Bye Bye, Bagram!

SÁNG ÁNH 19/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Afghanistan suốt lịch sử đã là vũng lầy của rất nhiều đế quốc và siêu cường. Cuộc tháo chạy “âm thầm” của Mỹ vừa rồi chỉ là một bước tiếp theo trên hành trình đó.

Lính bên trong thành Jalalabad trông thấy bóng một kỵ mã mang quân phục Hoàng gia Anh quốc, họ vội vã mở cổng thành cho ông vào. 

Đó là ngày 13-1-1842, và toàn bộ đạo quân của tổng trấn thủ đô Kabul của Afghanistan cách đó 150km đường và một con đèo Khyber đã triệt thoái từ ngày mùng 6, đúng một tuần lễ trước. 

Họ hỏi người kỵ mã cô độc này, bác sĩ quân y William Brydon, thế còn đạo quân đâu? Ông Brydon trả lời: Tôi là đạo quân đây! 

 
 Ảnh: 9gag

 

Mồ chôn đế quốc

4.500 binh sĩ do trung tướng William Elphinstone chỉ huy và 12.000 quyến thuộc dân sự đã bị tận diệt trên đường triệt thoái. Chỉ có một mình ông Brydon chạy thoát. Năm 1842, Anh quốc là đế quốc đệ nhất siêu cường của thế giới sau khi đánh bại quân Pháp của đại đế Napoleon tại trận Waterloo năm 1815.

Tại trận này, tướng Elphistone mới là trung tá chỉ huy một trung đoàn bộ binh. 

Để hiểu vào thế kỷ 19 sức mạnh quân sự của Tây phương như thế nào so với phần còn lại của thế giới, cần biết rằng năm 1860 liên quân Anh - Pháp với 10.000 lính hạ thành Bắc Kinh tại Bát Lí Kiều với tổn thất chỉ 5 quân nhân thiệt mạng và 47 bị thương trong khi phía nhà Thanh 1.200 người chết.

Vậy mà 40 năm trước đó, đế quốc Anh mất 4.500 quân tại thung lũng Jugdulluk. Đây là thất bại quân sự lớn bậc nhất trong lịch sử Anh quốc và về độ nhục nhã thì phải đợi đến tận khi lãnh thổ Singapore thất thủ đúng 100 năm sau vào tay người Nhật trong thế chiến thứ nhì.

Trước khi Hoa Kỳ can thiệp và xâm lăng năm 2001, Afghanistan đã mang danh là mồ chôn đế quốc. Năm 1989, Liên Xô mang quân trở về, để đất nước này rơi vào hỗn loạn giữa các thế lực sứ quân. Sau khi Liên Xô rút quân, ngay tại thủ đô Kabul, quân của Bộ Nội vụ pháo kích dinh thủ tướng và Bộ Quốc phòng!

Tình trạng chính trị cực kỳ phân hóa và một lực lượng mới xuất hiện, phong trào Taliban (ban đầu chủ yếu là sinh viên các trường thần học Hồi giáo) tiến vào thủ đô năm 1996, bắt cựu chủ tịch nước là bác sĩ Mohammad Najibullah và kéo ông đằng sau quân xa diễu phố thị chúng trước khi mang ông ra treo cổ.

Taliban bình trị được 3/4 lãnh thổ, phần còn lại trong tay lực lượng Liên minh phương Bắc vốn dựa vào các thành phần sắc tộc thiểu số. 

Năm 2001, Hoa Kỳ xua quân vào đuổi trùm khủng bố Osama bin Laden đang được Taliban cho tá túc dung thân. Lúc đó thì Liên Xô đã không còn, và Hoa Kỳ là siêu cường độc nhất toàn cầu.

Bộ phim Hollywood hư cấu “12 Strong” (“Lực lượng 12 người”, 2018, đạo diễn Nicolai Fulgsig) chẳng hạn, dựng lại huyền thoại chỉ có mấy mống lực lượng đặc biệt Mỹ giúp các sứ quân đánh đổ phong trào thần quyền Taliban. 

Lầu Năm Góc có thể thất bại, nhưng Hollywood bao giờ cũng thành công. 

Nhưng đó là phim ảnh thôi và trong 20 năm, cùng với khối quân sự NATO đồng minh, Mỹ có lúc đã phải đổ đến 140.000 quân (2014), cộng thêm 20.000 - 30.000 lính đánh thuê quốc tế, để tìm cách bình định đất nước đó và ấn định một giải pháp quân sự. 

Kết quả là Mỹ bất lực, việc áp đặt bất thành, buộc họ phải tìm kiếm một giải pháp chính trị. Nếu chính quyền Donald Trump và Joe Biden có giống nhau một điểm gì về ngoại giao thì đó là triệt thoái khỏi nơi này với điều kiện tối thiểu, hay trên thực tế là vô điều kiện.

Không thành kế?!

Lịch rút quân của Mỹ có hạn chót là ngày 11-9 năm nay. Nhưng đây là kế Gia Cát Khổng Minh để lừa địch đau đớn luôn. 

Mỹ vội vã rút khỏi Bagram để lại nhiều trang thiết bị. Ảnh: CNN

 

Căn cứ không quân khổng lồ Bagram dự định để lại và bàn giao cho chính quyền đồng minh sở tại vào ngày 15-7, nhưng đến ngày 2-7 đột ngột không còn một bóng người, chắc là để khiến Taliban trở tay không kịp nên không thể lợi dụng tình thế!

Chỉ có một số người hôi của nhanh tay nhanh chân tràn vào nhưng bị cảnh sát sau đó bắt. Tại sao việc hôi của này lại có thể xảy ra tại căn cứ an ninh và kiên cố nhất Afghanistan, mấy bận thép gai bãi mìn và bao nhiêu tuyến phòng thủ? 

Bởi vì Mỹ ra đi chẳng những không kèn trống, không diễn từ tặng hoa, không một người đưa tiễn, mà còn là thừa cơ lẻn bước và áp dụng binh pháp Tôn Tử tới mưu cuối cùng.

Sau 20 năm chiếm đóng, quân Mỹ ra đi để lại hệ thống đèn tắt tự động đúng 20 phút. Đây có thể chẳng vẻ vang gì, nhưng là mưu cao thần sầu quỷ khốc của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. 

Ta ra đi nhưng để đèn sáng choang trong doanh trại cho chúng nó sợ, thật chẳng khác gì kế không thành trong Tam Quốc diễn nghĩa

20 phút sau đèn tắt, quân địch vỡ lẽ thì Không quân Hoa Kỳ đã có cánh mà bay về đến các căn cứ tại Qatar và UAE rồi. Thật là kỳ kế! Chuyện này lại có thể dựng thành phim, nên lấy tựa là “20 năm và 20 phút”, kể lại một kế hoạch triệt thoái an toàn tuyệt đối.

Giờ thì sẽ chỉ còn 650 quân nhân Mỹ ở lại để giữ an ninh cho sứ quán. Không lực Mỹ vẫn có thể can thiệp và đánh bom Afghanistan từ các căn cứ tại vùng Vịnh và ngoài tầm xe máy của Taliban. Đệ ngũ hạm đội đóng tại Bahrain chỉ cách Pakistan có một ngày tàu để tránh bay qua không phận Iran.

Nói qua thì trong việc này khủng bố Taliban mâu thuẫn lớn với khủng bố Iran. Iran là Hồi giáo Shia, ủng hộ người thiểu số theo dòng Hồi này (sắc tộc Hazara) tại Afghanistan, trong khi Taliban thuộc tộc Pashtun Hồi giáo Sunni đối nghịch.

Năm 1998, khi chiếm thành phố Mazar-al-Sharif ở miền Tây, Taliban từng sát hại toàn bộ 11 nhân viên ngoại giao của Lãnh sự quán Iran tại đó. 

Đây là trường hợp hiếm hoi trong chiến tranh mà đặc quyền miễn trừ ngoại giao của một phái bộ không được tôn trọng. Sau đó, biên giới giữa hai nước liên tục bị Taliban xâm phạm và xâm nhập.

Tướng Qasem Soleimani của Iran, người bị Mỹ ám sát đầu năm 2020, trước đó từng chỉ huy chống Taliban tại biên giới miền Đông. Iran cũng có vấn đề với Taliban như Mỹ, nhưng khác với Hoa Kỳ, Iran có 921km biên giới với Afghanistan. Hôm 8-7, cửa khẩu tại Islam Qala bên phía Afghanistan vừa lọt vào kiểm soát của Taliban.

Theo Taliban, sau chiến dịch phản công của họ vừa qua thì họ hiện kiểm soát 85% lãnh thổ và chính quyền trung ương chỉ có 15% còn lại. 

Điều này chẳng ai kiểm chứng được, nhưng thân phận của những chính quyền do Mỹ dựng nên xưa nay thường mỏng như cánh chuồn và ở Kabul cũng chẳng khác. Nó có thể sập trong một năm, ba năm - như ở đâu đó, hay là hai tháng, tùy ở việc Mỹ còn chịu hậu thuẫn tới đâu.

Nhưng chuyện Afghanistan sẽ trở về tình trạng phân hóa giữa một bên là Taliban và bên kia đây đó là các lực lượng sứ quân địa phương đã là nhãn tiền. 

Sự ra đi âm thầm của Mỹ sẽ để lại một khoảng trống lớn mà Nga và Trung Quốc sẽ tìm cách lấp lại phần nào. Afghanistan trước hết sẽ trở về tình trạng năm 2001 và có lẽ cần 12 quân nhân Mỹ khác để một lần nữa “làm nên lịch sử” như trong bộ phim truyện đã nói?

Alexander Đại đế: Địa hình thật hung hiểm...; quân Mông Cổ: ...bọn bộ lạc bản địa giỏi trốn lánh; Đế quốc Anh: ...nhưng thông tin tình báo vượt trội; Liên Xô: ...và công nghệ vũ khí tối tân nhất; Mỹ: ...sẽ giúp chúng ta chiến thắng ở Afghanistan. Ảnh: cagle.com

 

Trong “Ngày 18 tháng sương mù của Louis Napoleon Bonaparte”, tác giả Karl Marx có viết là lịch sử (hay) lặp lại, nhưng nếu lần đầu lặp lại là bi kịch thì lần thứ hai lặp lại chỉ là trò cười. 

Năm 1842, siêu cường số 1 thế giới bỏ Kabul chạy chỉ thoát được một kỵ mã đơn thương. Năm 2021, siêu cường thế giới số 1 bỏ Kabul chạy để lại được cái đồng hồ tự động tắt đèn 20 phút sau khi họ ra đi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận