​Loay hoay với chính quyền địa phương

LÊ KIÊN 27/04/2015 19:04 GMT+7

Xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực là một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng được đặt ra từ nhiều năm qua. Việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp giữa năm 2015 tới đây được kỳ vọng là cơ hội lớn nhất để đổi mới tổ chức bộ máy, đáp ứng mục tiêu này. Nhưng thực tế cho thấy những gì?

 

Ngày 15-11-2008, các đại biểu Quốc hội khóa XII bấm nút thông qua nghị quyết “về việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường”. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 25-4-2009 (trong phạm vi 10 tỉnh, thành với 67 huyện, 32 quận và 483 phường) đến nay chưa kết thúc, cũng chưa có kết luận chính thức là cuộc thí điểm thành công hay thất bại, mặc dù đã nhiều lần các đại biểu Quốc hội khóa XIII thẳng thắn nêu câu hỏi giữa nghị trường.

Đây quả thật cũng là một điều lạ, bởi lẽ câu trả lời cần phải có trước khi dự Luật chính quyền địa phương được đệ trình lên Quốc hội.

GIỮ HAY BỎ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN?

Còn nhớ khi bắt đầu thí điểm, những người cổ xúy cho chủ trương này đã đưa ra rất nhiều lập luận với các mỹ từ.

Xin trích lại một đoạn TS Văn Tất Thu, thứ trưởng Bộ Nội vụ, viết, đăng ở nhiều báo: “Không tổ chức HĐND cấp huyện là tinh giản cơ quan đại diện bao hàm trong chính quyền cấp tỉnh sẽ bảo đảm cho bộ máy hành chính nhà nước thông suốt hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhân dân được tiếp xúc trực tiếp với chính quyền - UBND, được chính quyền trực tiếp nghe các ý kiến phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của mình và được chính quyền trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của mình, được trực tiếp đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, được UBND trực tiếp báo cáo về hoạt động của chính quyền, có thông tin đầy đủ để trực tiếp giám sát các hoạt động của UBND”.

Hơn một năm sau khi thực hiện thí điểm, TS Thu tiếp tục khẳng định đây là một chủ trương “hoàn toàn đúng”. Thậm chí khi nghe câu hỏi “nhỡ thất bại thì sao?”, một trong những người chỉ đạo cuộc thí điểm này đã khẳng định thí điểm là để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai trên phạm vi toàn quốc chứ không phải để dừng lại.

Nhiều mỹ từ cũng đã được sử dụng để mô tả sự thành công của thí điểm trong cuộc sơ kết đầu tiên, thậm chí trong báo cáo còn nêu rằng không tổ chức HĐND thì khiếu nại, tố cáo giảm hẳn. Sau đó, có đại biểu Quốc hội đã đặt ngược câu hỏi rằng HĐND gây ra tội nợ gì mà có “nó” thì lại nhiều khiếu nại, tố cáo?

Để giải đáp một phần những câu hỏi đặt ra, trưởng Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Nương đã chủ trì hai cuộc giám sát, đi đến nhiều địa phương để đánh giá tình hình, lắng nghe và thu thập ý kiến. Kết quả: “Ở cả những tỉnh, thành tổ chức thí điểm và tỉnh, thành không tổ chức thí điểm, ý kiến không đồng tình bỏ HĐND quận, huyện, phường chiếm đa số” - bà Nương cho hay.

Đã là chính quyền thì phải có cả cơ quan hành chính và cơ quan dân cử. Thậm chí có những đại biểu, như ông Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng trên thế giới không ai tổ chức chính quyền mà chỉ có UBND như kiểu VN đang thí điểm. Lúc này nhiều người mới đặt ngược lại vấn đề: cuộc thí điểm dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn nào?

Các cơ quan tham mưu của Quốc hội từng tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo về mô hình chính quyền địa phương và dẫn chiếu các kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia, thị trưởng, nghị sĩ Nhật Bản không ít lần đến VN trao đổi kinh nghiệm của họ.

Sự thật thì Nhật Bản cũng từng thí điểm bỏ cơ quan dân cử cấp huyện vào năm 1921. Nhưng người Nhật lập tức nhận ra rằng quyền lực phải bị giám sát, chế ước, nên đến năm 1926 họ đã bỏ hẳn chính quyền cấp huyện, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp hạt).

Chính quyền “của dân, do dân, vì dân” lại càng phải có cơ quan đại diện của người dân để quyết định những vấn đề của địa phương, địa hạt mình. Những lý giải kiểu như không có HĐND thì đã có MTTQ và các đoàn thể xã hội giám sát trở nên lạc lõng, đơn giản là vì không thể thay thế giám sát quyền lực bằng giám sát của đoàn thể.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi phải chăng mô hình thí điểm này thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc? Và vì vậy mô hình này đã không có bóng dáng trong dự Luật tổ chức chính quyền địa phương.

CỬ TRI BẦU CHỦ TỊCH PHƯỜNG: MÔ HÌNH LẠ

"Ở TP trực thuộc trung ương thành lập thêm ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô"
 

Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 16-4) đưa ra hai phương án về mô hình chính quyền địa phương. Theo phương án một, tất cả các đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Chính quyền ở đô thị, nông thôn, hải đảo được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bộ máy cho phù hợp với đặc điểm mỗi nơi.

Ví dụ, “Ở TP trực thuộc trung ương thành lập thêm ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô”.

Theo phương án hai, tại các đơn vị hành chính khác đều tổ chức HĐND và UBND, nhưng riêng ở phường do đặc điểm đô thị nên không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Không có HĐND thì cơ quan hành chính phường được tổ chức như thế nào? Dự thảo luật cũng đưa ra hai phương án: Thứ nhất: chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Thứ hai: chủ tịch UBND phường do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Theo cách lý giải trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đặc điểm đô thị nên ở phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương. Điều này có nghĩa cơ quan hành chính phường chỉ là “cánh tay nối dài” của cấp chính quyền quận, hiểu nôm na thì phường trong trường hợp này là “văn phòng đại diện” của chính quyền quận tại cơ sở, thừa hành công việc của quận.

Từ đây, vấn đề quan trọng về mặt lý luận được đặt ra: không phải là một cấp chính quyền, chỉ là “cánh tay nối dài”, “văn phòng đại diện” thì tại sao lại đưa ra phương án cử tri bỏ phiếu bầu trực tiếp chủ tịch UBND phường? Có lẽ nếu được áp dụng thì đây là một mô hình lạ trên thế giới. Cũng có lẽ vì nó quá lạ nên tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đa số ý kiến không đồng tình.

GỢI Ý MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN HAI CẤP

“Cần có sự đổi mới một cách đột phá, không ngại sự xáo trộn” - Phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng tha thiết đề nghị. Đây cũng là quan điểm của TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Bà Hoàng khẳng định hơn một năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện rà soát rất kỹ về tổ chức bộ máy cũng như phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị thì thấy bộc lộ một số nhược điểm cần quan tâm như sau:

Một, về tổ chức bộ máy thì cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Một số chức năng, nhiệm vụ còn do nhiều tổ chức, nhiều đơn vị, nhiều cấp chính quyền cùng thực hiện.

Hai, bộ máy nội sinh để phục vụ chính mình chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng biên chế, có thể nói từ 20-35%.

Ba, giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhưng chưa thống nhất, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả, vẫn còn tạo ra các tầng nấc trung gian dẫn đến thêm cồng kềnh bộ máy.

Bốn, số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách đông, có xu hướng ngày càng tăng.

Năm, các cơ chế tuyển dụng, sử dụng, phân bổ ngân sách không theo kịp yêu cầu đổi mới về kinh tế. Do đó có tình trạng trì trệ, ỷ lại và máy móc trong quá trình thực hiện”.

“Chồng chéo như vậy thì không bao giờ ta nâng cao được chất lượng bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để nâng lương, để công chức sống bằng lương, chống nhũng nhiễu. Tôi tiếp tục đề nghị chúng ta nên mạnh dạn, Hiến pháp mở, chúng ta nên tiến tới tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hoàn chỉnh: tỉnh và cơ sở” - ông Lịch nói. Theo ông, cần có thời gian chuyển tiếp trong khoảng năm năm, duy trì cấp huyện trong thời gian này, sau đó chuyển đổi từ chính quyền ba cấp xuống hai cấp.

Để làm được như ông Lịch nói, chắc chắn là bộ máy hành chính phải “chịu đau” khi thực hiện cuộc “đại phẫu”, sắp xếp lại trên quy mô toàn quốc. Chính quyền hai cấp gọn nhẹ, phân cấp phân quyền rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phát triển “Chính phủ điện tử”, loại ra khỏi bộ máy nhà nước những công chức thuộc dạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cải cách chế độ tiền lương... mới đúng xu thế của thế giới.

Ở Nhật Bản, sau nhiều lần cải cách, hiện nay chính quyền địa phương hai cấp của họ gồm 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh và khoảng 1.900 đơn vị hành chính cấp hạt, bộ máy rất gọn nhẹ, hiệu quả. Nếu Việt Nam tổ chức chính quyền hai cấp, lấy cấp huyện làm trung gian như phương án của TS Lịch thì số lượng đơn vị hành chính vẫn rất lớn với 63 tỉnh, thành phố và hơn 11.000 xã, phường.

Có những ý kiến đề xuất là nên tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở sáp nhập với quy mô phù hợp, giảm số lượng đơn vị hành chính, để cử tri bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã và tổ chức HĐND thực quyền để quyết định những vấn đề của địa phương và giám sát bộ máy hành chính. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận