Đọc “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” như thế nào?

DANH ĐỨC 07/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Có rất nhiều cách đọc và tiếp thu Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng thực hiện. Tất nhiên, báo cáo này không phải là “kinh thánh” để không thể không bàn bạc lại, song tối thiểu cũng nên được đọc một cách nghiêm túc.

meetup.com
meetup.com

Hôm 25-2-2016, ngay sau khi Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 được công bố, đã xuất hiện trên mạng những tựa đề bài viết rất “kêu” như: “Thu nhập của người Việt sẽ đạt 18.000 USD/năm”. Những bài báo như thế cùng một ghi chép kiểu “GDP chủ nghĩa”.

Nhưng đây là đoạn được trình bày rất thận trọng trong báo cáo này: “Trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6,0%/năm thì mới tiến tới mốc 18.000 USD vào năm 2035.

Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỉ lệ tăng trưởng bình quân theo đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014, và cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng 3,8%/năm của các nước thu nhập trung bình trong cùng thời kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn (nhưng vẫn là tham vọng) ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Brazil năm 2014, đạt 18.000 USD vào năm 2040.

Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines”.

Những đột phá cần làm 

Cách đọc hiểu trên cho thấy vẫn còn đó một mối quan tâm khá phổ biến, duy nhất đến GDP và tốc độ tăng trưởng GDP là bao nhiêu. Đúng là báo cáo có đề cập đến viễn tượng đó ở trang 20 trong đề mục “Khát vọng cho năm 2035”, song đó mới chỉ là khát vọng, hiểu chân thật thì chính là các kịch bản tăng trưởng trên giấy.

Để biến khát vọng đó thành thực tế thì phải đọc, hiểu trọn vẹn báo cáo và quan trọng hơn, thực thi trọn vẹn và nghiêm túc các khuyến cáo.

Báo cáo nêu rõ: “Có rất nhiều việc phải làm, trong đó sáu chuyển đổi lớn, hay nói cách khác là sáu đột phá cần phải thực hiện: (i) Xây dựng thể chế hiện đại; (ii) Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; (iii) Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; (iv) Thúc đẩy hòa nhập xã hội; (v) Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu; (vi) Chuyển dịch không gian phát triển” (tr.24).

Cụ thể sáu đột phá nêu trên như thế nào, những người chắp bút đã giải thích suốt trong báo cáo. Trong khuôn khổ bài này, xin chỉ dừng ở một điểm mà báo cáo lưu ý riêng là vấn đề năng suất.

Ghi nhận dưới đây của báo cáo phần nào giải thích tính “lạc quan” của những bài báo “Thu nhập của người Việt sẽ đạt 18.000 USD/năm” nêu trên: “Việt Nam đang trên quỹ đạo tăng trưởng nhanh.

Thành quả trong quá khứ tạo niềm tin cho một khát vọng về mức tăng trưởng nhanh hơn trong khoảng 20 năm tới. Các nhà lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt cao hơn mức trung bình 5,5%/năm từ những năm 1990...”.

Bài toán năng suất 

Bản báo cáo không chia sẻ tính lạc quan đó mà nêu thẳng vấn đề năng suất: “Muốn đạt được khát vọng này trước hết cần tập trung nhiều hơn vào nâng cao năng suất, hiện đang rơi vào xu thế suy giảm dài hạn” (tr.25).

Kèm lời đúc kết kinh nghiệm quốc tế rằng năng suất lao động là nhân tố cơ bản và nhắc nhở: “Các nhà kinh tế đều thống nhất rằng tuyệt đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (dù có tăng trưởng nhanh hay không) gần như hoàn toàn do năng suất bị đình trệ” (tr.28).

Từ kinh điển, báo cáo đi vào thực tế Việt Nam, cảnh báo thực tế đằng sau thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam từ năm 1990 là những dấu hiệu đáng lo ngại: “Có hai điểm nổi bật khi so sánh những năm 1990 với thời kỳ sau này (2000-2013).

Thứ nhất, tăng trưởng GDP đã giảm 1 điểm phần trăm so với thập kỷ 1990. Sự giảm sút này một phần do môi trường xấu đi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm 2008-2009, một phần do sự sụt giảm về tăng năng suất lao động bắt đầu từ cuối những năm 1990”.

Vế sau của nhận xét này bổ sung cho những giải thích cho rằng tăng trưởng GDP giảm là tất yếu do khủng hoảng toàn cầu 2008-2009.

Báo cáo tiếp tục nêu vấn đề thứ nhì khiến giảm năng suất: “Khi xem xét các thành phần đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của hai giai đoạn cho thấy rất rõ, từ đầu những năm 2000, đóng góp của vốn lớn hơn và sự chuyển dịch cơ cấu ở quy mô lớn từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ”.

Quả thật, hiện tượng di dân từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực phi nông nghiệp ở các thành phố, nhất là các thành phố lớn, đã thay thế năng suất của chừng đó lao động nông nghiệp trước kia bằng năng suất của những lao động mới ở các thành phố.

Cảnh sáng sớm các cặp vợ chồng mặc áo khoác công nhân xây dựng chở nhau từ ngoại thành đến các công trường xây dựng, chồng làm thợ chánh lương 300.000- 400.000 đồng/ngày, vợ thợ phụ hay lao động vệ sinh công trường... là những minh họa tươi mát cho sự chuyển dịch lao động này.

Song, đó không phải là bức ảnh chính xác của toàn cảnh năng suất. Báo cáo nhận định rằng tăng trưởng năng suất tổng hợp - nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng năng suất lao động trong những năm 1990 - đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn sau năm 2000 và tăng trưởng năng suất lao động đã giảm ở hầu hết các khu vực.

Và “Thực tế, năng suất lao động giảm trong các ngành mà doanh nghiệp (DN) nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các DN nhà nước hoạt động không hiệu quả. Năng suất tài sản công ty (bao gồm vốn và đất đai) và các biện pháp tăng năng suất lao động trong suốt những năm 2000 đều cho thấy tình trạng không hiệu quả...” (tr.28).

Và đây là lời giải thích tại sao có sự khác biệt giữa hai thời kỳ: “Những cải thiện ban đầu trong tăng trưởng năng suất trong thập kỷ 1990 phản ánh sự chuyển đổi của Việt Nam sang kinh tế theo hướng thị trường và gỡ bỏ nhiều rào cản gắn với nền kinh tế kế hoạch tập trung (nhiều tầng kiểm soát giá cả, định mức sản xuất, hợp tác hóa nông nghiệp, những hạn chế về thương mại và đầu tư, cấm đoán DN tư nhân chính thức).

Vào đầu những năm 1990, hầu hết các rào cản này đã bị xóa bỏ trong giai đoạn đầu đổi mới và được thay thế bằng hệ thống thân thiện hơn với thị trường và khu vực kinh tế tư nhân lúc bấy giờ.

Một cách tổng quát, các biện pháp đó đã tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng năng suất trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, những thành quả trong năng suất trở nên cạn kiệt dần và những hạn chế cơ bản về chính sách và thể chế bắt đầu xuất hiện nhiều hơn”.

Các tội nguyên thủy 

Báo cáo này cũng vạch rõ hai vấn đề méo mó trong cấu trúc kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam đã gây tổn hại nhất đối với tăng năng suất. Thứ nhất là sự thương mại hóa trong quản trị nhà nước. “Lợi ích thương mại hẹp của một số người có quan hệ chứ không phải kinh doanh hiệu quả đang lấn át và quyết định hoạt động kinh doanh.

Các quan chức đã không quan tâm đúng mức đến hiệu quả kinh tế khi đã trao vô số những ưu đãi (ngấm ngầm hoặc công khai) cho những DN có quan hệ (ví dụ như tất cả DN nhà nước, hầu hết DN đầu tư nước ngoài và một vài DN tư nhân lớn trong nước), khiến cho nhiều DN tư nhân khó có thể tồn tại, ngay cả những DN hoạt động hiệu quả...

Điều này dẫn đến sự hình thành một tầng lớp doanh nhân hoặc nằm trong nhà nước hoặc có quan hệ chặt chẽ với quan chức nhà nước và DN nhà nước tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế” (tr.31).

Và thứ hai, không chỉ là vấn đề của các DN nhà nước, những hạn chế trong khi bước vào cơ chế thị trường cũng được nêu rõ: “Bản thân việc ủng hộ cơ chế thị trường cũng thiếu nhất quán. Một mặt, việc tự do hóa thị trường sản phẩm và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo các hiệp định thương mại quốc tế khác nhau đã đạt được những tiến bộ ấn tượng.

Mặt khác, việc phát triển và tự do hóa các thị trường yếu tố sản xuất lại diễn ra một cách tùy tiện, thể hiện rõ nhất trong việc phân bổ đất đai và vốn rất kém hiệu quả. Ví dụ, phần lớn tài sản (đất đai và vốn) được tích lũy trong các ngành xây dựng, bất động sản, ngân hàng và tài chính trong giai đoạn 2001-2013 mặc dù những ngành này là những ngành kém hiệu quả nhất.

Việc phân bổ các nguồn lực này có thể bị tác động bởi các quyết định hành chính tùy tiện và quan hệ cá nhân, do đó gây ra những tổn thất kinh tế lớn. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy phân bổ tín dụng ngân hàng liên quan đến việc có hay không có các quan hệ riêng tư, và những DN tư nhân hiệu quả nhất thậm chí không nỗ lực tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng” (tr.32).

Cuối năm ngoái, WB đã có một khuyến cáo cần một đổi mới lần thứ 2. Báo cáo 2035 này đúng là chi tiết hóa khuyến cáo đó.■

Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh

Trong khi chưa hoàn thành chương trình nghị sự về đảm bảo bình đẳng cơ hội, Việt Nam đã đồng thời phải xây dựng ngay một chương trình nghị sự mới về sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số đang già đi, báo cáo Việt Nam 2035 lưu ý.

Theo nhận định của báo cáo này, đến năm 2035 xã hội Việt Nam sẽ chủ yếu là tầng lớp trung lưu.

Do vậy, chính sách xã hội sẽ phải thay đổi trọng tâm từ chỗ hỗ trợ thoát nghèo kinh niên sang giúp tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có hơn và quản lý những rủi ro có thể đẩy lùi những thành quả về kinh tế - xã hội, bởi ngay trong xã hội trung lưu vào năm 2035 vẫn có một bộ phận đáng kể người nghèo và một bộ phận còn lớn hơn rất dễ bị tái nghèo.

Với ước tính trên một nửa dân số Việt Nam thuộc “tầng lớp trung lưu toàn cầu” vào năm 2035 (tiêu dùng từ 15 USD trở lên mỗi ngày tính theo sức mua tương đương năm 2011), Nhà nước sẽ cần đảm bảo:

cung cấp dịch vụ với chuẩn mực tối thiểu; phòng vệ về tài chính; công ăn việc làm tử tế, bao gồm các điều kiện về chăm sóc sức khỏe trong khả năng chi trả; được học hành có chất lượng ít nhất cho hết trung học phổ thông (và phần đông sẽ học cao lên); phòng vệ về tài chính và chăm sóc khi tuổi già và các điều kiện bảo hộ lao động cơ bản.

Họ đòi hỏi lớn hơn về “tiếng nói”, phải có đại diện độc lập của người lao động ở nơi làm việc, công dân được giám sát các dịch vụ công, các tổ chức xã hội của người dân được tham gia nhiều hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận