Biển Đông: Lợi ích chung, không thể hành động riêng

DANH ĐỨC 15/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trong khi Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực duy trì một Biển Đông mở và tự do cho thương mại và hàng hải, nhiều quốc gia khác đang sốt sắng nhập cuộc.

Tháng 3-2021 bắt đầu bằng những phô phang sức mạnh của Trung Quốc qua cuộc tập trận của hải quân nước này ở một khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu thuộc cực nam tỉnh Quảng Đông, phía tây nhìn ra vịnh Bắc Bộ, phía nam cách đảo/tỉnh Hải Nam 30km qua eo biển Quỳnh Châu, và phía đông nhìn ra Biển Đông.

USS Nimitz, một trong những tàu sân bay của Mỹ từng có mặt trên Biển Đông. -Ảnh: The Japan Times

“Bị hại” la làng! 

Nhật báo Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 1-3 “loa mồm” giùm cho Trung Quốc: “Các cuộc tập trận hải quân đang diễn ra vào lúc Trung Quốc thề sẽ kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.

 “Chúng tôi sẽ không để mất một tấc đất nào mà tổ tiên đã để lại”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố”. 

SCMP giải thích lý do của cuộc tập trận kéo dài một tháng này: “Các cuộc tập trận diễn ra khi Mỹ đã gửi máy bay và tàu hải quân đến các vùng biển Nam Hải [tức Biển Đông] và Đông Hải”. 

SCMP còn cho biết các cuộc tập trận không chỉ diễn ra ở khu vực Biển Đông: “Ba bộ tư lệnh miền Bắc, miền Đông và miền Nam cũng đã tổ chức tập trận hải quân hỗn hợp ở Hoàng Hải, biển Đông và Nam Trung Quốc trong những ngày gần đây”. 

SCMP dẫn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát video cho thấy các cuộc tập trận diễn ra trong nhiều ngày đêm, bao gồm cả việc sử dụng tên lửa để bắn các mục tiêu tàu thuyền và máy bay.

Dễ nhận ra rằng thông báo này của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được viết như thể Trung Quốc đang là phe “bị hại”, đặc biệt ở khu vực mà Việt Nam gọi là Biển Đông: “Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định của Nam Hải. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tạo ra căng thẳng và tăng cường hiện diện quân sự dưới danh nghĩa tự do hàng hải”.

Cụm từ “bất kỳ quốc gia nào” hàm ngụ đang có những nước khác cũng tham gia “tạo ra căng thẳng”, trong đó có Pháp như SCMP 28-2 hạch hỏi việc hải quân Pháp từ tháng 2 đã bắt đầu ba tháng huấn luyện và tuần tra trên Thái Bình Dương với tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu tuần dương Surcouf: “Tại sao Pháp đang giương cơ bắp của mình trong vùng biển tranh chấp?”.

Báo này thông báo phản ứng của Bắc Kinh: “Sự hiện diện của Pháp trong vùng biển tranh chấp diễn ra vào thời điểm quân đội Mỹ gia tăng hoạt động đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Chính phủ Trung Quốc đã phàn nàn về các hoạt động quân sự của Pháp ở vùng biển đang tranh chấp, cụ thể là việc Pháp cử tàu chiến đến Nam Hải trước cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản, sau khi tàu ngầm hạt nhân của Pháp đã tiến hành tuần tra tại đây”.

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông. Ảnh: AP

SCMP giải thích lý do hành động của Pháp: “Pháp nay sẵn sàng đối đầu với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp, và có kế hoạch làm việc với các quốc gia Bộ tứ [Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ]”, và điều đó “phản ánh lợi ích của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. 

SCMP nêu rõ “âm mưu” của Bộ tứ và Pháp: “Nhóm tàu này sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia một cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản vào tháng 5”.

Thật ra Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ từ hôm 22-2 qua bài báo có tựa đề: “Quân đội Pháp không có chỗ ở Nam Hải” trên tờ China Daily: “Sự hiện diện ở Nam Hải của các lực lượng hải quân bên ngoài khu vực làm tăng nhận thức của nhiều bên tranh chấp lãnh thổ rằng các nước này đang ủng hộ các tuyên bố tranh chấp của họ chống lại Trung Quốc”.

Bắc Kinh tố cáo: “Điều này khuyến khích các nước tranh chấp thực hiện các hành động khiêu khích” và “từ đó có thể gây ra các cuộc khủng hoảng khu vực”. 

China Daily nâng tầm lý luận đến cực đại: “Những thế lực ngoại bang đó hi vọng rằng một kết cục thảm hại như vậy có thể giúp họ chia rẽ và thống trị Đông Nam Á”. 

Báo này gọi đó là “phương tiện xảo quyệt để thúc đẩy các lợi ích đế quốc mới được thiết kế hòng tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của họ với các nước đang trỗi dậy không phải là phương Tây”.

Hôm chủ nhật vừa rồi 7-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại nêu cáo buộc này khi trả lời một câu hỏi của báo Singapore, The Straits Times: “Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây đều có thể thấy rõ các yếu tố gây mất ổn định và rủi ro an ninh ở Nam Hải chủ yếu đến từ bên ngoài khu vực… Mỹ và một số nước phương Tây khác muốn thấy sự bất ổn trong khu vực… bằng cách sử dụng nguyên tắc tự do hàng hải để khuấy động tình hình”.

Loại bỏ các nước bên ngoài ra khỏi đàm phán ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là yêu cầu mà Trung Quốc đặt ra với ASEAN bấy lâu nay.

Diễn giải của các nước

Nhưng lời ông Vương Nghị mới chỉ là một chiều. 

Không phải vô cớ mà lãnh đạo các nước ở cách xa Biển Đông - Tây Âu, hay thậm chí là Canada - quyết định hiện diện nhiều hơn trong khu vực. Những động thái đó thực ra đi kèm một thông điệp rõ ràng: Bắc Kinh đã lấn tới quá đà trong khu vực.

Ngoài Pháp và Mỹ, các nước Anh, Canada, Đức, hay thậm chí là Hà Lan đều có kế hoạch đưa tàu chiến vào Biển Đông. 

Những nước phương Tây này tất nhiên không có tuyên bố chủ quyền gì với vùng biển 3,5 triệu km2 nằm cách họ cả một lục địa, nhưng chính sách mở rộng đơn phương của Trung Quốc ở khu vực này, nếu cứ tiếp diễn, sẽ trở thành một mối lo không chỉ của các nước liên quan trực tiếp.

“Tôi cho rằng hiện đang có sự đồng thuận gần như tuyệt đối ở phương Tây [về vấn đề này], bởi họ nhìn nhận Trung Quốc đang muốn xét lại cán cân quyền lực, không phải theo cách tiếp cận dựa trên luật lệ, mà bằng sức mạnh” - Stephen Nagy, giáo sư chính trị học và nghiên cứu quốc tế ở Đại học International Christian, Tokyo, nói.

Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth. Ảnh: usni.org

Hơn nữa, không có lợi ích về lãnh thổ hay lãnh hải không có nghĩa là không có lợi ích sát sườn trong khu vực. Anh chẳng hạn, có hiệp ước phòng thủ chung năm nước ký vào năm 1971 cam kết hỗ trợ thuộc địa cũ của họ là Malaysia.

Chính quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau Brexit, cũng đang muốn hiện diện nhiều hơn ở châu Á vì những lý do kinh tế và thương mại - điều gắn liền với quyền tự do đi lại ở những vùng biển huyết mạch như Biển Đông.

Về phần Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly viết trên Twitter ngày 9-2 trước khi triển khai tàu chiến tuyên bố mục đích của Pháp là “tăng cường hiểu biết về khu vực này và khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có giá trị, dù là ở vùng biển nào”. 

Việc triển khai tàu chiến cũng nhằm cho thấy “bằng chứng rõ ràng về năng lực của hải quân Pháp hoạt động ở tầm xa và thời gian dài, trong sự liên kết với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ, và Nhật Bản” - bà Parly nói.

Nói tóm lại, các nhà lãnh đạo Tây phương đang muốn “tạo ra thế đối trọng” với Trung Quốc trong khu vực, như lời Alan Chong - giáo sư Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore.

“Một cách để đọc [các hoạt động vừa qua trên Biển Đông] là yêu cầu Bắc Kinh phải coi trọng các giá trị và nguyên tắc kiểu châu Âu về duy trì những vùng nước quốc tế tự do và mở cho đi lại” - ông Chong nói.

Trả lời của Washington

Tất nhiên, chủ chốt trong một sự đồng thuận như vậy vẫn là Hoa Kỳ. Nửa đêm 2-3, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III ban hành lệnh khởi động “lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc” với nhiệm vụ trong vòng 4 tháng phải đánh giá tình hình và xác định các ưu tiên đối phó Trung Quốc.

“Bộ trưởng Austin muốn có một đánh giá các phương cách tốt nhất nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp vốn đã gìn giữ hòa bình cho các cường quốc từ sau Thế chiến II” - phát ngôn viên John F. Kirby loan báo.

Trong khi chờ đợi đánh giá của các chỉ huy “đầu ngành” đông khoảng 20 người, trong một phỏng vấn trên ABC News hôm 7-3, ông Austin nói rõ: “Trung Quốc đã và đang bận rộn hiện đại hóa quân đội, nâng cao năng lực và cố gắng thu hẹp lợi thế cạnh tranh. Họ cũng trở nên rất hung hăng ở khu vực. Trong một số trường hợp, họ còn hành xử cưỡng ép”.

Nói là làm, thứ bảy 6-3, Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đã được chính quyền Biden lựa chọn để trở thành người chỉ huy tiếp theo của tất cả các lực lượng Hoa Kỳ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đô đốc John Aquilino (thứ ba từ phải sang) trong chuyến thăm Đà Nẵng tháng 3-2020. Ảnh: Breaking Defense

 Được biết, tháng 12-2020, chính quyền Trump từng chọn Aquilino đảm nhiệm vị trí chỉ huy này. Ông nguyên là tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ tháng 5-2018, xuất thân là phi công hải quân, leo dần lên phó chỉ huy hành quân, kế hoạch và sách lược, nên nắm rõ tình hình khu vực hơn ai hết.

Ông Aquilino đồng thời cũng đại diện cho trường phái lấy tàu sân bay làm cú đấm chủ lực của hải quân Mỹ từ năm 1942.

Phó đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Hạm đội 5, được nâng lên kế nhiệm ông Aquilino phụ trách Hạm đội Thái Bình Dương. Không “thay ngựa giữa dòng”, càng không đi ngược dòng, điều này cho thấy cái nhìn và thái độ của các chính quyền Mỹ ở Biển Đông sẽ là nhất quán, dù cho ai làm tổng thống đi nữa.■

Không chỉ Mỹ và Pháp, hải quân Đức và Anh cũng đã loan báo sẽ có mặt trên Biển Đông. Reuters 4-3 loan tin: “Một tuần dương hạm của Đức sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8 và trong hành trình trở về, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002”. 

Reuters thông tin thêm: “Vương quốc Anh cũng gửi hải quân đến khu vực, thông báo rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ lên đường thực hiện chuyến đi đầu tiên vào tháng 5 năm nay và dự kiến sẽ đến khu vực Đông Á vào cuối mùa hè ở Bắc bán cầu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận