Kinh tế 2021: Giành giật giá trị và tạo ra giá trị

NHIÊN ANH 27/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một năm đầy biến cố và thử thách với xã hội và nền kinh tế Việt Nam đã đi qua với không ít trăn trở đọng lại.

Tầm này năm ngoái, người viết đi dự tiệc cuối năm của một công ty FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện của Pháp. Đó là kiểu tiệc của những người lao động chăm chỉ. Sau chỉ 2 phút thủ tục tuyên bố ngắn gọn là biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn.

Tiết mục đầu tiên là tổng giám đốc người Ấn mặc váy đóng thổ dân da đỏ, kế đến là giám đốc tài chính người Pháp đóng khố người da đen châu Phi (không có ai cãi cọ chuyện “cướp đoạt văn hóa” ở đây, vui là chính, và đây là Việt Nam, chứ không phải Âu Mỹ).

Ban giám đốc biểu diễn xong thì đến các phòng ban trổ tài vũ đạo. Tan tiệc, cả khách lẫn chủ nắm tay nhau nhảy nối vòng tay lớn. Mọi người vừa có cảm giác xả hơi sau một năm căng thẳng dịch bệnh, vừa thấy phải tận hưởng gấp gáp vì tương lai không biết thế nào.

Ảnh: Pinterest

 

Những điều chưa từng thấy

Và tương lai đó - tức năm 2021 - sẽ được ghi nhớ là năm của những điều “chưa từng thấy” với nhiều thế hệ.

Từ nỗi ám ảnh tiếng còi xe cứu thương hụ suốt ngày trên những con đường vắng tanh không một bóng người, suốt hơn 100 ngày ở Sài Gòn, cho đến dáng đi như zoombie trong những bộ bảo hộ y tế màu xanh vừa là cứu tinh đấy, thoắt cái lại biến thành dấu hiệu của tang thương ập đến. 

Từ phấp phỏng chờ đợi từng lô vắc xin cho đến nhói lòng trước cảnh hàng chục ngàn đồng bào chất hết gia tài của bao nhiêu năm lập nghiệp lên xe máy để chạy về quê trong sự tuyệt vọng và bất định. 

Từ quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao và sự lúng túng, chồng chéo của chính quyền địa phương khiến công cuộc chống dịch có khi như hình ảnh đàn kiến tha mồi, mỗi chú kiến kéo về một phía và bằng cách nào đó, cả đoàn vẫn tiến lên được phía trước. 

Hệ thống y tế cơ sở, và sức mạnh tập thể của bản năng thời chiến tiềm tàng trong mỗi người Việt là nền tảng cho thành công của đất nước trong công cuộc chống dịch. 

Trong bối cảnh đấy, chúng ta tri ân sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và hàng trăm nghìn tình nguyện viên tuyến đầu, hàng triệu sự chia sẻ hữu danh và vô danh, những hành động nhân tính được thực hiện như điều nghiễm nhiên bắt nguồn từ căn tính người Việt.

Nhưng chúng ta cũng không khỏi ngậm ngùi nhận ra những điểm yếu cố hữu của xã hội Việt Nam, mà căn nguyên khó đổ lỗi cho yếu tố ngoại lai. Việc đi ra đường phải có giấy ký sống của phường, nên không có giấy thì đi đâu cũng bị phạt cho dù là lên phường… xin giấy. 

Việc ra văn bản vào cuối ngày thứ bảy về quy trình cấp giấy cho doanh nghiệp lưu thông, và yêu cầu thứ hai tuần sau phải thực thi, xảy ra hầu như khắp nơi, không thể giải thích là vì sự quan liêu của một chính quyền địa phương riêng lẻ.

Đó là sự yếu kém của hệ thống quản trị xã hội mà ta buộc phải nhìn nhận để thay đổi. Câu chuyện triển khai “3 tại chỗ” của các hãng xưởng sản xuất thực sự đã trở thành ác mộng với nhiều chủ doanh nghiệp. 

Với cả các doanh nghiệp FDI, khi vướng trong rừng quy định đọc mãi không hiểu, nơi để họ kêu cứu sự giúp đỡ, chỉ có thể là Nhà nước.

Những ông lớn như Honda hay Samsung phải viện đến ảnh hưởng lớn của họ để đề nghị chính quyền tỉnh chấp thuận cho các nhà cung cấp hoạt động. 

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có tiếng nói “nặng ký” như Honda hay Samsung. Tình cảnh chung là những nỗ lực để doanh nghiệp trên địa bàn có thể hoạt động trong điều kiện dịch bệnh có vẻ chưa được coi là ưu tiên với cơ quan công quyền.

Đâu là nền tảng của nền kinh tế?

Trong hoàn cảnh thích ứng với dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam, cả khối nội lẫn ngoại, lại bộc lộ nhiều nhược điểm chết người mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu: năng lực R&D. 

Khi Trung Quốc điêu đứng vì đợt dịch cuối năm 2019, các doanh nghiệp nội địa đứng trước cơ hội nhận thêm đơn hàng để thay thế nguồn cung của họ.

Tất cả đều sẵn sàng đợi được phê duyệt mẫu để sản xuất hàng loạt thì dịch bùng phát đợt bốn với biến thể Delta, tất cả ngưng lại vì lý do - nói ra thật đau lòng: Mẫu gửi về lab công ty ở Úc, Malaysia… không được do đình trệ vận tải hàng không. 

Bộ phận kỹ thuật của công ty ở Việt Nam không đủ khả năng và quyền phê duyệt mẫu hàng mới. Tất cả lại dừng hoặc chỉ chạy với số lượng khẩn cấp.

Đấy là thực trạng của ngay nhiều công ty FDI cả châu Âu lẫn Nhật Bản tại Việt Nam, chứ đừng nói doanh nghiệp nội: có thâm niên trên 10 năm hoạt động, nhưng không có nổi một phòng R&D tại chỗ, dù thiết bị và kỹ năng để vận hành bộ phận đấy không đòi hỏi gì quá cao siêu. 

Có hai lý do. Khách quan thì bản thân công ty mẹ không muốn lập bộ phận R&D ở Việt Nam vì mục đích chuyển giá. Còn chủ quan thì R&D là cái phòng mà kỹ sư Việt Nam ít người muốn làm, không phải vì nó khó về mặt kỹ thuật, mà do phải xử lý nhiều quy trình, hồ sơ mang tính hệ thống, đòi hỏi kỷ luật ngặt nghèo, thứ công việc người Việt chưa bao giờ được coi là mạnh.

Chưa kể, chi phí cho công đoạn này cao hơn rất nhiều chi phí sản xuất tính trên hiệu suất lao động. Theo kinh nghiệm của người viết, các hoạt động R&D thực tiễn phục vụ sản xuất kinh doanh trong khu vực, mạnh nhất đang là Malaysia (nếu không kể Singapore, vốn đặc thù và đi trước cả vùng Đông Nam Á khá xa). 

Nói ra điều này để chúng ta bớt ảo tưởng về căn tính người Việt, và căn tính đó thực sự đã và đang là vật cản cho cả ngành công nghiệp gia công, chế tạo và lắp ráp nội địa.

Một điểm yếu chí mạng khác của nền sản xuất trong nước là sự dễ tổn thương khi giá cả nguyên vật liệu biến động, như năm điên rồ vừa qua. 

Trải qua một đợt bể dâu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu muốn sống sót và không nhận được đủ hỗ trợ từ nhà nước, sẽ (buộc phải) chọn hướng phát triển ít rủi ro: thuần túy gia công cho khách hàng lớn, nhận nguyên vật liệu từ họ và chỉ có lời từ phí gia công, với mức giá gần như bị ấn định, khó bề thương lượng. 

Điều này đã và đang xảy ra ở nhiều công ty sản xuất là thầu phụ cấp 2, 3, tức những hãng xưởng nội địa. Về lâu dài, nó sẽ gia cố thêm sự trì trệ của nền công nghiệp gia công, và tương lai thực sự có một thương hiệu Việt có hàm lượng chất xám đủ sức làm vẻ vang đất nước, như Samsung, sẽ càng xa vời.

Đi tìm những gì thực chất

Các con số mà truyền thông chính thống hay nêu để phản ánh sự lạc quan của nền kinh tế là số lượng doanh nghiệp mới ra đời. Nhưng câu hỏi căn cơ hơn sẽ là đã có bao nhiêu việc làm bền vững được tạo ra.

Hai sự kiện “tỉ đô” đã diễn ra gần như đồng thời vào cuối năm phần nào trả lời câu hỏi đó. 

Tập đoàn đồ chơi trẻ em Lego nổi tiếng của Đan Mạch đầu tư nhà máy ở Bình Dương - nhà máy thứ hai ở châu Á của họ - với quy mô tạo ra việc làm trực tiếp cho khoảng 4.000 lao động và không dưới 50 nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, tức vô số việc làm gián tiếp nữa. 

Một chỉ dấu lạc quan của tương lai đầu tư FDI, lĩnh vực mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế về môi trường đầu tư so với các quốc gia trong khu vực.

Sự kiện thứ hai xác lập một kỷ lục tầm thế giới. Hơn 10.000m2 đất của trung tâm Sài Gòn tương lai - khu đô thị Thủ Thiêm - được đấu giá thành công với giá 24.500 tỉ đồng, tức 1m2 đất có giá hơn 2,4 tỉ đồng, tương đương khoảng 100.000 USD. 

Con số đó thậm chí còn cao hơn số giá đất ở những nơi được mệnh danh là tấc đất tấc vàng của thế giới như Hong Kong, Tokyo, New York…

Sự kiện tỉ đô này gây sốc cho rất nhiều người thậm chí chưa có khái niệm tỉ đồng là gì, vốn vẫn chiếm phần đông dân chúng, và cũng phản ánh phần nào thực trạng nền kinh tế quốc gia. Việc Nhà nước bán được đất với giá cao như thế, một cách công khai minh bạch hơn nhiều so với những vụ đổi chác đất vàng mờ ám từng khiến không ít lãnh đạo chính quyền vướng vòng lao lý, là điều rất đáng mừng.

Nếu những người trúng thầu trả tiền đúng theo luật thì chỉ với một lô đất, ngân sách thành phố có thêm gấp bốn lần số tiền thuế trung ương vừa quyết định để lại. Hầu bao của Sài Gòn sẽ bớt eo hẹp cho việc chi tiêu. Nhưng vẫn còn vương vất nhiều câu hỏi. Với cái giá 2,4 tỉ đồng một mét vuông đất này, ai được hưởng lợi và bản hạch toán lợi ích xã hội tổng quát sẽ cho ra một con số dương hay âm?

Rồi giá những lô đất cách Thủ Thiêm 1km, 5km, 10km… sẽ tăng bao nhiêu lần - cả ảo lẫn thực, nếu các chuyên gia bất động sản dùng con số 2,4 tỉ kia làm giá trị tham chiếu? Đó là câu hỏi day dứt hơn bề ngoài: Tại sao tiền có thể xuất hiện dễ dàng khi nói đến bất động sản, chứng khoán, bitcoin…, nhưng lại rất khó khăn khi nói đến đầu tư cho sản xuất, chấn hưng giáo dục, hay cải thiện năng suất lao động? Thực tế đó xuất phát từ chiến lược phát triển vĩ mô, phát triển nhanh (và bền vững!), hay phản ánh căn tính người Việt Nam? Và liệu thực tế đó có thể thay đổi không?

Diễn biến nền kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ là một phần câu trả lời. Mong sao nhờ những chính sách phục hồi kinh tế hợp lý của Nhà nước, nhờ vào nỗ lực của những người vẫn tin ở sự chăm chỉ và giá trị thật của lao động, số việc làm được tạo ra năm tới sẽ nhiều hơn số mét vuông đất được mua đi bán lại. Đấy phải là một cuộc tranh đấu, giữa giấc mơ giàu có nhanh chóng và sự phát triển ổn định, giữa sự giành giật và tạo ra giá trị.

Và chúng ta buộc phải hy vọng!■

Những điểm sáng

Xuất khẩu trong cả năm dự kiến vẫn đạt 331,1 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm ngoái nhờ đóng góp chủ yếu của các sản phẩm công nghệ. Cán cân thương mại nghiêng về phía thặng dự với giá trị 2 tỉ USD. Dù mức này giảm đáng kể so với 19,9 tỉ USD năm 2020, nhưng trong môi trường đầy biến động, đây là kết quả khả quan và hỗ trợ tốt cho sự ổn định của tiền đồng.

Thu hút FDI cũng lạc quan với những dự án có tính biểu tượng ngay trong mùa dịch: Hãng sản xuất đồ chơi Lego (Đan Mạch) công bố đầu tư 1 tỉ USD xây dựng nhà máy mới ở Bình Dương; Long An đón nhận dự án điện khí LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký 3,1 tỉ USD; dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỉ USD… Tổng cộng 11 tháng qua, tổng vốn đăng ký FDI tăng lên 26,5 tỉ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện của các dự án đạt 17,1 tỉ USD, giảm nhẹ 4,2%.

Lạm phát được kiểm soát dưới 4% theo mục tiêu của Chính phủ, dù giá năng lượng tăng cao. Nguyên nhân có thể là do sức cầu tiêu dùng suy yếu sau đợt COVID-19 lần thứ tư bùng phát, khiến doanh nghiệp còn ngại ngần chưa chuyển hết khoản tăng chi phí đầu vào sang giá bán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận