Hỗ trợ thì giải pháp phải có ý nghĩa

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 29/05/2012 02:05 GMT+7

TTCT - Phiên họp tuần trước của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đã bác đề xuất miễn thuế cho một số đối tượng tại tờ trình của Chính phủ (nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường). Chính phủ thì khẳng định sẽ kiên trì bảo vệ đề xuất này.

Phóng to
TS Lê Đăng Doanh - Ảnh: C.V.K.

Bình luận về nghị quyết 13/NQ-CP “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường” sau hơn hai tuần được ban hành, TS Lê Đăng Doanh - nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng - tỏ ra lo lắng khi giải pháp thuế gỡ khó không nhiều, giải pháp hỗ trợ vốn giá rẻ, doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận do nghị quyết thiếu cụ thể.

“Việc ban hành nghị quyết 13/NQ-CP là bước chuyển biến trong hành động của Chính phủ, bởi trước đó có bộ trưởng còn cho rằng số DN phá sản nhiều chủ yếu là DN ma. Nghị quyết đã cho thấy phản ứng hiện thực, đáng ghi nhận. Cùng giải pháp về giãn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, biện pháp giảm lãi suất được kỳ vọng nhất. Tuy nhiên, so với kỳ vọng và mức độ khó khăn hiện tại thì thật sự hỗ trợ chưa phải là lớn”.

Hỗ trợ thuế: cần thật sự ý nghĩa

* Ủy ban Tài chính - ngân sách bác một số đề xuất hỗ trợ DN của Chính phủ vì cho rằng mức hỗ trợ không đáng kể. Ông có cho là vậy?

- TS Lê Đăng Doanh: Ngay sau khi nghị quyết ban hành, nhiều DN đã thể hiện sự lo lắng với tôi, rằng nghị quyết rất đẹp nhưng sợ DN không nhận được hỗ trợ đáng kể nào. Các giải pháp về thuế, nói thì cả chục ngàn tỉ đồng nhưng chủ yếu là giãn, lùi thời hạn được có sáu tháng, chưa chắc đủ cho DN quay vòng vốn, sau đó họ phải trả. Gọi là “gói” hỗ trợ nhưng chủ yếu là cứu DN vẫn đang hoạt động khá. Như giãn thuế VAT, có bán được hàng mới phải nộp thuế, thuế thu nhập DN có lãi mới nộp...

Ủy ban Tài chính - ngân sách bác đề xuất giảm 50% thuế khoán cho hộ kinh doanh nhà trọ, suất ăn công nhân... theo tôi cũng có lý. Bởi mức giảm thuế chỉ giúp giảm có 30.000 đồng là quá bé nhỏ, không ý nghĩa. Hơn nữa, báo cáo sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 08/2011 của Quốc hội cũng về tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã cho biết đợt hỗ trợ trước đây, tổng số 25.000 hộ kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca chỉ được giảm có 7 tỉ đồng.

Ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập DN với việc cung ứng suất ăn ca cho công nhân cũng chỉ có khoảng 150 DN được giảm với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng. Vậy là diện thì hẹp mà mức cũng thấp. Đã hỗ trợ thì giải pháp nào cũng phải thật có ý nghĩa, không nên nói thấp “vì còn giải pháp khác nữa”.

* DN đang rất khó khăn, kinh tế đã có dấu hiệu suy giảm, vì thế có phải hỗ trợ không nên ở mức tác động tâm lý nữa? Theo ông thì có nên mở rộng mức và diện hỗ trợ?

- DN đã thật sự khó khăn nên họ cần hỗ trợ thật sự ý nghĩa. Các giải pháp tâm lý là chính có thể gây tác dụng ngược. Tôi rất băn khoăn khi ngày 20-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có phát biểu khẳng định DN cũng phải tự cứu mình, Nhà nước chỉ cứu DN đang hoạt động. Trong nghị quyết của Chính phủ không nói điều này.

Kinh nghiệm thế giới, như Mỹ, họ cứu cả những DN có tiềm năng nhưng đối mặt nguy cơ phá sản do khó khăn tạm thời. Thực tế, việc trợ giúp này đã giúp các nền kinh tế lớn không lún sâu hơn vào khủng hoảng và có lực vượt lên. Nếu như chỉ cứu DN đang hoạt động thì tôi e chưa đạt yêu cầu.

Tôi cho rằng cần hỗ trợ cả DN sắp phá sản nếu họ có tiềm năng nhưng phải có tiêu chí cụ thể, tránh xin - cho, “quan hệ”. Cần coi đợt hỗ trợ DN lần này như một phần của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Nhà nước cần bắt tay với các tổ chức xã hội để có tiềm lực mở rộng mức độ và diện hỗ trợ.

Giảm lãi suất: không cụ thể, tạo xin - cho

* DN quan tâm nhất là giảm lãi suất. Nhưng nghị quyết thiếu tiêu chí nhận hỗ trợ và điều kiện triển khai?

- Nghị quyết Chính phủ nêu ưu tiên lãi suất 15% cho đối tượng rất rộng, đó là ngành hàng, khu vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu... Những cái này từng được nêu rất lâu rồi. Theo tôi, nghị quyết nên được cụ thể hóa, xác định rõ từng đối tượng DN được cứu. Như lĩnh vực thủy sản thì phải có hợp đồng xuất khẩu thế nào, đang khó khăn do thị trường sụt giảm, tồn kho ra sao...

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong chương trình đối thoại trên truyền hình ngày 13-5 khẳng định có DN sẽ rất dễ tiếp cận vốn, nhưng có DN rất khó tiếp cận. Ông có cho rằng như thế quá chung chung?

- Đúng vậy. Cần phải hiểu có nhiều DN dừng hoạt động vì khách quan, họ bị chiếm dụng vốn, lãi suất cao, tiêu thụ giảm đột ngột. Nếu được hỗ trợ, họ hoàn toàn có thể vươn lên, giúp nền kinh tế sống động trở lại. Nếu nói như thống đốc thì mặc nhiên những đối tượng đang khó tiếp cận vốn ngân hàng là đương nhiên, bất khả kháng, trong khi mục tiêu của chúng ta là giúp các DN tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn.

Các điều kiện được vay vốn rất không rõ nên thực tế nhiều ngân hàng đòi DN phải có kiểm toán quốc tế mới cho vay. Mà điều kiện này thì gần như loại hoàn toàn DN vừa và nhỏ vì họ đang khó khăn.

* Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định gói hỗ trợ lần này không phải gói kích cầu. Nhưng cũng cần cảnh giác để lạm phát không quay trở lại?

- Theo tôi, ngay tên gọi của nghị quyết với từ “hỗ trợ thị trường” đã khẳng định gói hỗ trợ của Chính phủ có một phần kích cầu rồi. Trong nghị quyết cũng cho ưu tiên đầu tư phát triển, cho phép dùng nguồn tiền tạm dừng theo nghị quyết 11/2011; tung 2.000 tỉ đồng kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, tăng giải ngân ODA... Điều này sẽ giúp kích cầu trực tiếp cho sắt, thép, ximăng...

Để giải quyết kinh tế trì trệ, cần tăng đầu tư nhưng tiền phải vào đúng chỗ để tạo ra hàng, tạo sức sản xuất. Nếu tiền bơm ra mà tiêu chí không cụ thể, để lợi ích nhóm, cơ chế xin-cho len vào thì nó rất dễ đổ vào khu vực bất động sản, chứng khoán, các dự án không hiệu quả...

Như vậy, rất có thể chúng ta sẽ lại phải đối mặt với một đợt lạm phát mới sau khi đã giải quyết xong khó khăn đợt này. Nghị quyết 13/NQ-CP hoàn toàn là một giải pháp ngắn hạn. Vì vậy, Chính phủ cũng nên sớm công bố và đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế như một biện pháp dài hạn.

Nếu không quy định cụ thể, cơ chế xin - cho rất dễ trở lại, DN phải nhờ đến “mối quan hệ”, chi phần trăm để vay được vốn. Các ngân hàng sẽ chủ yếu chọn DN tốt, đặc biệt là các DN nhà nước, lỗ kiểu gì Nhà nước cũng cứu... Còn các DN vừa và nhỏ sẽ không còn cơ hội, ngay cả khi có dự án tốt...

Tính sáng tạo trong giải pháp nằm ở quy định cụ thể, chứ các giải pháp của nghị quyết 13/NQ-CP là không mới, mà tình hình DN nay đã khác xưa nhiều.

Nhà nước vừa cứu Công ty Bình An của bà Diệu Hiền qua công cụ mua nợ. Công cụ mua bán nợ rất phổ biến ở các nước, có hiệu quả, nên mở rộng việc áp dụng công cụ này. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã dự định thành lập từ rất lâu quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tôi nghĩ đây phải là lúc tung ra. Quỹ trước tiên hãy bảo lãnh cho các DN vì khó khăn vĩ mô mà suy sụp để họ gượng dậy. Cũng nên huy động các hiệp hội vào để công khai các tiêu chí, lựa chọn DN được hỗ trợ.

Trong phiên họp ngày 17-5, 100% thành viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đã không đồng ý với đề xuất miễn thuế cho một số đối tượng tại tờ trình của Chính phủ. Song trong sáng khai mạc kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho hay Chính phủ sẽ không thay đổi nội dung đề xuất về miễn giảm thuế khi trình ra Quốc hội.

Trong tờ trình dự thảo nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hàng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng đề nghị miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và miễn thuế thu nhập DN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng việc này không có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, để đảm bảo mục tiêu giữ ổn định mức giá mà chỉ nhận được số tiền miễn thuế khoảng 30.000 đồng/tháng (25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân được miễn tổng cộng 7 tỉ đồng năm 2011).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận