Sửa hệ thống hay sửa con người?

HẢI MINH 14/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Trong khi báo chí trong nước của Trung Quốc dành sự ủng hộ vô điều kiện cho chiến dịch truy quét tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì truyền thông phương Tây có khuynh hướng tô vẽ đó chỉ là những đấu đá nội bộ.

Biem
Chiến dịch đả hổ diệt ruồi đang tăng tốc. Ảnh: scmp.com

 

Sự thật có lẽ không đơn giản như cả hai bức tranh một màu đó.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, chiến dịch truy quét tham nhũng là trọng điểm chính sách không thể tranh cãi của ông Tập. Hơn 1 triệu đảng viên (trong 88 triệu trên toàn quốc) đã nhận các hình thức kỷ luật khác nhau.

Tới cuối năm 2016, 185 “con hổ lớn” - các quan chức từ cấp phó tỉnh trưởng trở lên với ngạch dân sự và thiếu tướng trở lên với ngạch quân đội - đã bị khai trừ, bắt giữ và đưa ra xét xử.

Mới nhất, ngày 15-7, ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện giờ (53 tuổi), đã bị cách chức bí thư Thành ủy Trùng Khánh “do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.

Hai tuần sau những tin tức đó, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập nói rằng trong khi cuộc chiến chống tham nhũng 5 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, “chúng ta dứt khoát không được tự mãn và lạc quan một cách mù quáng”.

“Giữ nghiêm kỷ luật đảng là một gánh nặng lớn - ông Tập nói - Chúng ta phải coi việc giữ kỷ luật đảng là một nhiệm vụ lâu dài, toàn diện”.

Đặc sắc Trung Quốc?

Trong khi các vụ bắt giữ gây được tiếng vang trên truyền thông và tỏ ra được lòng dư luận, The Atlantic tháng 4-2015 nhận định đó chỉ là một phần của chiến lược rộng lớn cải tổ sâu sắc nền văn hóa chính trị Trung Quốc.

Một trong những quan tâm lớn nhất của ông Tập là tái lập sự lãnh đạo chặt chẽ của đảng. Chính quyền trung ương có thể ban hành các chính sách và pháp luật đúng đắn, nhưng tình trạng phe phái và đấu tranh quyền lực ở mọi cấp khiến nhiều chính sách đúng không thể triển khai.

Tình hình thêm khẩn thiết khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc lớn, mà cải cách đòi hỏi sự tuân phục và một tầm nhìn chung.

Ông Tập như thế đã bắt tay vào một nỗ lực chưa từng có tiền lệ trong thế giới hiện đại: thay đổi con người tạo ra hệ thống nhà nước, thay vì thay đổi chính hệ thống đó.

“Ông có vẻ đặt cược rằng sự thay đổi các đặc điểm đạo đức của giới quan chức sẽ cho phép ông giữ nguyên cấu trúc thể chế nhà nước một đảng” - The Atlantic viết.

Sở dĩ ông Tập có thể tự tin với điều đó là vì sau lưng ông có một nền hành chính và truyền thống cai trị tối thiểu đã 2.000 năm và ở nhiều thời điểm trong lịch sử, là tiến bộ và tinh vi nhất thế giới.

Giống như trong rất nhiều vấn đề khác, có vẻ Bắc Kinh đang mở một cuộc chiến chống tham nhũng mang những “đặc sắc Trung Quốc”.

Báo Mỹ The New York Times ngày 14-10-2014 điểm một bài phát biểu rất quan trọng của ông Tập trong phiên học tập chung của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 13-10, vào lúc cuộc chiến chống tham nhũng bắt đầu tăng tốc - hơn một năm trước đó, “con hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng công an, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, đã bị điều tra.

Tờ báo Mỹ đã nhắc lại rất nhiều điểm trong bài phát biểu mà ông Tập đã viện tới kinh nghiệm nghìn năm triết lý cai trị của văn minh Hoa Hạ. Cụ thể, ông đã nhắc:

“Dân duy bang bản”, trích từ Kinh Thư của Khổng Tử, dân là gốc của nước nhà (còn một vế nữa của câu này nhưng ông Tập không nhắc:

“Bản cố, bang ninh” - gốc vững thì nước yên); “Chính đắc kỳ dân”, Mạnh Tử, chính sự thành là nhờ dân; “Lễ pháp hợp trị”, Tuân Tử, cai trị phải kết hợp cả lễ, tức đạo đức, và pháp, tức pháp luật; “Đức chủ hình phụ”, Đổng Trọng Thư, một triết gia thời Tây Hán mà ông Tập thường hay trích dẫn, cai trị lấy đức làm chủ đạo, hình phạt là phụ...

Tất cả những điểm đó đều là quản trị nhà nước nhấn mạnh vào “nhân trị” - đạo đức của nhà cầm quyền, điều Trung Quốc đã theo đuổi hàng nghìn năm.

Thời kỳ thực dân - thuộc địa, rồi Thế chiến thứ hai, và Chiến tranh lạnh, mà các cường quốc phương Tây đóng vai trò chủ chốt, đã giúp các giá trị phương Tây lan tỏa nhanh, nay đã được nhiều người tin là những giá trị phổ quát của quản trị nhà nước: dân chủ, pháp quyền, pháp trị, tam quyền phân lập...

Nhưng Trung Quốc, với sự vươn lên mạnh mẽ trong vai trò siêu cường kinh tế và quân sự mới, có vẻ đang muốn thiết lập lại triết lý cai trị của họ, mà ông Tập chính là người đại diện, qua cả những gì ông đã nói và làm, với chiến dịch chống tham nhũng là một ví dụ nổi bật.

Câu hỏi đặt ra là văn hóa chính trị ở Trung Quốc như thế nào, và làm sao để thay đổi điều đó? The Atlantic bình luận rằng những tác phẩm của Tuân Tử có thể giúp giải thích cuộc cải cách của ông Tập. Tuân Tử lập luận rằng cai trị tốt không chỉ là áp dụng đúng luật pháp và hình phạt.

Vì rốt cuộc người đưa ra phán xét vẫn là con người, nhất thiết phải nghĩ tới “nhân trị”, tức có những con người ngay thẳng, biết xả thân, nắm giữ các vị trí công quyền.

Nếu mỗi quan chức tự mình hành xử đúng và để đạo đức dẫn lối cho hành động thì một nhà nước và xã hội có trật tự sẽ là kết quả đương nhiên. Không phải là Tuân Tử bác bỏ tầm quan trọng của các thể chế và hệ thống, chỉ là ông đánh giá nó thấp hơn bản thân con người.

Trên thực tế, những nỗ lực xây dựng nhà nước hiện đại ở các vùng ngoại biên của văn minh phương Tây nhìn chung đã khẳng định tư duy của Tuân Tử.

Tòa án độc lập, bầu cử dân chủ, thậm chí pháp quyền không bao giờ là đủ. Để một xã hội thực sự trong sạch, chính đáng, và phát triển, những người cai trị phải chia sẻ các giá trị chung tốt đẹp.

“Từ giữa thế kỷ 20, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển một nền văn hóa chính trị dựa trên tinh thần cách mạng và giải phóng nông dân khỏi giai cấp địa chủ - The Atlantic viết - Là một phần của nền văn hóa này, các đảng viên phải phục tùng mệnh lệnh của đảng...

Tuy nhiên, từ cuộc cải cách những năm 1980, ý thức hệ cộng sản đã xói mòn, và cùng với nó có thể là nền văn hóa phục tùng trong đảng”.

Không ít các tác giả phương Tây, như David Shambaugh trong cuốn China’s Future (Tương lai của Trung Quốc), cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc chỉ là tấn công vào hiện tượng (tài sản quan chức, lợi ích nhóm, bất công xã hội...), thay vì bản chất, mà với họ là phải thiết lập các thiết chế bền vững và lâu dài.

Tuy nhiên, với tư duy kiểu Tuân Tử, thì để bắt đầu, bao giờ cũng cần những con người liêm chính trong nội bộ đảng, tức trước hết cần “chỉnh đốn đảng”, tạo ra những lãnh đạo tuân thủ và có đạo đức, rồi mới nói chuyện xây dựng thể chế.

Đó là lý do tại sao bộ quy chuẩn đảng viên mới của Trung Quốc quy định cụ thể mỗi cấp bậc chức vụ được phép sở hữu bao nhiêu xe hơi, ghi rõ quy mô và giá trị nơi ở của họ, cũng như việc ở cấp bậc nào thì có quyền có vệ sĩ và thư ký riêng...

Cùng với đó là những vụ truy quét tham nhũng lớn, tịch thu tài sản, vạch trần lối sống xa hoa... mà với nhiều nhà bình luận phương Tây bị cho là chỉ mang tính hình thức, hoặc tệ hơn: đấu đá nội bộ.

Nhưng liệu chỉ các cải cách về văn hóa chính trị có thể thay thế được các cải cách thể chế? Nhiều nhà quan sát Trung Quốc, và cả không ít người trong nội bộ đảng, cho rằng những cải cách thể chế vẫn là bắt buộc, dù cho cuộc chiến chống tham nhũng kiểu “nhân trị” có quyết liệt đến đâu.

Tuy nhiên, điều đó hiện giờ là chưa khả thi. Mục tiêu của chính quyền hiện tại thật rõ ràng: áp đặt các tiêu chuẩn về hành xử mới và khiến mọi người phải chấp hành các định chế hiện có.

Bộ máy chống tham nhũng mới

Vào lúc chiến dịch chống tham nhũng bước vào năm thứ 5, tầm quan trọng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) ngày càng rõ rệt. Hơn một nửa các vụ việc đã đi tới kết quả trong quãng thời gian đó là do CCDI thực hiện.

Trung Quốc, với truyền thống của một nền hành chính lâu đời, có thừa những bài học giám sát, thanh lọc và kỷ luật nội bộ trong bộ máy công quyền.

CCDI khiến nhiều sử gia nhớ lại cấu trúc Đô sát viện - cơ quan giám sát tối cao của triều Minh. Dựa theo 13 tỉnh hành chính khu, các hoàng đế nhà Minh chia toàn quốc làm 13 đạo giám sát, định ra 13 đạo giám sát ngự sử gồm 110 người giám sát các quan lại địa phương.

Ngoài ra còn có chế độ ngự sử xuất tuần, tức ngự sử thay mặt hoàng đế đi tuần, tên chính thức là Tuần án ngự sử, tục gọi là Bát phủ tuần án.

Phẩm trật của những người này không cao nhưng quyền lực rất lớn, và hoàn toàn độc lập với các quan lại địa phương.

Ở trung ương, ngang hàng với Đô sát viện là Lục khoa cấp sự trung phụ trách thanh tra - giám sát lục bộ, chưa kể các cơ cấu bí mật như Cẩm y vệ, Đông - Tây xưởng.

Hoạt động của CCDI, vì thế, có tính kế thừa sâu sắc. Trong vài năm qua, đội ngũ của cơ quan này đã được tăng gấp đôi về nhân sự, với 100 đoàn kiểm tra mới được thành lập ở cấp tỉnh - một cơ chế không khác nhiều với tổ chức tuần án của hơn 500 năm trước.

Tân Hoa xã cho biết về cách thức hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra CCDI qua một bài giải thích ngày 29-10-2013.

Theo đó, khi đoàn kiểm tra tới một đảng bộ hay đơn vị chính quyền, việc đầu tiên là họ công khai thông tin liên lạc và lắp một hòm thư góp ý, khuyến khích các cá nhân có thông tin về tham nhũng và vi phạm kỷ luật trong đơn vị báo cáo thông qua thư từ, các cuộc gọi điện thoại, hoặc gặp mặt trực tiếp.

Đoàn kiểm tra cũng sẽ tiến hành thẩm vấn cá nhân với các quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức, nhất là những người nắm quyền lãnh đạo đơn vị.

Họ còn xem xét hồ sơ, chứng từ sổ sách, tham gia các cuộc họp và phân phát bản câu hỏi ở đơn vị. Nếu cần, đoàn kiểm tra sẽ đưa vào các đơn vị khác với chuyên môn cần thiết nhằm hỗ trợ họ.

Nhưng ngay cả CCDI cũng là chưa đủ. Tháng 3-2017, Trung Quốc tiến hành cải tổ lớn với bộ máy chống tham nhũng:

thành lập Ủy ban Giám sát toàn quốc (NSC), với thẩm quyền rộng hơn CCDI và kết hợp nhiều cơ quan làm công tác thanh tra, kiểm tra, thực thi pháp luật, bao gồm CCDI, Bộ giám sát thuộc Quốc vụ viện (tương đương Thanh tra Chính phủ ở Việt Nam), Cục Phòng chống tham nhũng...

NSC, dự kiến cũng do ông Vương Kỳ Sơn - chủ nhiệm CCDI - đứng đầu, có quyền tiến hành điều tra, bắt giữ nghi phạm, phong tỏa tài sản, thu thập bằng chứng, truy tố hoàn toàn ngoài hệ thống tòa án và công tố bình thường của Trung Quốc.

Hiện mới được thí điểm ở Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang, cơ cấu NSC dự tính sẽ được mở rộng ra toàn quốc vào tháng 3-2018, theo Tân Hoa xã.

Tuy nhiên, dù quyền hạn lớn, hoạt động của cơ quan mới “vẫn là không khả thi nếu không có sự lãnh đạo của đảng”, theo lời ông Ngô Ngọc Lương - phó chủ nhiệm CCDI, vào tháng 1-2017. “Sự lãnh đạo của đảng là vấn đề nguyên tắc, không thể gọt chân cho vừa giày” - ông Ngô nói.

Tony Kwok, một cựu phó chủ nhiệm Ủy ban độc lập chống tham nhũng Hong Kong (ICAC), trong một bài viết trên South China Morning Post ngày 26-1-2017 đã đặt câu hỏi:

“Liệu Trung Quốc có thể trở thành câu chuyện chống tham nhũng thành công tiếp theo sau Hong Kong và Singapore?”, và trong khi chào đón sự ra đời của cơ quan mới, ông Kwok nói tính độc lập luôn là điều quyết định đầu tiên cho thành công của một tổ chức như thế.

Với triết lý nhân trị, CCDI cũng đã thiết lập các đơn vị thanh tra kiểm tra nội bộ. Mới đây nhất, CCDI thông báo ngày 2-8 rằng họ đã thi hành kỷ luật nội bộ với Zhang Huawei (Trương Hóa Vị), một quan chức cấp thứ trưởng, vì lạm dụng chức vụ và nhận hối lộ.

Thông cáo báo chí của CCDI nói Trương đã “đánh mất lý tưởng và niềm tin”, và hủy hoại danh tiếng của ủy ban.

Trước nữa, ủy ban còn tổ chức cho ghi hình và phát một phim tài liệu ba kỳ trên truyền hình những nỗ lực làm trong sạch bộ máy của họ, với tựa đề “Để luyện thép thì phôi phải mạnh”.

Dẫu vậy, cuộc cải tổ và những nỗ lực của CCDI - trong mắt những người ưu tiên xây dựng thể chế - vẫn không bao giờ là đủ.

Giáo sư Dan Hough của Trung tâm nghiên cứu tham nhũng Sussex tại Đại học Sussex (Anh) chẳng hạn, cho rằng rốt cuộc thì các cơ quan phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc dù cấu trúc ra sao vẫn thiếu ba yếu tố then chốt để thành công: tính độc lập, sự hợp tác với các tổ chức dân sự, và sự trao quyền giám sát rộng rãi hơn cho người dân.

Ngay cả đã loại bỏ những nguyên nhân thực dụng và các cáo buộc lẫn nhau ở hai phía thì câu hỏi cuộc cải cách - và luôn đi kèm là cuộc chiến chống tham nhũng - nên bắt đầu từ đâu, con người hay thể chế, luôn là không dễ trả lời, nhất là ở các xã hội phương Đông đã quen với truyền thống nhân trị và mới chỉ du nhập những giá trị phương Tây được không đầy một thế kỷ.

Nhưng có vẻ như hiện giờ giới lãnh đạo Trung Quốc đang rất quyết tâm đi con đường của riêng họ. Kết quả của lựa chọn đó, thật rõ ràng, sẽ không chỉ ảnh hưởng tới một mình Trung Quốc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận