Khơi thông vận tải thủy ĐBSCL:Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

TUẤN PHÙNG THỰC HIỆN 26/11/2014 21:11 GMT+7

TTCT - Nhìn nhận việc phát triển giao thông thủy nội địa ĐBSCL “chưa được quan tâm đúng mức”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết mới đây bộ đã xác định tập trung tháo gỡ một số “điểm nghẽn” để giải quyết vấn đề này.

Các đội tàu và sà lan lên hàng tại cảng Trà Nóc (TP Cần Thơ). Do luồng hẹp và nhiều cầu có tĩnh không thấp, hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng ghe và sà lan đến các cảng - Ảnh: Chí Quốc
Các đội tàu và sà lan lên hàng tại cảng Trà Nóc (TP Cần Thơ). Do luồng hẹp và nhiều cầu có tĩnh không thấp, hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng ghe và sà lan đến các cảng - Ảnh: Chí Quốc

Ông Thể cho biết Bộ GTVT đã cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ bàn thảo về cách kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL để tìm một cơ chế, xây dựng những chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa khu vực này.

Những kiến nghị sau cùng từ đây đã được báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chấp thuận triển khai. 

* Thưa ông, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa ở ĐBSCL sẽ được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, chúng tôi đã giao các cơ quan, đơn vị thực hiện cụ thể một số nhiệm vụ để phát triển GTVT thủy nội địa cả nước, trong đó có ĐBSCL, từ rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa và kết nối với các phương thức vận tải khác; phân cấp quản lý luồng tuyến, chiều cao tĩnh không cầu bắc qua sông; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về vận tải thủy nội địa.

Đồng thời, các bên liên quan sẽ xây dựng phương án tuyến vận tải ven biển đáp ứng tàu vận tải chạy ven biển hoạt động, vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và các vùng trong khu vực... 

Với ĐBSCL, bộ xây dựng đề án khuyến khích phát triển GTVT bằng đường thủy nội địa, đề án nâng cao năng lực vận tải và phát triển dịch vụ logistics trên các tuyến vận tải thủy nội địa chính của khu vực này. Chúng tôi xác định cần tập trung giải quyết một số “điểm nghẽn”.

Đầu tiên là rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa để điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tiễn một cách nhanh nhất nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Về phát triển hợp lý các phương thức vận tải, sẽ điều chỉnh cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng vận tải thủy nội địa, kết nối phương thức vận tải thủy với các phương thức vận tải khác, trong đó chú trọng kết nối về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải.

Về nguồn nhân lực, chúng tôi đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các cơ sở đào tạo và các sở GTVT khẩn trương khắc phục những tồn tại trong công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. 

* Đối với những “điểm nghẽn” về hạ tầng, Bộ GTVT tập trung giải quyết những trọng điểm nào?

- Chúng tôi đề xuất các giải pháp để xử lý các vấn đề liên quan về tĩnh không cầu. Lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa sẽ được xây dựng với phương châm “theo thứ tự ưu tiên và dứt điểm”.

Theo đó, sẽ chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, duy tu bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác, gồm: các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (dự án WB5) cải tạo nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa từ TP.HCM đi Kiên Giang; tuyến đường thủy nội địa từ TP.HCM đi Cà Mau (hành lang ven biển phía Nam). 

Nút thắt tại khu vực Âu Tắc Thủ trong năm 2014 (phá dỡ đập đất và nạo vét khơi thông luồng) cũng sẽ được tập trung giải quyết; một số tuyến có khu vực khan cạn như kênh Xà No, kênh Lấp Vò - Sa Đéc sẽ được nạo vét bên cạnh việc thanh thải các chướng ngại vật trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, khu vực Bến Tre.

Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ việc thi công cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo để hoàn thành đưa vào khai thác, kết thúc dự án vào cuối năm 2015... 

* Năng lực xếp dỡ của các bến thủy nội địa là một vấn đề đáng bàn. Bộ có giải pháp nào cho việc này trong khi các bến thủy nội địa trong vùng có trang thiết bị lạc hậu, năng lực xếp dỡ hạn chế?

- Bộ đã ban hành thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định về hoạt động cảng bến thủy nội địa, trong đó phân cấp quản lý cho địa phương và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các địa phương sẽ phải khẩn trương ban hành quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn với năng lực thông qua và quy mô xếp dỡ hàng hóa phù hợp, như thiết bị xếp dỡ hàng rời, thiết bị xếp dỡ hàng bao, thiết bị bốc xếp hàng container.

Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chủ bến trong thủ tục cũng như trong cơ chế đầu tư mua sắm trang thiết bị một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực đường thủy” để huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức BOT, PPP, BT được triển khai, trong đó có huy động vốn đầu tư trang thiết bị, phương tiện xếp dỡ tại các cảng thủy nội địa chính của vùng ĐBSCL do các đơn vị trực thuộc bộ quản lý làm động lực giải tỏa hàng hóa thông qua, nâng cao vị thế của vận tải thủy nội địa.

Đối với các bến thủy nội địa sẽ rà soát lại năng lực, sắp xếp lại các bến theo đúng quy hoạch. 

Ông Nguyễn Văn Thể - Ảnh: T.P
Ông Nguyễn Văn Thể - Ảnh: T.P

* Kết nối đường bộ và đường thủy nội địa còn hạn chế thì khả năng phát triển vận tải thủy cũng không cao. Vấn đề này được giải quyết ra sao?

- Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án kết nối với hệ thống cảng, bến thủy nội địa. Các danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2015-2020 đã triển khai, đặc biệt ưu tiên kết nối đến hệ thống cảng khu vực Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Trong khi rà soát lại quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa (đang làm), sẽ bổ sung các cảng thủy nội địa chính tại các khu vực công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt chú ý đến việc kết nối với các phương thức vận tải khác như vận tải đường bộ, vận tải đường sắt (hoàn thành trong quý 4-2014).

Ngoài ra, cũng cần phải có chính sách ưu đãi về phí, giao đất hoặc cho thuê đất để cảng, bến thủy nội địa hoạt động lâu dài, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.

* Ngoài hạ tầng, Bộ GTVT sẽ làm gì để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vận tải thủy ở khu vực ĐBSCL?

- Các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vận tải thủy ở khu vực ĐBSCL sẽ được đề xuất cùng với lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành giao thông, hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đó sẽ ưu tiên, khuyến khích sáp nhập, mời gọi các doanh nghiệp quốc tế tham gia thị trường để hình thành các doanh nghiệp lớn, chủ đạo trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, có khả năng kết nối các phương thức vận tải, cung ứng dịch vụ vận tải đa phương thức.

Bên cạnh đó là hình thành hệ thống dịch vụ vận tải từ hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hoa tiêu đến cung ứng nguyên vật liệu, cung ứng các dịch vụ hậu cần tại các đầu mối giao thông.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về hỗ trợ thuế, giá, phí, lệ phí..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh các dịch vụ liên quan đến vận tải thủy nội địa.

Trên hành lang vận tải sẽ có nhiều phương thức vận tải chuyển dần khối lượng vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang vận tải thủy nội địa, đặc biệt là hàng hóa có khối lượng lớn, cự ly vận chuyển hàng xa.

Ngoài ra, sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận