Mấy lời biện giải cho chủ nghĩa quốc gia

CHIÊU VĂN 29/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Chủ nghĩa quốc gia, là điều tự nhiên ở mỗi người, và ở những mức độ và hoàn cảnh nhất định, thật sự có ý nghĩa lớn trong việc làm thay đổi cuộc sống mỗi công dân của quốc gia đó theo hướng tích cực hơn, đồng thời không hề làm phương hại tới các quốc gia khác.

Bước tiến của đất nước Hoa Kỳ, tranh của John Gast vẽ năm 1872, tác phẩm hội họa tiêu biểu của chủ nghĩa quốc gia. Trong tranh, người phụ nữ với ngôi sao trên đầu và cuốn sách giáo khoa trên tay là đại diện cho
Bước tiến của đất nước Hoa Kỳ, tranh của John Gast vẽ năm 1872, tác phẩm hội họa tiêu biểu của chủ nghĩa quốc gia. Trong tranh, người phụ nữ với ngôi sao trên đầu và cuốn sách giáo khoa trên tay là đại diện cho "Vận mệnh hiển nhiên" (Manifest Destiny) của đất nước Mỹ: sẽ trải rộng "từ bờ biển sáng này tới bờ biển sáng kia", tức từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia

“Không thể tạo ra một cộng đồng vừa có ý nghĩa lại vừa hoàn toàn cởi mở; một cộng đồng càng có ý nghĩa với những thành viên của nó thì tất yếu càng có tính loại trừ với những ai không phải thành viên của nó”.

Mấy lời đó của học giả người Israel Yael Tamir trong cuốn sách xuất bản năm 2019 của bà Why Nationalism? (tạm dịch: Tại sao lại là chủ nghĩa quốc gia?) có lẽ là đủ để tổng kết cho tinh thần “quốc gia chủ nghĩa” trong tình hình mới hiện nay - một nền chính trị ngày càng phân cực trong một thế giới ngày càng kết nối mạnh mẽ.

Tiếng xấu

Trước hết, cần xác định rõ vấn đề “chính danh - định phận” giữa tên gọi và nội hàm. Điều mà lâu nay ở Việt Nam vẫn được gọi là “chủ nghĩa dân tộc” (nationalism trong tiếng Anh) có lẽ phải gọi là “chủ nghĩa quốc gia” mới chính xác.

Các học giả quan trọng về đề tài này đều khẳng định chủ nghĩa quốc gia gắn với yếu tố “chủ quyền với một vùng lãnh thổ được coi là quê hương”, rằng mỗi quốc gia phải có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, không chịu sự áp đặt hay can thiệp từ bên ngoài, và là cơ sở tự nhiên và lý tưởng để hình thành một thực thể chính trị.

Dù cũng gắn với yếu tố dân tộc (hay sắc tộc), chủ nghĩa quốc gia rộng lớn hơn, bao gồm trong nó văn hóa, phạm vi địa lý, ngôn ngữ, truyền thống, và cả tôn giáo, tín ngưỡng, hệ giá trị… trong một lịch sử đơn nhất.

Trong những ngày tháng 9 này, chúng ta cũng nhớ lại khoảnh khắc trọng đại của 75 năm trước, ngày 2-9-1945, khai sinh một quốc gia - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quốc gia theo nghĩa hiện đại và thực sự độc lập đầu tiên của cộng đồng các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài yếu tố lịch sử, sự đổi tên cho nhau giữa “chủ nghĩa dân tộc” và “chủ nghĩa quốc gia” còn mang một ý nghĩa thực tế: chủ nghĩa quốc gia thường mang tiếng xấu. Bắt đầu từ thế kỷ 20, và nhất là sau Thế chiến II, chủ nghĩa quốc gia bị quy kết đủ thứ tội danh: là thủ phạm tạo ra chủ nghĩa dân túy mù quáng, chiến tranh, thậm chí là nạn diệt chủng.

Giới khoa học chính trị thì nói chủ nghĩa quốc gia là lý do gây ra nội chiến, kích động tham vọng lãnh thổ và chủ nghĩa bá quyền, từ Rwanda tới Nam Tư, từ Đức Quốc xã tới nước Pháp thời Napoleon. Giới kinh tế gia lại càng ghét bỏ nó.

Với họ, chủ nghĩa quốc gia là sự bẻ hướng phi lý các nguồn lực ra khỏi nguyên tắc kinh tế thị trường, cản trở tăng trưởng và thúc đẩy tham nhũng. Cũng chính sự tôn sùng con người kinh tế - duy lý, ưu tiên lợi ích bản thân trên hết và luôn lựa chọn tối ưu đó khiến chủ nghĩa quốc gia càng bị tô màu đen tối.

Thế giới càng “tiến bộ” và “cởi mở” (?), giới học giả càng ác cảm với chủ nghĩa quốc gia. “Những gốc rễ sâu xa hơn của thái độ chống chủ nghĩa quốc gia là ở hệ giá trị của giới học giả”, bài viết Is Nationalism Good for You? của Foreign Policy ngày 8-10-2009 nhận định.

“Thành công trong thế giới học thuật thường được đánh giá qua khả năng tư duy logic lạnh lùng. Cảm xúc mãnh liệt thường bị nghi ngờ”. Trong khi đó, chủ nghĩa quốc gia - đi kèm là lòng ái quốc ở nhiều mức độ - bao gồm những yếu tố cảm xúc mãnh liệt trong nó.

Đất nước tôi, bản sắc tôi

Trở lại với nhận định ở trên của Tamir, bản thân là một người Israel - một ví dụ có phần cực đoan về chủ nghĩa quốc gia, khó thể phủ nhận một cảm nhận chung mang tính cộng đồng là điều tự nhiên ở mỗi con người.

Bắt đầu từ gia đình, dòng họ, bạn bè, rồi mở rộng ra làng xóm, quê hương, đất nước, chủ nghĩa quốc gia mang trong nó những giá trị bền vững thật sự. Sự chỉ trích nhằm vào nó thường là trên cơ sở những ví dụ có chọn lọc, những biệt lệ hơn là phổ biến.

Ở mức độ xã hội, chúng ta thường yêu mến và định vị bản thân gắn với gia đình mình. Điều đó không có nghĩa chúng ta coi hàng xóm láng giềng đều là mối đe dọa. Chủ nghĩa quốc gia, một khi đã trưởng thành, cũng sẽ giống vậy.

Bằng cách tin rằng tất cả mọi người trong một quốc gia phải nỗ lực cùng nhau, các công dân của quốc gia đó trân trọng hạnh phúc của đồng bào bên cạnh hạnh phúc bản thân, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn và bất trắc - như đại dịch COVID-19 chẳng hạn. Ở mức độ quốc gia, chủ nghĩa quốc gia khiến mọi người ít vị kỷ hơn.

Ngay cả về mặt kinh tế, chủ nghĩa quốc gia cũng có những nền tảng xác đáng. Bất cứ nền kinh tế nào cũng bao gồm hàng triệu triệu giao dịch kinh tế mỗi ngày, và một phần đa số trong những giao dịch đó là giữa những người "nhiễu điều phủ lấy giá gương" của nhau.

Cũng có thể hiểu điều mà giới kinh tế gia tự do gọi là “tính không duy lý” của chủ nghĩa quốc gia một cách hoàn toàn duy lý: bạn sẵn sàng trả cao hơn một chút cho tiệm phở đầu đường mà bạn đã ăn 20 năm qua và quen biết rõ từ chủ quán tới nhân viên thay vì một tiệm khác mới mở, ngay cả khi nó sang chảnh hơn, ngon hơn, hay giá rẻ hơn. Chủ nghĩa quốc gia lớn mạnh từ những điều nhỏ nhoi đó.

Không có chủ nghĩa quốc gia, các công dân sẽ không ngần ngại xâm phạm quyền lợi của nhau để làm lợi cho bản thân. Foreign Policy đưa ra một so sánh thú vị: “[Khi thiếu chủ nghĩa quốc gia], nền kinh tế biến thành một bầy ruồi, mỗi con chỉ biết tới lợi ích của mình. Ngược lại, nền kinh tế quốc gia chủ nghĩa giống một tổ ong, mỗi con ong ý thức rõ ràng về lợi ích của cả bầy”.

Bằng chứng thực nghiệm

Lợi ích của chủ nghĩa quốc gia, nếu không có bằng chứng định lượng, sẽ là một cuộc tranh cãi bất tận. May mắn là ngày nay chúng ta đã ít nhiều có trong tay dữ liệu để đối chiếu. Chương trình Khảo sát xã hội quốc tế (ISSP) - một tổ chức đặt tại Na Uy - đã đo đạc mức độ cao thấp của chủ nghĩa quốc gia ở các nước giai đoạn 1995 - 2003.

Trong cuộc thăm dò, người dân 34 nước được hỏi họ đồng ý tới mức nào với tuyên bố: “Đất nước tôi là tốt đẹp nhất”. Một phát hiện nhất quán: những nước có mức độ chủ nghĩa quốc gia cao hơn cũng là những nước giàu hơn.

Châu Á cũng không ngoại lệ: các nền kinh tế lớn bậc nhất - Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - là những nơi có tinh thần quốc gia mạnh mẽ nhất. Ở quy mô nhỏ hơn, Hong Kong, Singapore hay Đài Loan, những nền kinh tế rất phát triển khác, cũng là nơi dân chúng ý thức đặc biệt về bản sắc và những hệ giá trị riêng có.

Thăm dò của ISSP còn xua tan một ngộ nhận quen thuộc: Các nước nhỏ ở Đông Âu như Latvia hay Slovenia thực ra không phải là nơi có tinh thần quốc gia mạnh nhất, mà là những nước phương Tây giàu nhất như Úc, Canada và Mỹ.

Những tính tốt của chủ nghĩa quốc gia đã chuyển vào túi tiền của dân chúng quốc gia đó. Lòng yêu nước giờ định lượng được bằng những tiến triển trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng có thể giải thích điều đó ra sao?

Một ví dụ là tham nhũng. Tình trạng tham nhũng lan tràn gây thiệt hại cho tất cả mọi người trong xã hội, nhưng thiệt hại trung bình với một cá nhân đơn lẻ sẽ là nhỏ tới mức không đáng kể. Không có chủ nghĩa quốc gia và một ý thức về sứ mệnh chung, cá nhân đó sẽ thấy không đáng để đương đầu và tham gia giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Ngược lại, những ai sôi sục nhiệt tình yêu nước sẽ muốn thấy đất nước mình dứt bỏ được đám quan chức nhũng lạm cản trở phát triển. Tương tự, trong đời sống xã hội, những công dân sẵn sàng “vị quốc vong thân” cũng quan tâm hơn tới đồng bào của mình, và như thế không muốn xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Kết luận ở đây là gì? Chủ nghĩa quốc gia, tự thân nó không tốt hay xấu, là điều tự nhiên ở mỗi người, và ở những mức độ và hoàn cảnh nhất định, thật sự có ý nghĩa lớn trong việc làm thay đổi cuộc sống mỗi công dân của quốc gia đó theo hướng tích cực hơn, đồng thời không hề làm phương hại tới các quốc gia khác.■

Ba nguyên lý xây dựng quốc gia

Theo giáo sư Andreas Wimmer - Đại học Columbia, tác giả cuốn Nation Building: Why Some Countries Come Together While Others Fall Apart (Xây dựng quốc gia: Tại sao một số quốc gia gắn kết, còn những quốc gia khác lại tan rã, 2018), đó là:

1. Hỗ trợ các tổ chức xã hội giúp kết nối các cá nhân vượt qua những ranh giới về giới, sắc tộc, tình trạng kinh tế…

2. Cung cấp tốt hơn những hàng hóa công quan trọng nhất: nền pháp trị và quản trị nhà nước liêm chính.

3. Củng cố hệ thống giáo dục phổ thông nhằm phổ biến cho các công dân tương lai một ngôn ngữ và hệ giá trị thống nhất, hoặc đa ngôn ngữ có hệ thống.

Bà là người Israel, một quốc gia khác thường trên thế giới: nhỏ bé, cố kết quanh Do Thái giáo, và tương đối giàu có. Liệu điều đó có khiến bà ưu ái đặc biệt chủ nghĩa quốc gia? Những ý tưởng của bà có thể áp dụng cho các quốc gia với đặc điểm khác nhau như thế nào, chẳng hạn như Trung Quốc, Mỹ, Congo hay Myanmar?

Tamir: Chắc chắn là xuất thân của tôi ảnh hưởng tới tư duy của tôi. Nhiều người cho rằng cả thế giới đang dịch chuyển sang một thời đại hậu quốc gia và chủ nghĩa quốc gia ở Israel là ngoại lệ, nhưng làn sóng quốc gia chủ nghĩa hiện giờ cho thấy không hẳn như vậy. Chủ nghĩa tân tự do toàn cầu không đưa ra được một giải pháp chính trị khả dĩ.

Nó không trả lời được những khát khao cơ bản nhất của con người: quyền được tự trị và tự quyết, được thuộc về một quê hương bản quán, được sống cuộc đời có ý nghĩa, thuộc về một cộng đồng, được tự hào, được thấy sự ổn định và tiếp nối giữa các thế hệ (hay ảo tưởng về điều đó cũng được). Khi bỏ quên những nhu cầu đó, chủ nghĩa toàn cầu đã trở nên phi nhân tính. Không có gì ngạc nhiên khi chủ nghĩa quốc gia lại đang thắng thế.

Tuy nhiên, tình hình ở các khu vực không phải Tây phương có thể khác. Ở những vùng đó, chủ nghĩa toàn cầu giúp tạo ra một giai cấp trung lưu mới, có giáo dục đang định hình lại bối cảnh chính trị. Chủ nghĩa quốc gia tương tác với những tập tục chính trị truyền thống, phản ánh cấu trúc văn hóa và truyền thống địa phương.

(Trích trả lời phỏng vấn của Yael Tamir với The Economist, 28-2-2019)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận