Mổ thức tỉnh: Bác sĩ mổ, bệnh nhân... nói và hát

LAN ANH 04/07/2020 23:07 GMT+7

Ngành y Việt Nam đã có nhiều kỹ thuật ngoại khoa mới hoặc được cải tiến, phát triển từ kỹ thuật đã có, giúp điều trị hiệu quả cho những người bệnh mắc những căn bệnh phức tạp, tại vị trí khó.

 

Phẫu thuật qua lỗ tự nhiên

Chị H.B., 37 tuổi, ở Long Biên (Hà Nội), đột nhiên bị mờ một bên mắt và gần như mất thị lực mắt còn lại. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy chị có khối u tuyến yên, khối u lớn dần và chèn làm ảnh hưởng thị lực.

Chị B. được phẫu thuật lấy khối u tuyến yên kích thước khoảng 3cm qua đường mũi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chỉ 1 ngày sau mổ, thị lực của chị đã lấy lại phần nào, 5 ngày sau mổ chị nhìn được rộng hơn và 6 ngày sau mổ chị được ra viện.

“Từ khi ra viện đến nay khả năng nhìn tăng thêm mỗi ngày, tầm nhìn rộng hơn, thị lực gần bằng trước đây”, chị B. nói. Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân - phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh 1 (BV Hữu nghị Việt Đức) - giải thích kỹ thuật mổ này được thực hiện bằng cách đưa thiết bị y tế qua đường mũi, cưa xoang bướm để đưa thiết bị đến gần khối u, kết hợp hệ thống định vị giúp thiết bị tìm chính xác khối u, cắt nhỏ khối u để đưa ra ngoài, cũng qua mũi.

Đường mổ qua mũi còn được sử dụng để lấy những khối u tuyến yên, u màng não, u sọ hầu. Đường miệng - cũng là một “lỗ tự nhiên” khác - được sử dụng để mổ những khối u ở vị trí thấp hơn, như u nền sọ...

Cũng tại BV Hữu nghị Việt Đức, một bệnh nhân trên 60 tuổi, bị tiểu đường, gần đây có biểu hiện mặt sưng tròn (giống người uống quá liều corticoid và bị giữ nước), da giãn nứt… song không hề biết đây là dấu hiệu sớm của u tuyến yên để điều trị đúng thời điểm. “Chúng tôi đã phẫu thuật lấy khối u qua mũi, hiện bệnh nhân đã bình phục, được chuyển sang BV Bạch Mai điều trị tiếp bệnh tiểu đường”, bác sĩ Xuân cho biết.

Hiện các bác sĩ có thể mổ nội soi lấy khối u từ 5cm trở lại qua đường tự nhiên. Nhưng khối u có tái phát hay không tùy thuộc vào việc có lấy hết được khối u khi phẫu thuật và tùy thuộc cơ địa bệnh nhân. Tuy nhiên, với những bệnh nhân đã được điều trị, hiệu quả rất đáng kể.

Do vị trí mổ đặc biệt nên các bác sĩ sử dụng những vật liệu đặc biệt để hàn gắn khối u, như dùng niêm mạc mũi hay mỡ ở đùi để gắn những vị trí được mở để lấy khối u. “Những vị trí được dán chỉ vài ngày sau là tự cơ thể biến đổi để làm liền lại chỗ được mở. Cơ thể con người kỳ diệu như vậy”, bác sĩ Xuân nói.

Bác sĩ Xuân cho biết khi còn trẻ, anh không tưởng tượng có ngày sẽ thực hiện đường mổ qua mũi và miệng, nhưng sự phát triển của kỹ thuật y khoa và sự hỗ trợ của thiết bị đã đưa đến những phương pháp điều trị rất mới, rất hiệu quả.

So với phương pháp thông thường (mổ mở) thì mổ nội soi qua lỗ tự nhiên hạn chế phải mở não tìm khối u, các vị trí cần mở rất nhỏ, thời gian lành bệnh nhanh hơn và cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn. Điều này rất có ý nghĩa khi 90% khối u tuyến yên có thể phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên.

Tuy nhiên theo bác sĩ Xuân, hiện không có nhiều phẫu thuật viên có thể phẫu thuật bằng phương pháp này, chỉ những bác sĩ thành thạo kỹ thuật mổ nội soi, vi phẫu và nhiều kỹ thuật khác cùng với sự hỗ trợ của thiết bị mới thực hiện được.

Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng giải thích lý do vì sao cần nối mạch điều trị. Ảnh: L.ANH
Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng giải thích lý do vì sao cần nối mạch điều trị. Ảnh: L.ANH

Bệnh nhân có thể nghe tiếng máy khoan sọ lúc đang mổ

Đã có một số ca mổ não được phẫu thuật bằng hình thức “mổ thức tỉnh” tại BV Hữu nghị Việt Đức thời gian qua. Một trong những bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này là ông C.Q.C., 56 tuổi, ở Đồng Hới (Quảng Bình). Ông C. cho biết thời điểm gần với ca mổ ông bắt đầu có cảm giác tê bì ở tay trái, khó vận động, hầu như không cầm nắm được đồ vật, thỉnh thoảng bước đi hay bị lảo đảo.

Các bác sĩ phát hiện ông C. có khối u 2,3 x 3,6cm ở não, giới thiệu với ông phương pháp “mổ thức tỉnh” và bệnh nhân đồng ý. Trong 3 giờ diễn ra ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh 2/3 thời gian (thời gian đầu cuộc mổ), vẫn nói và hát được.

Những biểu hiện ấy nhằm giúp cảnh báo bác sĩ nếu cắt vào dây thần kinh ngôn ngữ hoặc thần kinh vận động. Trái với nhiều trường hợp sợ hãi khi được mổ não lúc đang tỉnh táo, ông C. lại nói ông được “tương tác với bác sĩ” và cảm thấy hào hứng về điều này.

Sau mổ, ông C. cho biết đã nhúc nhắc ngay được các ngón tay trong bàn tay trái mà trước đó bị tê bì, và đã cầm đũa được. Bình thường ông thuận tay trái, khi có bệnh, tay trái của ông trở nên bất lực, không cầm nắm được.

Bác sĩ Đồng Văn Hệ, phó giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức - phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm của phương pháp này, cho biết đây là phương pháp mổ mới, đòi hỏi sự can đảm của bệnh nhân bởi khi mổ bệnh nhân vẫn tỉnh, nghe được cả tiếng máy khoan sọ, tiếng cắt của dụng cụ.

Phẫu thuật nối mạch máu

Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng - phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh 2 (BV Hữu nghị Việt Đức) - cho biết phẫu thuật nối mạch máu là chỉ định có thể sử dụng để can thiệp cho bệnh nhân bị phình mạch máu não hoặc tắc mạch, nguy cơ tai biến.

Trước đây, bác sĩ phải cắt phần bị phình và nối lại, can thiệp từ bên ngoài hoặc can thiệp từ bên trong bằng cách chặn mạch máu lại. Đây là hai cách phổ biến nhất. Nhưng với những bệnh nhân có nhiều túi phình hoặc túi phình to, cả hai phương pháp trên đều không có giá trị, trong khi vẫn cần loại bỏ túi phình và giữ được các mạch máu.

“Khi đó chúng tôi sẽ nối mạch, vừa để xử trí về chuyên môn, vừa tiết giảm chi phí điều trị do nút những túi phình lớn, có thể tốn đến hàng trăm triệu đồng. Việc nối mạch điều trị là lựa chọn cứu cánh. Những bệnh nhân thiếu máu não tiến triển, mạch trong não ngày càng hẹp gây thiếu máu não, nguy cơ đột quỵ, gây yếu, liệt, trí nhớ giảm sút, động kinh… Khi đó chúng tôi cũng sử dụng phương pháp nối mạch não, tăng cường máu lên não, nhưng chỉ định này ít hơn giải quyết túi phì khổng lồ như trên”, bác sĩ Hùng nói.

Một chỉ định khác giờ đây được biết đến nhiều hơn: bệnh có cơ chế giống thiếu máu não tiến triển, chủ yếu gặp ở người trẻ. Vì hẹp mạch nuôi nên cơ thể tự sản sinh ra một mạch mới khác đi đến vùng thiếu máu não.

Trong quá trình đó, mạch máu này yếu nên nguy cơ có thể vỡ. Khi đó có hai trường hợp xảy ra: trường hợp thứ nhất gặp nhiều ở trẻ em, do vùng đó cần nhiều máu nhưng mạch này non yếu (vì bệnh nhân là trẻ em) nên có thể vỡ.

Trường hợp thứ 2 gặp ở người lớn tuổi hơn, do mạch máu không đủ dẫn đến tình huống mạch tân tạo đó không cung cấp đủ máu dẫn đến đột quỵ. Khi bác sĩ nối mạch cung cấp đủ máu, mạch tân tạo sẽ yếu dần đi, mất đi, nguy cơ với bệnh nhân cũng ít đi.

“Phương pháp mổ nối mạch đã từng làm tại BV Hữu nghị Việt Đức từ nhiều năm qua nhưng trước đây điều kiện khó khăn, những vật tư như chỉ cỡ cực nhỏ để khâu mạch não không đủ để thực hiện thường quy. Gần đây chúng tôi tiếp tục thực hiện phương pháp này, khi điều kiện đủ hơn”, bác sĩ Hùng nói.

Túi phình lớn của động mạch não, để nút cái túi phình này chi phí khoảng 500 - 600 triệu đồng. Ảnh: CTV
Túi phình lớn của động mạch não, để nút cái túi phình này chi phí khoảng 500 - 600 triệu đồng. Ảnh: CTV
Nối một cái mạch ở ngoài vào trong, tạo một đường mới đưa máu lên trên não (giá vài chục triệu đồng), sau đó thắt cái túi kia đi. Ảnh: CTV
Nối một cái mạch ở ngoài vào trong, tạo một đường mới đưa máu lên trên não (giá vài chục triệu đồng), sau đó thắt cái túi kia đi. Ảnh: CTV

Kỹ thuật này cần sự phối hợp của nhiều bác sĩ (bác sĩ phẫu thuật tim mạch, bác sĩ phẫu thuật thần kinh), gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, các phẫu thuật viên lấy một mạch máu ở chân, nối từ cổ rồi luồn dưới da, nối vào mạch trong não. Bác sĩ ngoại tim mạch sẽ lấy phần mạch ở chân, bác sĩ ngoại thần kinh làm bước tiếp theo là nối phần cổ lên não.

Giai đoạn 2 là lấy mạch ở dưới da đầu, mở ra và cắm thẳng vào mạch trong não. Kích thước của mạch máu não khoảng 1mm, khi nối bác sĩ sẽ khâu bằng loại chỉ rất nhỏ (tương đương loại chỉ 4.0, con số này càng cao lên thì cỡ chỉ càng nhỏ).

Riêng loại chỉ khâu mạch máu não là chỉ 10.0. Vài năm trước, thế giới ít sử dụng phương pháp này và thay bằng can thiệp mạch, nhưng sau một thời gian thấy can thiệp mạch có tỉ lệ tái phát cao, họ bắt đầu quay lại phương pháp nối mạch.

Trước đây khi bị can thiệp vào não, bệnh nhân rất e ngại ảnh hưởng đến trí nhớ và chất lượng sống về sau. Nhưng bác sĩ Hùng khẳng định: “Nối mạch không ảnh hưởng đến trí nhớ, bởi để nối mạch chúng tôi cần “khóa” không để máu trong lòng mạch (như khóa ống nước).

Bình thường chúng tôi nối một miệng nối trong 13 phút với 12-14 mũi, có nghĩa là 1 phút cho một mũi khâu. Nhìn chung thế giới cũng tương đương con số này, trong khoảng 15 phút, đây là khoảng thời gian vàng. Ông thầy tôi ở Nhật có thể nối trong vòng 11 phút. Để nối được thì chúng tôi phải ngừng cấp máu cho mạch máu đó; về lý thuyết, thời gian càng ngắn, tái cấp máu càng sớm thì càng ít biến chứng”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận