Đô thị và gương mặt người ngụ cư

NGUYỄN THU QUỲNH 16/08/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Những khu công nghiệp mênh mông, những đô thị sầm uất được xây nên ngày hôm nay có mồ hôi nước mắt thầm lặng của người di cư. Và 6 tỉ đôla mỗi năm được họ gửi về bản quán.

 
 Một người nhập cư ở TP Thủ Đức (TP.HCM). -Ảnh: Cương Trần

 “Sợ thành phố phong tỏa không trụ được, hai vợ chồng em bế con chạy xe máy về Trà Vinh nhưng đến chốt Long An yêu cầu giấy xét nghiệm không qua được nên lại quay về phòng trọ” - cô vừa kể trong video call vừa cho tôi xem giấy cầm đồ. Chiếc xe máy - tài sản có giá duy nhất - mang ra tiệm cầm đồ được 5 triệu để cầm cự qua mấy chỉ thị giãn cách chắc khó mà lấy về. Cô cho tôi xem đứa trẻ hai tuổi đang ngủ say trên võng trong căn phòng trọ nhếch nhác, mái tôn thấp và những mảng tường loang lổ.

Cũng hôm ấy, trong cuộc phỏng vấn video call tiếp theo, tôi gặp một em bé đầy tháng đang ngủ say ở Đồng Nai. Cô gái người Nghệ An thật thà kể “rau đắt quá chị ơi, những 40 nghìn một trái bí nhỏ, nên nhiều bữa em ăn cơm trắng với mắm”. Cô không thể gia nhập dòng người lũ lượt chạy xe máy về quê lánh nạn phần vì mới sinh, phần vì “chồng đi mua thức ăn gặp trúng F0 đi trại cách ly mấy ngày nay rồi. Một chắc (mình) em không trông được hai đứa nên em gửi đứa đầu sang o (cô) em gần đây”.

Những đứa trẻ say ngủ không hề hay biết là cha mẹ chúng làm việc bữa đực bữa cái nhiều tháng qua, thất nghiệp từ giãn cách giờ hết sạch tiền, không còn gì để cầm cố, phải lên Facebook xin ăn.

Trong đại dịch, hàng trăm ngàn người di cư vẫn ở lại các thành phố, ở ngưỡng sinh tồn cơ bản do mất kế sinh nhai và cạn tiền tiết kiệm, sống chen chúc tù túng liên tục cùng nhau trong những khu nhà trọ chật hẹp, quẫn bách sợ hãi về tâm lý... Nhưng sự trở về quê quán cũng đầy những nan đề: quay lại cộng đồng cũ trong tình trạng cùng cực, là mối nguy cơ phát tán lây nhiễm bệnh, chết trên đường... Nhiều người trở thành con lắc đẩy qua đẩy lại giữa các chính quyền quê hương và chính quyền đô thị nơi họ đang cư ngụ.

Gương mặt hiện hình của người di cư

Hai người phụ nữ ấy đến từ hai vùng có dòng người di cư đi nhiều nhất hiện nay: Trung Bộ (19,6%) và Đồng bằng sông Cửu Long (18,5%). Hai thập niên qua, khi các đô thị của Việt Nam mở rộng nhanh chóng, dòng lao động từ nông thôn đổ về hơn chục triệu người (gần 80% là từ nông thôn trong tổng số khoảng 14 triệu người di cư các loại). 

Số liệu di dân của TP.HCM và cụm các tỉnh lân cận đổi thay từng ngày. Chỉ riêng TP.HCM, cứ 5 năm, thành phố này lại tăng dân số thêm một triệu người, trong đó hơn 2/3 là người di cư.

Nếu không có cơn thác lũ đại dịch cuốn những người di cư ấy thành dòng di tản về lại quê hương bản quán, hất văng họ ra lề đường xếp thành hàng dài nhận cứu tế hoặc lên Facebook xin ăn, thì không nhiều người “chính cư” để ý tới việc có cả chục triệu người “ngụ cư” như thế quanh mình; có những người cư ngụ hàng chục năm, sinh con đẻ cái ở đô thị. Vì đa số người di cư từ nông thôn ra thường sống trong những khu nghèo, vùng ven thành phố, sâu trong hẻm nhỏ và hầu hết làm những công việc thầm lặng.

Các đô thị với mức thu ngân sách mỗi ngày cả trăm, nghìn tỉ vẫn chưa thể đếm chính xác hết những người đang chen chúc sống trong những khu trọ. Diện tích ở của phần lớn là từ 10m2/người tới dưới 6m2, thậm chí dưới 4m2 (trong đó, tỉ lệ người di cư ở diện tích bình quân dưới 6m2 cao gấp hơn 3 lần so với nhóm không di cư và hơn 80% người di cư ở vùng Đông Nam Bộ phải ở trọ).

Nhiều đô thị khi xác định đường hướng phát triển trong 5, 10 năm, tầm nhìn dài hạn vài chục năm đã không mang vấn đề người di cư lên bàn nghị sự. Trong các bản kế hoạch đưa đô thị phát triển gắn với nhiều từ khóa như “hiện đại”, “thông minh”, “nhân lực chất lượng cao”... hầu như không nhắc gì tới người di cư như một nhóm đặc thù, dù đó có thể là đặc thù “phải hỗ trợ” hoặc “đang có nhiều đóng góp” cho thành phố.

Trong hành trình di cư đầy bất trắc, các nhóm dân này chủ yếu tự xoay xở tìm sự trợ giúp qua mạng lưới họ hàng, đồng hương, đồng cảnh ngộ đặc thù của mình. Mạng lưới vô hình này len lỏi khắp thành phố, giúp nhiều người tránh cảnh “sẩy nhà ra thất nghiệp”, giúp đưa những người trẻ tuổi vào đời công nhân, những người trung tuổi đi làm nghề đồng nát, giúp việc, cửu vạn, thợ hồ; cưu mang nhau khi ốm đau hoặc giao lưu thăm hỏi.

Để hình dung thêm: Một nghiên cứu về hòa nhập xã hội của người di cư gần đây cho thấy tỉ lệ người lao động di cư tìm được việc làm qua kênh các trung tâm xúc tiến việc làm của cả tư nhân, nhà nước hoặc đài báo đều chỉ khoảng hơn 2%.

Ở tầm nhìn quốc gia, dẫu đã nhiều thập niên di cư là vấn đề cực lớn liên quan cả chục triệu con người, các chính sách chưa có gì nhiều. Tới trước đại dịch COVID-19, hệ thống hộ khẩu vẫn là rào cản khiến những người ngụ cư rất khó tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục công cộng. Hệ thống hộ khẩu này mới được gỡ bỏ, nhưng tới đây, những lao động di cư sẽ được hưởng các hỗ trợ gì vẫn chưa rõ. 

Việt Nam có Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về di cư có tổ chức của Nhà nước (nhưng các chương trình quy mô như các phong trào kinh tế mới cách đây vài thập niên đã không còn), Bộ Công an quản lý hộ khẩu (đã bỏ) và trật tự xã hội, Bộ LĐ-TB&XH có những chương trình cho lao động xuất khẩu nói riêng hoặc an sinh xã hội nói chung... chứ cũng chưa có kế hoạch xuyên suốt, tổng thể quản lý, hỗ trợ di cư trong nước, nhất là khi có rủi ro biến cố mang tính thời đại như hiện nay.

Suốt 20 năm qua kể từ khi dòng di cư vào thành phố mỗi ngày một nhiều hơn, do không có những điều kiện bất thường nào, ta chưa nhìn thấy rõ và thấy hết những bất cập trong chính sách di cư. Những vấn đề dịch vụ của người di cư, từ chỗ ăn, chỗ ở đến chỗ học hành, hầu hết do thị trường tự giải quyết theo cung cầu.

 
Rất nhiều lao động nhập cư làm nghề bán hàng rong. Ảnh: Cương Trần (chụp tại quận 2-TPHCM năm 2021)

 Họ chỉ là gánh nặng?

Câu trả lời là không. Ngay cả khi không thực sự thuộc về quê hương bản quán nữa, cũng chẳng thực sự thuộc về nơi đến, người di cư vẫn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Họ - hơn 7/10 người di cư không chuyên môn kỹ thuật, toàn làm từ công nhân đến những việc long đong đồng nát - vẫn là những “mao mạch” quan trọng, góp phần vào nhịp đập hằng ngày của sinh thể đô thị. Các công nhân làm việc có khi tới 10 - 16 tiếng/ngày đã xây dựng lên những thành phố thịnh vượng, những khu công nghiệp mênh mông, để cho những trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai... ở phía Nam, hay Bắc Ninh, Bắc Giang... ở phía Bắc tham gia được vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Những lao động chân tay phi chính thức tạo nên một hệ sinh thái dịch vụ, từ dọn dẹp vệ sinh đến cung ứng lương thực thực phẩm giá rẻ cho các thành phố.

Và quan trọng hơn, họ tằn tiện để nuôi lại nông thôn. Số tiền ướt đẫm mồ hôi theo nghĩa đen, bình quân hằng tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng/người kiếm được, vừa chi trả cho cuộc sống hằng ngày ở đô thị vừa gửi về giúp đỡ gia đình. Kết quả điều tra di cư quốc gia gần đây nhất cho thấy trong 12 tháng trước điều tra có trên 30% người di cư đã gửi tiền về cho gia đình ở quê.

Theo đó, trung bình một người gửi về gần 28 triệu đồng/năm, mức gửi phổ biến nhất khoảng 12 triệu đồng/năm. Với tổng số người di cư ước tính là 14 triệu, khoảng hơn 5 triệu người gửi trung bình 28 triệu/năm (tương đương 1.100 USD) thì tổng số tiền gửi về lên tới 6 tỉ USD - nghĩa là gấp đôi số tiền lao động di cư nước ngoài gửi về hằng năm.

Tiền gửi về quê của những người di cư được dùng để cải thiện mức sống cho cha mẹ, con cái ở lại, chữa bệnh và chi giáo dục cho con cái, đóng góp cải thiện cơ sở vật chất ở quê quán... và giúp họ duy trì sự gắn bó cũng như ảnh hưởng với quê hương.

Cú sốc đại dịch này là một tai họa nhưng cũng mang tính thức tỉnh. Nó đòi hỏi phải nhìn lại cả hệ thống chính sách liên quan người di cư, trước hết chính sách ở các đô thị, để điều chỉnh, bổ sung. Các chính quyền đô thị phải coi người di cư là những người dân trong phạm vi trách nhiệm của mình, ứng xử bình đẳng ở tất cả các dịch vụ xã hội, mạng lưới an sinh xã hội phải được cải thiện, tối thiểu phải có dữ liệu về người di cư. 

Người nhập cư khi được hưởng các quyền lợi an sinh ở đô thị, được đối xử bình đẳng như những công dân ở địa phương ấy, thì họ mới yên tâm làm việc, đóng góp cho nơi đó một cách hiệu quả, bền vững. Bởi nếu không thay đổi, sẽ luôn là sự bất trắc, thiệt thòi cho cả hai bên, mà ví dụ đơn giản nhất là các đô thị sẽ thiếu nguồn lực lao động trầm trọng sau đại dịch. 

Di cư vẫn sẽ còn một vấn đề lớn trong thời gian tới, khi phía nông thôn, miền núi, các đồng bằng ven biển ngày càng chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu, thiếu việc làm, thiếu nguồn lực để phát triển. Thiếu vắng một cái nhìn hệ thống và những nỗ lực thay đổi cả chính sách đầu tư vào nông thôn để giảm lực đẩy di cư cũng như chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, bất trắc sẽ là mãn tính. 

Khi người di cư được nhìn tổng quát như một lực lượng lao động chủ yếu là giá rẻ và nhiều khi là gánh nặng, họ ít khi được nhìn thấy như những con người có gương mặt cụ thể, có danh tính, có thân phận, có tâm tư, có hoàn cảnh đặc thù, cần được tương tác, cần được sống trong một cộng đồng cộng cảm. 

Đã thành một quy luật phổ quát ở mọi thành phố trên thế giới này là hầu như chỉ có những người di cư gia nhập được vào tầng lớp tinh hoa ưu tú mới được ghi nhớ, được hưởng chính sách thu hút và đãi ngộ.

Cũng nghiên cứu về hòa nhập xã hội của người di cư cho thấy hoạt động mà người di cư được mời tham gia nhiều nhất là các hoạt động quyên góp, từ thiện, tiếp đó là các kiểu lễ lạt, thể thao quần chúng... Các hoạt động liên quan đến quyền của người di cư không nhiều: chỉ hơn 1/3 người di cư cho biết được mời tham gia các hoạt động bầu cử ở địa phương nơi đang sinh sống - tỉ lệ này cũng tương đương trong các hoạt động tham gia tổ/nhóm cho người di cư hoặc tham gia các hoạt động đoàn thể. 

Đó là chưa nói tới những người di cư không có tạm trú tạm vắng, những người di cư “con lắc” theo mùa vụ hoặc đi về liên tục giữa nông thôn - đô thị thường không nằm trong một thống kê nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận