"Đại dịch làm cho mọi người gần nhau hơn…"

LAN ANH 27/12/2020 02:10 GMT+7

TTCT - Trong những thời khắc khó khăn nhất của năm 2020 - một năm đặc biệt với đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới thay đổi, các y bác sĩ là những người ở tuyến đầu chống dịch, trải qua những tình huống căng thẳng nhất, với những hi sinh lớn lao. TTCT trò chuyện cuối năm cùng bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, kíp trưởng kíp y tế trên máy bay đón công dân Việt Nam từ châu Phi về nước và đảm trách nhiệm vụ điều trị, cấp cứu cho nhiều bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng (áo xanh sẫm) chụp ảnh lưu niệm với các bác sĩ và phi hành đoàn trước khi lên đường đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước. Ảnh: Nguyễn Khánh

“Một năm rất nhiều kỷ niệm với cá nhân tôi, rất nhiều cảm xúc, mỗi sự kiện đều mang một dấu ấn đặc biệt - ông nói với TTCT- Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến nhiệm vụ làm trưởng đoàn y tế đi đón công dân VN nhiễm COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước. Đây là một nhiệm vụ chưa có tiền lệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả sức khỏe của người đã nhiễm bệnh, những người chưa nhiễm bệnh cũng như cho nhân viên y tế và phi hành đoàn vì khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 trên máy bay rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi đã có một chuyến bay an toàn, nhiệm vụ vô cùng khó khăn chưa từng có tiền lệ này đã thành công tốt đẹp, ghi được dấu ấn rất sâu sắc và mạnh mẽ trong lòng người dân, thể hiện tinh thần nhân văn, “không để ai lại phía sau” như thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trước đại dịch COVID-19 toàn cầu”.

Khi đại dịch xảy ra, là bác sĩ truyền nhiễm, ông có thấy điều gì bất thường? Ông và các đồng nghiệp đã làm những gì trong những ngày đầu tiên ấy khi kiến thức về căn bệnh này chưa nhiều?

- Khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), chúng tôi đã nhận định với mức độ lây lan như vậy, dịch do virus SARS-CoV-2 sẽ phát tán ra cộng đồng. Như vậy không còn là lây lan hạn chế như khuyến cáo ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhất là khi số lượng các ca bệnh ngày một tăng, đã có nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và tử vong. Chúng tôi chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chiến đấu với một đối thủ có sức mạnh ghê gớm. Việc đầu tiên là cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất về loại virus này, nghiên cứu cơ chế gây bệnh cũng như đặc tính của các chủng corona gây bệnh trước kia để có thêm thông tin nhằm đối phó tốt nhất khi bệnh xảy ra ở VN.

Chúng tôi cũng kịp thời tư vấn cho lãnh đạo bệnh viện xây dựng những kịch bản ứng phó với từng mức độ dịch, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị vì theo thông tin từ Vũ Hán và các tỉnh khác, việc quá tải hệ thống y tế là điều khiến số ca mắc và tử vong tăng nhanh.

Nhìn lại bao nhiêu thay đổi do đại dịch COVID-19, điều gì ông cảm thấy đáng nhớ nhất trong năm qua?

- Điều quý giá nhất có lẽ là tình người. Hơn bao giờ hết, bản thân tôi cũng như nhiều bạn bè đồng nghiệp khác cảm nhận tình yêu thương con người, tình cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng bào trong thời gian qua. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng mà trước đây khi cuộc sống bận rộn chúng ta vô tình quên mất hoặc không kịp nhận ra, nay hiện lên rõ ràng và đáng quý như thế.

Khi phải ở lại bệnh viện cách ly để theo dõi và điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ những người thân trong gia đình, từ bạn bè hay qua mạng xã hội nhiều sự chia sẻ, động viên từ những người mà tôi chưa bao giờ quen biết. Họ gửi đến bệnh viện những suất ăn ủng hộ, những ly cà phê ấm kèm lời động viên chúng tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe và giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Tất cả với tôi như mới diễn ra hôm qua vậy, rất ấm áp, rất thân thương, rất trân quý.

Khi từng lượt bệnh nhân khỏi bệnh ra viện, họ chia tay nhân viên y tế với những cái bắt tay qua lớp găng, lời chào qua chiếc khẩu trang. Chúng tôi cảm nhận được những giọt nước mắt rơi vì cảm động, vì biết ơn những người mà suốt thời gian nằm viện họ chưa hề được thấy mặt vì chỉ nhìn nhau qua chiếc khẩu trang, kính mắt và những bộ trang thiết bị kín mít. Tất cả những thứ đó, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời.

Trên chuyến bay đi châu Phi, chuyến bay đặc biệt không có hành khách ở chiều đi, bác sĩ đã nghĩ gì?

- Đó là một chuyến bay đặc biệt. Nó không chỉ đặc biệt vì là chuyến bay đầu tiên trên thế giới đi đón những người được xác định là dương tính với SARS-CoV-2 về nước, mà còn đặc biệt ở chỗ đấy là một đường bay chưa từng được thiết lập: bay qua hơn 12 quốc gia và kéo dài 12 tiếng mỗi chiều, với việc quyết định giờ bay, hoãn bay, rồi lại quyết định bay tiếp do chưa được chấp thuận việc bay qua không phận của một số quốc gia châu Phi.

Ở chiều đi, tôi và các thành viên đoàn công tác chuẩn bị tinh thần, đưa ra những kịch bản có thể xảy ra trên chuyến bay chiều về. Công tác tập huấn tình huống, tập huấn cách mặc và tháo các trang thiết bị phòng hộ cho phi hành đoàn cũng được thực hiện khẩn trương. Suy nghĩ của tôi lúc đó là làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, không để bệnh nhân nào tử vong trên máy bay cũng như cố gắng không để nhân viên nào bị nhiễm bệnh. Thật may mắn, những cố gắng của chúng tôi đã tạo nên được một chuyến bay có thể nói là thành công mỹ mãn.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng (áo sẫm đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với các bác sĩ và phi hành đoàn trước khi lên đường đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong năm qua, bác sĩ bị “cấm trại” trong bệnh viện bao lâu? Những ngày trong bệnh viện, những chuyện riêng trong gia đình ông được xử lý ra sao?

- Tôi ra trường từ năm 2006 rồi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đến giờ là 14 năm. Năm nay là khoảng thời gian dài nhất tôi phải thường trực ở bệnh viện. Chúng tôi đã vào bệnh viện từ mồng 5 Tết Nguyên đán (tức đầu tháng 2 dương lịch), ở bệnh viện đến gần hết tháng, về nhà được vài ngày lại vào viện để ở tiếp từ đầu tháng 3 đến tận gần tháng 5. Sau đấy đi Guinea Xích Đạo về lại cách ly tiếp. Tính cả năm 2020, thời gian có mặt ở nhà chỉ là thỉnh thoảng thôi (cười). Đây cũng là thời gian tôi và bà xã xa nhau lâu nhất kể từ khi đám cưới.

Những lúc tôi ở bệnh viện, mình cô ấy “cân” hai cậu con trai. Bà xã tôi không làm cùng nghề, nhưng cũng… quen rồi, không thấy kêu ca gì cả. Gia đình có việc gì thì gọi điện thoại hoặc chat với nhau. Cô ấy cũng không phải gửi đồ hay quần áo gì thêm cho tôi vì hôm vào bệnh viện tôi đã chuẩn bị, mà thực ra cũng không dùng tới vì ở bệnh viện toàn mặc blouse. Có đồng nghiệp của tôi đi Đà Nẵng một tháng (khi dịch bùng phát trở lại ở đây) mang có 2 bộ quần áo, ban đầu dự định đi 3 ngày, nhưng rồi ở lại cả tháng mà không cần thêm gì vì cũng đều mặc blouse thôi.

Như tôi, tiếng là vào bệnh viện suốt thời gian dài nhưng vẫn còn có vợ ở nhà. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có mấy gia đình cả vợ và chồng cùng làm trong bệnh viện và cùng ở bệnh viện suốt thời gian có dịch. Chúng tôi coi đây là điều bình thường là vì nghề nghiệp, vì công việc, vì cuộc sống chung…

Việt Nam là quốc gia thành công trong chống dịch COVID-19 tính đến thời điểm này. Là một bác sĩ, ông mong chờ điều gì trong năm mới?

- Chúng ta vẫn an toàn trong một thế giới vẫn đang ngổn ngang vì dịch bệnh, dù đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng nhưng đã khống chế thành công dịch bệnh.

Có được thành công đó, ngoài nỗ lực của Chính phủ, của các ngành chức năng, của giới thầy thuốc, thì sự đóng góp quan trọng đến từ mỗi người dân. Đó là nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan và tuân thủ tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế, của chính quyền địa phương. Từ đó để chúng ta có một môi trường an toàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tôi hi vọng bệnh dịch sớm qua đi, để chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường như chưa từng có dịch bệnh xảy ra.

Cảm ơn bác sĩ. ■

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng. Ảnh: Việt Dũng

Khó khăn nhất là lúc nói chuyện với con

Bước chân qua cánh cửa vào phòng bệnh là lúc tôi đối mặt với những nguy cơ có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào, lo lắng khi phải trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân dương tính với COVID-19. Nhưng đấy là công việc, là nghề nghiệp tôi đã lựa chọn, không quá khó khăn.

Nhưng vào mỗi tối, khi các con tôi chưa thấy mẹ về nhà, tôi phải đối diện với câu hỏi của hai con: sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về…? Thường thì tôi không thể nào trả lời được vì không biết khi nào hết dịch để có thể rời được bệnh viện, về nhà. Vì thế tôi không dám hứa gì với các con và đó là những lúc tôi trở nên yếu đuối nhất trong ngày.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh 

(trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận