Phe "áo đỏ" thân Thaksin đến Siem Reap

DANH ĐỨC 14/04/2012 23:04 GMT+7

TTCT - Chính trị có những bất ngờ cười ra nước mắt. Trưa 15-12 năm ngoái, binh sĩ Campuchia còn nã đạn vào một chiếc trực thăng của Thái Lan bị tố cáo đang tìm cách đáp xuống lãnh thổ Campuchia.

Vậy mà cuối tuần này, dự kiến khoảng chục ngàn người Thái phe “áo đỏ” sẽ thong dong qua Siem Reap, gần khu vực tranh chấp, gặp lãnh tụ Thaksin đang lưu vong của họ!

Phóng to
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (hàng đứng, thứ năm từ phải sang) trong trận đấu bóng đá ngoại giao ngày 24-9-2011. Bên phải ông là các dân biểu Jatuporn Promphan và Natthawut Saikua - Ảnh: Bangkok Post

Hôm chủ nhật vừa qua, Theppanom Namlee, một thủ lĩnh phe “áo đỏ” tỉnh Surin (Thái Lan), loan báo đã có khoảng chục ngàn quần chúng ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thuộc các tỉnh Yasothon, Buri Ram, Roi Et và Surin đăng ký thuê xe sang dự lễ hội Songkran mừng năm mới (1) chung của Lào, Thái Lan và Campuchia tại Siem Reap cùng với ông Thaksin và nhiều dân biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền Pheu Thai vào hai ngày 14 và 15-4.

Thaksin đi, chiến sự đến

Dân biểu Jatuporn Promphan tiết lộ Thủ tướng Hun Sen có thể sẽ tham dự sự kiện này, đồng thời cho biết ông Thaksin trước đó cũng sẽ gặp khoảng chừng đó người dân Thái “áo đỏ” đến từ các tỉnh Udon Thani và Nong Khai sát biên giới Lào trong hai ngày 12 và 13-4 (2). Theo dân biểu Jatuporn, sở dĩ ông Thaksin phải đón năm mới ở hai nước láng giềng là “do vụ tiếm quyền bất công năm 2006 đã dẫn đến việc Ủy ban định giá tài sản chĩa mũi dùi vào chỉ mỗi mình ông mà thôi”.

Vụ “tiếm quyền năm 2006” mà dân biểu Jatuporn nói đến chính là vụ đảo chính quân sự ngày 19-6-2006 lật đổ chính phủ tạm quyền Thaksin, giải tán Đảng Thai Rak Thai (TRT) cầm quyền, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cả năm trước đó. Vào tháng 12-2007, một cuộc bầu cử được tổ chức, Đảng Dân chủ thân với quân đội chỉ về nhì với 166 ghế, trong khi Đảng Quyền lực nhân dân (PPP), một đảng quy tụ những người từng theo phò ông Thaksin và Đảng TRT, lại giành được 226/480 ghế, đưa cánh của ông Thaksin về lại quyền hành trong một nội các liên hiệp với thủ tướng là ông Samak Sundaravej (3).

Song nội các này đã sớm rơi vào sự chống đối mãnh liệt, bắt đầu với việc bộ trưởng ngoại giao Noppadon Pattama bị phe đối lập do Đảng Dân chủ đứng đầu tố cáo là vi hiến, là “bán nước”... vì đã ký một thông cáo chung với Campuchia về việc đăng ký ngôi đền Preah Vihear làm di sản thế giới với UNESCO mà không thông qua quốc hội. Những tranh chấp về ngôi đền Preah Vihear đã nổ bùng lên từ đó do sức ép của phe “áo vàng” thuộc Liên minh Dân tộc vì dân chủ (PAD) (4).

Ngay từ cuối tháng 6-2008, GS Thongchai Winichakul, một nhà sử học nổi tiếng ở Thái Lan, đã can gián: “Đem vụ ngôi đền để thổi chủ nghĩa dân tộc bùng lên có thể dẫn đến một thảm kịch lớn hơn nhiều. Về vấn đề biên giới xung quanh đền Preah Vihear, năm 1962 Tòa án quốc tế đã đưa ra một phán quyết giải quyết mà nếu không tuân thủ, các quân nhân có thể chịu tổn thất sinh mạng nặng nề. Chúng ta nên tôn trọng giải pháp đó của tòa án do lẽ Thái Lan không có lý giải yêu sách tốt hơn Campuchia.

Vụ đền Preah Vihear - di sản thế giới đã vượt qua khuôn khổ của những tranh cãi chuyên môn rồi, và đã bị lợi dụng để làm dấy lên ảo tưởng rằng ngôi đền này thuộc về Thái Lan cùng khát vọng làm sống lại yêu sách cũ, mà mục đích là để sản sinh ra hận thù trong chính trường Thái. Phong trào PAD cùng báo chí hậu thuẫn đang làm những việc mà họ đã lên án khi cách đây vài năm, những nhà dân tộc chủ nghĩa Campuchia làm dấy lên một làn sóng kích động chống Thái Lan. Họ đang đùa với lửa một cách vô trách nhiệm” (5).

Những cuộc biểu tình hằng ngày của phe “áo vàng” đã khiến ngoại trưởng Pattama phải từ chức, sau đó đến lượt cả nội các Samak bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sau khi ông Abhisit Vejjajiva của Đảng Dân chủ đối lập lên cầm quyền vào tháng 12-2008, thay thế Đảng PPP trong việc cầm đầu liên minh đa đảng, chiến sự đã nổ ra trong sự thúc ép của phe “áo vàng” (PAD).

Năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng chính trị biến thành bạo động đẫm máu ở thủ đô Bangkok giữa phe “áo đỏ” và Đảng Dân chủ cầm quyền, thì ở khu vực ngôi đền Preah Vihear chiến sự cũng leo thang từ tháng 2 đến đầu tháng 5-2011.

Thaksin trở lại, chiến sự ngưng

Nay khi đảng “hậu duệ” của Đảng PPP là Đảng Pheu Thai giành lại thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 7 năm ngoái, Đảng Dân chủ cáo lui, Đảng Pheu Thai - cánh của ông Thaksin Shinawatra - giành chính quyền, thì chiến sự với Campuchia cũng ngưng. Ngưng thật nhanh như đã từng bùng nổ một cách chóng vánh.

Ngày 3-7 năm ngoái, cử tri Thái đi bầu quốc hội. Sáng hôm sau, Thủ tướng Abhisit từ chức sau khi Đảng Dân chủ của ông thua cuộc với chỉ 159 ghế so với 265 ghế về tay Đảng Pheu Thai, thua nặng nề so với cuộc bầu cử trước (lần đó cũng thua song tỉ số là 173/189 ghế)!

Một tháng sau, bà Yingluck Shinawatra lên giữ chức thủ tướng hôm 5-8 thì chỉ 50 ngày sau, hôm 24-9, một đội bóng nghiệp dư gồm các dân biểu và chính khách phe “áo đỏ” do cựu thủ tướng Somchai Wongsawat làm thủ quân đã bay sang Phnom Penh đá giao hữu với một đội bóng gồm các quan chức Campuchia do Thủ tướng Hun Sen làm đội trưởng. Trên sân Olympic, đội của ông Hun Sen thắng đội của ông Somchai với tỉ số 10-7.

Trước trận đấu và trước 50.000 khán giả, Thủ tướng Hun Sen loan báo: “Cơn ác mộng giữa Thái Lan và Campuchia đã chấm dứt”.

Ly Samreth, một viên chức chính quyền tỉnh Siem Reap, cho biết đã dành một miếng đất rộng 15ha cho việc đón tiếp: “Chúng tôi đang cho hốt rác, dò bom đạn chưa nổ... Chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 40.000 “áo đỏ” Thái Lan sang đây đón năm mới với cựu thủ tướng của họ”.

Con đường dốc dẫn đến ngôi đền Preah Vihear từ phía Thái Lan mới đầu tháng 5 năm ngoái còn đẫm máu, nay lại được mở thật an bình và thành phố Siem Reap lại mở cửa đón mấy vạn người Thái, như thể chưa hề có một phát súng!

Hắc bạch phân minh như áo vàng, áo đỏ?

Câu chuyện không có nghĩa là bản thân chính phủ Abhisit cũng hiếu chiến như một số thủ lĩnh trong phe PAD: có lúc ông bị chính phe PAD đòi từ chức (6). Hoặc phe “áo vàng” hay “áo đỏ” là “thiên thần” hay “ác quỷ”. Nhân vật dân biểu Jatuporn Promphan nêu tên từ đầu đến cuối bài được một website Pháp chuyên quan sát châu Á mô tả như sau: “Jatuporn Promphan, biệt danh là “Thu”... tốt nghiệp công chánh Đại học Kỹ thuật Dusit, còn có một bằng cử nhân chính trị Đại học Ramkhamaeng.

Ở đấy, Jatuporn nổi lên như một lãnh tụ sinh viên. Rời đảng này sang đảng khác, trước khi theo Đảng Thai Rak Thai, do quan tâm đến nhiều vụ làm ăn đất đai và tài nguyên mà sau này trở thành bí thư của phụ tá bộ trưởng nông nghiệp trước khi lên làm bộ trưởng tài nguyên và môi trường trong chính phủ Thaksin” (7).

Ngay cả ông Thaksin vẫn còn vướng mấy bản án tham nhũng và đào tẩu chưa biết giải quyết ra sao. Đảng cầm quyền cố đòi ân xá, phe đối lập không chịu. Cựu thủ tướng Abhisit liên đới trong một cáo buộc đảng của ông đã nhận hơn 8 triệu USD từ một tập đoàn ximăng và đã xài “ngoài sổ sách” 900.000 USD tiền trợ cấp của ủy ban bầu cử, hôm thứ bảy tuần trước đã tuyên bố ông và cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban sẵn sàng chấp nhận phán quyết của tòa án mà không xin được ân xá, nếu như ông Thaksin cũng chịu như thế.

__________

(1) http://www.bangkokpost.com/breakingnews/287989/10000-red-shirts-confirmed-to-meet-thaksin
(2) http://www.nationmultimedia.com/politics/Reds-plan-across-border-Thaksin...
(3) Thai general election 2007, From Wikipedia
(4) People’ s Power Party (Thailand), From Wikipedia
(5)
http://www.nationmultimedia.com/2008/06/30/politics/politics_30076876.php
(6) http://www.bangkokpost.com/news/politics/220205/pad-calls-for-an-outsider-to-run-country
(7) http://www.editionsmondialis.com/tag/jatuporn-promphan/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận