FBI: Một lịch sử chống lại các tổng thống

HẢI MINH 21/05/2017 17:05 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho đã phạm một sai lầm chính trị chết người khi sa thải giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey. Cơ quan sức mạnh, an ninh và cả mật vụ này “chỉ trung thành với hiến pháp” và đó không phải là lời nói suông.

Tổng thống Trump (trái) và ông Comey những ngày còn mặn nồng -adn.com
Tổng thống Trump (trái) và ông Comey những ngày còn mặn nồng -adn.com

Tính chất quyền lực, bí mật và nguồn lực dồi dào (ngân sách 9,5 tỉ USD trong tài khóa 2016) của FBI khiến sự chính trực và phi chính trị của tổ chức này trở thành một đòi hỏi bắt buộc ở một quốc gia mà dân chủ và tự do là tất cả như Hoa Kỳ.

Bình luận về vụ sa thải Comey trên tờ The Guardian, Bill Brock - cựu bộ trưởng lao động dưới thời tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan - nói:

FBI là một tổ chức bất khả xâm phạm (nguyên văn: “sacrosanct”, tức quan trọng tới mức không thể thay thế được) ở đất nước này: phi chính trị, phi đảng phái, với những con người xuất chúng làm việc ở đó và tôi rất ghét thấy họ bị lôi vào chuyện này”.

“Gián nghị đại thần"

Trong nhiều thập niên, FBI và tổng giám đốc của họ đã là một kiểu “gián nghị đại thần” thời hiện đại, đối đầu trực diện với quyền lực của tổng thống. Người bắt đầu cho truyền thống đó có lẽ là J. Edgar Hoover, lãnh đạo của FBI trong 48 năm, bắt đầu từ năm 1924.

Hoover bắt đầu nói không với các tổng thống đầu thời kỳ chiến tranh lạnh khi công khai chống lại Harry Truman. Hoover cũng không ưa John F. Kennedy và em trai ông này Bobby, những người mà ông cho là trẻ tuổi và kiêu ngạo.

Hoover ghét cả Richard Nixon nữa. Năm 1970, Nixon thông qua kế hoạch dỡ bỏ gần như mọi hạn chế pháp luật với việc thu thập tin tức tình báo ở Mỹ.

Kế hoạch đó sẽ trao thêm quyền cho Cục Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và chính FBI quyền ngăn chặn thư tín, đột nhập nhà và văn phòng người dân không cần lệnh tòa án. Nixon tin đó “là cách duy nhất để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ”.

Hoover thì lại cho đó là “chủ nghĩa phát xít” và nói ông sẽ “không chấp nhận một trách nhiệm như thế”.

Chính bởi bị Hoover từ chối, Nixon đã chỉ đạo các cố vấn thân cận của ông ở Nhà Trắng lập một nhóm bí mật riêng chuyên đi nghe lén. Họ mở rộng các hoạt động này ra cả với những đối thủ chính trị của Nixon, một người Cộng hòa.

Chiến dịch kéo dài 9 tháng tới ngày 17-6-1972, khi một số thành viên trong nhóm bị bắt lúc cài máy nghe lén ở khách sạn Watergate, nơi đặt trụ sở của Đảng Dân chủ.

Lúc đó Hoover đã qua đời được 6 tuần. Sáng hôm sau, người trực điện thoại ở FBI là Dan Bledsoe, chỉ là điều tra viên cấp trung chuyên mảng hình sự.

Bledsoe sau này kể lại rằng ông đang xem báo cáo về vụ đột nhập ở Watergate và vừa mở điều tra hình sự thì lúc 4h chiều nhận được cuộc gọi từ Nhà Trắng.

“Thanh tra Dan Bledsoe nghe. Ai ở đầu dây vậy?”. “Anh đang nói chuyện với John Ehrlichman. Anh biết tôi là ai không?”. Ehrlichman là cánh tay phải của tổng thống, trợ lý cấp cao về các vấn đề đối nội cho Nixon. “Tôi có một ủy nhiệm từ tổng thống Mỹ - Ehrlichman nói - FBI phải ngừng điều tra vụ đột nhập”.

Có thể thấy ngay trong cách dùng từ, Ehrlichman đã biết phần sai thuộc về ai, thay vì nói là “ra lệnh” hay “yêu cầu”, ông dùng một chữ rất yếu: “ủy nhiệm” (mandate). Và không ai có thể dọa được một thanh tra FBI, kể cả tổng thống Mỹ. Bledsoe im lặng. “Anh nghe thấy tôi nói gì không? - Ehrlichman nổi cáu - Anh có hủy bỏ cuộc điều tra không?”.

“Không - Bledsoe đáp - Theo hiến pháp, FBI có nghĩa vụ mở điều tra để xác minh liệu vụ này có vi phạm hình sự hay không”. “Anh có nhận ra là anh đang chống lại tổng thống Mỹ không?”. “Có”. “Bledsoe, sự nghiệp của anh đi tong rồi”. Rốt cuộc không phải sự nghiệp của Bledsoe, mà chính sự nghiệp chính trị của Nixon mới đi tong.

Truyền thống “dẫu phẩm trật đứng vào hàng thấp, mà tận tâm quyết chẳng khom lưng” đó của FBI đã được duy trì suốt nhiều đời tổng thống và giám đốc FBI sau này. Louis J. Freeh, giám đốc FBI do tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm năm 1993, chỉ nói chuyện với tổng thống có 6 lần trong 7 năm hơn ông đảm nhiệm cương vị.

Trong hồi ký của mình, Freeh kể lại rằng ông Clinton đã đi tới chỗ “nghĩ rằng tôi định lật đổ ông ấy”. Bị điều tra vì những vụ Whitewater và Monica Lewinsky, vì lý do chính trị, ông Clinton đã không thể sa thải Freeh và gần suốt hai nhiệm kỳ phải sống chung với tay cựu công tố mà ông căm ghét đó.

Người kế nhiệm Freeh, Robert Mueller, gây sự với chính quyền George W. Bush vì vụ Stellar Wind, chương trình cho phép NSA thu thập thông tin người dân với lý do chống khủng bố.

Mueller “không muốn các sử gia trong tương lai viết rằng người Mỹ đã thắng cuộc chiến chống khủng bố nhưng lại đánh mất tự do”, theo bình luận của tờ Esquire.

Và giờ tới lượt ông Comey. Sẽ khó biết được động cơ thực sự của ông đằng sau tuyên bố mở lại điều tra với các thư điện tử của bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên có một điều đã chắc chắn: ông Comey tiếp tục một truyền thống lâu đời của việc hành động phi đảng phái, chỉ phục tùng hiến pháp, khi một trong những vụ lớn nhất của FBI trong nhiệm kỳ tổng thống mới là điều tra mối quan hệ giữa ông Trump và Nga không chỉ trong kỳ bầu cử.

Tổng thống Trump lạc nước?

Tổng thống Donald Trump dường như đã không biết, hoặc không mảy may quan tâm tới truyền thống đó của FBI.

The Guardian bình luận về động thái đó: “Trump có vẻ đã phạm sai lầm về phán đoán lớn nhất của ông. Ông có vẻ nghĩ rằng việc ông Comey mất lòng với cả hai bên (Clinton nói ông Comey là lý do khiến bà thất cử) sẽ khiến việc này (sa thải ông Comey) là một tình huống chiến thắng cho ông. Thay vì thế, đó lại là một tình huống thất bại”.

Trong chương trình truyền hình Justice with Judge Jeanine (Công lý với thẩm phán Jeanine) trên Fox News, chính ông đã thừa nhận điều đó: “Tôi nghĩ mình có hơi ngạc nhiên vì tất cả những người Dân chủ đó, ý tôi là, họ đều ghét James Comey. Họ không thích ông ta. 

Họ muốn ông ta bị sa thải hay sao đó. Và rồi bỗng nhiên họ lại lên tiếng cho ông ta. Tất cả chuyện này chỉ là chính trị”. Bình luận đó đã khiến Charlie Sykes, một tác giả ủng hộ phe Cộng hòa, phải ngán ngẩm: “Thật sửng sốt khi họ (Nhà Trắng) không nghĩ rằng vụ này sẽ gây tranh cãi ”.

Ngay từ đầu, việc thông tin về quyết định sa thải đã lộn tùng phèo. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer giải thích rằng ông Trump hành động dựa trên khuyến nghị của tổng chưởng lý và phó tổng chưởng lý Mỹ. Nhưng hai ngày sau, chính Trump lại nói ông đã quyết định số phận của ông Comey rồi dù các khuyến nghị có là gì.

Ông Comey là giám đốc FBI thứ hai trong lịch sử nước Mỹ bị sa thải. Và kể từ vụ Watergate thời Nixon, không có tổng thống Mỹ nào sa thải người đứng đầu FBI đang thực hiện một vụ điều tra liên quan tới chính tổng thống đó.

Cuộc điều tra mà ông Comey tiến hành nhắm vào khả năng Nga đã can thiệp trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và người tạm thời thay thế ông, quyền giám đốc Andrew G. McCabe, nói cuộc điều tra sẽ tiếp tục.

Cũng trong truyền thống FBI, McCabe còn bác bỏ lời giải thích của ông Trump rằng ông Comey làm mất lòng đội ngũ ở cục. “Giám đốc Comey nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở FBI và tới giờ vẫn thế” - Politico dẫn lời McCabe ngày 11-5.

Ngay cả với sự thất thường của ông Trump, vụ này vẫn là rất kỳ lạ. Câu hỏi là về mặt chính trị, Đảng Cộng hòa sẽ còn có thể chấp nhận và ủng hộ ông bao lâu nữa?

Chỉ hơn 100 ngày sau khi lên nắm quyền, tỉ lệ tín nhiệm của ông trong cử tri Mỹ chỉ còn 35%, “ngay lúc này đã là một gánh nặng (với phe Cộng hòa), chứ đừng nói là tới cuộc bầu cử 2018 (bầu quốc hội)” - theo lời Rick Tyler, cựu giám đốc truyền thông của thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Vấn đề với những nhân vật cốt cán bên phe Cộng hòa là chính họ cũng chẳng biết tuần sau, hay ngay ngày mai ông Trump còn có thể ra những quyết định gây sốc gì nữa.

Trên sân golf ở Bedminster, New Jersey - tờ The Washington Post tường thuật cuối tuần rồi - Trump đã phàn nàn về phiên điều trần trước quốc hội của Comey, mà ông nói là “kỳ lạ”, tỏ ra không còn kiên nhẫn với “trò cao đạo” của Comey và nghĩ rằng giám đốc FBI đang dùng vụ điều tra liên quan tới Nga để trở thành một kẻ tử đạo”.

“Đạo” mà ông Comey theo, dĩ nhiên, chính là lòng trung thành với hiến pháp và sự xả thân để bảo vệ các giá trị dân chủ.

Trở lại phòng Bầu dục vào đầu tuần, ông Trump gọi tổng chưởng lý Jeff Sessions và phó tổng chưởng lý Rod Rosenstein lên, yêu cầu họ viết văn bản đề xuất sa thải ông Comey.

Chiều hôm sau, Trump gọi cho các thành viên chủ chốt của cả hai đảng để thông báo quyết định của ông. Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở thượng viện, nói: “Ông đang phạm một sai lầm lớn”. Đã nhiều chấn động xảy ra từ khi ông Trump lên làm tổng thống đến nay, nhưng lần này quy mô và tầm mức của vụ việc khác hẳn.

Nhưng tới giờ cuộc khủng hoảng vẫn chưa đến mức không thể kiểm soát. Cả chủ tịch hạ viện Paul Ryan và thượng viện Mitch McConnell đều chưa nhắc gì đến việc chỉ định một công tố viên đặc biệt nhằm tiến hành điều tra và có thể là luận tội tổng thống.

Brock đồng ý: “Tôi không nghĩ vụ này có gì đáng so với vụ Nixon. Phe Dân chủ rõ ràng đã làm quá lên... Tôi nghĩ họ khá đạo đức giả liên quan tới Comey. Hãy nhất trí với nhau rằng chúng ta có thể tiếp tục mọi chuyện mà không chơi lá bài chính trị. Tôi sẽ rất hoan nghênh nếu tổng thống tự ông ấy nói cần một công tố viên đặc biệt”.■

Cách vụ sa thải diễn ra cũng gây sửng sốt. Không lâu trước những lời giải thích của Spicer, Comey còn nói chuyện với nhân viên của mình ở Los Angeles thì tin tức ông bị cho thôi việc xuất hiện trên truyền hình.

Đầu tiên ông cười, nghĩ đó là một trò đùa, nhưng sau đó Comey mới biết quả thật mình đã bị sa thải! Vào giữa tuần, Trump thậm chí vẫn chưa thấy rằng ông đã gây ra chuyện gì.

Ông tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak mà không có các nhà báo Mỹ, trong khi sau đó không lâu các bức hình hai người tươi cười bắt tay nhau xuất hiện trên một trang tin của Nga.

Và rồi khi báo chí Mỹ được phép vào phòng Bầu dục, họ thấy trong đó không phải là Lavrov mà là một vị khách bất ngờ: Henry Kissinger, cựu bộ trưởng ngoại giao của Nixon, nay đã 93 tuổi. “Hoặc đó là sự trùng hợp kỳ quặc, hoặc là khiếu hài hước của ông Trump quá tệ” - The Guardian bình luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận