Hải quân Mỹ: Vụ khủng hoảng tai ương

DANH ĐỨC 18/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Những tai biến xảy ra cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một hình ảnh thu nhỏ những khủng hoảng của hải quân Mỹ giữa đại dịch COVID-19.

Thủy thủ đoàn đã được di tản khỏi chiếc USS Theodore Roosevelt. Ảnh: military.com
Thủy thủ đoàn đã được di tản khỏi chiếc USS Theodore Roosevelt. Ảnh: military.com

Bản tin cập nhật ngày 14-4 của hải quân Hoa Kỳ cho biết 92% thủy thủ và nhân viên của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (TR) đã được xét nghiệm COVID-19, với 585 kết quả dương tính và 3.724 kết quả âm tính, 1 thủy thủ trên tàu nhiễm bệnh đã tử vong, 4 người khác phải nhập viện. Coi như 12% quân số của tàu đã tạm bị COVID-19 “loại khỏi vòng chiến” chỉ trong vòng hơn một tháng. Tất cả thủy thủ đoàn đã được đưa lên bờ.

Hạm trưởng và bộ trưởng mất chức

Tàu sân bay này đã được “đưa về” đảo Guam hôm 27-3 và được tiểu đoàn 3 quân y - thuộc bộ chỉ huy hậu cần lực lượng viễn chinh III của thủy quân lục chiến Mỹ - chăm sóc, với sự trợ giúp của một nhóm chuyên gia y tế tăng cường. Hôm 27-3 đó, tình hình chiếc TR đã cấp bách lắm rồi: ba ngày trước, hôm 24-3, có tin ba thủy thủ tàu này xét nghiệm dương tính với COVID-19 nên tàu được lệnh trực chỉ đảo Guam để tá túc và chống trả dịch bệnh. Quyết định này cho thấy dẫu sao các cấp trên của hạm trưởng Brett Crozier cũng đã có phản ứng đối phó với diễn biến xấu trên tàu.

Đến ngày 30-3, hạm trưởng Crozier gửi một email không bảo mật cho Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy tác chiến hải quân… yêu cầu giúp đỡ con tàu của ông. Crozier đề xuất nhiều giải pháp, song chủ yếu vẫn là khuyến nghị di tản thủy thủ đoàn. Cho đến đấy, chuyện của chiếc TR vẫn còn là chuyện nội bộ trong hải quân Mỹ.

Nhưng nội vụ bùng nổ như một “quả bom hạt nhân truyền thông” sau khi email của hạm trưởng Crozier, được gửi cho khoảng “hai, ba chục người”, bao gồm cả những người dưới quyền lẫn không thuộc quyền của ông (điều bị coi là trái điều lệnh hải quân Mỹ), bị rò rỉ trên tờ San Francisco Chronicle (SFC). Tờ báo đăng bức thư hôm 31-3. Cả thế giới sững sờ trước lời kêu cứu của Crozier: “Chúng ta đâu có trong thời chiến. Các thủy thủ đâu cần phải chết”.

Câu mưỡu bài báo độc quyền của SFC thật khiếp đảm: “Hạm trưởng một tàu sân bay hạt nhân với hơn 100 thủy thủ bị nhiễm virus corona hôm thứ hai đã cầu van các quan chức hải quân Hoa Kỳ cho phép cách ly toàn bộ thủy thủ đoàn và tránh những cái chết có thể xảy ra trong tình huống mà ông mô tả là nhanh chóng xấu đi”.

Báo chí cả thế giới ào ào đăng theo tờ SFC. Qua hôm sau 1-4, hải quân Mỹ ra lệnh cho tàu sân bay di tản, rồi tới 2-4, quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly tước quyền chỉ huy của hạm trưởng Crozier.

Nhưng cuộc khủng hoảng chưa dừng lại. Báo chí lại tiết lộ khi ông Modly tước quyền chỉ huy của ông Crozier, đã buột miệng gọi ông hạm trưởng là “đồ ngu”. Tin tức này cũng rò rỉ và tới ngày 7-4, đến lượt ông Modly bay ghế: ông từ chức nhường chỗ cho Stephen McPherson.

Có sẵn sàng cho chiến tranh sinh học?

Vụ nhiễm virus lần này có thể chỉ là một tai nạn bất ngờ, nhưng đó là một câu hỏi cần đặt ra nghiêm túc cho hải quân Mỹ nói riêng và quân lực Hoa Kỳ nói chung sau những ngày bối rối vừa qua.

Trên thực tế, tại Mỹ không hiếm những nghiên cứu về mối đe dọa chiến tranh sinh học. Ngay trong nhập đề, Sách lược phòng vệ sinh học 2018 đã nhấn mạnh: “Sự bùng phát tự nhiên hoặc vô tình, cũng như các cuộc tấn công có chủ ý, có thể là khởi phát một cuộc tấn công và lây lan sang nhiều người, với những hậu quả quốc tế có khả năng lan rộng”.

Sách lược cũng nói đến mối đe dọa từ những phát kiến mới như mặt trái của chiếc mề đay: “Những tiến bộ trong khoa học hứa hẹn các phương pháp chữa trị tốt hơn và nhanh hơn, tiến bộ kinh tế, môi trường sạch hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện, nhưng chúng cũng mang lại những rủi ro an ninh mới”; để rồi tạm kết luận: “Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, Hoa Kỳ phải sẵn sàng để quản trị rủi ro do dịch bệnh tự nhiên bộc phát, tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc hành động chủ ý của các lực lượng thù địch với các tác nhân sinh học”.

Sách lược còn chỉ rõ các dịch bệnh do virus cần đề phòng là SARS, Ebola, Zika… Có thể thấy trên lý thuyết, nước Mỹ và quân đội Mỹ đã dư đủ phòng chống dịch trên giấy!

Đáng tiếc là giữa lý thuyết và thực tế còn một khoảng cách lớn mà khủng hoảng tàu TR là một thí dụ thương đau. Mãi sau này, đến ngày 9-4, mới rõ hơn tại sao chiếc tàu sân bay cực kỳ hiện đại này lại lâm vào cảnh dở sống dở chết vì COVID-19.

Một bài báo của USNI (Học viện Hải quân Mỹ) đề ngày 9-4 cho biết: “Chiếc USS Roosevelt và chiếc USS America đã triển khai một bộ xét nghiệm virus chưa đầy đủ, có thể được xử lý trong các phòng thí nghiệm trên tàu. Tuy nhiên, các xét nghiệm này không thể xác định dứt khoát liệu một thủy thủ có nhiễm COVID-19 hay không, hay chỉ là một loại virus giống cúm khác”.

Nghĩa là chỉ biết bệnh nhân bị cúm, còn có phải COVID-19 không thì chưa biết! Đó âu cũng là hệ quả gián tiếp của quyết định cắt ngân sách một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu chống khủng bố sinh học cũng như cách phản ứng tấn công sinh học và hồi phục sau đó dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Khủng hoảng quân kỷ

Bộ tư lệnh hành quân hải quân (NCO) đã quyết định đúng đắn khi rút tàu TR về đảo Guam, song để hơn 3.700 quân nhân ở yên trên tàu cùng virus lại là một sai lầm do không đánh giá đúng tình hình.

Hạm trưởng chiếc TR, trong văn thư gửi NCO đã nhấn mạnh đến kinh nghiệm đau thương của tàu du lịch Diamond Princess do không di tản sớm hành khách và thủy thủ: bị cách ly từ hôm 4-2 tại cảng Yokohama, mãi đến 1-3 mới được “thả ra”, kết quả là trong tổng số 3.711 hành khách và nhân viên tàu Diamond Princess, có tới 712 người nhiễm virus, 9 người thiệt mạng.

Đọc kỹ văn thư hạm trưởng Crozier sẽ thấy khi nhắc đến các biện pháp phòng chống dịch, ông đều ghi tuân theo hướng dẫn của “CDC/hải quân Mỹ”. Vấn đề là CDC/hải quân Mỹ lúc đó vẫn còn chưa quyết liệt.

Cũng đã có tiền lệ Tổng thống Donald Trump không cho tàu du lịch Grand Princess (tàu Mỹ) có người nhiễm bệnh cập cảng của chính nước Mỹ. Có thể đặt câu hỏi phải chăng do lo sợ số phận tương tự các chiếc tàu du lịch mà ông hạm trưởng đã cố tình “phát tán” văn thư để cứu quân. Nếu đúng thế, thì việc ông vi phạm quân kỷ là có lý của nó.

Vấn đề là làm thế nào mà chỉ trong vòng bảy ngày, từ văn thư của hạm trưởng Crozier tới phát biểu ghi âm của bộ trưởng Modly, hải quân Mỹ đã tới hai lần rò rỉ những thông tin chết người cho truyền thông?

Khó trách Global Times của Trung Quốc được dịp lên giọng xen vào chuyện nội bộ Mỹ: “Hoa Kỳ sai lầm khi giải nhiệm hạm trưởng lên tiếng cảnh báo COVID-19. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua các nghị quyết can thiệp vào việc xử lý trường hợp của bác sĩ Li [Lý Văn Lượng], nhưng điều họ thực sự cần làm là phê phán hành động đối xử bất công với ông Crozier của Chính phủ Mỹ”.■

COVID-19 đang là ám ảnh với nhiều nước có tàu sân bay hạt nhân. Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp cũng đăng có 50 thủy thủ dính virus. Dịch bệnh đã san bằng khoảng cách giữa các hải quân có lực lượng viễn dương mạnh với các hải quân chỉ đủ sức quanh quẩn ao nhà.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, vì thế, đã rất biết chọn thời điểm để ra mặt, vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông tổ chức tập trận, làm phức tạp thêm tình hình khi mà cả thế giới đang chung tay chống dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận