Bối cảnh mới, những ưu tiên mới

HẢI MINH 09/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Liên minh châu Âu (EU) đang có những động thái rõ ràng hướng tới một nền quốc phòng khác trước: nhiều tham vọng hơn, đa phương hơn và quan tâm tới những lợi ích cụ thể của khối hơn, thay vì chỉ gắn chặt với các chiến lược quốc phòng của đồng minh số 1 Hoa Kỳ như từ trước tới nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Federica Mogherini - phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - tại buổi làm việc tại Hà Nội chiều 5-8. Ảnh: Nguyễn Khánh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Federica Mogherini - phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - tại buổi làm việc tại Hà Nội chiều 5-8. Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Có thể đặt chuyến thăm của bà Federica Mogherini tới Hà Nội ngày 5-8 trong bối cảnh đó. Trong cuộc gặp bà Mogherini ở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ hoan nghênh những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng VN - EU thời gian qua và hi vọng cùng với nhiều thỏa thuận song phương khác, hai bên sẽ sớm ký Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của VN vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA).

Các nguồn tin chính thức của VN đều cho biết hiện nay, lộ trình cho hiệp định này đã rõ ràng theo hướng hoàn thiện các thủ tục nội bộ dẫn tới việc ký kết, phê chuẩn và thực thi đầy đủ.

Tình huống mới

Nếu FPA được ký kết, VN sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có một thỏa thuận như vậy với EU, phản ánh những điều chỉnh đã diễn ra liên tục với khối này trong 3 năm qua, kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ, mở ra thời đại “nước Mỹ trên hết”, trong đó ông Trump đòi các nước đồng minh truyền thống phải gánh vác các trách nhiệm an ninh cho tương xứng theo ý ông.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, EU đã có FPA với các nước Úc, New Zealand và Hàn Quốc. Còn trên toàn cầu, 15 nước khác đã ký những thỏa thuận giống thế này với EU: Albania, Bosnia-Herzegovina, Canada, Chile, Colombia, Macedonia, Gruzia, Iceland, Moldova, Montenegro, Na Uy, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và... Mỹ. Nền tảng của các thỏa thuận này là Chiến lược toàn cầu của EU 2016 (EUGS) và Chính sách phòng thủ và an ninh chung EU (CSDP).

“CSDP theo truyền thống tập trung vào hai nhóm vấn đề: vai trò của các nước thứ ba trong các chiến dịch và sứ mệnh CSDP; và quan hệ đối tác giữa EU và các tổ chức quốc tế, cụ thể là Liên Hiệp Quốc, NATO, Liên minh châu Phi và OSCE - tác giả Thierry Tardy của Viện Nghiên cứu an ninh châu Âu viết trong một nghiên cứu vào tháng 1-2018 tựa đề “Đánh giá lại các quan hệ đối tác an ninh của EU” - Gần đây hơn, EU đã bắt đầu mở rộng ra với các nước thứ ba về những vấn đề an ninh khác như chống khủng bố và nhập cư”.

Có thể đặt ASEAN nói chung và VN nói riêng trong bối cảnh đó. Ngay trước khi sang Hà Nội, bà Mogherini đã dự Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các đối tác ở Bangkok. Kết quả cuộc gặp được trang web của Bộ Ngoại giao Thái Lan nêu trong thông cáo báo chí sau cuộc gặp ASEAN - EU: “Hôm 1-8-2019, ông Vivian Balakrishnan - bộ trưởng ngoại giao Singapore và bà Federica Mogherini - cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng chủ trì Hội nghị các bộ trưởng ASEAN - EU...

Hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của việc nỗ lực nâng cao mối quan hệ đối thoại ASEAN - EU thành đối tác chiến lược và thảo luận về các lĩnh vực ưu tiên hiện nay như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, kết nối và hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh mạng và chống khủng bố...”.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

 

Bạn bè mới

Truyền thông châu Âu nhận định EU có lý do để ưu tiên quan hệ với ASEAN nói chung và VN nói riêng. Ở diễn đàn Đối thoại Shangri-La tháng 5 năm nay, bà Mogherini từng nhắc những gì bà nói 4 năm trước, khi bà lần đầu tham dự diễn đàn, rằng EU “có tham vọng không chỉ là một đối tác kinh tế then chốt ở châu Á - như chúng tôi đã là, mà còn là người đảm bảo an ninh toàn cầu và một đối tác an ninh, và châu Á phải là một phần của điều đó”, để rồi hôm nay “chúng tôi đã đi được một chặng đường dài. Hiện giờ chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với ASEAN, không chỉ về kinh tế và chính trị mà cả về an ninh, bao gồm ở mức độ quân sự”.

“Từng coi họ là một “đối tác tự nhiên” của khu vực, Brussels phải nhận ra rằng nếu họ thực sự muốn được coi trọng (ở Đông Nam Á) thì điều đó không phải là nghiễm nhiên hay qua những cử chỉ chính trị vô nghĩa, mà cần hành động thực tế để cho thấy khả năng của họ đưa tới những thay đổi tích cực” - Eva Pejsova, chuyên gia phân tích cao cấp ở Viện Nghiên cứu an ninh EU, viết trên The Diplomat tháng 1-2019 trong bài báo với tựa đề “Châu Âu: Một tay chơi mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Sự thay đổi thái độ của EU càng thể hiện rõ trong bài phát biểu của bà Mogherini ở Bangkok hôm 1-8. “Chúng tôi tin rằng an ninh của châu Á cũng là an ninh của châu Âu, và sự thịnh vượng của châu Á cũng là sự thịnh vượng của châu Âu - bà Mogherini nói - Chúng tôi ngày càng muốn tham gia các vấn đề an ninh ở châu Á và với châu Á.

Đó là lý do tại sao chúng tôi cũng sẽ triển khai các cố vấn quân sự tới những đại sứ quán EU khắp châu Á, bắt đầu với phái bộ của chúng tôi tại ASEAN, ở Jakarta”.

EU tất nhiên không thiếu tiềm lực. Năm 2017, GDP gộp của các nước thành viên là 17.300 tỉ USD, so với 19.400 tỉ USD của Hoa Kỳ và 12.200 tỉ USD của Trung Quốc, theo Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi, như tựa đề bài báo trên Christian Science Monitor ngày 8-7-2019, là: “Châu Âu với tư cách một siêu cường thế giới: Brussels có các công cụ, nhưng có đủ ý chí hay không?”.

Dẫu vậy, ngoài công cụ là tiềm lực tài chính và sức mạnh cứng, EU có một ưu thế riêng của khối trong việc tìm kiếm một trật tự đa cực mới. “Năng lực tạo ra thay đổi mà không cần dùng tới vũ lực của EU phản ánh bản chất riêng có của tổ chức này trong nền chính trị toàn cầu” - Mustafa Kutlay, giảng viên Đại học London, viết trong một nghiên cứu năm 2018.

Những chuyên gia khác, như tác giả bài viết trên Christian Monitor Science nói trên, muốn thấy một EU tích cực và chủ động hơn. Quan điểm đó đang được phản ánh qua phát biểu của các quan chức cấp cao EU gần đây.

“Chắc chắn châu Âu cần định vị lại mình trong một thế giới đã thay đổi” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói hồi tháng 5. Phản ánh sự đổi thay này, bà Merkel đã chỉ định người được coi là có nhiều triển vọng thay thế bà làm thủ tướng Đức nhất, Annegret Kramp-Karrenbauer, tức AKK, làm tân bộ trưởng quốc phòng, trong khi cựu bộ trưởng quốc phòng của bà, Ursula Von der Leyen, bây giờ đã là chủ tịch EC.

Phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 24-7, bà AKK nói vai trò mới của người tiền nhiệm Leyen đồng nghĩa EU sẽ có “cơ hội để phát triển một liên minh phòng thủ châu Âu”: “Chúng tôi muốn một châu Âu mạnh mẽ, bao gồm những năng lực quốc phòng vững chắc...

Với nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng vào năm tới, chúng tôi sẽ có cơ hội thúc đẩy hơn nữa liên minh phòng thủ châu Âu”. Năm 2018, bà AKK từng nói bà ủng hộ việc thành lập một quân đội chung của châu Âu, dù tới giờ bà vẫn chưa nêu chi tiết sáng kiến này. Khi phát biểu nhậm chức, bà cũng cam kết Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, mục tiêu của NATO.

Đức hiện chi khoảng 1,2% GDP bình quân cho quốc phòng, con số từng khiến nước này chịu nhiều chỉ trích từ đồng minh số 1, cụ thể là Tổng thống Mỹ Trump.

Tất nhiên, chủ đề tăng cường sức mạnh quân sự luôn là nhạy cảm tại Đức, điều khiến bà AKK phải rào đón rất kỹ: “Để sống tốt và an toàn ở nước Đức trong tương lai, chúng ta cần một Bundeswehr (quân đội Đức) hiệu quả - bà nói - Trong một thời gian dài, có lẽ là quá dài, chúng ta tin rằng thế giới xung quanh chúng ta sẽ trở nên bình yên hơn, rằng trật tự sẽ trở nên ổn định hơn bao giờ hết. Các diễn tiến trong những năm gần đây đã cho thấy đó là một ảo tưởng”.

Còn người tiền nhiệm của bà AKK, bà Von der Leyen, đã nói những bình luận của Trump về EU, bao gồm việc ông gọi khối này là một “địch thủ” vì “lợi dụng Mỹ trong thương mại”, là “thiếu chín chắn”. Tuy nhiên, bà cũng cẩn trọng nói rằng hợp tác quốc phòng châu Âu rộng hơn, cả nội và ngoại khối, không nên là một sự cạnh tranh với NATO. “Chúng tôi vẫn muốn duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng chúng tôi cũng muốn trở nên châu Âu hơn” - bà Von der Leyen nói với Bloomberg ngày 17-7.

Tất cả những diễn tiến và vận động đó là bối cảnh không thể thiếu cho bất kỳ thỏa thuận nào của EU với ASEAN và cả khu vực châu Á trong tương lai.■

An ninh hàng hải

Chiến lược an ninh hàng hải EU thúc đẩy các thành viên “đóng vai trò chiến lược trong việc mở rộng tầm với, sự linh hoạt, khả năng tiếp cận toàn cầu” cho EU và “hỗ trợ tự do hàng hải và đóng góp vào việc quản trị toàn cầu qua răn đe, ngăn ngừa, chống lại các hoạt động phi pháp”.

“EU cam kết duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc pháp luật quốc tế, nhưng được phản ánh đáng kể là trong UNCLOS - EU từng nhiều lần nói như vậy trong lập trường của họ về Biển Đông - Điều đó bao gồm duy trì an toàn, an ninh hàng hải, hợp tác, tự do hàng hải và hàng không”. Hiện đã có 2 thành viên EU tham gia các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông là Pháp và Anh (dù Anh dự kiến rời EU vào ngày 31-10 tới).

Riêng Pháp và VN cũng đã có quan hệ quốc phòng được cải thiện liên tục những năm gần đây, bao gồm một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương năm 2009 và Đối thoại chính sách quốc phòng bắt đầu từ cuối năm 2016. Cuộc đối thoại cấp thứ trưởng VN - Pháp về an ninh và quốc phòng đầu tiên diễn ra vào tháng 9-2018, trong đó biên bản về hợp tác quốc phòng đã được ký kết, vạch ra các sáng kiến quốc phòng song phương tới năm 2028.

Các tàu chiến của Pháp đã thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2017, không lâu sau khi Tòa trọng tài thường trực The Hague có phán quyết vào tháng 7-2016 về sự vô hiệu những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tháng 5 vừa rồi, khu trục hạm Pháp FS Forbin đã ghé thăm VN và ở Đối thoại Shangri-La tháng 5-2019 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cam kết các tàu chiến Pháp sẽ “đi lại hơn hai lần mỗi năm ở Biển Đông” và tiếp tục giữ vững luật pháp quốc tế “một cách bền bỉ, không đối đầu nhưng cương quyết”.

Ở quy mô rộng hơn, EU đã tổ chức 5 cuộc đối thoại cấp cao EU - ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải từ năm 2013 và đang là đồng chủ tịch Diễn đàn khu vực của ASEAN -các cuộc gặp liên ủy ban về an ninh hàng hải - cùng VN và Úc.■

Thương mại và vũ khí

Về thương mại, năm 2018, EU là bạn hàng lớn nhất của ASEAN, chỉ kém Trung Quốc. Thương mại hàng hóa song phương giá trị 263 tỉ USD vào năm 2018. “Chúng tôi đại diện cho hai tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Chúng tôi chia sẻ các giá trị và mục tiêu chung” - Vivian Balakrishnan, bộ trưởng ngoại giao Singapore, điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với EU, nói vào tháng 1-2019.

Nhiều nước Đông Nam Á hiện nhập khẩu vũ khí của châu Âu với quy mô lớn. EU, bao gồm Anh, là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Ở Đông Nam Á năm 2018, Malaysia mua 58% vũ khí từ EU, Indonesia 46%, Brunei 82%, Singapore 42% và Thái Lan 41%, theo Viện Nghiên cứu và hòa bình quốc tế ở Stockholm, Thụy Điển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận