CHỌN ÔNG PUTIN HAY ÔNG PUTIN?

DANH ĐỨC 15/03/2018 14:03 GMT+7

Kinh tế, chính trị, dân tình Nga như thế nào để ông Putin tiếp tục thắng cử vào ngày chủ nhật 18-3 vừa qua?

Hãng tin Al Jazeera của Qatar, thân cận với Nga từ sau vụ sứt mẻ đến đoạn tuyệt với Saudi Arabia năm ngoái sau chuyến đi Trung Đông của ông Trump, chạy tít: “Bầu cử ở Nga: Tổng thống mãn đời Putin?”. Tất nhiên, khả năng “mãn đời” của ông, nếu có nhất định khác với ở nơi khác, là từ lá phiếu cử tri thực sự tín nhiệm ông. Chính vì tự tin rằng ông vẫn đang là thần tượng của đại đa số người Nga mà ông Putin đã loan báo hôm 6-12 năm ngoái: “Tôi tự ra ứng cử, nhưng tôi rất hi vọng sẽ có được sự ủng hộ của những lực lượng chính trị chia sẻ quan điểm của tôi đối với việc phát triển đất nước và tin cậy tôi”. Trong thực tế, các đảng và phong trào “Nước Nga, công chính”, “Nền tảng dân sự”, đảng Xanh, “Tổ quốc vĩ đại”, “Lao động”, “Những người hưu trí”, “Những người yêu nước”, “Rodina”, và “Liên bang Nga” đã bày tỏ hậu thuẫn kế hoạch tổng thống của ông.

Trước mắt, ông mới chỉ tuyên bố rằng ông sẽ ra ứng cử tổng thống lần thứ hai liên tiếp; còn lần thứ ba như thế nào, hạ hồi phân giải, như ông đã giải quyết năm 2008 khi sau hai nhiệm kỳ tổng thống 4 năm đầu tiên, ông “đứng phó” cho thủ tướng Dmitry Medvedev lên làm tổng thống trong 4 năm, rồi sau đó ông ra tranh cử tổng thống lần đầu cách đây 6 năm. Lúc này nhiệm kỳ tổng thống đã được kéo dài lên 6 năm song vẫn chỉ tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp, sau một cuộc tu sửa hiến pháp dưới trào Medvedev.

Ông V. Putin.
Ông V. Putin.

AI LÀ AI TRONG SỐ ĐỐI LẬP?

Tỉ như ông Pavel Nikolayevich Grudinin, ứng cử viên của Đảng Cộng sản liên bang Nga. Ông này quá “non” so với ông Gennady Zyuganov, người từng thay mặt đảng này ra tranh cử suốt từ thời ông Boris Yeltsin và được ghi nhận là chuyên... về nhì trong các cuộc bầu cử tổng thống, bắt đầu là cuộc bầu cử năm 1996, mà theo ông này cáo giác lẽ ra ông đã thắng nếu như không bị ông Boris Yeltsin gian lận... cho tới cuộc bầu cử trước, năm 2012 ông được 17,18% số phiếu, vẫn tiếp tục thua ông Putin (ông này được 63,6%).

Hay như bà Ksenia Sobchak, tuy đã nổi tiếng là một nhà báo làm truyền hình thực tế giỏi và bắt mắt song vẫn chưa ra khỏi cái bóng của người cha là ông Anatoly Sobchak, cựu thị trưởng được cho là đầu tiên do dân bầu của thành phố Saint Petersburg, mà bản thân ông Putin từng phò tá. Hôm 6-2, bà Sobchak đã sang Mỹ, tới ra mắt chính giới và báo giới Mỹ tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế CSIS. Một trong những ghi nhớ về sự ra mắt này trên tờ International Policy Digest là: “Trong thực tế, ở Nga nhiều người xem chiến dịch tranh cử của bà Sobchak như là do Điện Kremlin dàn dựng và bà này là ứng cử viên “chia phiếu” của phe đối lập, đồng thời đem lại cho cuộc bầu cử chút chính danh. Trong bài diễn văn của mình, bà Sobchak bảo vệ tính chính đáng của bà như là một ứng cử viên, nhưng bà cũng thừa nhận rằng bà không nhắm đối đầu với Tổng thống Putin, và rằng bà sử dụng chiến dịch tranh cử này để chuẩn bị cho cuộc chạy đua tiếp theo cho Viện Duma Nga...”.

Ấn tượng về bà Sobchak tại CSIS không chỉ chừng đó mà còn là: “Về ảnh hưởng của các biện pháp chế tài phương Tây đối với Nga, bà Sobchak nói rằng những hình thức trừng phạt đó tạo ra một sự trì trệ tương đối chứ không phải là một sự sụp đổ của nền kinh tế. Tình hình kinh tế ở Nga tương đối tốt hơn so với những gì người ta trải qua trong những năm 1990, vì vậy họ vẫn coi cuộc sống dưới thời Putin là một thỏa thuận tốt hơn so với những gì họ có dưới thời “Dân chủ” của giai đoạn chuyển đổi. Thêm vào đó, bà Sobchak lập luận rằng cuộc đối đầu gia tăng giữa Nga và phương Tây đã làm cho ông Putin nâng tầm vị thế của một “nhà lãnh đạo phong trào chống Mỹ [toàn cầu]”.

Bài báo kết luận về màn xuất hiện của bà Sobchak như sau: “Về mặt chính trị, Sobchak không phải là ứng cử viên nặng ký, và không có khả năng bà ta sẽ là một “kẻ chia phiếu” hiệu quả”.

Một số ứng cử viên Tổng thống Nga. (Ảnh: Themoscowtimes.com)

CÓ MỘT “NGÔI SAO” KHÔNG BAO GIỜ TẮT?

Giữa tháng 8-2015, Leon Aron viết như sau về chiến lược của ông Putin trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs: “Tuần rồi, tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng có lẽ chúng ta cần tạm dừng lại, đánh giá lại xem nước Nga đang đi đây, cái gì là những lợi ích cốt lõi của chúng ta, và hiệu chỉnh mối quan hệ...”.

“Nhưng nước Nga đang đi đâu? - tác giả lập lại câu hỏi và giải thích - Như tôi đã nêu trong Foreign Affairs tháng 3, Nga được dẫn dắt bởi học thuyết Putin nhằm tìm kiếm sự phục hồi các vốn liếng kinh tế, địa chính trị và chính trị đã bị mất bởi nhà nước Xô viết trong cuộc cách mạng năm 1987-1991. Học thuyết Putin cũng thúc đẩy một sự khẳng định quyết đoán về ba mục tiêu quốc gia, được kế thừa từ thời Liên Xô và có thể được bất cứ chế độ Nga nào ủng hộ: duy trì vai trò của Nga như một siêu cường hạt nhân; như là một bá quyền quân sự, kinh tế và văn hóa bá quyền ở các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ (ngoại trừ ba quốc gia vùng Baltic); và như là một cường quốc thế giới. Cách diễn giải của Putin về mệnh lệnh yêu cầu cuối cùng này khoác cho nước Nga vai đối trọng với Hoa Kỳ”.

Trích đoạn trên cho thấy vào thời điểm tháng 8 đó, ngay chính tổng thống Obama, vốn đang ở nhiệm kỳ hai chớ không phải mới chân ướt chân ráo bước vô Nhà Trắng, còn không biết đối thủ Putin muốn gì. Song, từ tháng 8-2015 tới nay, nhất định nước Nga đã vượt qua ngưỡng nêu trên. Cụ thể là nhảy vào Syria vào tháng 9 năm đó và đến ngày 11-12, ông Putin bay đến Syria tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh”, được báo chí quốc tế nhất loạt bình luận rằng là thời cơ cho ông Putin ra tranh cử.

Thế nhưng, cũng tháng 12 năm ngoái, chính xác là ngày 13-12, tức hai ngày sau tuyên bố rút khỏi Syria của ông Putin, cũng trên tờ Foreign Affairs, Dmitri Trenin trong bài “Kế hoạch của Putin cho Syria: Nga muốn kết thúc chiến tranh như thế nào?” đã viết: “Thông qua can thiệp quân sự cùng các biểu diễn ngoại giao, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biến đất nước ông trở thành một trong những tác nhân chủ yếu của cuộc xung đột Syria. Nga đã vào Syria vào tháng 9-2015 nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) và để ngăn chặn một nỗ lực thay đổi chế độ bởi các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ và Saudi Arabia. Hơn hai năm sau, chế độ Assad đã tồn tại và ISIS đã bị đánh bại. Chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, nhưng ngày càng tập trung đến một thỏa thuận chính trị trong tương lai. Nga sẽ không thể áp đặt quyết định này một mình, hoặc thậm chí với các đồng minh, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ... Trong số những vấn đề đang diễn ra tại Syria, số phận của Assad nổi bật. Trong chiến tranh, Matxcơva đã xem ông này như một người cần được cứu nhằm ngăn ngừa sự hỗn loạn. Bây giờ ông này nhìn và cư xử như một người chiến thắng, và có thể nghĩ rằng mình không cần đến người Nga nhiều như đã từng như thế”. Những hợp tác sau này giữa quân chính phủ và một vài phái đối lập và cả phe người Kurd đối phó với chiến dịch “Nhành ô-liu” của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chọn lựa này của ông Assad.

Liệu Nga có đang sa lầy ở Syria? Còn sớm để khẳng định hay phủ định nhưng rõ ràng là từ tháng 2 tới giờ, nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra, song Nga vẫn kiềm chế. Đơn giản vì cuộc bầu cử quá sát, không thể ầm ĩ làm suy suyển uy tín ông Putin, nhất là khi ông đang dẫn điểm trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo kinh tế Nga thứ 38 của WB công bố tháng 11-2017 còn đang hấp dẫn: “Giá dầu dự kiến sẽ ở mức trung bình 53 USD/thùng vào năm 2017 và sẽ tăng lên 56 USD/thùng vào năm 2018 do nhu cầu dầu và hạn chế sản xuất trong khối OPEC và bên ngoài OPEC. Dự báo tăng trưởng trung hạn của Nga đã tăng nhẹ kể từ Báo cáo kinh tế Nga cuối tháng 5-2017 tiếp theo một sự phục hồi nhu cầu trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ cao hơn dự kiến. Doanh thu xuất khẩu năng lượng nhiều hơn đã bù đắp cho sự tăng trưởng nhập khẩu đáng kể được bổ sung bởi việc đồng rúp mạnh hơn và nhu cầu trong nước đang phục hồi. Xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ phi dầu mỏ cũng đã mở rộng trong nửa đầu năm 2017... Thất nghiệp đã giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2017, trong khi lạm phát thấp và nền kinh tế hồi phục cho phép tăng tiền lương thực tế”.

 

Tuy nhiên, báo cáo của WB không chỉ màu hồng: “Tỉ lệ đói nghèo ở Nga, theo định nghĩa quốc gia, đã tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2017, trong khi tỉ lệ dân số dễ bị tổn thương tiếp tục tăng”. Trong thông điệp liên bang ngày 1-3 vừa qua, ông Putin đã thành thật khai báo khoản sau cùng trên: “Tôi xin nhắc lại rằng trong năm 2000, 42 triệu người sống dưới mức chuẩn nghèo, chiếm gần 29-30% dân số. Năm 2012, chỉ số này giảm xuống 10%. Nghèo đói đã tăng nhẹ so với bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Ngày nay, 20 triệu người Nga sống trong nghèo đói. Tất nhiên, con số này ít hơn rất nhiều so với 42 triệu người vào năm 2000 nhưng vẫn còn quá nhiều. Thậm chí còn có những người làm việc phải sống rất khiêm tốn”.■

Bỏ phiếu cho Vladimir Putin hay cho Vladimir Putin?”

Có thể mượn tựa báo trên của tờ The Independent, đầy đủ là: “Bầu cử Nga 2018: cử tri đứng trước một chọn lựa khó khăn: Vladimir Putin hay Vladimir Putin?” để mô tả tình hình chọn lựa bỏ phiếu. Quả thật là khó có chọn lựa nào khác hơn hay bằng ông Vladimir Putin, tuy vẫn đang có tới 7 ứng cử viên khác trong danh sách đăng ký gồm các ông Sergey Baburin, Pavel Grudinin, Vladimir Zhirinovsky, Maxim Suraykin, Boris Titov, Grigory Yavlinsky và bà Ksenia Sobchak. Nếu tính cả số người năm ngoái đã bày tỏ ý định ra tranh cử với Ủy ban bầu cử trung ương thì đã có đến 70 người, trong 46 ứng cử viên độc lập và 24 ứng cử viên được các đảng đề cử, quả là một “rừng” ứng cử viên!

Đến hạn chót là hết ngày 7-1 để nộp hồ sơ, còn lại 36 người, sau đó 11 người rút lui, 17 người bị bác đơn, còn lại 8 người như nêu trên. Chính khung cảnh “rừng” ứng cử viên đã tạo nên một cảm giác “lạc lối giữa rừng”, nhất là khi hầu hết là “chưa hề biết” hay là “quá biết rồi”, và từ đó dẫn đến phản xạ tìm lại những cây cột quen thuộc khả tín hơn. Và trong trường hợp này là ông Putin chứ không phải ai khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận