Hội nghị G7 Toronto trong tang tóc 

DANH ĐỨC 02/05/2018 21:05 GMT+7

TTCT - Vụ xe tải nhỏ cố tình leo lên lề cán chết 10 người và làm bị thương 15 người khác ở thành phố Toronto (Canada) trưa thứ hai 23-4 vừa qua nổ ra ngay khi hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng an ninh G7 vừa bắt đầu nhóm họp cũng tại đây, chủ nhật 22-4.

Một điểm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đâm xe tải ngày 23-4-2018, đặt trên đường Yonge (Toronto). Ảnh: Citynews
Một điểm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đâm xe tải ngày 23-4-2018, đặt trên đường Yonge (Toronto). Ảnh: Citynews

 

Ở Toronto, các ngoại trưởng nhóm G7 bắt đầu cuộc họp hai ngày từ chủ nhật 22-4, thảo luận các vấn đề liên quan tới Nga, CHDCND Triều Tiên, Syria và Ukraine. Do Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland chủ trì, với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Canada, Đức, Anh và Nhật Bản cùng đại diện của EU, các chủ đề của hội nghị các ngoại trưởng G7 quả là sát thời sự một cách “khó chịu”.

Nếu không có vụ lái xe húc người trưa thứ hai 23-4 ở Toronto, chi tiết sau của mẩu tin của Tân Hoa xã hôm chủ nhật sẽ ít “đáng lưu ý” hơn: “Hôm thứ bảy, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Sullivan đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, người được mời tham gia một phần của cuộc họp hôm chủ nhật”.

Bộ trưởng ngoại giao Ukraine sao lại có mặt ở hội nghị các bộ trưởng ngoại giao G7, để làm gì? Nhất định không thể không có những thắc mắc hay khó chịu khi mà những cuộc gặp như thế và nội dung các hội nghị cùng những thông báo của các bộ trưởng sau hội nghị đầy những “va chạm” với thực tế “từ Đông sang Tây”.

Thứ hai 23-4

Hội nghị các bộ trưởng G7 nhóm qua ngày thứ nhì như dự kiến, bất ngờ Đài phát thanh quốc tế Canada (ICI) loan tin: “Toronto: từ 8 đến 10 người đi bộ đã bị húc bởi một chiếc xe màu trắng gần giao lộ giữa đường Yonge và đường Finch ở phía bắc thành phố, tin từ cảnh sát Toronto”.

Bản tin đầy đủ của Philippe Leblanc Đài ICI của Canada thuật chi tiết: “Cầm lái chiếc xe tải đi thuê màu trắng với tốc độ tối đa, Minassian có lẽ đã húc nạn nhân đầu tiên của mình gần ngã tư đường Finch, rồi hướng về phía nam, về phía đường Yonge. Theo các nhân chứng, người lái xe đã tông nhiều người đi bộ trên đường và trên vỉa hè trong khoảng ba cây số trước khi dừng lại trên đại lộ Poyntz, ngay gần phố Poyntz.

Cảnh tượng này diễn ra ở North York, một khu phố ở Bắc Toronto... Một nhân chứng, tận mắt theo dõi vụ việc, kể rằng ông ta đã lái xe chạy theo chiếc xe tải trắng này và thấy người lái xe kia húc hết người đi bộ này tới người đi bộ khác, rồi băng qua đường chạy ngược chiều, húc thêm một người đi bộ khác đang băng qua đường...”.

Những tường thuật tại chỗ như trên chung một chi tiết: kẻ thủ ác cầm lái chiếc xe tải đã cố tình húc hết người này tới người khác, “chữ ký” chung của tất cả các lái xe húc người trong những thảm kịch như thế ở các nơi khác.

Bởi thế, đài phát thanh Canada ICI mới đặt tựa cho một bài bình luận của đài này là: “Toronto, nạn nhân mới nhất trong một danh sách dài các cuộc tấn công bằng “xe - húc người”” tuy vẫn tỏ ra kín đáo và thận trọng tuyệt đối, không đề quyết bất cứ điều gì: “Vụ tấn công mới nhất này ở Toronto, thoạt nhìn qua, không có liên hệ gì với một tổ chức khủng bố quốc tế nào”.

Quả thật, đây không phải là vụ xe húc người đầu tiên và cũng không phải là cuối cùng. Đối với bất cứ ai muốn gây ra tối đa thương vong, cho dù vì bất cứ lý do gì, tâm thần hay khủng bố, thì thuê một chiếc xe tải nhỏ hay to đùng rồi lao xe hết tốc độ vào một đám đông là phương cách đơn giản nhất để lấy mạng vô số người, điển hình là vụ xe tải húc người ở Nice (Pháp) ngay lễ quốc khánh Pháp hôm 14-7-2016 khiến 86 người thiệt mạng, hơn 450 người bị thương (cho đến nay vẫn là vụ xe húc người gây thương vong nhiều nhất).

Chính vì đặc tính “đơn giản” đó mà “xe - húc người” đã trở thành vũ khí khủng bố thông dụng nhất trong thời gian sau này do vừa khó dự đoán, vừa ít đòi hỏi phương tiện nhất, khác với các vụ tấn công bằng xe gài chất nổ như vẫn thường thấy ở hay các vụ xả súng như vụ ở hí viện Bataclan và sân vận động Stade de France ở Paris tối 13-11-2015 khiến 130 người chết, 413 người bị thương.

Thật đơn giản: chẳng cần chế tạo chất nổ, chuyên chở rồi lắp đặt hay tuyển chọn các tay súng, chẳng cần huấn luyện gì cả, chẳng cần tàng trữ vũ khí, chỉ cần một “con sói đơn độc” nào đó.

Đài phát thanh Canada tiếp tục cách đưa tin thận trọng của không chỉ đài này mà còn là của Sở Cảnh sát Toronto và cả Thủ tướng Justin Trudeau cùng Bộ trưởng An ninh Ralph Goodale, không đề quyết bất cứ điều gì: “Người lái xe 25 tuổi, Alek Minassian, có lẽ cũng không có liên hệ gì với chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Đằng sau sự “kín đáo thận trọng” của báo chí địa phương, vẫn bàng bạc một liên tưởng chua cay tới nạn khủng bố. Như tâm sự sau đây của cây bút bình luận Rosie DiManno của tờ The Star ở Toronto:

Chúng ta đã ngây thơ đến chừng nào, khi vẫn huýt sáo ở nghĩa trang khi các vụ thảm sát được rèn đúc trong các thành phố châu Âu và châu Mỹ. Ở Manchester, ở Nice, ở Paris, ở Orlando, ở London, ở Madrid, ở Toulouse, ở Istanbul, ở Berlin, ở Stockholm, ở Boston. Cứ thế mà điều bình thường mới mẻ này tiếp diễn.

Khi không phải bằng súng và bom tự chế thì bằng dao và rìu và những chiếc xe “điên” hàng tấn sắt thép. Húc vào một đám đông đang tản bộ, vào một chợ Giáng sinh, vào một buổi hòa nhạc pop, vào tàu điện ngầm. Khi không phải là một cuộc đụng độ của các hệ tư tưởng văn minh hay sự tha hóa của một tôn giáo, thì là sự điên rồ của một tay súng vô chính phủ với súng trường tấn công - như ở Las Vegas, Parkland, Sandy Hook. Một kẻ nổi điên hay bị mê hoặc bị bệnh tâm thần? Làm sao có thể dò ra sự khác biệt? Ấy vậy mà chẳng ai nói tới ba từ: “nạn khủng bố!””.

Các ngoại trưởng G7 nói điều gì?

Ngày 23-4, hội nghị các ngoại trưởng G7 kết thúc với một thông cáo đề cập rất nhiều điều, nổi bật là các tuyên bố sau:

- “Chúng tôi quyết tâm cộng tác để củng cố nền dân chủ của chúng tôi chống lại sự can thiệp của các nhà nước thù địch và các tác nhân phi nhà nước của nước ngoài. Sự can thiệp như vậy, được thực hiện thông qua cả hai phương tiện truyền thống và kỹ thuật số, nhằm tạo ra sự hỗn loạn và làm suy yếu niềm tin của công chúng trong các định chế và quy trình dân chủ. Chúng tôi đã đạt được một sự hiểu biết chung về những hành động không thể nào chấp nhận của các tác nhân nước ngoài”.

Những tranh cãi vô tận ở thủ đô Washington về sự dính líu hay không của ông Trump với Nga là một ví dụ minh họa cho nội dung tuyên bố này.

- “Chúng tôi thống nhất trong việc lên án, bằng những từ ngữ mạnh nhất có thể, việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày 7-4-2018 ở Đông Ghouta, Syria. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp nhằm giảm bớt nỗi khổ cùng cực của người Syria bằng cách làm giảm khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chế độ Assad và ngăn chặn bất kỳ sự sử dụng nào trong tương lai...

Chúng tôi lên án những vi phạm phổ biến và nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là trong các cuộc xung đột vũ trang kéo dài, bao gồm các cuộc tấn công vào dân thường, các tài sản dân sự cùng nhân viên y tế và nhân đạo và các cơ sở của họ, và sự khước từ sự cứu trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu”.

Sau đó các ngoại trưởng G7 quay qua chuyện biển cả: “Chúng tôi nhắc lại cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế, quản trị hàng hải quốc tế, duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, như đã được phản ánh trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cam kết xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh, quản lý hòa bình và giải quyết tranh chấp mà không sử dụng các mối đe dọa vũ lực hoặc cưỡng ép, và cam kết phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm việc thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý được quốc tế công nhận, bao gồm cả cơ chế trọng tài.

Chúng tôi nhắc lại cam kết của chúng tôi đối với tự do trên biển xa, bao gồm quyền tự do hàng hải và quyền hàng không, cùng các quyền khác, trong đó có các quyền và thẩm quyền của các quốc gia ven biển trong việc sử dụng biển đúng theo luật pháp quốc tế”!

Các ngoại trưởng G7 còn nhắc thêm: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế, và kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán đang diễn ra về một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, và hoan nghênh một thỏa thuận không vi phạm các quyền mà các bên được hưởng theo luật pháp quốc tế hoặc ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba... Chúng tôi xem phán quyết ngày 12-7-2016 mà Tòa trọng tài đã đưa ra chiếu theo UNCLOS là cơ sở hữu ích cho những nỗ lực tiếp nữa trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.

Và đây, rốt cuộc ta hiểu vì sao Ukraine có mặt, vì các ngoại trưởng G7 không chỉ nói chuyện Biển Đông: “Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ lâu dài của chúng tôi đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận. Điều này bao gồm việc chúng tôi không công nhận việc Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine...”.

Thật dễ gây mích lòng quá, các ngoại trưởng G7 ạ!■

Sự “kín đáo” của cả truyền thông lẫn các chính trị gia ít nhiều khó hiểu, nhưng đó là sự chuyên nghiệp trong tình huống có quá ít thông tin để đưa ra kết luận. Nghi can, Alek Minassian, khi bị chặn lại bởi một mình viên cảnh sát - anh hùng Ken Lam, trước mũi súng của cảnh sát đã mấy lần vừa xông tới vừa la lên “Bắn tôi đi, bắn vào đầu tôi đi! Tôi có súng trong túi”, y hệt một “tử vì đạo Jihad” (thánh chiến Hồi giáo cực đoan).

Việc dò lý lịch nghi can chỉ biết vài chi tiết: là sinh viên trường Seneca ở Toronto, gốc người Armenia, là tác giả một ứng dụng đậu xe ở Toronto, chưa có tiền án tiền sự, là một người thuộc típ người không ưa phụ nữ! Chính tình trạng thiếu thông tin về nghi can lại là một dấu hỏi gây tò mò.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận