"Hướng đông, cần chuyên gia Đông phương"

PHAN XUÂN LOAN 05/05/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Nước Nga đang có hẳn một chính sách Hướng Đông nhấn mạnh vào quan hệ với khu vực châu Á, bao gồm bạn bè truyền thống như Việt Nam, điều góp phần vào hoạt động nghiên cứu Việt Nam khá sôi động ở đây. Nhưng theo GS., TS.KH. Vladimir Kolotov, Nga vẫn còn có thể làm tốt hơn nhiều.

Ít người biết cuộc triển lãm độc đáo về các nền văn hóa cổ Việt Nam, lần đầu tiên trong quan hệ Nga - Việt, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9- 2019 tại viện bảo tàng Quốc gia Hermitage, là nỗ lực của khoa Phương Đông, Đại học quốc gia Saint Petersburg và Viện Hồ Chí Minh mà ông là Giám đốc.

Ba năm trước khi diễn ra triển lãm, trong một lần làm việc, tôi cùng Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Tất Giáp đã có cuộc trò chuyện với Trưởng khoa Phương Đông, Đại học quốc gia Saint Petersburg - Viện sĩ M.B. Piotrovsky, cũng là Giám đốc Hermitage. Chúng tôi kết luận về việc cần thiết tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nga - Việt về các nền văn hóa cổ của Việt Nam. Kết quả là các viện bảo tàng Việt Nam đã mang tới 299 hiện vật cho cuộc triển lãm này. Còn hiện vật thứ 300 là quyển sách “Báu vật sông Hồng” giới thiệu cuộc triển lãm. 


Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov. Ảnh : Nhân vật cung cấp

 Theo số liệu thống kê ban đầu thì gần 1 triệu khách đã đến tham quan triển lãm (chiếm 1/4 lượng khách vào thăm Hermitage nói chung). Người Nga bình thường hầu như chỉ biết Việt Nam là đất nước từng chiến thắng một cuộc chiến tranh dài với Hoa Kỳ, trong khi thông tin Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc lâu đời, là một khám phá thực sự với họ. 

Đọc những lưu bút của khách tham quan về cuộc triển lãm có tính lịch sử này, người ta ngạc nhiên về lượng thông tin ít ỏi về văn hóa trên các phương tiện truyền thông Nga về một đất nước mà Nga đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Thực tế này chỉ ra sự thiếu hài hòa giữa hình thức và nội dung của mối quan hệ. 

Vậy tình hình Việt Nam học hiện nay ở Nga nói chung, và ở Saint Petersburg nói riêng, đang diễn ra thế nào qua góc nhìn của ông, một chuyên gia Đông phương học, tổ trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông của ĐH Saint Petersburg?

Đông phương học ở Nga hiện phát triển chủ yếu vì các nước phương Đông đang phát triển năng động và nhu cầu về chuyên gia Đông phương học đang tăng. Việt Nam học là một ngành của Đông phương học và cũng nằm trong xu hướng chung này. 

So với thời Liên bang Xô viết, số trung tâm dạy tiếng Việt tăng lên nhiều, nhưng chất lượng đào tạo tốt chỉ có ở những trường đại học có truyền thống Đông phương học lâu đời. Hiện ở Nga có chính sách “Hướng Đông”, nhưng kết quả còn khiêm tốn, vì vấn đề chủ yếu là không có chuyên gia tham gia vào quá trình thực hiện dự án. Tức là thực hiện chính sách Hướng Đông mà không sử dụng các nhà Đông phương học, cũng giống đi chữa răng mà không hỏi ý kiến nha khoa, lại đi thuê thợ mộc!

Tại bàn tròn quốc tế kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga - Việt, ông đã có tham luận với đề tài có thể tóm gọn là “Hướng Đông không cần nhà Đông phương học”. Vì sao có sự phê bình này?

Là vì từ thực tiễn hoạt động của mình, tôi thấy những trở ngại chính.

Tôi phân biệt ba kiểu khu vực: (1) những trường phái khoa học đã hình thành trong việc nghiên cứu Việt Nam (như Matxcơva, Saint Petersburg, Vladivostok), (2) những khu vực với trường phái đang hình thành (như Kazan), và (3) những khu vực không có chuyên gia Đông phương học riêng của mình.

Với điều kiện giao thông hiện nay, chính quyền LB Nga luôn có nguồn lực. Thế nhưng dù Nga có ngành Đông phương học chất lượng, nó lại được nước ngoài biết đến nhiều hơn trong nước, trong khi việc thu hút các chuyên gia sẽ làm tăng đáng kể cơ hội thành công. Việc hướng Đông chỉ thành công nếu làm cùng nhau. Nhưng tình hình hiện nay vẫn như trước, chính quyền, chuyên gia và doanh nhân mạnh ai nấy làm.

Mô tả hiện trạng hợp tác giữa St. Petersburg và Việt Nam, cần lưu ý rằng có một khoảng cách đáng kể giữa tiềm năng to lớn và kết quả còn khiêm tốn. Mặc dù cơ hội cho sự phát triển hợp tác Nga - Việt là rõ ràng, nhiều ý tưởng đầy hứa hẹn không nhận được sự ủng hộ, trong khi nguồn lực lại dành cho các dự án đáng ngờ. Đó là lý do tại sao nhà chức trách khu vực đang đi theo con đường thu hút những người ngẫu nhiên, ví dụ, cung cấp dịch vụ dịch thuật ở mức độ không chuyên nghiệp, điều này rõ ràng là làm mất uy tín của họ trong mắt các đối tác Việt Nam.

Hội thảo quốc tế trực tuyến "Nghiên cứu ảnh hưởng của thời đại Hùng Vương đến lịch sử Việt Nam”. Ảnh: Viện Hồ Chí Minh, ĐHQG St. Peteresburg, Nga

 Ông có vẻ sốt ruột trước thực tiễn này…

Tôi nhận thấy việc sinh viên Việt Nam du học tại LB Nga thường xuyên được thảo luận ở các cấp khác nhau, trong khi việc sinh viên Nga sang Việt Nam thường không được phía Nga nêu ra. Một ví dụ điển hình là các diễn đàn thanh niên Nga - Việt gần đây, số chuyên gia trẻ người Nga về Việt Nam rất ít. 

Thật không may, thực tiễn quản lý ở LB Nga khiến những người ngẫu nhiên không có trình độ chuyên môn được bổ nhiệm để “phát triển” quan hệ giữa các quốc gia. Điều đó khiến dù các báo cáo thường xuyên lên tiếng về những “thành tựu”, chúng ta lại thấy kim ngạch thương mại, số lượng người Việt Nam học tiếng Nga, sinh viên Nga thực tập tại Việt Nam, và các chỉ số định tính và định lượng khách quan khác của hợp tác Nga - Việt… giảm dần. (Ví dụ: Thương mại Nga - Việt năm 2019 thấp hơn 23,8 lần so với Trung Quốc và 15,8 lần so với Hoa Kỳ). 

Thật đáng buồn khi quan sát thấy điều này ở các thành phố như Matxcơva, St. Petersburg và Vladivostok, nơi đã hình thành các trường đào tạo tiếng Việt mạnh từ thời Liên Xô. 

Các đối tác nước ngoài của chúng tôi như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… bất chấp khác biệt chính trị hay tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, đều thể hiện khả năng ấn tượng trong việc xây dựng chương trình nghị sự tích cực và phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam. 

Trong khi hoạt động của bộ máy hành chính Nga, dù giữa hai nước Nga - Việt không hề có vướng mắc lớn nào, lại làm giảm chất lượng của sự tương tác, minh chứng hùng hồn cho việc họ không có khả năng tổ chức công việc cho việc hướng Đông rất quan trọng này . 

Vậy hiện những đại học nào ở Nga đào tạo chính thức sinh viên các ngành Việt Nam học? Tuyển sinh ra sao? Số ứng viên thế nào? 

Như đã nói ở trên, hiện chỉ một số trường đại học mới đào tạo được chuyên gia chất lượng cao. Đó là những đại học có truyền thống lâu đời, như ĐHQG Saint Petersburg và ĐHQG Lomonosov, ĐHQG Viễn Đông và ĐHQG Ngoại giao Matxcơva. Ngành Việt Nam học ở Nga bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1930 tại Leningrad. Sau đó, giữa thập niên 50 xuất hiện vài trung tâm Việt Nam học tại Matxcơva và Leningrad. 

Cuối thập niên 80, ĐHQG Vladivostok cũng bắt đầu đào tạo chuyên gia về Việt Nam học. Tại ĐHQG Saint Petersburg chúng tôi hiện nay, tiếng Việt được dạy cho sinh viên nghiên cứu về Việt Nam và Campuchia. Thường thì trong lớp chỉ có khoảng 5 sinh viên, vì trong một thời gian ngắn họ phải học 4 ngoại ngữ: Việt, Hoa, Anh, Pháp. 

Ngoài các ngoại ngữ phương Tây và phương Đông, họ còn phải học các môn liên quan như lịch sử, tôn giáo, kinh tế, chính trị, văn hóa của nước họ nghiên cứu. Mà khoa phương Đông của ĐH Saint Petersburg chúng tôi đang dạy và nghiên cứu đến 90 ngôn ngữ phương Đông, cả tử ngữ và sinh ngữ.

Ông có thể nói thêm về những hội thảo chuyên đề liên quan đến Việt Nam học ở Nga hiện nay? 

Vừa rồi chúng tôi tổ chức mấy hội thảo liên quan tới xung đột ở Biển Đông, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và Ngày giỗ tổ Hùng vương toàn cầu. 

Đặc biệt, Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHQG Saint Petersburg phối hợp với Ban tổ chức Ngày Quốc tổ Hùng Vương toàn cầu cùng Hội người Việt tại Saint Petersburg tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu ảnh hưởng của thời đại Hùng Vương đến lịch sử Việt Nam”, với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo các học giả, chuyên gia, sinh viên Việt Nam và quốc tế. Người khai mạc và tổng kết hội thảo là GS. TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ĐCSVN. Chính GS. TS. Tạ Ngọc Tấn cũng đã khai mạc phòng làm việc của Viện Hồ Chí Minh vào năm 2015, cách đây 6 năm. 

Viện Hồ Chí Minh chúng tôi từ năm 2012 cũng có dự án “Vòng cung bất ổn Á - Âu và các vấn đề an ninh khu vực” nghiên cứu về tình hình an ninh trong các điểm chiến lược và các vấn đề địa chính trị hiện nay, kể cả vấn đề xung đột trên biển Đông.

Ngoài những trở ngại mang tính hành chính, quản lý nhà nước mà ông đã nêu trên, còn những thuận lợi và khó khăn gì trong nghiên cứu Việt Nam học ở Nga?

Hiện nay đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho việc giảng dạy, nghiên cứu. Trong năm học 2020-2021 chúng tôi dạy và học từ xa. Nhiều hội thảo khoa học đã phải tổ chức trực tuyến, như Hội thảo Việt Nam học quốc tế lần thứ 6 tại Việt Nam lẽ ra tổ chức vào tháng 12-2020 tại Hà Nội, nhưng phải dời lại vào tháng 7-2021. Tình hình hiện giờ, các nhà Việt Nam học Nga sẽ khó lòng sang Việt Nam tham dự được. Chúng tôi sẽ tham gia trực tuyến các phiên hội thảo.

Xin cảm ơn ông và chúc thành công!

90% sinh viên Nga học tiếng Việt tìm được việc làm 

Hiện nay, tiếng Việt được giảng dạy tại khoa Phương Đông như ngoại ngữ chính cho các sinh viên theo học tại tổ bộ môn Ngữ văn học Đông Nam Á - chuyên ngành Ngữ văn học Việt Nam, Ngữ văn học Việt - Khơme, Ngữ văn học Việt - Trung, và Lịch sử các nước Viễn Đông - chuyên ngành lịch sử Việt Nam, lịch sử Việt - Trung. Tiếng Việt cũng được giảng dạy như ngoại ngữ hai cho các sinh viên chuyên ngành Du lịch Đông Nam Á. 

Mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hóa, du lịch giữa Nga và Việt Nam ngày càng phát triển tích cực và sâu rộng, các công ty, cơ quan nhà nước Nga càng cần nhiều chuyên gia có trình độ tiếng Việt cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, chúng tôi định hướng và cố gắng sắp xếp chương trình đào tạo tiếng Việt thích hợp, trang bị cho sinh viên những kỹ năng cơ bản, cần thiết và chuyên sâu theo chương trình từng năm học: nghe, đọc, hiểu, dịch.

Sinh viên Nga sau khi tốt nghiệp không chỉ có kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thường nhật ở Việt Nam, mà còn có khả năng áp dụng những kiến thức đã học vào công việc của mình và tự tin trong công việc, chưa kể khả năng dịch các buổi hội đàm các cấp.

Môn Văn học Việt Nam được giảng dạy cho sinh viên Nga đang học tại tổ bộ môn Ngữ văn học Đông Nam Á. Hiện chúng tôi chú trọng đến các tác phẩm văn học của thời kỳ Đổi mới (từ năm 1986 đến nay). Đây không chỉ là một giai đọan quan trọng của văn học sử, mà còn đánh dấu bước thay đổi trong đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nghệ thuật nói riêng. Chúng tôi chọn lựa một số tác phẩm của các tác giả thời kỳ Đổi mới để làm tài liệu đọc hiểu cho sinh viên. Đồng thời, khuyến khích các em chọn đề tài nghiên cứu về các nhà văn của dòng văn học này để làm khóa luận và luận văn tốt nghiệp.

Hiện giảng viên giảng dạy các môn liên quan với tiếng Việt có 4 người (một mình tôi là người Việt). Các giảng viên người Nga đều tốt nghiệp ngành ngôn ngữ hay lịch sử Việt Nam tại khoa Phương Đông, trường ĐHQG St. Petersburg. 

Các sinh viên Nga chọn nguyên ngành Ngôn ngữ hay Lịch sử Việt Nam với nhiều lý do khác nhau. Có thể gia đình có người làm việc ở Việt Nam, sinh viên biết đến Việt Nam qua các chuyến đi du lịch, hay qua các bộ phim, kênh YouTube, hoặc đơn giản là muốn hiểu biết về đất nước Việt Nam gần Trung Quốc… 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành VN học tại tại khoa Phương Đông, ĐHQG St.Petersburg, 90% sinh viên tìm được việc làm tại các cơ quan nhà nước Nga như Bộ Ngoại giao (ở Matxcơva và các cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở VN), Bộ Kinh tế và Phát triển, Phòng thương mại Nga tại VN, lẫn các tập đoàn lớn như Gasprom, Rosatom, Roscongress, Rosoboronexport…, hay trong lĩnh vực du lịch vì những năm trước đại dịch, lượng du khách VN sang Nga tăng mạnh. Ngoài ra, hiện có mấy em đang sống, làm việc và lập gia đình tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Minh Hạnh (Giảng viên cao cấp Đại học quốc gia Saint Petersburg) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận