2012: năm của những cuộc bầu cử quan trọng

DANH ĐỨC 05/02/2012 06:02 GMT+7

TTCT - Năm 2012 này sẽ có bầu cử tổng thống tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2011.

Khi lãnh đạo cao nhất lần lượt thay đổi ở Nhật, Nga, Pháp, Trung Quốc và Mỹ, chính sách của 4/5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc này và 5/8 nước trong nhóm G8 cũng sẽ thay đổi theo, như đã từng thấy với việc lên ngôi của George W. Bush.

Phóng to
Ứng viên đối lập Hossein Moussavi từng bị tổng thống Iran cách chức khỏi hội đồng sáng lập Viện đại học Azad - Ảnh: rnw.nl

Khởi đầu là cuộc bầu cử ngày 4-3 ở Nga, với nhiều khả năng Thủ tướng Vladimir Putin sẽ trở lại chức vụ tổng thống, và tổng thống mãn nhiệm Dmitry Medvedev trở về với chức vụ thủ tướng.

Putin trở lại, bầu cử ở Nhật và Iran

Lần này ông Putin sẽ ngự ở điện Kremlin những sáu năm thay vì bốn năm, nhờ những chỉnh sửa hiến pháp năm 2008. Hết nhiệm kỳ thứ nhì vào năm 2018, ông sẽ lại được ra ứng cử một lần nữa và tiếp tục trị vì cho đến năm 2024 (1). Việc ông Putin trở lại sẽ khiến chính quyền mới Mỹ và Nhật phải thận trọng hơn trong những “hồ sơ” NATO, Trung Đông và đảo Kuriles.

Ngược lại, Nga cũng sẽ còn phải đợi gia nhập WTO thêm ít lâu nữa. Cuộc chiến tranh lạnh lần thứ nhất, kết thúc từ sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, nay lại mon men tái diễn càng cho thấy sự đối đầu mang tính ý thức hệ trước kia nay chuyển sang tính dân tộc chủ nghĩa và lợi ích địa chính trị.

Trong bối cảnh của những “thay đổi - mà không thay đổi” ở Nga, cuộc bầu cử quốc hội ở Iran sẽ rất đáng lưu ý. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 đã có nhiều dẫn chứng sinh động với ứng viên đối lập Hossein Moussavi cùng phong trào Cách mạng xanh.

Việc ông Moussavi năm 2010 bị Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cách chức khỏi hội đồng sáng lập Viện đại học Azad ở Tehran sau khi ông này phát biểu rằng “nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện đã mất đi sự tiếp xúc với nhân dân, chỉ còn dựa vào một lớp vỏ Hồi giáo ở bề mặt. Hồi giáo không đánh đập ai, không bắt bớ ai, không hành hình ai, không nhốt ai vô tù, không ra sức hạn chế ai” (2), sẽ còn “in dấu” trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 3 tới.

“Đối kháng vì lợi ích địa chính trị là không tránh khỏi, song mục tiêu ưu tiên chung của cả thế giới năm nay là giữ vững ổn định kinh tế - xã hội”

Cũng cần nhắc lại từ sau cuộc bầu cử năm 2009, Viện đại học Azad đã là một trong những “hang ổ” phản kháng ở Iran. Ở quốc gia này vẫn có một khoảng cách giữa giáo quyền, chính quyền và một bộ phận quần chúng cho rằng những thử nghiệm tên lửa và thành tựu hạt nhân (chế tạo thanh nhiên liệu) chỉ cô lập Tehran từ kinh tế đến ngoại giao hơn, từ đó dẫn đến lệ thuộc vào một cường quốc láng giềng hơn nữa.

Trước mắt, hai cựu ứng viên tổng thống Hossein Moussavi và Mehdi Karoubi cùng cựu tổng thống Mohammad Khatami đang bị “cấm xuất cảnh”. Nếu cử tri Iran vẫn bỏ phiếu cho đảng cầm quyền, điều đó có nghĩa trục Matxcơva - Tehran - Damascus tiếp tục hùng cứ ở Trung Đông trong sự bất lực của trục Mỹ - Israel.

Thành ra, việc Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda định tổ chức bầu cử quốc hội sớm vào khoảng tháng 3, khi quốc hội hiện tại chưa chắc đã chịu biểu quyết luật tăng thuế tiêu thụ (3), cũng sẽ tác động đến đường lối của Tokyo. Nếu giành thắng lợi ông Noda sẽ tự tin hơn, sẽ không bị trói tay trong các đối sách ngoại giao khi nước Nhật hiện không chỉ gặp khó khăn ở Kuriles mà còn cả ở đảo Senkaku.

Cánh tả tiếp tục khẳng định ở châu Mỹ Latin

Ở Mexico, sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 1-7 tới, cho dù ai thắng cũng sẽ phải giải quyết ba vấn đề lớn: cuộc chiến chống băng đảng ma túy khuynh đảo đất nước này, cuộc chiến chống nạn di cư lậu sang Mỹ và quan hệ với Mỹ. Điều thứ ba này tùy thuộc hai điều kia và lại “sát sườn” đối với Mỹ, vì Mexico đang thay thế Canada ở vị trí nguồn xuất khẩu hàng hóa lớn thứ nhì vào Mỹ. Thương mại song phương Mỹ - Mexico năm qua đã lên đến 218,658 tỉ USD, trong đó Mỹ nhập siêu 55,101 tỉ (4).

Các thăm dò dư luận cho thấy ông Enrique Pena Nieto của Đảng Cách mạng hiến định (PRI) đang thắng thế với 45% số ý kiến thuận tình, so với chỉ 25% cho mỗi ứng cử viên của Đảng Hành động quốc gia (PAN) đang cầm quyền và của Đảng Cách mạng dân chủ PRD (5). Năm nay, Đảng PRI hi vọng sẽ quay lại vị thế lãnh đạo “lịch sử” đã mất trong hai nhiệm kỳ bảy năm qua dưới trào các tổng thống Vicente Fox và Felipe Calderon thuộc Đảng PAN bảo thủ cánh hữu.

14 năm ra khỏi vị trí cầm quyền đủ để Đảng PRI (cầm quyền từ năm 1929 sau khi cách mạng thành công) nghiền ngẫm tại sao dân chúng Mexico thôi bỏ phiếu cho mình suốt thời gian đó. Dự kiến một khi ông Nieto đắc cử, chính phủ mới sẽ có một chính sách ngoại giao đa phương hơn, cân bằng hơn: vừa thân với Mỹ vừa thân với Cuba, vừa cải thiện quan hệ với Venezuela, Argentina và Brazil (6).

Ở Venezuela, hầu như sẽ lại là ông Hugo Chavez sau cuộc bầu cử ngày 7-10. Đối thủ chính của nhà lãnh đạo kế thừa cuộc cách mạng Bolivia ở Venezuela, người đang giương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21, không phải là ứng cử viên Henrique Capriles Radonski, 39 tuổi, tỉnh trưởng Miranda. Đối thủ chính của ông Chavez chính là sức khỏe của ông (bệnh ung thư), mà hiện đang được các thầy thuốc Cuba chăm sóc. Bản thân ông cũng đang giành lấy mạng sống cho mình bằng các buổi tập bóng chày, nhảy rap, chạy việt dã với tân binh…

Các kết quả thăm dò mới nhất vẫn cho thấy ông Chavez đang chiếm ưu thế với 55,5% so với 31,8% của ông Radonski. Nét chấm phá lớn nhất của cuộc chạy đua này là giành lấy tính từ “cánh tả”. Ông Chavez cánh tả khét tiếng mấy chục năm nay là chuyện đã đành, trong khi ông Radonski đang biện hộ mình không phải là ứng viên của một “cánh hữu đang đòi lại chính quyền”, mà là của một “cánh tả tân thời” theo kiểu Brazil (7).

Tại sao lại phải “giành” cho bằng được tính từ “cánh tả” ấy để mới hi vọng thắng cử, nếu như không phải rằng cánh tả vẫn luôn là một lý tưởng chính trị và xã hội cao đẹp? Chính sự “quay đầu sang trái” của Radonski càng nhắc ông Chavez trung thành hơn với lý tưởng “xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 21” để tránh tái diễn một số vụ bạo lực trong các thành phố, đồng thời uyển chuyển hơn trong thế giới quan.

Cuộc bầu cử quốc hội năm 2010 đã cho thấy phe đối lập cánh hữu vùng lên như thế nào và những chán ngán của một số đông cử tri Venezuela trước những “vung vít” luôn miệng chống ông Obama, những “liên minh” với ông Ahmadinejad ở Iran… Đối ngoại độc lập là một lẽ, song phiêu lưu vô định với những định kiến cố hữu lại là một lẽ khác!

Bầu cử ở Mỹ, Pháp và đại hội Đảng ở Trung Quốc

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang đè nặng lên cả thế giới, nhất là EU và Mỹ, hai cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp vào tháng 5 và ở Mỹ tháng 11 sẽ nghiêng về ứng viên nào khả dĩ tạo được một niềm tin hay lời hứa sẽ bảo đảm công ăn việc làm, cơm no áo ấm hơn, bớt phiêu lưu tốn kém ra khỏi biên cương. Việc ông Obama giành được chút thắng lợi hồi đầu năm trong đạo luật thuế khóa, việc ông Sarkozy đòi ra một sắc thuế “VAT xã hội” cho thấy hơn bao giờ hết “có thực mới vực được đạo”.

Đối kháng vì lợi ích địa chính trị là không tránh khỏi, song mục tiêu ưu tiên chung của cả thế giới năm nay là giữ vững ổn định kinh tế - xã hội. Liệu đây cũng là phương hướng cho người mới sẽ đứng đầu ban lãnh đạo Trung Nam Hải sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay?

Cũng may là cuộc bầu cử tổng thống hôm 14-1 vừa qua ở Đài Loan đã không dẫn đến những thay đổi bất trắc nào: ông Mã Anh Cửu cùng chính sách thân thiết với Bắc Kinh tái đắc cử.

__________

(1) http://www.cyberpresse.ca/international/dossiers/le-globe-en-2011et-en-2012/201112/31/01-4482048-personnalites-a-suivre-tout-le-monde-en-parlera.php.-
(2) http://www.courrierinternational.com/breve/2010/04/26/moussavi-critique-et-perd-son-poste
(3) “La liste des pays où le vote pèsera lourd” - Le Point.fr - Publié le 04/01/2012
(4) http://www.census.gov/foreign-trade/balance/c2010.html
(5) “Mexique: le possible retour de l'ancien parti hégémonique”, LE MONDE GEO ET POLITIQUE | 02.01.12
(6) http://www.lemonde.fr/ameriques/article/2012/01/02/mexique-le-possible-retour-de-l-ancien-parti-hegemonique_1622425_3222.html
(7) http://www.cyberpresse.ca/international/dossiers/le-globe-en-2011et-en-2012/201112/31/01-4482048-personnalites-a-suivre-tout-le-monde-en-parlera.php

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận