Sách, thực tế và sức mạnh của tiền

NGUYỄN VŨ 21/09/2020 19:09 GMT+7

TTCT - Những tưởng bộ sách giáo khoa lớp 1, biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ giảm tải, giảm đầu sách, “học để hành” chứ không nặng nề, “học vẹt” như sách cũ. Nhưng kỳ vọng này chưa được đáp ứng, ít nhất là với bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều, là bộ sách mọi người có thể tiếp cận trên trang web của nhóm.

??
 

Không nhất thiết phải có sách “Giáo dục thể chất”, “Âm nhạc”, “Mỹ thuật”

Trong 8 môn học của lớp 1, có ít nhất 4 môn học không cần thiết phải biên soạn thành sách như “Giáo dục thể chất”, “Mỹ thuật”, “Âm nhạc” và “Hoạt động trải nghiệm”. Lấy ví dụ môn Giáo dục thể chất, chúng ta hình dung đến giờ học các môn này, học sinh sẽ được bày cách tập thể dục, xếp đội hình hoặc chơi các môn thể thao như đá banh, kéo co đơn giản.

Thế mà vì cố soạn thành một cuốn sách giáo khoa gần 100 trang nên sách mới có các bài như “Bài 18: Làm quen dừng bóng bằng gan bàn chân” hoặc “Bài 15: Các hoạt động vận động phối hợp của cơ thể”.

Cái này rõ ràng là đi ngược tinh thần “học để hành” vì có khả năng học sinh sẽ đọc được, thậm chí thuộc câu này nhưng không làm được hay không có cơ hội làm thường xuyên.Khổ quá, các em lớp 1 còn tập đánh vần từng chữ, bắt các em đọc những nội dung này làm gì? Giờ học, thầy cô hướng dẫn, làm mẫu, các em làm theo, là xong. Tại sao in thành sách những “kiến thức mới” như trong bài “Vặn mình”: “Chân trái bước sang ngang rộng bằng vai, hai tay dang ngang, bàn tay ngửa”.

Vô lý hơn nữa là cuốn “Mỹ thuật”. Chúng ta cũng hình dung với môn mỹ thuật, các em sẽ được học vẽ, tô màu, nặn tượng, quan sát các bức tranh, nhận xét màu sắc. Thế nhưng cũng như cuốn “Giáo dục thể chất”, để soạn thành sách giáo khoa, các tác giả đã đưa vào sách những điều hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi các em.

Ví dụ “Chủ đề 3: Sự thú vị của nét”, chúng ta hình dung các em phải làm gì, học gì, suy nghĩ gì? Hay với “Chủ đề 4: Sáng tạo với chấm, nét, màu sắc”, rõ ràng các tác giả muốn các em học VỀ mỹ thuật chứ không phải học mỹ thuật nữa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh đến chuyện tích hợp nhằm tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý một số môn học, được thuyết giảng rằng “tích hợp cao ở lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”.

??
 

Nếu đúng theo tinh thần này, rất nhiều nội dung của các môn học thể hiện qua bộ sách giáo khoa lớp 1 của nhóm Cánh Diều hoàn toàn có thể gom lại, giản lược mạnh.

Nội dung trên sách của các môn “Tự nhiên và Xã hội”, “Đạo đức”, “Hoạt động trải nghiệm” đều xoay quanh các đề tài chăm sóc bản thân, sinh hoạt gia đình, nội quy trường lớp... sao không gom chúng lại thành những câu chuyện mà học sinh có thể kể, đóng kịch, nhất là những câu chuyện dạy cho các em cách bảo vệ bản thân trước những rủi ro tai nạn, kể cả nguy cơ bị xâm hại?

Soạn cho trẻ 6 tuổi khác với viết cho người lớn đọc

Sách giáo khoa lớp 1 khó soạn vì phải viết sao cho các em vừa mới chập chững đánh vần đọc mà vẫn hiểu. Các cuốn sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều đáng tiếc chưa làm được chuyện này. Ví dụ, ngay mới vào bài 1 trong môn Tự nhiên và Xã hội, sách đã viết: “Hãy cùng tìm hiểu về: Thành viên và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình”.

Với các em, những người trong nhà là cha, mẹ, anh chị em, đông hơn thì có ông bà, cô dì... làm sao các em vừa đi học phải đổi những con người quen thuộc đó thành “thành viên trong gia đình”?

Nhân tiện nói luôn là nội dung cuốn này có nhiều chỗ “lợn cợn” như bài 2 về “Ngôi nhà của em” có câu hỏi: “Nhà em có mấy phòng? Trong từng phòng có những đồ dùng gì?”. Đây là loại thông tin có thể gây mặc cảm ở những em nhà nghèo, cả gia đình đang chen chúc trong vỏn vẹn một căn phòng hoặc là dịp cho các em nhà giàu khoe đủ món từ Xbox đến Play Station. Sách không nên có những câu hỏi như thế.

??
 

Sách giáo khoa cho môn Đạo đức có một lời nói đầu “rất người lớn” khi viết sách “nhằm giúp các em học tập, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức xã hội và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, góp phần phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông mới”.

Sẽ có người nói chắc lời nói đầu này dành cho thầy cô giáo hay phụ huynh, chứ đâu nói với học sinh. Không phải, lời nói đầu bắt đầu bằng lời chào “Các em thân mến” kia mà. Viết như thế cho học sinh lớp 1 đang học đánh vần thì thật quá đáng.

Ở đây xin có một đề nghị, môn học này đồng ý là môn Đạo đức nhưng sách hãy ghi tựa đề khác, chẳng hạn như “Sống tốt”. Một năm học các em nhắc đến chữ “Sống tốt” vài chục lần mỗi khi đến giờ học môn này còn quý hơn là các em nói “Đạo đức” mà không hình dung nó là cái gì cả.

Khi đặt tên môn học là “Sống tốt” ắt các tác giả sẽ không sử dụng các từ “đao to búa lớn” như hiện nay, cuối mỗi bài học đều có mục “Vận dụng” hay bài nào cũng nêu “Tình huống”. Sao không tìm cách nói dễ hiểu hơn cho các em như “Chúng ta cùng làm” thay cho “Vận dụng hay “Câu chuyện” thay cho “Tình huống”.

Có những yêu cầu quá sức các em lớp 1 như môn Mỹ thuật đòi các em “Hãy kể tên một số sản phẩm hoặc tác phẩm mỹ thuật mà em biết”, hay trả lời câu hỏi “Những tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật dưới đây thường dùng để làm gì?”.

Trong các cuốn giáo khoa lớp 1 của nhóm Cánh Diều, hai cuốn Toán và Tiếng Việt là chỉn chu nhất, nhưng với cuốn Tiếng Việt vẫn có thể góp ý nhiều chỗ. Tinh thần chính của chương trình mới đối với môn Tiếng Việt là dạy các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe để đảm bảo học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn khác.

Phương pháp là làm sao để học sinh từ các từ đã biết nay tập đánh vần để cuối cùng các em bật ra, à, từ này là thế. Nhìn hình con cá, các em đã biết nó là con cá, nhìn vào chữ “cá” các em sẽ tập đánh vần “cờ-a-ca-sắc-cá”.

Thế nên vẽ hình cái “bễ” ngày xưa thợ rèn hay dùng để dạy đánh vần chữ “bễ” thì sai phương pháp rồi. Hầu như các em không còn thấy cái bễ bao giờ, sẽ không có mối liên tưởng như với con cá, cái ca... Loại từ ít dùng đó vẫn rải rác có trong sách.

Sách vẫn còn được biên soạn theo kiểu cũ, không đi từ thực tế, mà cứ khuôn cho đúng với chương trình nên cuốn Tiếng Việt tập 1 toàn là những bài tập đọc rất ngô nghê, không ra tiếng Việt, đọc rất trúc trắc.

Những câu như “Gà có ngô”, “Bố mẹ có cà phê”, “Dì Kế giã giò”... thuộc loại đó. Tại sao không mạnh dạn soạn các câu cho đúng tiếng Việt tự nhiên, nhẹ nhàng, có nội dung dễ nhớ, dễ thuộc để học sinh đọc thuộc kể cả những từ có vần chưa học.

Học vần nào thì in đậm hay in màu từ có vần đó để học sinh chú ý và tập đọc theo hướng dẫn của thầy cô; còn lại sẽ là bài học thuộc lòng, mà hay nhất là lời các bài hát quen thuộc.

??
 

Sách Tiếng Việt lớp 1 đặt mục tiêu học hết mọi vần nên đến tập 2 học sinh phải học các vần rất khó, rất ít dùng, có rất ít từ minh họa. Người lớn chúng ta khi gặp các từ như “Chớp loằng ngoằng”, “Vẽ nguệch ngoạc”, “Chuếnh choáng”, “Trống huếch”, “Khuếch khoác”, “Nguều ngoào” e vẫn còn thấy khó, bắt các em học sinh lớp 1 phải “giải quyết” các vần này e quá sức các em.

Tại sao không tách nó ra đưa lên chương trình lớp 2 hay lớp 3 vì mục đích sau cùng là dạy các em “đọc thông viết thạo” kia mà. Làm sao để học xong các em hài lòng mình hoàn tất bài học, chứ như bây giờ đoan chắc em nào cũng lấn cấn thấy mình học chưa thạo.

Chung quy cũng do tác động của tiền

Xin nói rõ bài này dựa vào bộ sách của nhóm Cánh Diều để viết vì có thể xem toàn bộ các sách ngay trên trang web (sachcanhdieu.com); các bộ sách còn lại chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận.

Thế nhưng phải thú thật suy nghĩ của người viết đã thay đổi: trước đây tôi ủng hộ việc có nhiều nhóm, nhiều nhà xuất bản biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, xem đây là con đường tốt nhất để cạnh tranh cải thiện chất lượng sách ngày càng tốt lên.

Nhưng với tình hình thực tế, khó mà tránh được suy nghĩ rằng có lẽ tốt nhất nên tập trung vào làm một bộ sách chính thức mà thôi, ít nhất là cho cấp tiểu học.

Lý do là bởi cạnh tranh lành mạnh ở đâu không thấy, động lực bán cho được nhiều sách đang làm méo mó thị trường biên soạn sách giáo khoa. Thứ nhất là cố viết sách cho mọi môn, trong khi chỉ cần in bổ sung vài trang kèm với cuốn Tiếng Việt hay cuốn Tự nhiên và Xã hội là đã giải quyết được vài ba môn.

Thử hỏi một em học sinh lớp 1 làm sao tiêu hóa cho hết 1.000 trang sách giáo khoa? Thứ hai là bày ra các loại sách bài tập, sách tham khảo, sách bổ trợ mà phần lớn được biên soạn vội vàng, chất lượng kém. Lớp 1 làm gì phải học đến gần 30 cuốn sách!

??
 

Hiện nay tiền thối lại cho nhà trường, được gọi bằng cụm từ nghe rất kêu là “chiết khấu”, khi bán sách giáo khoa là rất cao, còn bán sách tham khảo thì cực kỳ cao, có thể lên tới 50-60%. Việc lên danh mục sách cho phụ huynh mua bị tác động bởi các khoản hoa hồng này, nên mới có chuyện nhập nhằng giữa sách phải mua và sách không nhất thiết mua.

Với các nhóm biên soạn sách vì là tư nhân nên dễ chi trả thù lao hậu hĩnh cho người viết, thậm chí người tư vấn đến nỗi khi Bộ Giáo dục & đào tạo tìm người tổ chức biên soạn bộ sách riêng thì không chiêu mộ được ai.

Giả thử áp dụng cơ chế “mã nguồn mở” như bên tin học hay cơ chế hợp tác mở như trên Wikipedia, tôi tin chắc sẽ có nhiều bộ óc giỏi sẵn sàng góp sức cùng nhau biên soạn một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh cho cả nước dùng với cam kết số đầu sách ít nhất, không cần thêm sách tham khảo hay sách bổ trợ gì hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận