ra. Thành phố Paris ấy không ngừng ám ảnh tôi... Patrick Modiano tại lễ trao giải Nobel văn chương 2014 - Ảnh: Reuters Ngày 7-12-2014, nhà văn Pháp Patrick Modiano đã tới thủ đô Stockholm nhận giải Nobel văn chương. Vốn hết sức rụt rè, không ít lần bị bắt gặp ngồi bất động trên màn hình vô tuyến trước các câu hỏi của nhà báo, tác giả Phố những cửa hiệu u tối đã không giấu nổi xúc động khi bước vào đại sảnh dát vàng tuyệt đẹp của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong tiếng vỗ tay của cử tọa và độc giả hâm mộ. Giọng khá run và dần trở nên tự tin, trong một ngôn ngữ như thơ mà ta vẫn thấy ở ông, Patrick Modiano đọc bản diễn từ trong trẻo và thanh lịch để nói về Paris, về tuổi thơ, ký ức và vai trò của nhà văn với thời đại của mình. Dưới đây là một số trích đoạn trong diễn từ. “Paris thời tạm chiếm là một đêm đen tiền sử” ... ngày hôm nay, ký ức kém tự tin đi rất nhiều và nó phải không ngừng chiến đấu chống lại chứng mất trí nhớ và sự lãng quên PATRICK MODIANO Paris của thời tạm chiếm là một thành phố kỳ lạ. Nhìn bên ngoài, có vẻ cuộc sống vẫn tiếp diễn “như trước”: nhà hát, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc và quán ăn vẫn mở cửa. Vẫn có tiếng hát vọng từ radio. Trong các rạp chiếu phim và nhà hát thậm chí khán giả còn đông hơn thời tiền chiến, như thể những địa điểm này giờ đây đã trở thành chỗ trú ẩn để người ta tụ tập và nép vào nhau cùng củng cố niềm tin. Nhưng cũng có những chi tiết khác thường cho thấy Paris không còn như xưa. Thiếu tiếng ôtô chạy, nên đó là một thành phố im lặng - một sự im lặng mà người ta có thể nghe được cả tiếng xì xào của cây, tiếng lách cách của móng ngựa, tiếng bước chân của đám đông trên các đại lộ và tiếng ồn ào của giọng người. Trong sự im lặng của phố và của không gian không đèn bắt đầu từ năm giờ chiều khi vào đông và suốt thời gian đó, chẳng một cửa sổ nào được phép le lói ánh sáng, thành phố này dường như không hiện diện ngay cả với bản thân nó - thành phố “không một cái nhìn” như các sĩ quan của quân đội Nazi vẫn gọi. Người lớn và trẻ em đều có thể biến mất ở bất kỳ thời điểm nào mà chẳng để lại dấu vết, ngay cả giữa bạn bè với nhau người ta cũng nửa kín nửa hở, các cuộc trò chuyện không bao giờ thẳng thắn vì ai cũng cảm thấy không khí dọa nạt bao trùm quanh mình. Trong Paris của ác mộng đó, nơi người ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ tố giác và vây bắt ngay khi bước ra khỏi tàu điện ngầm, những cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những người mà vào thời bình có khi không gặp nhau bao giờ, các mối tình ngắn ngủi nảy nở trong bóng tối của giờ giới nghiêm mà cả hai đều không chắc sẽ còn gặp nhau những ngày tiếp theo. Và hệ quả của những cuộc gặp gỡ phần lớn không có tương lai ấy, của những cuộc gặp gỡ đôi khi rất chán ấy là những đứa trẻ ra đời. Đó là lý do mà với tôi, Paris thời tạm chiếm luôn là một đêm đen tiền sử, không có nó tôi sẽ chẳng được sinh ra. Thành phố Paris ấy không ngừng ám ảnh tôi, và cái ánh sáng mờ mờ của nó thỉnh thoảng vẫn tràn ngập những gì tôi viết. “Làm hiện lại những ngôn từ đã bị xóa phân nửa” Các vị đã thật độ lượng khi gắn các tác phẩm của tôi với “nghệ thuật về ký ức đã được sử dụng để gợi lại những số phận con người vô cùng khó hiểu”. Nhưng lời khen ngợi này vượt quá con người tôi. Ký ức đặc biệt ấy thử tìm cách tiếp nhận vài ba mảnh vụn của quá khứ và đôi chút dấu tích mà những người khuyết danh để lại trên Trái đất này, ký ức ấy cũng gắn với năm sinh của tôi: năm 1945. Sinh năm 1945, sau khi nhiều thành phố bị tàn phá và nhiều khu dân cư bị biến mất hoàn toàn hẳn đã khiến tôi cũng như bạn bè cùng tuổi trở nên nhạy cảm hơn với những chủ đề về ký ức và lãng quên. Nhưng đáng tiếc, tôi có cảm giác không thể đi tìm thời gian đã mất với sức mạnh và thẳng thắn của Marcel Proust. Xã hội mà Proust miêu tả là một xã hội ổn định của thế kỷ 19. Ký ức của Proust làm tái hiện quá khứ trong mọi chi tiết, như một bức tranh sống động. Nhưng dường như ngày hôm nay, ký ức kém tự tin đi rất nhiều và nó phải không ngừng chiến đấu chống lại chứng mất trí nhớ và sự lãng quên. Vì lớp vỏ này, khối nặng lãng quên này, bao phủ mọi thứ nên ta chỉ bắt sóng được những mảnh vỡ của quá khứ, những dấu vết bị đứt đoạn của các số phận khó hiểu và gần như không thể hiểu được. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, đối diện với trang giấy trắng rộng lớn của quên lãng, thiên chức của tiểu thuyết gia là làm hiện lại một vài ngôn từ đã bị xóa phân nửa, như những tảng băng lạc lối trôi nổi trên mặt nước đại dương. Tags: Paris
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Cách cựu trợ lý của cựu chủ tịch Quốc hội 'tác động' cho Tập đoàn Thuận An THÂN HOÀNG 14/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý của nguyên chủ tịch Quốc hội, bị viện kiểm sát truy tố với cáo buộc nhận 750 triệu đồng sau khi có tác động giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu.