Cách thức một nền dân chủ lớn vận hành

DANH ĐỨC 08/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - Ứng cử viên Donald Trump đã vất vả đi vận động tới giờ chót với hi vọng lật ngược tình hình và một lần nữa bất ngờ qua mặt đối thủ, trong khi dân chúng Mỹ sốt sắng bày tỏ ý muốn của họ như một phán xét hơn là một chọn lựa…

Cử tri ở Dallas, Texas đeo khẩu trang và xếp hàng đợi tới lượt bỏ phiếu. Ảnh: AP
Cử tri ở Dallas, Texas đeo khẩu trang và xếp hàng đợi tới lượt bỏ phiếu. Ảnh: AP

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khác trước rất nhiều ở chỗ bên cạnh những tập hợp quần chúng - điều mà ông Biden không mặn mà cho lắm - còn là những cuộc vận động cử tri và đánh phá đối thủ bằng công cụ của thời đại: Twitter. 

Chỉ cần ba bốn chục chữ hết sức súc tích và một cú nhấp chuột là có thể truyền đi một thông điệp ý nghĩa và thuyết phục! Ngày 2-11, tức một ngày trước bầu cử, cả hai phe thi nhau sử dụng công cụ chiến tranh tâm lý tinh xảo này.

Cuối cùng thì ngày “phán xét” bằng lá phiếu cũng tới. Khoảng sau 1 giờ trưa (giờ kênh Đông) ngày bầu cử 3-11, CNN, The New York Times NBC News đều cho biết hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, đạt gần 75% tổng số phiếu đã bầu năm 2016 vốn là 136,5 triệu và nhiều gấp đôi số phiếu bầu sớm năm 2016.

Sáu ngày trước, tức 28-10, ABC đưa ra con số bỏ phiếu sớm đã lên tới 75 triệu người. Làm thế nào mà chưa gì đã có chừng đó cử tri bỏ phiếu trên tổng số gần 160 triệu cử tri có đăng ký, tức xấp xỉ 67% đã bỏ phiếu trước?

Giáo sư Đại học Florida, Michael P. McDonald, chuyên phân tích lịch sử bầu cử, cho biết: “Lần cuối cùng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 65% là năm 1908. Con số này thậm chí còn cao hơn vào thế kỷ 19, khi các đảng có những cỗ máy mạnh mẽ giúp huy động số lượng lớn cử tri… Có lẽ lần này chúng ta sẽ đạt được mức của những năm 1800”.

Mức tham gia của những năm 1800 là thời kỳ mới lập quốc, sau cuộc Nam - Bắc phân tranh, tức nói ngắn gọn thì kỷ lục hơn 200 năm về trước đó cho thấy nền dân trị Mỹ đã cứng cáp dường nào. Lần này nếu tỉ lệ cử tri đi bầu cán mốc kỷ lục mới thì có thể suy ra điều gì?

Tất nhiên, là do đó là ý dân. Đảng Cộng hòa đã cử ra một Donald Trump “khác thường” như ông thể hiện trong 4 năm qua, còn ông lão Joe Biden của bên Dân chủ có là một chọn lựa phiêu lưu theo nghĩa nhất định, song dẫu có thể nào, các cử tri vẫn phải nói lên ý định của mình ở hòm phiếu.

Ghi chép của New York Times lúc 10h25 tối 3-11 mô tả một địa điểm bỏ phiếu đặt tại Trung tâm tổ chức sự kiện thành phố Bismarck, bang North Dakota: “Trong hơn một tháng, North Dakota là nơi có tỉ lệ nhiễm virus corona cao nhất cả nước và một số cử tri đã đi bỏ phiếu hôm thứ ba mà vẫn nghĩ tới điều đó.

Trung tâm tổ chức sự kiện đặt ở Bismarck - thủ phủ bang - cũng là một trong những địa điểm xét nghiệm virus corona chính của thành phố. Những ngày trước, xe hơi rồng rắn ra vào đây để nhân viên y tế lấy mẫu qua cửa kính xe của họ”.

Tường thuật lột tả việc cử tri sẵn sàng đối mặt với những gì để nói lên nguyện vọng của mình. Họ vẫn lũ lượt đổ về, vẫn sẵn sàng chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ trong tiết trời se lạnh tháng 11, đeo khẩu trang và bỏ phiếu để tỏ thái độ của mình một cách chính thức với nhà cầm quyền.

Cảm xúc lẫn lộn được một y tá tại đây thuật lại: “Kaleb Kirby, một y tá 24 tuổi của đơn vị chăm sóc đặc biệt, người tự nhận là độc lập, cho biết: “Tôi có thể nói rằng đại dịch đã có một tác động khá lớn đối với chiều hướng bỏ phiếu của tôi” - New York Times mô tả về Kirby - Anh đeo chiếc khẩu trang có in cờ Mỹ, mặc dù địa điểm bỏ phiếu không yêu cầu như thế. Song, một tấm biển gần đó ghi rõ: “Khuyến khích khẩu trang”. Và hầu hết cử tri đeo khẩu trang khi vào trong”.

Cũng có những cử tri phán xét ứng viên của Đảng Dân chủ. Một công chức Mỹ gốc Việt chia sẻ đã đi bỏ phiếu sớm từ hôm thứ hai 2-11 cho ông Trump. Sáng 4-11, người này nhắn tiếp là đang chờ kết quả: “Biden thắng là… tiêu!”.

Có cơ hội và mạnh dạn tỏ thái độ là một đặc quyền không phải ai cũng có, ở đâu cũng có. Thêm một cuộc bầu cử mà kết quả chắc chắn sẽ là thất vọng với một nửa nước Mỹ, trong đó có câu chuyện dài “cử tri đoàn” (hay đại cử tri), chớ không phải cử tri phổ thông. Song đó vẫn là những gì mà Alexis de Tocqueville từng viết đầy tự hào: “Đặc quyền lớn của người Mỹ không chỉ là họ được soi sáng hơn những người khác, mà là họ có quyền mắc những sai lầm có thể sửa chữa được”.

Sai lầm sửa chữa được và không bao giờ được sửa chữa là cả một khoảng cách đếm bằng thế kỷ!■

Ngay cả tổng thống Mỹ cũng không thể vượt qua khuôn khổ của nền dân chủ. Một câu chuyện bên lề cho thấy ông Trump có “thần thánh tới đâu” cũng bị “xét giấy”. Số là đội ngũ tranh cử của ông đã dọn tổng hành dinh tới một tòa dinh thự công gần Nhà Trắng cho tiện việc liên lạc.

Một tổ chức dân sự ở Mỹ lập tức hạch hỏi: “Ai cho phép lấy dinh thự công làm chuyện riêng?”. Tổ chức này chỉ thôi làm khó dễ khi được trả lời là đã có hợp đồng thỏa thuận và “người dân Mỹ đóng thuế không phải chi trả bất cứ khoản nào cho việc này” (New York Times 3-11). Chính ông Trump, trong một phỏng vấn từ xa hôm bầu cử, khi được hỏi nghĩ gì nếu thua cuộc, đã trả lời: “Thắng thì dễ thôi, còn thua thì không bao giờ dễ nuốt cả!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận