Nhất địa bất lưỡng vương?

DANH ĐỨC 22/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp trực tuyến Tập Cận Bình - Joe Biden đầu tuần này diễn ra ngay sau khi ông Tập được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc long trọng tôn vinh là “đóng vai trò lịch sử”, và Trung Quốc đang đắc thắng trên mặt trận COVID cũng như kinh tế toàn cầu, còn đối thủ Biden lại yếu thế hơn bao giờ hết, cả trong cuộc chiến chống COVID lẫn chính trị nội bộ và quốc tế.

8h50 sáng thứ ba 16-11, tờ China Daily, cổng thông tin đối ngoại của Trung Quốc, đăng bài “Ông Tập nhấn mạnh đến mối quan hệ vững chắc Trung - Mỹ trong cuộc gặp trực tuyến với Biden”. 

Cách hành văn quen thuộc của báo chí nhà nước Trung Quốc vẫn vậy, che bớt những lấn cấn, không nói tới, hoặc nói chệch qua một bên. 

Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021 và nó đã kéo dài hơn dự kiến, kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận kín trực tuyến. 

Ảnh: Asia Nikkei Review

 

Phái đoàn Trung Quốc gồm ông Tập, Phó thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường. 

Phía Mỹ có Tổng thống Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

Quan hệ song phương, theo Trung Quốc

Những năm qua, một vấn đề mới đã và đang “đè nặng” tâm trí các thủ đô ở Đông Nam Á và nhiều nước khác: làm sao yên ổn trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ? 

Đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tỉ như tập thể tác giả báo cáo “Cạnh tranh Trung Quốc - Hoa Kỳ: Đo lường ảnh hưởng toàn cầu” của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council). 

Cuộc cạnh tranh này, cho tới thời điểm công bố báo cáo là tháng 5-2021, đã hoàn toàn khác trước, khi thế giới đang chìm trong đại dịch: “... Ảnh hưởng của Trung Quốc đã lấn chiếm hoặc thay thế các nước phương Tây ở mọi vùng địa lý. 

Gần đây, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ này, với việc các đối tác mới và hiện có ngày càng tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Nhận định trên tuy khác về ngôn ngữ, về bản chất có thể nói không khác nhận định trong thông cáo của Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX vừa kết thúc hôm 11-11: 

“Đảng và nhân dân đã cho thế giới thấy rằng người Trung Quốc không chỉ có khả năng phá bỏ thế giới cũ mà còn có khả năng xây dựng thế giới mới”.

Điều này cũng thể hiện trong cuộc gặp trực tuyến Tập - Biden hôm 16-11 mà China Daily đưa lại rất “kiệm lời” song lọn nghĩa, theo đó Trung Quốc không muốn “hất” Mỹ, mà muốn “quan hệ vững chắc” để cùng nhau đối phó các tai ách toàn cầu: 

“Quan hệ song phương vững chắc là công cụ để tìm ra cách ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19”.

Trong cố gắng đưa ra hình ảnh “hữu hảo”, China Daily thuật lại việc ông Tập khuyên ông Biden: 

“Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác, mỗi bên điều hành tốt các công việc trong nước, đồng thời gánh vác các trách nhiệm quốc tế và cùng nhau nỗ lực để thúc đẩy sự nghiệp cao cả của hòa bình và phát triển thế giới”.

Dưới ngòi bút của China Daily, cuộc nói chuyện trực tuyến hóa thành một màn “hút tẩu thuốc hòa bình” và “chôn lưỡi rựa chiến tranh” (kiểu người da đỏ với người da trắng). 

Bắc Kinh rất ý thức rằng truyền thông thế giới chăm chú nhìn vào cuộc nói chuyện này, rồi đồn đoán đủ thứ, bình luận đủ kiểu, nên đã tính toán cách tiếp cận cho ông Tập, cũng như câu chữ trong từng phát biểu đều đầy vẻ như hòa hoãn, không tạo hình ảnh địch thủ mới nay đòi tranh quyền.

Ghi chép các phát biểu lần lượt của hai ông Biden và Tập khi gặp nhau qua màn hình, trước khi họp kín, mà Nhà Trắng công bố cho thấy nội dung và cách hành văn hai bên hoàn toàn khác nhau. 

Ông Tập tỏ vẻ hòa hoãn, ông Biden nhất mực ra vẻ “cạnh tranh”. Điều trớ trêu là cả hai có khi đều đang “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức kẻ muốn cạnh tranh thì tỏ ra hòa hoãn, kẻ muốn hòa hoãn lại phải làm ra vẻ “hổ báo”!

Quan hệ song phương, theo Mỹ

Đó cũng là một cuộc đụng độ giữa hai hệ thống văn hóa. Trong khi ông Tập ra sức “dĩ hòa vi quý” rặt “Á Đông”, thì ông Biden lại cố bày bộ dạng “thẳng ruột ngựa” Tây phương. 

Bản ghi chép của Nhà Trắng rất đầy đủ, ai nói gì, ghi lại bấy nhiêu, không biên tập. Không rõ ông Biden có vướng mắc gì về những đồn đoán trong quan hệ cá nhân ông với Trung Quốc, đặc biệt là vai trò của cậu quý tử Hunter, vốn rầm rĩ trước, trong và cả sau cuộc bầu cử vừa rồi, mà ông tỏ ra “cương” như thế? 

Ví dụ, ông đe: “Tôi mong muốn có một cuộc thảo luận trung thực, thẳng thắn như tất cả các cuộc thảo luận mà chúng ta đã có cho đến nay”.

Ai nghi kỵ sẽ thắc mắc không biết trước kia, khi còn là phó tổng thống qua thăm Trung Quốc, ông Biden có nói gì khác với ông Tập, lúc đó là nhân vật số hai ở Bắc Kinh? 

Phải để ý tới cử tri trong hoàn cảnh tín nhiệm đang xuống thấp, ông Biden dành nhiều câu chữ cho việc giải thích: “Tôi nghĩ rằng, như tôi đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới khác khi họ hỏi về mối quan hệ của chúng ta, điều rất quan trọng là chúng ta từng luôn trao đổi với nhau - người này với người kia - một cách rất trung thực và thẳng thắn”.

Trong khi ông Biden lặp đi lặp lại không ngớt các từ “thẳng thắn”, “trung thực”, thì theo kịch bản chọn sẵn, ông Tập không một lần dùng những từ ngữ này. Đồng thời, ông Biden, trước mặt báo chí, còn nói tới nói lui chữ “cạnh tranh” (cũng là điều ông Tập không hề nhắc): 

“Như tôi đã nói trước đây, đối với tôi, trách nhiệm của chúng ta, với tư cách lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ, là đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia chúng ta không trở thành xung đột, dù chủ ý hay vô tình. Chỉ là cạnh tranh đơn giản, thẳng thắn”.

Có thể nói nếu đây là một cuộc đả lôi đài, thì ông Tập đã xài chiêu lăng ba vi bộ, trong khi ông Biden cứ hùng hục với ngón la hán thần quyền: đeo găng đấm tới tấp, thậm chí muốn tỏ ra ấn định “luật chơi”: 

“Theo tôi, chúng ta cần thiết lập một số sự đề phòng thường tình, hãy rõ ràng và trung thực về những điều mà chúng ta không nhất trí, và hợp tác khi lợi ích của chúng ta giao cắt, đặc biệt là các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu”.

Nhưng không như ông Tập, ông Biden không thể né tránh những bất đồng song phương mà ông, với tư cách lãnh đạo nền dân chủ Mỹ, có trách nhiệm phải nói ra: 

“Chúng tôi có trách nhiệm với thế giới, cũng như với người dân của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng - ngài và tôi từng nói về điều này - tất cả các quốc gia đều phải hành xử theo cùng một quy tắc... Tôi chắc chắn rằng hôm nay chúng ta sẽ thảo luận những lĩnh vực mà chúng ta quan tâm - từ nhân quyền, kinh tế đến đảm bảo một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”.

Về phần mình, ông Tập không nêu vấn đề cụ thể nào trong tuyên bố công khai, mà chỉ thể hiện lập trường: “Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi... Tôi sẵn sàng hợp tác với ngài, thưa ngài tổng thống, để xây dựng sự đồng thuận, thực hiện các bước đi thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ tiến triển theo chiều hướng tích cực”.

Công nhân làm việc trong một nhà máy giao nhận ở Bắc Kinh. Thương mại là một trong những khúc mắc chính của quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Getty Images

 

Vướng mắc

Đến giờ nội dung cuộc đối thoại trực tuyến thật sự hơn ba tiếng đồng hồ sau đó vẫn được giữ kín, nhưng báo chí hai bên, cho tới tận một ngày trước cuộc họp, đã không ngớt tung ra những “quả bóng” dư luận, báo trước những gì còn vướng mắc. 

Sáng thứ hai 15-11, trong danh sách bài đọc nhiều nhất (gồm 6 tựa báo) của nguồn tin đối ngoại hàng đầu Trung Quốc Global Times có đến hai bài cùng một vấn đề: Ở vị trí số 2 là “Câu hỏi Đài Loan đứng đầu cuộc gặp Tập - Biden” và số 6 là “Bỏ chuyện “Đài Loan ly khai” là chìa khóa để Trung Quốc, Hoa Kỳ quản lý cuộc cạnh tranh: Xã luận của Global Times”. Coi như “điều kiện sách” đã được đưa ra.

Xin mở ngoặc đơn: Bài được đọc nhiều nhất là: “Kế hoạch triển khai tên lửa Brahmos của Ấn Độ làm tăng căng thẳng biên giới, song không có đe dọa gì hiện tại: quan sát viên”. 

Các bài còn lại là “Ấn Độ giương cơ bắp ở biên giới cho thấy tâm lý thua cuộc”, “Châu Âu đang phải trả giá đắt cho sự thiếu hiểu biết và ngoan cố”, và “Máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến L-15 của Trung Quốc được trưng bày tại Dubai Airshow, phản ánh sự chú ý của quốc gia đối với thị trường vũ khí Trung Đông”. 

Có thể thấy mặt trận tuyên truyền đối ngoại trên Global Times vào buổi sáng thượng đỉnh Trung - Mỹ là cả một cuộc bài binh bố trận kỳ công!

Tất nhiên, ngoài Đài Loan, còn nhiều vấn đề khác mà hai bên đang hục hặc, cần “nói chuyện”, như Hong Kong, thuế má và thương mại, và cả những chuyện mà cuộc họp báo trực tuyến trước thượng đỉnh không đề cập, như Biển Đông.

Khác biệt tư thế

Phải nói là ông Tập “phó hội” trong một vị thế mà chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào trước kia từng có. Suốt bốn thế hệ lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc chưa bao giờ ở vị thế “đồng đẳng” với Hoa Kỳ như hiện giờ. 

Những thời đó, tùy tình hình cụ thể, họ vẫn phải nhờ cậy Hoa Kỳ nhiều chuyện, hoặc để chống Liên Xô, hoặc để mở cửa, cải cách kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa...

Cần nhắc, trong thông cáo về hội nghị 6 nói trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chia lịch sử 100 năm qua thành 4 thời kỳ với những nhiệm vụ chính khác nhau: 

Thời kỳ cách mạng dân chủ mới; 

Thời kỳ xây dựng và cách mạng xã hội chủ nghĩa (đều là thời Mao); 

Thời kỳ cải cách, mở cửa và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (gộp cả ba thời Đặng, Giang, và Hồ); 

Và thời đại mới của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, từ Đại hội XVIII, tức khi ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm quyền.

Thông cáo của hội nghị 6 tập trung nói đến việc ông Tập là người sáng lập chính của “Tư tưởng Tập Cận Bình” về “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, và đánh giá đây là “Chủ nghĩa Marx - Trung Quốc đương đại, chủ nghĩa Marx thế kỷ XXI, là tinh hoa thời đại của văn hóa Trung Quốc và tinh thần Trung Quốc, thực hiện được một bước nhảy vọt mới trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Marx”. 

Đánh giá như thế, hội nghị đã đặt “Tư tưởng Tập Cận Bình” ngang với “Tư tưởng Mao Trạch Đông” trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Hội nghị cũng đánh giá ông Tập là “hạt nhân lãnh đạo” đã “thúc đẩy đạt được những thành tựu và thay đổi lịch sử trong sự nghiệp của Đảng và đất nước”, để rồi kết luận: “Dân tộc Trung Hoa đã mở ra một bước tiến nhảy vọt vĩ đại từ chỗ đứng lên, trở nên giàu có rồi hùng mạnh”. 

Hội nghị cũng cho rằng lịch sử 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân đảng này, chủ nghĩa Marx, nhân dân Trung Quốc, vận mệnh và lịch sử Trung Quốc, mà còn “ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử thế giới”, “mở ra con đường hiện đại hóa cho các nước đang phát triển”.

Thông cáo của hội nghị đánh giá công tác đối ngoại: 

“Chúng ta có nền ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc tiên tiến trên tất cả các mặt... Trung Quốc đã tạo ra nền tảng mới trong nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh toàn cầu có những thay đổi sâu sắc và biến khủng hoảng thành cơ hội trong bối cảnh tình hình phức tạp trên trường quốc tế. Những nỗ lực này đã dẫn đến sự gia tăng rõ rệt ảnh hưởng quốc tế, sức hấp dẫn và sức mạnh định hình của Trung Quốc”.

Vị thế ông Tập nay được củng cố thêm một bước nữa, ba năm sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 3-2018 đề xuất sửa đổi hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước, đồng nghĩa ông có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2022, khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc. 

Sự thống nhất toàn Đảng, toàn Quốc hội với vai trò lãnh đạo của ông Tập tạo ra một ưu thế “tự nhiên” so với ông Biden, vốn đang ngập đầu trong đấu đá nội bộ trên nghị trường Mỹ.

Trong khi ông Tập không còn phải nghĩ ngợi gì chuyện “tập trung dân chủ” hay “dân chủ tập trung”, thì ông Biden đang “chết dở” với tàn dư của một thời kỳ Donald Trump hỗn loạn! 

Một năm hơn sau cuộc bầu cử tổng thống, ngay trước cuộc họp thượng đỉnh, thăm dò của The Washington Post/ABC cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Biden đang là thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ, chỉ 41%, và chỉ 38% tán thành chính sách kinh tế của ông. 

Rồi đúng hôm hai ông Tập - Biden gặp nhau, Hãng tin Mỹ Bloomberg loan tin trong năm 2020, giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới đã tăng lên đến 514.000 tỉ USD, so với 156.000 tỉ USD vào năm 2000; trong đó, Trung Quốc chiếm gần một phần ba mức tăng. Từ chỉ 7.000 tỉ USD vào năm 2000, đến năm 2020, khối tài sản của Trung Quốc đã vọt lên 120.000 tỉ USD, vượt qua chính Mỹ.

Thời kỳ căng thẳng

Báo chí Mỹ chưa tới mức gọi mối quan hệ song phương với Trung Quốc là cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng nhiều hãng tin, như The New York Times, đã nói về một “Thời đại căng thẳng” (Tension Era) giữa hai nước.

Bản thân chính quyền Biden cũng nói việc xử lý quan hệ Trung - Mỹ sẽ là “thách thức địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 21”. 

Hai siêu cường thực sự đang cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu, từ kinh tế, công nghệ tới quân sự, trên bộ, trên biển và ngoài không gian. Nhưng không giống cuộc đối đầu Xô - Mỹ trước kia, Trung Quốc và Mỹ cũng là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Về địa chính trị, câu hỏi số một trong thế kỷ này có lẽ là ai sẽ áp đảo ở Thái Bình Dương. Mỹ đã thể hiện ưu thế vượt trội trên đại dương lớn nhất thế giới suốt từ sau Thế chiến II, một thực tế mà Trung Quốc không dễ dàng chấp nhận. 

Chính quyền Biden đã ráo riết mở rộng liên minh của Mỹ với Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác. Trọng điểm của khu vực và mối quan hệ song phương sẽ là vấn đề Đài Loan. 

Hồi tháng 10, khi được hỏi Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan không, ông Biden đã nói thẳng: “Có, chúng tôi có một cam kết như vậy”, dù sau đó Nhà Trắng nhanh chóng khẳng định tuyên bố đó không phản ánh sự thay đổi lập trường “nửa trắng nửa đen” xưa nay của Mỹ về hòn đảo này.

Về kinh tế, chính sách trừng phạt thời Trump đã được ông Biden duy trì, dù các kinh tế gia coi đó là một sự thiệt hại cho cả Mỹ, chứ không chỉ Trung Quốc. 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã điều chỉnh để tăng trưởng hướng hơn vào đáp ứng nhu cầu quốc nội, thay vì chủ yếu phục vụ xuất khẩu như trước kia.

Về công nghệ, nhiều gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon đã không hoặc ngừng hoạt động ở Trung Quốc, mới nhất là LinkedIn của Microsoft. 

Dù vẫn còn một số công ty công nghệ hàng đầu Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, như Apple, Tesla, Qualcomm và Intel, tình hình đang ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp. 

Mỹ sợ Trung Quốc đánh cắp công nghệ, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đối xử bất công với các doanh nghiệp của họ, như vụ Tập đoàn viễn thông Huawei gặp đủ thứ rắc rối thời gian qua.

Cuối cùng là vấn đề nhân quyền và dân chủ, với các mối bận tâm chính của Washington hiện là Hong Kong và Tân Cương, mà Trung Quốc bác bỏ là can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận